Bối cảnh tình hình
Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra vào trung tuần tháng 9 và tháng 10-2020 trong bối cảnh:
(i) Đất nước đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực
[2]; toàn Đảng đã tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp cơ sở, cấp trên trực tiếp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025;
(ii) Các địa phương, cơ quan, đơn vị đang nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và nhiệm kỳ 2015-2020;
(iii) Cả nước đang quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch COVID-19; phòng, chống, khắc phục hậu quả nặng nề bão, lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung; đồng thời, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ đối ngoại quan trọng của đất nước
[3].
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị và tổ chức đại hội
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
(1) Trung ương, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Chỉ thị 35, Chỉ thị 45, Kết luận 75
[4] và các quy định, hướng dẫn về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có
3 bài viết quan trọng
[5] về công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là về chuẩn bị văn kiện và nhân sự; Ban Bí thư đã tổ chức
12 đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị tại các đảng bộ trực thuộc Trung ương
[6]. Bộ Chính trị xây dựng kế hoạch làm việc
với 67/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương
[7] để chỉ đạo, cho ý kiến về dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự đại hội đảng bộ; phân công các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư dự, theo dõi và chỉ đạo đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương
[8].
(2) Các ban đảng, cơ quan ở Trung ương tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn; đồng thời, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội
[9].
(3) Cấp ủy trực thuộc Trung ương đã quán triệt sâu sắc toàn diện, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các bài viết đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các văn bản, quy định, hướng dẫn của Trung ương; chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản để triển khai thực hiện; thành lập các tiểu ban và phân công cụ thể cho tập thể, cá nhân việc chuẩn bị đại hội.
Công tác chuẩn bị
(1) Các dự thảo văn kiện được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Các cấp ủy đã coi trọng tổng kết thực tiễn; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, tranh thủ được nhiều ý kiến của các tổ chức, cá nhân
[10]; đặc biệt là tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo, góp ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự đại hội. Điểm nhấn và mới trong các dự thảo văn kiện nhiệm kỳ này là các đảng bộ đã tập trung làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, chú trọng nhiều hơn công tác xây dựng Đảng; lựa chọn khâu đột phá để tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045; một số báo cáo kiểm điểm đã nêu cao tính tự phê bình và phê bình, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã thực hiện việc nêu gương, chủ động nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm của đảng bộ
[11]. Các dự thảo nghị quyết đại hội, chương trình hành động thực hiện nghị quyết được chuẩn bị chu đáo; bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025 được nêu trong báo cáo chính trị; đề ra các nhiệm vụ, đề án cụ thể để tổ chức thực hiện.
(2) Công tác nhân sự được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ và các cấp ủy quan tâm chuẩn bị ngay từ đầu nhiệm kỳ gắn với việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định Trung ương 4, 6, 7, 8 khóa XII. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm từng bước đổi mới
đồng bộ, tổng thể, toàn diện, liên tục các khâu trong công tác cán bộ; thực hiện điều động, luân chuyển, đào tạo cán bộ trong quy hoạch để chuẩn bị nhân sự chủ chốt một số tỉnh ủy, thành ủy
[12] kết hợp với việc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp đối với cán bộ diện Trung ương quản lý không đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Các cấp ủy triển khai thực hiện nghiêm túc các khâu trong công tác cán bộ; thực hiện đúng quy trình 5 bước; đồng thời, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh và xử lý những sai sót, vi phạm về công tác cán bộ, nhất là những nơi còn đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội. Đề án nhân sự chuẩn bị bảo đảm số lượng ban chấp hành, giảm khoảng 5% so với nhiệm kỳ trước; tiêu chuẩn phù hợp với quy định chung; số dư 10-15%; bảo đảm cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa phương, dân tộc; các tỷ lệ nữ, trẻ, dân tộc thiểu số và tỷ lệ đổi mới cơ bản được đề ra theo đúng yêu cầu quy định.
(3) Công tác tuyên truyền được tiến hành với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; tạo không khí phấn khởi, tự hào, nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội đối với ngày hội của địa phương. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ đại hội được triển khai nghiêm túc với phương châm an toàn, tiết kiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19.
Công tác tổ chức đại hội
Về tiến độ, nội dung và thời gian đại hội
Tính đến hết ngày 29-10-2020, 67/67 đảng bộ đã hoàn thành đại hội theo đúng tiến độ yêu cầu của Chỉ thị 35; có
2 đảng bộ
[13] đã điều chỉnh thời gian tổ chức đại hội để tập trung phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra. Các đại hội hầu hết diễn ra trong 2,5-3 ngày
[14]; tiến hành đủ 4 nội dung; riêng Đại hội Đảng bộ Quân đội và Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương tiến hành 3 nội dung theo quy định.
Công tác tổ chức, điều hành
Thực hiện nghiêm túc, trang trọng, đúng quy định, bảo đảm chu đáo, tiết kiệm, hiệu quả. Chương trình đại hội được xây dựng chi tiết, có phân công, phân nhiệm rõ ràng, khoa học. Các đại biểu tham dự đại hội thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, tạo không khí trang nghiêm, dân chủ, đoàn kết, thống nhất. Tại nhiều đại hội, đã thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, phát động ủng hộ đồng bào miền Trung và Tây Nguyên đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra.
Việc thảo luận và thông qua các văn kiện tại đại hội
Việc thảo luận, góp ý và thông qua các văn kiện tại đại hội được thực hiện nghiêm túc, phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất. Nhiều đảng bộ đã đầu tư xây dựng phim tư liệu, slide trình chiếu, thuyết minh sinh động cho báo cáo chính trị, tham luận đại hội. Gần
1.400 ý kiến phát biểu, tham luận tại đại hội và các tổ thảo luận; trong đó, có nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, phân tích làm sâu sắc hơn những chuyển biến tích cực của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ qua, nhất là công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện suy thoái; tập trung thảo luận kỹ lưỡng về các quan điểm mới, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn, chỉ tiêu phấn đấu và những vấn đề mới, khó, những nhiệm vụ mang tính đột phá gắn với tình hình cụ thể của địa phương
, đơn vị.
Công tác bầu cử
Việc bầu cử BCH, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư được thực hiện theo đúng Quy chế bầu cử trong Đảng với kết quả bầu cử số lượng ban chấp hành, ban thường vụ giảm theo quy định
[15] nhưng vẫn đảm bảo
cơ cấu, chất lượng nâng lên so với nhiệm kỳ trước
[16].
- Cơ cấu nữ: Cấp ủy nữ là
523 đồng chí
(15,71%), cao hơn nhiệm kỳ trước
2,69%; có
34 đảng bộ đạt tỷ lệ từ
15% trở lên, trong đó, cao nhất là
Tuyên Quang (29,17%). Ủy viên ban thường vụ nữ là
123 đồng chí, đạt tỷ lệ
12,91%, cao hơn nhiệm kỳ trước
2,37%; có
20 đảng bộ đạt tỷ lệ từ
15% trở lên, trong đó, cao nhất là
Bình Phước (40%). Bí thư cấp ủy nữ là
9 đồng chí
[17], đạt tỷ lệ
13,85% (nhiệm kỳ trước là
3 đồng chí)
.
- Cơ cấu dân tộc thiểu số: Cấp ủy viên người dân tộc thiểu số là 389 đồng chí, đạt tỷ lệ 11,68%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%, trong đó, cao nhất là Cao Bằng (75,5%). Ủy viên ban thường vụ người dân tộc thiểu số là 113 đồng chí, đạt tỷ lệ 11,86%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,51%; trong đó, cao nhất là Cao Bằng (80%). Bí thư cấp ủy người dân tộc thiểu số là 6 đồng chí[18], đạt tỷ lệ 9,23%, cao hơn nhiệm kỳ trước 1,54%.
- Về trình độ: Cấp ủy có trình độ thạc sỹ trở lên là
2.220 đồng chí (
28 giáo sư, phó giáo sư), đạt
66,67%, cao hơn nhiệm kỳ trước
23,17%. Ban thường vụ có trình độ thạc sỹ trở lên là
613 đồng chí (
7 giáo sư, phó giáo sư), đạt
64,32%, cao hơn nhiệm kỳ trước
19,23%. Bí thư cấp ủy có trình độ từ thạc sỹ trở lên là
51 đồng chí (
3 giáo sư, phó giáo sư), đạt
78,46%, cao hơn nhiệm kỳ trước
13,85%. Phó bí thư có trình độ từ thạc sỹ trở lên là
98 đồng chí (
2 giáo sư, phó giáo sư), đạt
69,01%, cao hơn nhiệm kỳ trước
20,59%.
- Về độ tuổi: Tuổi bình quân của BCH, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư
thấp hơn so với nhiệm kỳ trước
[19]; cơ bản bảo đảm 3 độ tuổi trong cấp ủy; có
28 đồng chí bí thư từ 50 tuổi trở xuống, đạt tỷ lệ 43,08%.
- Có 27 đồng chí bí thư không là người địa phương, đạt tỷ lệ 41,54%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,08%. Có 3 đảng bộ[20] thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về phân công, chỉ định nhân sự tham gia ban chấp hành, ban thường vụ và giới thiệu để Hội nghị lần thứ nhất của BCH đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 bầu giữ chức bí thư tỉnh, thành ủy; kết quả, cả 3 đồng chí bí thư đều trúng cử với tỷ lệ phiếu 100%.
- Đã bầu được 65 đồng chí chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, trong đó: tham gia lần đầu là 33 đồng chí (32.55%), nữ là 11 đồng chí (15,71%), dân tộc thiểu số là 8 đồng chí (11,68%). Độ tuổi bình quân là 50,75 tuổi.
đ. Bầu đại biểu đi dự Đại hội XIII của Đảng
67 đại hội đã bầu đủ 1.381 đại biểu chính thức và 131 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu đại biểu được Trung ương phân bổ.
Đánh giá bước đầu
Ưu điểm, kết quả đạt được và nguyên nhân
(1) Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương đã được tổ chức thành công tốt đẹp theo đúng tiến độ, sớm hơn so với 3 nhiệm kỳ gần đây, bảo đảm đúng quy định, chất lượng theo yêu cầu. (2) Công tác chuẩn bị văn kiện được tiến hành công phu, kỹ lưỡng; chất lượng văn kiện được nâng lên, nhất là việc xác định tầm nhìn và các nhiệm vụ đột phá. (3) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn được chú trọng triển khai đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời, bám sát thực tế. (4) Các đại hội đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận văn kiện. Việc gợi ý thảo luận được chú trọng, không khí thảo luận ở nhiều đại hội sôi nổi, thẳng thắn, tập hợp được trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên. (5) Công tác nhân sự được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch nên nhận được sự thống nhất cao. Ít đơn thư khiếu kiện hơn so với các nhiệm kỳ trước đây. Kết quả bầu cử cơ bản tập trung, bầu đúng, trúng theo đề án nhân sự. Tỷ lệ phiếu trúng cử các chức danh chủ chốt cao[21], nhiều đồng chí đạt 100%. Chất lượng nhân sự được nâng lên rõ rệt. Số lượng bí thư cấp ủy là nữ, bí thư không phải là người địa phương tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước. (6) Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương thật sự là sự kiện chính trị quan trọng của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đã tạo được khí thế mới, vận hội mới và nội bộ đoàn kết hơn, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Nguyên nhân kết quả đạt được: (1) Trước hết có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao, chặt chẽ, nhất quán của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và Thường trực Ban Bí thư.
(2) Có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn và sự chủ động, tích cực của cấp ủy, thường vụ cấp ủy, trước hết là người đứng đầu cấp ủy trong việc chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội.
