Cứ đến 27/2 hàng năm, ngành Y tế lại rộn ràng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Tại buổi Lễ lại được nghe lại Thư của Bác Hồ gửi cho Hội nghị cán bộ y tế. Bác viết “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. Là một cán bộ y tế, tôi luôn tự hào khi khoác lên người chiếc áo Bluose trắng, góp phần nhỏ trong nhiệm vụ chung của ngành.
Cùng với “Nghề giáo”, “Nghề thuốc” được xã hội tôn vinh gọi “Thầy”, cũng nhiều vẻ vang, nhưng còn lắm những gian truân. Từ khi còn đi học, các ngành khác sau khi ra trường chỉ cần vài tháng thử việc là có lương chính thức, nhưng các bác sĩ phải thực hành ít nhất 18 tháng, điều dưỡng và chức danh khác ít nhất phải thực hành 9 tháng mới đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề. Chưa hết, để đáp ứng được công việc còn phải học chuyên khoa sâu, đào tạo cập nhật kiến thức y khoa liên tục, tham gia nghiên cứu khoa học… mà chủ yếu phải tự sắp xếp thời gian, tự trang trải chi phí. Khi làm việc trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, “Thầy thuốc” còn phải trực đêm để theo dõi, nâng đỡ giấc ngủ cho người bệnh, có ca cấp cứu khó, nguyên cả kíp nhân viên phải làm việc cật lực suốt vài tiếng đồng hồ để giành giật sự sống cho người bệnh. Có điều dưỡng tâm sự “hàng ngày nghe tiếng bíp bíp của máy thở tại khoa Hồi sức đến nỗi về nhà lúc nào cũng có tiếng kêu đó, rất khó ngủ”. Cuộc sống khó khăn với đồng lương ít ỏi, để trang trải chi phí cuộc sống, nhiều nhân viên y tế làm thêm ngoài giờ, khiến số giờ làm việc trong mỗi ngày có khi lên đến gần 20 tiếng. Bên cạnh đó, nhân viên y tế là người tiếp xúc thường xuyên với người bệnh nên nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch là rất cao. Trong đại dịch COVID-19 đợt thứ tư tại Việt Nam, tính đến nay, toàn ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã có 79 nhân viên y tế bị mắc COVID-19, tuy nhiên cũng chưa có quy định cụ thể nào về chế độ hỗ trợ đối với các trường hợp này.
Nói về khó khăn vất vả thì nghề nào cũng có, mỗi nghề có khó khăn vất vả riêng. Nhưng đối với nghề y do mang tính đặc thù từ đào tạo cho đến sử dụng, hành nghề, bởi đối tượng của nghề y là sinh mạng, ở nghề khác khi sai lầm sẽ có cơ hội để sửa chữa, nhưng trong nghề y, mỗi sai lầm sẽ mang đến hậu quả đáng tiếc cho người bệnh, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Thử hỏi, nếu bạn làm việc liên tục 24 giờ trong một môi trường luôn căng thẳng, diễn biến phức tạp…liệu bạn có thể tỉnh táo, chính xác để thực hiện công việc của mình? Bạn có thể luôn có thái độ nhẹ nhàng và luôn giữ được nụ cười trên môi? Có thể, nhưng rất khó. Khi nhân viên y tế sai lầm, xã hội có xu hướng khó có thể chấp nhận những sai lầm đó, mỗi sai lầm sẽ trở thành một tiêu điểm, được bàn luận khắp nơi với sự hỗ trợ tích cực từ không gian mạng, thậm chí bị xúc phạm, hành hung, đã có trường hợp nhân viên y tế bị thương tật và tử vong.
Một người bạn làm bác sĩ chia sẻ: Trong bệnh viện, có rất nhiều người bệnh khó khăn, không có tiền chi trả chi phí khám chữa bệnh, không có tiền ăn, uống, rồi anh chị em nhân viên y tế gom góp mỗi người một ít hỗ trợ cho họ. Rồi người bệnh cấp cứu, cần máu nhưng bệnh viện hết máu, rồi cả viện phải tất bật “tìm” hỏi xem ai có máu cùng nhóm để cho người bệnh, kịp tiến hành cấp cứu chứ chờ người nhà đến sẽ nguy kịch. Rồi đến những đứa trẻ bị bỏ rơi, những người bệnh không nơi nương tựa trong bệnh viện…nhân viên bệnh viện cưu mang, chăm sóc cho đến khi cứng cỏi mới trả về cơ sở bảo trợ xã hội.
Từ giấc mơ khi còn bé muốn trở thành Bác sĩ để chữa bệnh cho người mẹ hay ốm yếu, cho đến khi nỗ lực, cặm cụi học hành để có đủ kiến thức thi vào Đại học Y với số điểm cao ngất, cống hiến cả thanh xuân trong bệnh viện để học tập, cho đến khi được trực tiếp khám chữa bệnh, rồi làm công tác quản lý một bệnh viện, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, thăng trầm của nghề. Nếu được lựa chọn, tôi vẫn chọn “Nghề Thầy thuốc”. Khi thấy người bệnh vui, người bệnh đỡ đau, mọi vất vả dường như tan biến; khi mệt mỏi lắm nhưng sự nỗ lực cứu sống được người bệnh, cả kíp nhân viên bệnh viện có cảm giác vượt qua làn ranh của sự sống và cái chết… những cảm xúc ấy không thể viết thành lời.
Chúng tôi đã, đang và sẽ phấn đấu nỗ lực mỗi ngày, tự hoàn thiện bản thân, tự học hỏi, trau dồi nghề nghiệp để nâng cao năng lực, tự nhắc với mình luôn luôn nhẹ nhàng, luôn luôn cảm thông nỗi đau bệnh tật của người bệnh, cố gắng xem “người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Nghe bảo sắp tới, Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề, từ 40-70% lên 100%, mừng lắm, để anh em có thêm khoản thu nhập, chẳng mong “đãi ngộ đặc biệt”, nhưng mong lắm những chính sách hỗ trợ “đủ sống”, để y tế bớt đi những nhọc nhằn cuộc sống đời thường, có thêm động lực để tiếp tục con đường mình đã chọn.
BS. Đoàn Thị Tuần