Ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, bao gồm 19 điều “cấm” đối với đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hướng dẫn việc thực hiện Quy định này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW ngày 29/11/2021. Theo đó, tại điều “cấm” thứ nhất - “Điều 1. Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”, Hướng dẫn 02-HD/UBKTTW chỉ rõ đảng viên không được: (1). Phát ngôn, trả lời phỏng vấn, viết bài cho báo chí, trang thông tin điện tử (kể cả báo chí nước ngoài), sử dụng không gian mạng để đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin những nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. (2). Thực hiện không nghiêm, không đúng, không đầy đủ hoặc không chỉ đạo, triển khai thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng, của tổ chức đảng cấp trên và cấp mình. (3). Làm những việc pháp luật cấm hoặc pháp luật chưa quy định khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Vì sao đảng viên không được làm những điều trên?
Một là, trước khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, các quần chúng ưu tú đã viết đơn tự nguyện xin vào Đảng. Chi bộ và cấp ủy có thẩm quyền chỉ tiến hành quy trình kết nạp đảng viên khi quần chúng đảm bảo điều kiện “thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng” (Điều 1 Điều lệ Đảng). Khi đã là đảng viên, đảm nhận vai trò chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, thì nhiệm vụ đầu tiên của người đảng viên là “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước…” (Điều 2 Điều lệ Đảng). Vì vậy, đảng viên không thể tùy tiện phát ngôn, truyền bá, tung tin các nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nếu vi phạm, tùy theo mức độ mà đảng viên sẽ bị kiểm điểm, phê bình và có thể bị xử lý kỷ luật đảng.
Hai là, nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng (nguyên tắc tập trung dân chủ) yêu cầu: “Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương” (Điều 9 Điều lệ Đảng). Yêu cầu của sự “chấp hành”, “phục tùng” này tạo nên sự tập trung thống nhất trong toàn hệ thống tổ chức của Đảng. Đó là kỷ luật, kỷ cương, là yếu tố tạo sức mạnh cho toàn Đảng, đảm bảo cho việc thực hành dân chủ trong Đảng không rơi vào tình trạng “vô chính phủ”. Vì vậy, là đảng viên thì không được phép không thực hiện, hay thực hiện không đúng, không nghiêm, không đầy đủ hoặc không chỉ đạo cấp dưới, không triển khai thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng, của tổ chức đảng cấp trên và cấp mình.
Ba là, từ Đại hội X, Điều lệ Đảng bổ sung nguyên tắc tổ chức đảng và đảng viên “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Đảng viên cũng là công dân, cần phải bình đẳng như mọi công dân khác trong nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Đảng viên còn là “chiến sĩ cách mạng trong đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam”, nên cần phải nêu gương nhiều hơn, cao hơn trước quần chúng; không làm những việc pháp luật cấm. Mặt khác, có những vấn đề pháp luật chưa quy định, nhưng thực tiễn đòi hỏi phải giải quyết, thì đảng viên chỉ có thể tiến hành sau khi báo cáo cấp có thẩm quyền và được cho phép thực hiện trong phạm vi nhất định.
Làm gì để đảng viên không vi phạm điều cấm này?
Thứ nhất, cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, và mỗi đảng viên phải tự giác học tập, nghiên cứu, tìm hiểu để nắm rõ, hiểu đúng các quan điểm, tư tưởng của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, sẽ không có “cớ” cho những đảng viên lợi dụng sự “không biết” để biện minh cho những phát ngôn tùy tiện, sai trái.
Thứ hai, đảng viên cần nêu cao tính đảng, tính khoa học, gắn lý luận với thực tiễn khi phát ngôn, đăng tải, truyền bá những vấn đề liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học, nhất là những vấn đề mới, nhạy cảm chính trị, chưa được kiểm chứng. Tăng cường nghiên cứu và tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng là để bảo vệ bản thân không bị tác động tiêu cực bởi các quan điểm sai trái, thù địch đó.
Thứ ba, các cấp ủy, tổ chức đảng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật Nhà nước. Kịp thời phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm đảng viên khi mới có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi cố tình vi phạm quy định nói trên.
Thứ tư, với những những đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm những việc chưa được quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, tổ chức đảng không được vội vàng quy chụp, ngăn cản, đổ lỗi..., mà cần khuyến khích, giúp đỡ, tạo điều kiện và có cơ chế bảo vệ đảng viên, nhất là khi việc làm đó không có kết quả, thậm chí có tổn thất, nhưng đó là những việc xuất phát từ thực tâm phục vụ lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân (theo tinh thần Kết luận số 14 của Bộ Chính trị ngày 22/9/2021).
Bài, ảnh: TS. Trương Thị Bạch Yến
(Học viện Chính trị khu vực III)