Qua 10 lần tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng tỉnh Kon Tum đã thu hút hàng trăm mô hình, sản phẩm tham gia, trong đó có 46 mô hình, sản phẩm đạt giải cấp tỉnh, 4 sản phẩm đạt giải toàn Quốc gồm: 1 giải khuyến khích, 1 giải Ba, 1 giải Nhất và 1 giải đặc biệt.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang thành viên Ban giám khảo đánh giá: “Các mô hình, sản phẩm dự thi của các em học sinh có tính sáng tạo rất cao, hầu hết ý tưởng sáng tạo của các em đều xuất phát từ thực tiễn học tập, cuộc sống ở địa phương; một số mô hình có sự đầu tư thiết kế, gia công, cải tiến kỹ thuật và tạo được sản phẩm có ứng dụng mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Các sản phẩm đều có ý nghĩa nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường”.
Tiêu biểu như sản phẩm CenaBOX - Thiết bị trợ lý thông minh của tác giả Nguyễn Anh Khoa, học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (đạt giải Nhất Cuộc thi lần thứ 10 năm 2017-2018). Sản phẩm này có nhiều tính năng nổi trội như: Tương tác với trợ lý ảo Cenna; phản hồi người dùng và nhận dạng giọng nói qua công nghệ Text-To-Speech; tìm kiếm giải đáp thông tin; chỉ đường qua Google; “Hey Cena!”; điều khiển các thiết bị ngoại vi; giải toán thì CenaBOX là một thiết bị ai cũng có thể dùng được nhờ đặc tính thân thiện với người dùng và khả năng nhận dạng và phản hồi qua giọng nói rất tốt. Đặc biệt, thiết bị này hỗ trợ việc điều khiển qua giọng nói và có thể điều khiển các thiết bị ngoại vi nên nó là một thiết bị có ích cho những người khuyết tật, đặc biệt là những người khiếm thị”.
Điểm nổi bật, Cuộc thi đã thu hút ngày càng nhiều các tác giả là học sinh người dân tộc thiểu số tham gia, đơn cử như mô hình “Bộ ống thu nhiệt từ bếp nấu củi tạo nguồn nước ấm cho học sinh sinh hoạt tại trường phổ thông dân tộc bán trú vào mùa đông” của em A Sơng, học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Ngọc Tem, huyện Kon P lông, đây là một trường nằm ở địa bàn khó khăn. Từ thực tế nhà trường có bếp đun củi, em đã tìm hiểu, nghiên cứu tạo ra một bộ thu nhiệt từ những vật liệu đơn giản như: ống inox, van nước, ống nhựa dẫn nước, vòng niệt, dòng nước ấm hơn 100c so với nhiệt độ nước ban đầu, giúp cho học sinh trong trường có thể tắm mà không còn cảm giác lạnh giá vào mùa đông.
Từ thực tế trên đã khẳng định, Cuộc thi đã khơi dậy tiềm năng, phát huy tính tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng, tạo sân chơi khoa học bổ ích cho học sinh, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, xây dựng ước mơ để trở thành nhà sáng chế trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Hội thi, Cuộc thi của các địa phương còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền chỉ mang tính hình thức, chưa phong phú nên không thu hút được đông đảo các đối tương tham gia dẫn đến số lượng mô hình, sản phẩm ít; Công tác chỉ đạo tổ chức triển khai giữa các ngành còn chưa thống nhất. Một nguyên nhân là các trường THCS và THPT mới chú trọng động viên học sinh tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, với đối tượng là học sinh từ lớp 8 đến lớp 12, trong khi Cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ là cho toàn bộ học sinh từ lớp 1 tới lớp 12 và mang tầm quốc gia.
Ông Đỗ Ngọc Thọ - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, Phó trưởng BTC Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh cho rằng: “Để Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng có ý nghĩa thiết thực cần phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các trường học; Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, nhất là giới thiệu các sản phẩm/mô hình đạt giải cao tại Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc có khả năng ứng dụng trong thực tế để đông đảo thanh thiếu niên và nhi đồng trong toàn tỉnh hiểu rõ nội dung, ý nghĩa và cách thức trình bày thuyết minh sản phẩm/mô hình tham gia Cuộc thi. Từ đó, nhân rộng sản phẩm/mô hình, khuyến khích tổ chức sơ tuyển để lựa chọn sản phẩm tham gia cấp tỉnh”.
Có như vậy, Cuộc thi mới có thể là sân chơi bổ ích để khơi dậy ý tưởng sáng tạo, ươm mầm những tài năng, nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Từ những sân chơi này đã tạo nên cơ hội để các em giao lưu, học hỏi, kết bạn với những bạn bè có cùng đam mê nghiên cứu khoa học, tạo động lực để các em trang bị thêm hành trang, đủ tự tin bước vào cuộc sống.
Bài và ảnh: Quang Mạnh