Kinh tế của thành phố Kon Tum duy trì mức tăng trưởng tương đối cao (giai đoạn 2009-2010 đạt 15,97%/năm; 2011-2015 đạt 17,19%/năm; 2016-2018 đạt 18,96%/năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trong nông - lâm - thủy sản. Nông, lâm nghiệp, thủy sản có những chuyển biến tích cực, phát triển vững chắc theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2009-2018 đạt 11,33%/năm.
Thành phố tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển đổi rõ nét.
Đã hình thành một số vùng chuyên canh cây hàng năm, cây lâu năm, vùng sản xuất rau an toàn; diện tích cây mía, cao su, cà phê, sắn tiếp tục được củng cố và mở rộng, tạo ra các vùng chuyên canh nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến: Đến cuối năm 2018, diện tích cây cà phê đạt 782 ha, tăng 234 ha so với năm 2009; diện tích cây cao su đạt 9.851ha, tăng 2.685 ha so với năm 2009. Diện tích cây sắn đạt 5.186ha, tăng 305ha so với năm 2009; vùng sản xuất rau an toàn phát triển được 808 ha, tăng 240 ha so với năm 2009.
Chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp ngày càng phát triển với 35 trang trại chăn nuôi; Nuôi trồng thủy sản từng bước phát triển với việc tận dụng diện tích mặt nước sông, hồ, thủy lợi. Việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới, có năng suất, giá trị cao vào sản xuất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được chú trọng, đã góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tăng trưởng công nghiệp- xây dựng khá cao, bình quân giai đoạn 2009-2018 đạt 18,6%/năm; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đến 2018 đạt 2.010 triệu đồng, tăng 2,2 lần so với năm 2009. Công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 2 khu công nghiệp và 04 cụm công nghiệp. Một số ngành công nghiệp có lợi thế được chú trọng phát triển, tạo sản phẩm có sức tiêu thụ trên thị trường như cà phê, gạch, ngói; một số nghề thủ công truyền thống được khôi phục, phát triển tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh. Trên địa bàn thành phố hiện có 02 siêu thị và 08 chợ. Có khoảng 530 doanh nghiệp và 9.255 cơ sở kinh doanh hộ cá thể kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tăng trưởng bình quân 2009-2018 đạt 18,63%/năm.
Vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum được tập trung đầu tư phát triển gắn với xây dựng thành phố đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, trọng tâm là đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nội thành, ngoại thành và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tập trung đầu tư phát triển vùng nội thành gắn với các tiêu chuẩn đô thị loại II. Công tác quy hoạch đô thị và quản lý thực hiện theo quy hoạch được chú trọng.
Đến nay, không gian đô thị từng bước được mở rộng, sắp xếp, bố trí theo quy hoạch; diện mạo đô thị thành phố ngày càng khang trang, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ. Hệ thống đường nội thành, đường liên xã và giao thông nông thôn lưu thông thuận lợi, thông suốt hai mùa; công tác tu bổ, sửa chữa các công trình thủy lợi được thực hiện thường xuyên, đảm bảo cấp nước và an toàn hồ chứa; điện lưới đã phủ kín toàn thành phố, 100% số hộ được sử dụng điện, 97% các tuyến đường phố, đường hẻm nội thành có điện công lộ và hầu hết các tuyến đường trung tâm xã đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng công lộ; trên 97,5% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hệ thống trường lớp, thiết bị dạy và học ngày càng được chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư mở rộng, trang thiết bị hiện đại, Trung tâm y tế và các Trạm y tế tuyến xã được quan tâm từng bước đầu tư đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân.
Hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh, mạng thông tin di động không dây 3G, 4G phủ sóng trên toàn thành phố; thiết chế văn hóa, công trình thể thao và các công trình phúc lợi xã hội được quan tâm đầu tư từ ngân sách và xã hội hóa đầu tư.
Đặc biệt, các công trình trọng điểm của tỉnh, của thành phố đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo chất lượng; các trục đường giao thông chính đã được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi để thành phố Kon Tum giao lưu với các huyện trong tỉnh, các tỉnh, các khu vực trong nước và với các nước trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đến nay, có 04/11 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác xoá đói giảm nghèo được đẩy mạnh triển khai một cách đồng bộ và đạt được kết quả tương đối cao, góp phần ổn định cuộc sống của người nghèo trên địa bàn thành phố.
Khi mới thành lập thành phố, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố là 6,32%, đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 3,12% (theo chuẩn nghèo cũ); năm 2016, thực hiện rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo thành phố Kon Tum là 6,65%, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,43%. Năm 2015 thành phố đã hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm; đến nay nhà ở, đất ở, đất sản xuất của Nhân dân phần lớn được đảm bảo.
Cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị giáo dục được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu dạy - học. Đến nay, đã có 33/70 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề 33,2% tăng 19,3% so với năm 2009. 100% Trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 17/21 xã, phường đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 82,46%...
10 mùa hoa trôi qua, vượt lên bao khó khăn, thử thách, với tinh thần tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc của thành phố trẻ Kon Tum đã luôn đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền thống cách mạng và những tiềm năng, thế mạnh sẵn có để xây dựng, phát triển thành phố Kon Tum xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh./.
Bài, ảnh: Dương Nương
Nguồn tin: kontum.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn