Hà Nội, 24-11-1946
Hội nghị văn hóa toàn quốc họp phiên khai mạc sáng nay vào hồi 9 giờ, tại Nhà hát Lớn. Tới dự có Cụ Hồ Chủ tịch Chính phủ, Cụ Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, và mấy vị bộ trưởng. Các đại biểu các nhà văn hóa toàn quốc hơn 200 vị gồm cả Trung, Nam, Bắc.
Hồ Chủ tịch đọc diễn văn khai mạc. Mở đầu, Người nhắc lại, khi Người sang Pháp vừa rồi, qua Ba-lê thì vào dịp có Hội nghị văn hóa toàn quốc Pháp. Các nhà văn hóa có nhã ý mời Người dự vào đoàn chủ tịch danh dự nhưng lúc bấy giờ chưa có cuộc đón tiếp chính thức của Chính phủ nên Người không tiện nhận lời. Người chỉ viết một thư cảm ơn.
Sau khi Hội nghị văn hóa bế mạc, có 12 nhà văn hóa Pháp đàn ông và đàn bà Pháp đến thăm Người. Họ ngỏ ý, các nhà văn hóa Pháp hết sức tán thành nền độc lập của Việt Nam. Đồng thời họ nhờ Người chuyển lời chào thân ái đến các nhà văn hóa Việt Nam.
Hồ Chủ tịch chỉ khiêm tốn nói rằng, Người sẽ chỉ nói đến văn hóa theo ý kiến và quan điểm của Người. Hồ Chủ tịch thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.
Người nói tiếp đến văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại. Ở đây, Người nói qua về lịch sử của những ảnh hưởng đó. Và Người Hồ Chủ tịch đưa ra một câu hỏi: Ta nên theo văn hóa nào?
Theo ý Người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt thì ta học, lấy đề tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ.
Hồ Chủ tịch nói thêm rằng, văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình.
Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông lẫn đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận của dân tộc là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.
Hồ Chủ tịch xét qua đến tình hình văn hóa Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Văn chương nghĩa là viết sách và tiểu thuyết về phương diện lột cho hết tinh thần dân tộc, chưa một quyển nào làm được.
Hồ Chủ tịch đặc biệt chú ý đến nhi đồng là đã tiến được về tinh thần, vật chất và văn hóa. Người thiết tha nói với các nhà văn hóa:
- Tôi tin văn hóa Việt Nam sẽ có một tương lai rực rỡ, tôi lại thay mặt nhi đồng kêu gọi các nhà văn hóa phải chú ý đến nhi đồng.
Để kết luận, Người nói:
Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.
Hồ Chủ tịch ra về, ông Đào Duy Anh, đại biểu Ủy ban vận động văn hóa toàn quốc đọc diễn văn.
Đại ý ông nói ngay một tháng sau Cách mạng Tháng Tám các nhà trí thức Thủ đô đã triệu tập một hội nghị văn hóa và giờ đây trước một tình thế chưa ổn định, hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức là để tỏ rõ cho thế giới biết rằng, trong khi dân tộc Việt Nam hăng hái chiến đấu thì các nhà văn hóa vẫn thiết tha với công cuộc kiến thiết văn hóa, kiến thiết quốc gia.
Ông Anh mong rằng, muốn cho văn hóa phát triển phải có những điều kiện thuận lợi để cho các nhà trí thức phát triển hết được tài năng của mình. Họ phải được giúp đỡ. Các nhà trí thức giúp đỡ lẫn nhau. Hội Văn hóa ngày hôm nay đã mở đầu cho sự giúp đỡ đó. Thêm nữa, sự kiện Hồ Chủ tịch đến đọc diễn văn trong buổi lễ khai mạc này, mở đầu cho sự giúp đỡ của Chính phủ đối với văn hóa.
Ông Đào Duy Anh đã tin tưởng rất nhiều vào tương lai văn hóa Việt Nam, ông nói:
Mặc dầu có những gay go thử thách chúng ta đã lập được Hội nghị văn hóa đó là một bảo đảm chắc chắn cho sự thành công của các nhà văn hóa.
Sau ông Anh, các đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đoàn thanh niên Việt Nam và học sinh bình dân học vụ đứng lên phát biểu ý kiến.
Ông Chủ tịch Hội nghị Nguyễn Hữu Đang báo cáo qua lý do về việc tổ chức Hội nghị văn hóa, thành phần và sự vận động của Ủy ban vận động trong mấy năm gần đây. Cuối cùng, ông tuyên bố, vì tình thế, hội nghị không thể họp đủ một tuần lễ, như đã ấn định. Chỉ hết buổi chiều hôm nay sẽ bế mạc. Bởi thế, ông đề nghị lập ra một Ủy ban văn hóa toàn quốc để tiếp tục làm nốt những công việc mà hội nghị chưa làm được.
Trước khi bế mạc buổi họp bổ sung, hội nghị cử cụ Lê Đình Thám mang vòng hoa đặt lên đài tưởng niệm các trận vong chiến sĩ. Toàn thể hội nghị đi theo cụ Thám đến đài kỷ niệm nghiêng mình một phút trước vong linh các chiến sĩ đã bỏ mình vì nước.
Cuộc hội họp cuối buổi chiều
Khai mạc ở giảng đường trường đại học hội nghị nhận được nhiều điện văn của các nhà văn hóa các nơi không về dự họp được đánh về chào mừng như: Đức cha Hồ Ngọc Cẩn, ông Trần Đình Nam, ông Trần Mai Ninh, các ông Nguyễn Tuân, Sĩ Ngọc, Đình Lạp, Xuân Diệu, Đỗ Cung trong đoàn sáng tác ở Nam Trung Bộ.
Hội nghị duyệt các điện văn gửi lên Chính phủ, cho các nhà văn hóa Trung Hoa, Nam Dương, Mỹ, Hội văn nhân Pháp, các nhà văn hóa thế giới, và các chiến sĩ của ta đang chiến đấu ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Lạng Sơn, Hải Phòng, Sơn La.
Sau đó hội nghị bầu ra một Ủy ban bao gồm 15 người chính thức, 5 dự khuyết để điều khiển Ủy ban văn hóa toàn quốc.
Các đại biểu bỏ phiếu và những vị này đã trúng cử:
Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Nguyễn Đình Thi, Hồ Hữu Tường, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thiệu Lâu, Trương Tửu, Khái Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Huyên và năm vị dự khuyết là các ông Lưu Hữu Phước, Hoàng Tích Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn.
Mặc dầu tình thế nghiêm trọng, Ủy ban sẽ tiến hành công việc ngay từ ngày mai.
QĐND ĐIỆN TỬ
https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/tu-lieu-quy-bai-tuong-thuat-ve-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc-lan-thu-nhat-dang-tren-bao-cuu-quoc-so-ra-ngay-25-11-1946-678100
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn