Hội nghị trực tuyến thông báo nhanh kết quả HNTW6 khóa XIII và phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng vừa được Tỉnh uỷ tổ chức mới đây, toàn tỉnh kết nối 117 điểm cầu từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn, với 4.858 cán bộ, đảng viên và quần chúng được quán triệt, học tập. Theo Báo cáo kết quả thăm dò ý kiến của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tại Hội nghị (điểm cầu của tỉnh), hầu hết cán bộ, đảng viên đều quan tâm, đồng thuận cao với các nội dung HNTW6 khóa XIII, đồng thời tích cực tham gia góp ý việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cụ thể:
Về các nội dung HNTW6 khóa XIII: Có 97,88% ý kiến quan tâm đến nội dung “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; và nội dung “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; 97,35% ý kiến quan tâm đến nội dung “Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025; phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023”; nội dung “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị” và nội dung “Công tác cán bộ”; 96,29% ý kiến quan tâm đến nội dung “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Đồng thời với sự quan tâm các nội dung HNTW6 khóa XIII, đội ngũ cán bộ, đảng viên còn thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tham gia góp ý việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được học tập tại hội nghị này. Trong đó, đối với Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 15-9-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ "về nâng cao chất lượng tham gia ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền", đội ngũ cán bộ, đảng viên đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh, đó là: (1) Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 15-9-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng tham gia ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nghiên cứu, học tập Chỉ thị số 14-CT/TU để hiểu rõ và tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. (2) Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, huyện, xã; thường xuyên tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng để đội ngũ cán bộ, công chức này có đủ kiến thức, năng lực góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. (3) Cấp uỷ, chính quyền tiếp tục quan tâm, phát huy dân chủ thật sự, tạo mọi điều kiện thuận lợi và xây dựng kế hoạch phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc tham gia giám sát, phản biện các hoạt động của cấp ủy, chính quyền. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết các ý kiến góp ý của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân đối với các tổ chức và cá nhân. Hằng năm tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động của cấp uỷ, chính quyền các cấp. (4) Hằng năm chủ động xây dựng kế hoạch, định hướng nội dung góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. (5) Mặt trận, đoàn thể các cấp thường xuyên nắm bắt tình hình, lắng nghe, tổng hợp ý kiến, kiến nghị chính đáng của Nhân dân thông qua các hình thức khác nhau như: Phối hợp tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; tham gia tiếp công dân; tiếp nhận và xử lý đơn thư, kiến nghị của công dân... để phản ảnh với cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp có giải pháp xử lý những ý kiến, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của công dân, nhất là những vấn đề gây bức xúc trong Nhân dân, như: đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, các tiêu cực xã hội, tham nhũng, lãng phí,...(6) Cần phát huy dân chủ thật sự trong việc góp ý cho cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội; có chính sách, cơ chế khuyến khích, bảo vệ những tập thể, cá nhân đấu tranh chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay; đồng thời xử lý nghiêm và công khai những tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị vi phạm đạo đức, pháp luật để răn đe, giáo dục. (7) MTTQVN và các tổ chức chính trị- xã hội nên góp ý tập trung vào những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu địa phương, đơn vị và cán bộ, đảng viên.
Đối với Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06-7-2022 của Bộ Chính trị "về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”: Có 95,02% ý kiến thống nhất và đồng thuận cao với Quy định, đề xuất tổ chức thực hiện, không cần hướng dẫn thêm; Có 9,94% ý kiến đề nghị Trung ương cần làm rõ và hướng dẫn cụ thể thêm một số điểm trong Quy định 69-QĐ/TW, như: Cần hướng dẫn thêm về nguyên tắc xử lí kỷ luật (Điều 2); cụ thể hóa và lượng hóa về hậu quả do vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên gây ra (khoản 4, Điều 3) vì giải thích như trong Quy định thì trong thực tế sẽ có tình trạng việc áp dụng khác nhau ở các vụ việc, địa phương khác nhau theo ý chí chủ quan; về thời hiệu xử lý kỷ luật (điểm b, khoản 2, Điều 4), để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa Quy định 69-QĐ/TW với quy định của pháp luật hiện hành; về nội dung “thông tin không chính xác” (điểm d, khoản 1, Điều 28); về nội dung không ra quyết định kiểm tra, thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (điểm c, khoản 3, Điều 37); về vi phạm chính sách dân số (điểm b, Điều 52).
Bài, ảnh: Lê Văn Châu