Kon Tum là tỉnh nghèo, việc đầu tư các phương tiện truyền thông cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn hạn chế, nên việc tiếp cận thông tin đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân còn khó khăn. Trước tình hình trên, nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc trang bị sách, ấn phẩm cho cơ sở, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (Đề án).
Qua 15 năm triển khai Đề án, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp, các ngành đã bố trí kinh phí, mua sắm trang thiết bị, lập và quản lý tủ sách để cán bộ, đảng viên và Nhân dân khai thác, nghiên cứu; phân công cán bộ tiếp nhận, phân loại, sắp xếp, mở sổ theo dõi, quản lý, hướng dẫn việc đọc, mượn sách gắn với thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý tủ sách; đẩy mạnh tuyên truyền, phát động và khuyến khích phong trào đọc sách trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; duy trì và đổi mới hình thức tổ chức Ngày sách Việt Nam theo hướng hiệu quả, phù hợp với trình độ dân trí và điều kiện thực tế của địa phương; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án.
Đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 400 đầu sách, đĩa CD-ROM và đĩa CD Audio. Tất cả các xã, phường, thị trấn đều có tủ sách cơ sở, tủ sách pháp luật. Tiêu biểu là huyện Đăk Hà đã xây dựng và phát huy tốt chức năng của Thư viện huyện, thư viện cấp xã và 101/103 tủ sách pháp luật ở các thôn, làng. Các loại sách do Đề án trang bị cho xã, phường, thị trấn có hình thức trình bày đẹp, cập nhật những thông tin mới, bổ ích với các nội dung về quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư cấp xã; tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cẩm nang, hướng dẫn nghiệp vụ xử lý công việc hằng ngày của cán bộ cấp xã; công tác xây dựng Ðảng, chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội; về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Ðại hội Đảng các cấp và các hội nghị của Trung ương Ðảng; khoa học thường thức, kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp... Đây là nguồn thông tin chính thống, cập nhật những kiến thức mới nhất về khoa học, đời sống, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đáp ứng nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở.
Ngoài sách được trang bị từ kinh phí thực hiện Đề án, các xã, phường, thị trấn đã căn cứ tình hình thực tế để đặt mua thêm các loại sách, ấn phẩm phục vụ công tác chuyên môn và nhu cầu đọc sách của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn; chủ động xã hội hóa, tận dụng các nguồn sách cũ, xin tài trợ của các tổ chức, cá nhân, góp phần làm phong phú thêm các tủ sách. Đồng thời, từng bước chú trọng xây dựng thư viện điện tử để ngoài việc tìm kiếm trên danh mục tài liệu điện tử, người dùng có thể tra cứu dựa trên các trường thông tin mô tả hoặc tra cứu toàn văn các tài liệu đã được số hoá, đọc tài liệu trên máy tính và điện thoại di động...
Nhìn lại sau 15 năm triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã giúp cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở nâng cao trình độ lý luận chính trị, pháp luật, chuyên môn về công tác xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, công tác đoàn thể để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao; giúp Nhân dân nắm bắt và áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Bài, ảnh: Trần Kim Sơn