Trong 50 năm hoạt động liên tục trên lĩnh vực báo chí, với khoảng 150 bút danh, Người dã viết hơn 2.000 bài báo kể từ bài đầu tiên “Tâm địa thực dân” (7/1919) đến bài cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” (8/1969) và sáng lập ra 9 tờ báo: Người cùng khổ (1922), Quốc tế nông dân (1924), Thanh niên (1925), Công nông (1925), Lính cách mệnh (1925), Thân ái (1928), Đỏ (1929), Viêt Nam độc lập (1941), Cứu quốc (1942)
Trong sự nghiệp hoạt động làm báo cũng như trả lời phỏng vấn báo chí, Hồ Chí Minh nhất quán quan điểm là sử dụng báo chí làm công cụ tuyên truyền, tác động đến các tầng lớp, các giới để phục vụ cho nhiệm vụ chính của mình là đấu tranh vì nền độc lập, tự do cho dân tộc mình; để bày tỏ quan điểm chính trị về con đường giải phóng dân tộc; lên án chính sách hiếu chiến của kẻ thù, sự phá hoại của thế lực chống phá; khẳng định khát vọng độc lập của Nhân dân Việt Nam, đồng thời thể hiện quyết tâm sắt đá chống giặc đến cùng…
Ngày 20-9-1919, phóng viên Báo Yiche Pao xuất bản tại Thiên Tân, Trung Quốc hỏi: “Ông đến Pháp với mục đích gì?”. Người đáp: “Để đòi những tự do mà chúng tôi phải được hưởng”. Tháng 3-1924, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo của Đảng Cộng sản Ý. Lúc này, Nguyễn Ái Quốc đang là sinh viên của Trường Đại học Phương Đông Moscow. Khi phóng viên hỏi: “Khi học xong anh có dự định gì?”. Người đáp: “Dĩ nhiên là tôi sẽ trở về Tổ quốc tôi để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi. Ở bên chúng tôi, có nhiều việc phải làm lắm. Chúng tôi không có quyền gì cả, trừ quyền phải đóng thuế cho “mẫu quốc” Pháp, cho bọn bản xứ…” Tháng 10-1945, trả lời các nhà báo về thái độ hiện thời của Chính phủ Việt Nam đối với Trung Hoa và Pháp, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nước Việt Nam được thắng lợi trong sự độc lập, thì sự thắng lợi đó sẽ làm một điều lợi cho Trung Hoa, Trung Hoa với Việt Nam có mối quan hệ như răng với môi vậy… Đối với bọn thực dân Pháp cố tâm dùng võ lực lập lại chủ quyền của chúng ở đây, chúng tôi nhất định chống lại chúng kỳ cùng và nhất định chúng tôi sẽ thắng lợi… Trả lời báo chí nước ngoài về quan điểm của bản thân về mục tiêu làm cách mạng của mình (tháng 1-1946), Người nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốc công danh, phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Tôi chỉ có một điều ham muốn, ham muốc tột bậc là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Với một nhà báo có nhiều kinh nghiệm và tình cảm với báo chí, Hồ Chí Minh có sự tôn trọng và có mối quan hệ rất tốt đẹp với các nhà báo trong và ngoài nước. Theo thống kế tại Biên niên hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính từ ngày đọc Bản Tuyên ngôn độc lập (02-9-1945) đến khi qua đời, Người đã có khoảng 150 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trả lời phỏng vấn với các nhà báo. Bên cạnh nhiều trường hợp các nhà báo xin được gặp Bác để phỏng vấn thì cũng có không ít lần Người chủ động đến các tòa soạn thăm hoặc mời các phóng viên đến để thông tin. Có thể thấy, thái độ của Người đối với các nhà báo là cởi mở, thân tình và cũng hết sức khéo léo.
Trong số những nhà báo nổi tiếng thế giới được Bác Hồ tiếp kiến, có thể kể đến nhà báo Wilfred Burchett người Úc. Trong lúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại căn cứ Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên tiếp Wilfred Burchett – nhà báo sau này tiếp tục gắn bó, phản ánh và ủng hộ Nhân dân ta cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau này, nhiều lần đến thăm Việt Nam, nhà báo nhận xét về Hồ Chí Minh: “Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta cảm thấy nhẹ nhõm ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng. Trong những cuộc gặp gỡ tiếp theo với nhân cách vĩ đại này, sự ấm áp, giản dị, cách thể hiện rõ ràng xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp và sự thấu hiểu trọn vẹn chủ đề khiến ta có ấn tượng vô cùng sâu sắc. Bất cứ ai được Hồ Chí Minh tiếp đều bình luận về những phẩm chất ấy, và cao hơn hết là cảm giác của họ ngay lập tức như người trong nhà của Chủ tịch”.
Sự trân trọng của Hồ Chí Minh đối với các nhà báo còn được thể hiện rõ trong cuộc tiếp nữ nhà bào Cu Ba Marta Rojas vào ngày 14-7-1969. Thời điểm này, sức khẻo của Bác không được tốt, nhưng với một nhà báo đến từ nước xã hội chủ nghĩa anh em, Người đã dành thời gian tiếp chuyện mà đến hơn 40 năm sau vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người được tiếp. Bà Marta Rojas hồi tưởng: “Đó là buổi sáng một ngày khoảng vào giữ tháng 7-1949, tôi, nhà báo Hoàng Tùng và người phiên dịch bước vào Phủ Chủ tịch thì gặp một cụ già mặc bộ quần áo màu trắng tươi cười bước tới và chào chúng tôi bằng tiếng Tây Ban Nha: “Chào buổi sáng đồng chí Marta”. Tôi đã nghe nhiều về Bác Hồ, nhưng không nghĩ Người lạ giản dị, thân tình đến thế”. Marta Rojas nói tiếp: “Tôi định phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng không ngờ và thú vị là Người đã phỏng vấn lại tôi. Người hỏi tôi về những cảm nhận và trải nghiệm của tôi ở Việt Nam…Rồi người hỏi thăm Fidel và đất nước chúng tôi…”
Trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi người qua đời, có rất nhiều câu chuyện liên quan đến thái độ, tình cảm ứng xử của Người đối với nhà báo. Trong những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, trả lời phỏng vấn với các nhà báo, chúng ta dễ dàng nhận ra một Hồ Chí Minh chính khách đầy quyết đoán, sắc sảo, với một Hồ Chí Minh nhà báo luôn quan tâm, thông cảm và cũng hiểu rõ những thủ thuật của các phóng viên. Với Hồ Chí Minh, sử dụng vũ khí báo chí nói chung và sử dụng ngôn từ trên báo chí đã đạt đến trình độ nghệ thuật cao, cả khi Người trả lời phỏng vấn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn