Cơ duyên đến với Ngành
Khoảng cuối năm 1991, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế (khoa Ngữ Văn), tôi cũng như bao bạn đồng môn khác “toả” đi các địa phương để xin việc. Gần một năm làm việc hợp đồng ở vài cơ quan gần nhà (Quảng Nam), đến cuối năm 1992, theo giới thiệu của bạn Phan Văn Hiển (bạn cùng lớp đại học, lúc đó đang công tác tại Đài PTTH tỉnh Kon Tum, nay chuyển về công tác tại Đài Quảng Nam), tôi khăn gói lên Kon Tum chỉ với ước nguyện được công tác ở một cơ quan báo chí nào đấy của tỉnh mới chia tách. Không hiểu sao ở thời điểm đó, một sinh viên khoa văn, với tấm bằng đại học chính quy như tôi đi đến đâu cũng nhận được câu trả lời: Chờ nhé…nay cuối năm (tức cuối 1992) chưa có suất.
Lại chờ... Tiền đã cạn... Bạn Hiển thì “lòng tốt” có giới hạn, vì lúc đó Hiển dù đã đi làm nhưng cũng chưa dư dả gì. Trong hoàn cảnh ấy, may thay, tại một cuộc giao lưu cuối tuần như thường lệ ở Trường Chính trị tỉnh Kon Tum (nằm trên đường Ngô Quyền), tôi đã gặp anh Mai Văn Dung, khi ấy là Chánh Văn phòng kiêm phụ trách Khoa giáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kon Tum. Qua sáng mai, tôi lần đầu rụt rè, khép nép xin phép chú công an trực cổng để được vào gặp anh Dung…Và thế là tôi trở thành “người của ngành Tuyên giáo” kể từ khi đó. (Xin nói thêm, nói giao lưu cho oách, chứ thực ra cứ cuối tuần các anh em “độc thân vui tính” như: Anh Tô Văn Tám, anh Huỳnh Châu Lâm, anh Mai Văn Dung, anh Đặng Luận, anh Mai Văn Bay, anh Phan Văn Hiển…tập trung về trường Chính trị tỉnh là để cùng nhau ăn bữa cơm rau đạm bạc tự nấu, uống vài ly rượu trắng…và nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể). Vậy đó, chớp mắt cái, nay nhìn lại đã công tác trong Ngành tròn 30 năm có lẻ.
“Mái nhà Tuyên giáo” thật sự là nơi để thế hệ trẻ trưởng thành
Sẽ có người cho là tôi nói hơi quá. Tất nhiên, ngành nào cũng là nơi để thế hệ trẻ trưởng thành, nhưng tôi vẫn khẳng định, công tác trong ngành Tuyên giáo của Đảng là môi trường tốt nhất để thế hệ trẻ trưởng thành!
Bởi lẽ, người làm công tác Tuyên giáo, trước tiên, anh phải luôn giữ mình cho thật đúng với cụm từ “cán bộ tuyên giáo”. Thời mới vào công tác, tôi đã không ít lần bị xã hội phê bình, rằng thì là “cán bộ tuyên giáo” mà nói năng vậy à? Thứ hai, người làm công tác Tuyên giáo phải luôn nắm chắc nội dung cốt lõi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Muốn vậy phải đọc nhiều; không chỉ đọc nhiều để hiểu mà phải tổng hợp, tóm lược nội dung ngắn gọn để dễ nhớ…Thứ ba, người làm công tác Tuyên giáo phải luôn gắn lý luận với thực tiễn, phải luôn bám nắm tình hình sôi động của cuộc sống để khi nói chuyện hay giảng bài tạo sự hấp dẫn, hạn chế buồn tẻ, rập khuôn…
Vài tâm sự…
Cùng với bao thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước, bản thân tôi cũng đã chuẩn bị bước sang năm thứ 31 công tác trong ngành Tuyên giáo của Đảng. Dĩ nhiên, trong quãng dài thời gian công tác ấy, bên cạnh niềm vui là chủ yếu vẫn có những nỗi buồn trong nghề, trong ngành. Trong đó có vấn đề thu nhập bản thân, kinh tế gia đình…đôi lúc ngẫm nghĩ thấy cũng chênh chao, chạnh lòng….
Nói thì nói vậy thôi, chứ Tuyên giáo là một nghề, đã là nghề thì phải yêu nghề, say mê với nghề. Và thực tế, tôi và các đồng chí của mình đã và đang tiếp tục với niềm say mê này! Vì vậy, chúng tôi luôn nhận thức: là cán bộ Tuyên giáo phải thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, giữa nói và làm phải đi đôi với nhau, thường xuyên tự học, tự rèn luyện để từng bước trưởng thành. Để làm tròn trách nhiệm “người Tuyên giáo” đòi hỏi phải có sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, luôn nêu cao tư tưởng độc lập tự chủ, tích cực học tập rèn luyện bản thân, nhất là tư tưởng lý luận, năng lực hoạt động thực tiễn, phẩm chất đạo đức cách mạng.
Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930-01/8/2023), là người có nhiều năm gắn bó với ngành Tuyên giáo của Đảng tôi rất tự hào và tin tưởng đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo đã và sẽ tiếp tục kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức để đáp ứng tình hình mới trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Bài, ảnh: Nguyễn Phi Em