Đổi mới, nâng cao chất lượng việc xây dựng, ban hành nghị quyết của các cấp ủy
Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo toàn xã hội trước hết bằng các nghị quyết của Đảng. Những quan điểm, đường lối lớn, lâu dài được Đảng ta thông qua trong Cương lĩnh chính trị. Đây là đường lối đúng đắn, nhất quán để lãnh đạo đất nước. Để nghị quyết trở thành thực tiễn, Ban Chấp hành Trung ương các khóa gần đây, nhất là khóa XII quyết định chỉ ra những nghị quyết thật cần thiết nên số lượng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, trong thực tế, số lượng nghị quyết của các tổ chức đảng ban hành vẫn còn nhiều. Ngoài nghị quyết của Trung ương còn có nghị quyết của tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, nghị quyết của huyện ủy, thành ủy, đảng ủy xã , phường, thị trấn,... Việc có nhiều nghị quyết dẫn đến công tác quán triệt, học tập đến đảng viên thiếu sâu sắc, đặc biệt tổ chức thực hiện nhiều nơi hiệu quả không cao.
Để khắc phục tình hình trên, cần đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng. Mỗi nhiệm kỳ đại hội Đảng cần đầu tư cao hơn, cụ thể hơn nghị quyết đại hội. Nghị quyết cần định hướng rõ cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng cho toàn khóa. Hằng năm, Trung ương và cấp ủy các cấp chỉ ban hành kế hoạch kiểm tra việc tổ chức thực hiện nghị quyết. Mỗi kỳ họp Trung ương và các cấp ủy chỉ nêu ra một kết luận kỳ họp yêu cầu các tổ chức đảng thực hiện. Trường hợp đặc biệt, khi tình hình thế giới, trong nước có những vấn đề lớn phát sinh chưa dự báo được thì có thể ra nghị quyết để lãnh đạo. Nội dung nghị quyết hoặc kết luận cần thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII: “Nghị quyết phải thiết thực, ngắn gọn, khả thi, phải tính đến cân đối các nguồn lực và điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, thời gian hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp được ghi trong Nghị quyết”.
Đổi mới việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, sơ kết, tổng kết nghị quyết và thể chế hóa nghị quyết để tổ chức thực hiện
Căn cứ vào từng đối tượng đảng viên và đặc điểm tình hình của các đảng bộ để có hướng dẫn việc học tập, quán triệt nghị quyết có hiệu quả. Đối tượng đảng viên là trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy phải được học tập, quán triệt sâu nội dung nghị quyết, đối tượng đảng viên là công nhân, người lao động nhân viên hành chính,... cần học tập, quán triệt cụ thể nội dung các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong học tập, quán triệt nghị quyết, dành nhiều thời gian hỏi - đáp cho đảng viên. Phân công báo cáo viên là những người có kiến thức, trình độ nhận thức sâu sắc nghị quyết và có phương pháp, kinh nghiệm truyền đạt để người học dễ nghe, dễ hiểu, dễ vận dụng sáng tạo nghị quyết vào thực tế cuộc sống. Nghị quyết chỉ có thể được đưa vào cuộc sống khi các nội dung quan trọng của nghị quyết được thể chế hóa thành luật pháp, chính sách (ở cấp Trung ương), được cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án (ở cấp ủy các cấp). Trong phần tổ chức thực hiện của mỗi nghị quyết, phân công và chỉ rõ những nội dung nào, vấn đề nào cần được thể chế hóa, cụ thể hóa. Đây là một thiếu sót lâu nay không ghi rõ trong nghị quyết nên có nghị quyết được Nhà nước thể chế hóa tốt, kịp thời, có nghị quyết thành luật, thành chính sách chậm hoặc không đầy đủ. Thực hiện nghị quyết chủ yếu là các tầng lớp nhân dân, nhưng nhân dân chỉ quan tâm Nhà nước có chính sách, văn bản pháp luật nào mới. Để các chính sách, văn bản pháp luật có hiệu lực phải nâng cao chất lượng văn bản, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, hợp lòng dân. Việc xây dựng và ban hành văn bản pháp luật phải tiến hành đồng bộ, hạn chế thấp nhất việc ban hành luật phải chờ nghị định, nghị định phải chờ thông tư hướng dẫn.
Công tác sơ kết, tổng kết nghị quyết là rất cần thiết, góp phần quan trọng tiếp tục đưa nghị quyết vào cuộc sống. Qua sơ kết, tổng kết để đánh giá, kiểm điểm những việc đã làm được nhằm tiếp tục làm tốt hơn, những việc làm chậm, làm chưa tốt phải làm rõ nguyên nhân để lãnh đạo, chỉ đạo làm có kết quả. Việc sơ kết, tổng kết đều phải làm từ cơ sở lên Trung ương và sau sơ kết, tổng kết đều ban hành kết luận kịp thời để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nghị quyết đó.
Đổi mới công tác kiểm tra góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả thực hiện nghị quyết
Thực tế công tác kiểm tra, giám sát của Đảng vẫn còn không ít những khó khăn, hạn chế. Một số nơi đội ngũ cán bộ kiểm tra vừa thiếu về số lượng, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác. Một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Do vậy, việc đổi mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là cần thiết nhằm góp phần tích cực giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Để thực hiện có kết quả, trước hết cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra, từ tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp bảo đảm có trình độ chuyên môn cao về nhiều lĩnh vực. Đồng thời, phải nắm vững và vận dụng tốt nguyên tắc tổ chức của Đảng, phương pháp công tác Đảng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cấp ủy các cấp phải quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Đảng... Trong xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát, cần chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; lĩnh vực tài chính, đất đai, xây dựng cơ bản, tổ chức cán bộ. Đôn đốc, giám sát, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các kết luận kiểm tra, giám sát.
Từ trước đến nay, các cấp ủy đảng chủ yếu tổ chức kiểm tra theo kế hoạch từng năm, từng nhiệm kỳ và thông báo công khai. Để việc tổ chức kiểm tra có kết quả tốt, ngoài việc kiểm tra theo kế hoạch, các cấp ủy cần tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện nghị quyết ở các cấp, các ngành. Tổ chức các đoàn, các tổ kiểm tra tinh gọn, có nội dung trọng tâm và không báo trước cho đơn vị, địa phương cần kiểm tra. Dành nhiều thời gian khảo sát cụ thể trong nhân dân, ở cơ sở xã, phường, xí nghiệp,... Sau khi khảo sát, kiểm tra cơ sở mới làm việc với tập thể lãnh đạo đơn vị, địa phương để chỉ đạo cụ thể. Làm được như vậy, việc kiểm tra sẽ thực chất hơn, hạn chế bệnh quan liêu, hình thức, lãng phí. Ban Bí thư có văn bản chỉ đạo việc tổ chức các đoàn đi công tác địa phương, các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm để giảm lãng phí và làm việc có hiệu quả, thiết thực. Sau mỗi lần kiểm tra đều có văn bản kết luận rõ và cơ quan chuyên trách phải theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện kết luận đó.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm mạnh hội họp, tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội XII của Đảng xác định, đó là: xây dựng tổ chức bộ máy của toàn bộ hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Thực tế tổ chức bộ máy hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ nét; tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức kết quả chưa cao; thậm chí, có nơi chất lượng bộ máy, cán bộ còn thấp, còn gây phiền nhiễu, tiêu cực, làm mất lòng tin trong nhân dân.
Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp, liên quan trực tiếp đến con người. Vì vậy, cần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên cũng như sự đồng thuận của nhân dân, đặc biệt là nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó là vận dụng vào thực tiễn một cách khoa học, đồng bộ, từng bước.
Lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, ở từng đơn vị, thủ tục nào không cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, cho cấp dưới phải bãi bỏ, nhất là các cơ chế “xin - cho”. Mỗi cơ quan, ban, ngành đều phải thông báo công khai các cơ chế, chính sách, các quy trình, thủ tục cho mọi người dân đều biết. Tất cả các cơ quan có điều kiện phải trang bị và sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin để xử lý công việc nhanh nhất, chính xác nhất.
Việc giảm mạnh hội họp là rất cấp bách trong tình hình hiện nay. Biện pháp để giảm mạnh hội họp bao gồm việc thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước đã ban hành. Đưa chương trình hội họp từng năm, từng tháng vào kế hoạch để cấp có thẩm quyền cho phép, trừ trường hợp đột xuất, cần thiết. Tùy từng nội dung để xác định hình thức họp. Nội dung nào đã có văn bản và đối tượng cần họp chỉ cần đọc là thực hiện được thì không triệu tập họp. Nội dung nào cần thảo luận, tranh luận để kết luận mới cần họp. Có thể họp trực tuyến thay cho họp trực tiếp nếu thấy hiệu quả hơn. Vừa giảm số lần họp, vừa giảm thời gian họp bằng cách gửi văn bản trước, đến hội nghị không đọc văn bản, chỉ gợi ý trao đổi, thảo luận những nội dung trọng tâm, cần thiết. Giảm mạnh hội họp cũng là biện pháp chống lãng phí, tinh giản số lượng lãnh đạo, quản lý./.
Nguồn tin: Tạp chí Cộng sản
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn