Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, năm 2020 Đảng ta lựa chon chủ đề: “Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, như một lần nữa khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là nguyên nhân và là khởi nguồn của thắng lợi.
Lần tìm trong lịch sử dân tộc, nổi lên nhiều thời đoạn khối đại đoàn kết toàn dân tộc liên tục được đề cao và phát huy.
1. Theo dòng lịch sử
Ngay thế kỷ XIII, người thiếu niên Yết Kiêu (khi ấy 11 tuổi) đã xin cha đi đánh giặc, cha ông phân vân với sức vóc của ông, Yết Kiêu nói: Nước mất thì nhà tan. Người cha cũng hiểu chân lý ấy, nên khuyên: Thôi thì con cứ đi. Trong quá trình đánh giặc với tài bơi lội của mình, Yết Kiêu đã đục thủng nhiều tàu thuyền của giặc, góp công lớn cho nhà Trần, chiến thắng quân Nguyên Mông.
Ở thế kỷ XX, những thiếu niên yêu nước như Kim Đồng, Lý Tự Trọng, Lượm (trong thơ Tố Hữu)… dù tuổi đời từ 11 đến 14 nhưng vẫn đóng góp rất nhiều cho cách mạng. Phong trào Đồng Khởi (1960 – 1961) 100% người tham gia là phụ nữ, giành được những chiến công vang dội, tạo đà cho những chiến thắng về sau, mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân 30/4 năm 1975 thống nhất đất nước.
Điểm qua các minh chứng trên chứng tỏ từ trong lịch sử dân tộc những thiếu niên, phụ nữ - những người được xem là yếu thế trong xã hội mà đã có những đóng góp quan trọng huống chi những lực lượng khác.
2. Vấn đề đoàn kết từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam
Thành lập vào ngày 03-2-1930, song chỉ 15 năm sau, Đảng đã lãnh đạo giành thắng lợi vĩ đại qua thành công cách mạng tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ cộng hòa, khi đó Đảng ta chỉ có năm nghìn đảng viên (dân số nước ta là 21 triệu người). Có được thắng lợi to lớn này là do Đảng đã đề ra chủ trương, quyết sách đúng và quan trong nhất, đáp ứng nguyện vọng của tuyết đại đa số người dân: Người cày có ruộng, phá kho thóc Nhật, chính quyền về tay nhân dân. Nguyên nhân thắng lợi cách mạng có nhiều nhưng sự lãnh đạo của Đảng và sự đoàn kết toàn dân tộc là nguyên nhân quyết định!
Với dã tâm muốn cướp nước ta lần nữa, ngày 23 tháng 9 năm 1945 thực dân Pháp đã quay lại Việt Nam kéo chúng ta vào cuộc chiến tốn nhiều công sức, thậm chí là máu của nhiều anh hùng đổ xuống “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, giải phóng miền Bắc, đế quốc Mỹ đã nhảy vào miền Nam Việt Nam. Với tinh thần nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, chúng ta đã tiến hành cách mạng dân tộc giải phóng miền Nam, nhờ sự đoàn kết hợp lực dẫn đến đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước. Hồ Chí Minh đã tổng kết và nêu thành phương châm: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - đây là nguyên nhân của thắng lợi dẫn đến thành công, thành công, đại thành công. Và điều này được Hồ Chí Minh nhắc nhở trong Di chúc của mình rằng: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
3. Sự vận dụng của Đảng ta ngày nay
Hiện nay, đang là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chuẩn bị tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến đến đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nhìn lại chặng đường gần năm năm qua, chủ đề của nhiều Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố trong toàn quốc cũng như chủ đề Đại hội XII đều đề cao vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ đó, như Văn kiện nghị quyết lần thứ 11, khóa XII (06/10/2019) đánh giá: tăng trưởng GDP 7%, thu nhập quốc dân bình quân đầu người 2.640 USD, tuổi thọ người Việt 73,2 tuổi, đã phổ cập trung học cơ sở toàn quốc vào năm 2010, bình quân mỗi năm giảm nghèo đa chiều 1-1,5%, 192/193 nước nhất trí bầu Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc…
Những thành tựu trên so với nhiều nước có thể còn thấp, nhưng với tiềm lực của Việt Nam trong bối cảnh bốn nguy cơ mà Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII – 1994 chỉ ra vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí có mặt còn phức tạp như tình trạng tham nhũng (ba năm qua, chúng ta đã xử lý hơn 65 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; hay ngày 16/12/2019 xử vụ án sai phạm của hai nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn trong trục lợi hơn 04 triệu USD khi duyệt cho công ty Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; hay ngày 02/01/2020 xét xử 21 bị cáo vụ thâu tóm nhà đất công sản tại Đà Nẵng, trong đó có đồng chí nguyên là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng…).
Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng gặp phải những khó khăn nhất định như tính bền vững của tăng trưởng kinh tế; dịch bệnh còn xảy ra ở nhiều nơi, kể cả những trung tâm y tế lớn của quốc gia là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội còn sai phạm như: gian lận điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018 ở bốn tỉnh: Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La...
Việc chúng ta xử lý những cán bộ sai phạm thời gian qua đã tạo sự đồng thuận và ủng hộ rộng lớn trong toàn xã hội, càng thắt chặt tính đoàn kết của toàn hệ thống chính trị và toàn dân trong quyết tâm xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo ước nguyện của Hồ Chủ tịch.
4. Giải pháp
Trong giai đoạn hiện nay, để tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn làm cơ sở cho sự thống nhất về chính trị, tư tưởng.
Quan tâm xây dựng đường lối, chính sách đúng, cơ chế hợp lý, đây là những điều kiện, là cơ sở đảm bảo sự đoàn kết thống nhất tư tưởng, tổ chức cũng như hành động. Điều mà tại Đại hội XIII sắp tới Đảng ta sẽ làm là tổng kết 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình vì đây là 2 nguyên tắc trực tiếp tác động đến sự thống nhất, đoàn kết. Đảng ta khẳng định: Để giữ vững và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, ở tất cả các cấp, các ngành, phải luôn luôn phát huy dân chủ và đề cao kỷ luật, thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc trong các cấp ủy và chi bộ đảng, chống thái độ, bàng quan, vô trách nhiệm.
Thứ ba, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, chăm lo củng cố tình đồng chí trong Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Thường xuyên tự phê bình và phê bình; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội; chống kèn cựa, cục bộ, bè phái. Bồi dưỡng tình thương yêu đồng chí, tôn trọng lẫn nhau, khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhau; khi có ý kiến khác nhau về chủ trương, biện pháp phải bình tĩnh, dân chủ, biết chờ đợi nhau để giải quyết, không để phát triển thành những bất đồng, xung đột cá nhân gây nên chia rẽ.
Thứ tư, bố trí đúng người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền.
Ngày 23/9/2019 Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, điều mà dễ gây mất đoàn kết, bởi lẽ khi những kẻ hám danh nhưng bất tài nhờ chạy chức, chạy quyền chui vào được bộ máy thì nhiều hậu quả sẽ xuất hiện: kéo bè kéo cánh (cánh hẩu); tư duy nhiệm kỳ để trục lợi, hình thành các phe nhóm... mất đoàn kết thường xảy ra giữa các cán bộ chủ chốt hoặc xảy ra do người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền không đủ khả năng xây dựng khối đoàn kết, thống nhất. Vì vậy, bố trí đứng người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền là biện pháp có vị trí hàng đầu để giải quyết tình trạng mất đoàn kết.
Thứ năm, phát hiện sớm và tập trung xử lý dứt điểm tình trạng mất đoàn kết.
Cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát, phát hiện sớm hiện tượng mất đoàn kết, xác định đúng nguyên nhân và tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng mất đoàn kết, xử lý nghiêm những người gây ra mất đoàn kết.
Phòng chống sự tấn công phá hoại khối đoàn kết thống nhất trong Đảng của các thế lực thù địch. Cần nâng cao cảnh giác, kịp thời đấu tranh vạch trần và đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch tấn công phá hoại khối đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Năm 2020, đất nước đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức: hội nhập mở cửa sâu rộng, thành tựu nổi bật của 35 năm đổi mới, thế và lực của nước ta ngày càng được tăng cao. Nhưng nguy cơ tụt hậu kinh tế, tình trạng tự diễn biến, tự chuyển hóa của một bộ phận cán bộ diễn biến phức tạp, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tội… của một bộ phận cán bộ thiếu tiêu chuẩn, thiếu năng lực làm cho tình hình càng phức tạp và đây là “lực cản” đối với mục tiêu mà chúng ta đề ra.
Nhưng với niềm tin lớn vào sự lãnh đạo của Đảng, sự kiên quyết vào cuộc của các cơ quan chức năng chúng ta tin tưởng sẽ xử lý nghiêm minh bọn cơ hội, quan liêu tham nhũng. Căn cứ để tin tưởng điều này chính là khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà từ trong lịch sử của đất nước đã chứng minh trên đây cũng giống như trong quá trình lãnh đạo của Đảng…cho phép chúng ta khẳng định sẽ sớm hoàn thành sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trần Thị Thương
(Trường Chính Trị tỉnh Kon Tum)