(3) Hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác đại hội được ban hành kịp thời, đồng bộ, cụ thể, phù hợp, sát thực tế; nội dung rõ ràng, dễ hiểu, dễ cụ thể hóa, triển khai thực hiện. Lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành tiêu chuẩn
[22] về đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng đã góp phần quan trọng trong việc lựa chọn, bầu cử và nâng cao chất lượng đại biểu dự đại hội XIII của Đảng.
(4) Từ đầu nhiệm kỳ, công tác cán bộ đã được tiến hành chặt chẽ, bài bản, kỹ lưỡng, từ việc thể chế hóa các văn bản về công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền gắn với thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống chạy chức, chạy quyền được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Quy trình công tác cán bộ được thực hiện theo 5 bước, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
(5) Có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan tham mưu trong công tác thẩm định nhân sự bảo đảm thận trọng, khách quan, “đúng người, đúng việc”. Có sự chủ động, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh, làm chuyển biến tình hình, tạo nên thành công của đại hội.
(6) Công tác thông tin, tuyên truyền về đại hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, phong phú, hiệu quả, thiết thực. Tình hình kinh tế - xã hội ổn định; dịch bệnh được kiểm soát tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống nhân dân được cải thiện; sự quan tâm, đồng tình và ủng hộ của Nhân dân; sự đồng thuận của xã hội là nền tảng quan trọng góp phần cho thành công đại hội đảng các cấp.
Hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân
(1) Nội dung, chương trình làm việc của một số ít đại hội chưa khoa học; công tác điều hành của đoàn chủ tịch có lúc, có nơi còn thiếu linh hoạt, lúng túng.
(2) Báo cáo chính trị ở một số đại hội còn dàn trải, mang tính liệt kê, nặng trình bày về số liệu. Báo cáo kiểm điểm của một số cấp ủy còn có nội dung trùng lặp với báo cáo chính trị.
(3) Một số tham luận còn nặng về báo cáo thành tích, ít nêu hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Việc thảo luận đóng góp vào các dự thảo văn kiện tại đại hội tập trung nhiều vào dự thảo báo cáo chính trị, chưa có nhiều ý kiến sâu sắc đóng góp cho dự thảo báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ và các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
(4) Công tác chuẩn bị nhân sự để báo cáo cấp có thẩm quyền có nơi còn chậm. Tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia ban chấp hành đảng bộ chưa đạt yêu cầu tại Chỉ thị 35
[23].
Nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm: (1) Một số cấp ủy chuẩn bị văn kiện, phương hướng nhân sự, nhất là cán bộ trẻ còn bị động, chưa gắn kết với tình hình thực tiễn. Công tác chuẩn bị nguồn nhân sự cán bộ trẻ, cán bộ nữ còn một số trường hợp chưa “chín”, chưa có năng lực thật sự nổi trội, bố trí sắp xếp sát thời điểm tổ chức đại hội. (2) Việc lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát của một số cấp uỷ chưa thường xuyên, sâu sát, quyết liệt; chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng và giải quyết chưa dứt điểm những vướng mắc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Sáu kinh nghiệm rút ra
Một là, (i) Phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội; chỉ đạo ban hành hệ thống văn bản sớm, đầy đủ, toàn diện về chuẩn bị và tổ chức đại hội. (ii) Phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cấp ủy, tổ chức đảng, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội; bảo đảm dân chủ, huy động trí tuệ tập thể; dân chủ nhưng phải tập trung, thống nhất, dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương, dân chủ nhưng phải có lãnh đạo. (iii) Cấp ủy triệu tập đại hội cần nêu cao tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị đại hội một cách công phu, chu đáo, nghiêm túc, có kế thừa, tham khảo những kinh nghiệm quý, bài học hay của các nhiệm kỳ trước và bổ sung những điểm đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn của nhiệm kỳ này.
Hai là, (i) Báo cáo chính trị phải làm rõ được công tác và vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo hướng: Xây dựng Đảng là then chốt, trong đó, công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt; phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh là thường xuyên, trọng yếu; tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. (ii) Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành phải bám sát các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và quy chế làm việc, tránh trùng lặp nội dung với báo cáo chính trị.
Ba là, (i) Nắm vững và kịp thời xử lý dứt điểm các vấn đề phức tạp, phát sinh trên địa bàn trước khi đại hội diễn ra; nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và dư luận liên quan đến nhân sự trước, trong và sau đại hội để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, bất cập. (ii) Trong công tác nhân sự đại hội, phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình 5 bước, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc theo phương châm “làm từng bước chặt chẽ, từng việc cụ thể, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó”; chủ động nắm tình hình, kịp thời xử lý các tình huống ngoài dự kiến. Đối với những việc khó, phức tạp, nhạy cảm “phải thực hiện nhất quán theo quy định, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, công tâm, khách quan và quyết định theo đa số”.
Bốn là, thảo luận văn kiện đại hội phải tập trung vào những vấn đề mới, khó, nhạy cảm, những nội dung còn có ý kiến khác nhau và bám sát vào tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương. Gửi nội dung gợi ý thảo luận trước cho các đại biểu dự đại hội để có đủ thời gian nghiên cứu kỹ, chuẩn bị ý kiến có chất lượng, tạo không khí sôi nổi, thảo luận tại đại hội.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm, tình hình của địa phương, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, chào mừng đại hội nhưng không phô trương, hình thức.
Sáu là, vừa phải tổ chức tốt đại hội vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; chủ động tham mưu việc tổ chức đại hội có hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch COVID-19.
Một số vấn đề cần tập trung thực hiện sau Đại hội
(1) Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm chuẩn y kết quả bầu cử đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương; đồng thời, chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương thực hiện việc phân công cấp ủy, kiện toàn các chức danh chính quyền theo quy định. (2) Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương: (i) Đẩy mạnh tuyên truyền kết quả, thành công của đại hội đảng bộ các cấp; những thành tựu nổi bật về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong nhiệm kỳ 2015-2020, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chuẩn bị thật tốt cho Đại hội XIII của Đảng. (ii) Tích cực tham gia công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng: đóng góp ý kiến có chất lượng vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. (iii) Tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách đối với số cán bộ nghỉ công tác, không đủ điều kiện tái cử sau đại hội. (iv) Bám sát Quy định số 10-Qđi/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 168-QĐ/TW của Ban Bí thư để xây dựng quy chế làm việc của Ban Chấp hành đảng bộ trực thuộc Trung ương, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, Chương trình làm việc toàn khóa và Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa để triển khai, thực hiện Nghị quyết.
___________________
[1] Sớm nhất là Đảng bộ tỉnh Hà Nam (20 đến 22-9-2020); cuối cùng là Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương (27 đến 29-10-2020).
[2] Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
[3] Giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
[4] Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Kết luận số 75-KL/TW của BCH Trung ương về Phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII và dự kiến cơ cấu BCH Trung ương Đảng khóa XIII.
[5] (1) Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; (2) Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng; (3) Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.
[6] Công văn số 80-CV/TW, ngày 19-2-2020 của Ban Bí thư về việc phân công chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị.
[7] Kết luận số 79-KL/TW, ngày 16-6-2020 của Bộ Chính trị về công tác tổ chức làm việc của Bộ Chính trị cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy, chuẩn bị đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong đó, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với 4 đảng bộ: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quân đội, Công an Trung ương. Đồng thời, phân công 3 nhóm công tác làm việc với 63 đảng bộ trực thuộc Trung ương để chỉ đạo, cho ý kiến về dự thảo văn kiện và phương án nhân sự đại hội.
[8] Thông báo số 201-TB/TW, ngày 8-9-2020 thông báo kết luận của Bộ Chính trị về việc phân công Bộ Chính trị, Ban Bí thư dự và chỉ đạo đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương.
[9] Kết luận số 88-KL/TW, ngày 19-9-2020 của Bộ Chính trị về việc bố trí số lượng phó bí thư các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025; Công văn 11129-CV/BTCTW, ngày 14-4-2020 về việc tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 đối với cán bộ bị kỷ luật; Công văn số 11849-CV/BTCTW, ngày 3-7-2020 về việc rút kinh nghiệm qua đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025; Công văn số 12141-CV/BTCTW, ngày 5-8-2020 về việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác cán bộ, nhất là nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và nhân sự Đại hội XIII của Đảng; Công văn số 12465-CV/VPTW, ngày 4-7-2020 của Văn phòng Trung ương thông báo ý kiến Bộ Chính trị; Công văn số 12712-CV/BTCTW, ngày 16-9-2020, Ban Tổ chức Trung ương về công tác cán bộ nữ người dân tộc thiểu số; Công văn số 10652-CV/BTCTW, ngày 26-2-2020 về thời điểm bổ sung cấp ủy cấp tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; Công văn số 12312-CV/BTCTW, ngày 21-8-2020 về một số nội dung chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 …
[10] Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý..
[11] Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa….
[12] Ninh Bình, Yên Bái, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Cà Mau, Đồng Tháp, Điện Biên, Phú Yên, Thái Nguyên, Hậu Giang…
[13] Thừa Thiên Huế, Quảng Bình.
[14] Các đại hội đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Tuyên Quang, Bình Thuận, Gia Lai, Vĩnh Long, Quân đội tổ chức 3,5-4 ngày. Riêng tỉnh Quảng Bình báo cáo Bộ Chính trị, rút gọn trong 1 ngày để tập trung cao độ cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ.
[15] Tổng số cấp uỷ viên khoá mới đã được bầu là 3.330 đồng chí, giảm 6,20% so với nhiệm kỳ 2015-2020, vượt quy định tại Chỉ thị 35. Tổng số ủy viên ban thường vụ được bầu được là 953 đồng chí, giảm 2,56% so với nhiệm kỳ 2015-2020. Tổng số bí thư cấp ủy bầu được là 65 đồng chí, trong đó, tham gia lần đầu là 23 đồng chí, đạt tỷ lệ 35,38%, cao hơn nhiệm kỳ trước là 1,54%. Tổng số phó bí thư cấp ủy bầu được là 142 đồng chí; giảm 10,69% so với số lượng được bầu của nhiệm kỳ 2015-2020.
[16] Theo kết quả báo cáo tổng kết Chỉ thị 36-CT/TW kèm theo Tờ trình 356-Ttr/BTCTW, ngày 26-3-2019 của Ban Tổ chức Trung ương.
[17] Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nam, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Lai Châu, Quảng Ngãi, An Giang.
[18] Bắc Kạn, Lai Châu, Tuyên Quang, Gia Lai, Sóc Trăng, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
[19] Độ tuổi bình quân của cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 là 48,82, thấp hơn nhiệm kỳ trước 1,07 tuổi. Độ tuổi bình quân của ban thường vụ nhiệm kỳ 2020-2025 là 50,44, thấp hơn nhiệm kỳ trước 1,05 tuổi. Độ tuổi bình quân bí thư là 52,38, thấp hơn nhiệm kỳ trước 0,05 tuổi. Độ tuổi bình quân phó bí thư là 50,91, thấp hơn nhiệm kỳ trước 1,47 tuổi. Độ tuổi bình quân chủ nhiệm ủy ban kiểm tra là 50,75, thấp hơn nhiệm kỳ trước 0,63 tuổi.
[20] TP. Hồ Chí Minh, Điện Biên, Đồng Tháp.
[21] Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Kiên Giang…
[22] Quyết định số 230-QĐ/TW, ngày 5-6-2020 về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng đại biểu được bầu tại các đảng bộ trực thuộc Trung ương dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
[23] Cấp ủy viên trẻ (dưới 40 tuổi) là 199 đồng chí, đạt tỷ lệ 5,98%, thấp hơn nhiệm kỳ trước 0,64%.
http://www.tuyengiao.vn/thoi-su/dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-truc-thuoc-trung-uong-nhiem-ky-2020-2025-diem-nhan-va-bai-hoc-kinh-nghiem-rut-ra-130586