Nét đẹp văn hoá của Lễ Ét-đông ở Kon Tum 

Nét đẹp văn hoá của Lễ Ét-đông ở Kon Tum

Thứ sáu - 07/01/2022 10:24
Tháng 5-2021, Lễ Ét đông của nhóm Giơ Lâng (dân tộc Ba Na), huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là dịp mà cả cộng đồng người Giơ Lâng nghỉ ngơi, vui chơi thoả thích, làm phong phú thêm đời sống tinh thần; đồng thời cũng là dịp để người lớn truyền dạy, giáo dục cháu con truyền thống của dân tộc, hiếu kính với tổ tiên, biết yêu quê hương, yêu núi rừng...
Đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự tái hiện Lễ Ét đông tại huyện Kon Rẫy
Đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự tái hiện Lễ Ét đông tại huyện Kon Rẫy
Kon Tum là tỉnh miền núi thuộc Bắc Tây Nguyên - nơi có nhiều thành phần dân tộc sinh sống; mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa đặc thù. Lễ hội của các tộc người ở Kon Tum có dáng vẻ chung của cộng đồng người ở Tây Nguyên; đồng thời mang một sắc thái văn hóa riêng, chứa đựng sự hài hòa của nắng mưa, của núi rừng, nương rẫy và con người. Bên cạnh nhiều hoạt động lễ hội như: Lễ hội mừng giọt nước của làng, Lễ hội mừng lúa mới, Mừng nhà Rông, đâm trâu… Lễ "Ét đông" của nhóm Giơ Lâng (dân tộc Ba Na), huyện Kon Rẫy là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số tại chỗ ở Kon Tum, góp phần xây dựng nên bức tranh văn hóa rực rỡ đa sắc màu của Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung.
Tháng 5-2021, Lễ Ét đông của nhóm Giơ Lâng (dân tộc Ba Na), huyện Kon Rẫy được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ Ét đông (hay còn gọi là Lễ Et Đing Dieng, Tết ăn con dúi) ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với hoạt động sản xuất nương rẫy cùng với tín ngưỡng văn hóa truyền thống của cộng đồng làng. Theo quan niệm của người Ba Na nhánh Giơ Lâng, dúi là một con vật hiền lành không phá hoại mùa màng của người dân. Dúi thường ăn rễ tre, rễ cỏ… Người Giơ Lâng xem dúi là con vật thiêng, biểu tượng của sự cần cù, siêng năng nên cả năm sẽ không bị đói. Đầu tháng 10 dương lịch hàng năm, khi thời tiết mát mẻ, cây lúa bắt đầu trổ đòng, ngậm hạt, chuẩn bị cho vụ thu hoạch lúa rẫy là lúc Lễ Ét đông được tổ chức. Lễ Ét đông như lời tạ ơn của đồng bào Ba Na đối với thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, cây lúa tốt tươi, trĩu hạt, gia đình ấm no, hạnh phúc. Đây là lễ hội lớn, được xem là Tết của đồng bào nhóm Giơ Lâng. Chỉ sau khi ăn Lễ Ét đông, người Giơ Lâng mới triển khai những việc lớn của gia đình, như: Làm nhà mới, sửa nhà cũ, cưới hỏi, mua trâu, bò...
Trước kia, Lễ Ét đông được tổ chức trong thời gian 4 ngày. Trong đó, ngày đầu tiên là dựng “Găng ga” (cổng kiêng) nơi đường lên rẫy, dựng cây nêu và thực hiện nghi thức cúng trên rẫy của từng gia đình. Ngày thứ hai, cúng cơm giống lúa thừa tại gia đình và mang lễ vật lên nhà Rông, thực hiện các nghi thức cúng Yàng tại nhà Rông truyền thống của làng. Ngày thứ ba, là ngày ăn con dúi cũng là ngày đưa tổ tiên về trời. Ngày thứ tư, mọi người lên nhà Rông kiểm tra số lượng hạt gạo đặt dưới ghè rượu có còn nguyên vẹn hay không để đoán định tương lai. Hiện tại, Lễ Ét đông được rút gọn còn 2 ngày. Ngày đầu tiên tổ chức Lễ ở quy mô gia đình. Ngày thứ hai, lễ được tổ chức ở quy mô cộng đồng làng, mọi người cùng uống rượu để đưa linh hồn ông bà, tổ tiên về trời. Các hoạt động làm cây nêu, dựng cổng… được đưa vào công tác chuẩn bị.
Ngày đầu tiên của Lễ, đồng bào chuẩn bị lễ vật và cúng ở rẫy lúa, mời Yàng cùng ông bà tổ tiên về vui Lễ hội cùng con cháu. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị lễ vật gồm: Ché rượu, con dúi, cuộn chỉ, lá chuối tươi, ống lồ ô, peng (một loại lá rừng) để gói gạo… rồi gùi lên nhà Rông để thực hiện Lễ Ét đông ở quy mô cả cộng đồng làng. Từ sáng sớm, sau hồi trống dài vang lên từ phía nhà Rông, già làng là người đầu tiên đặt ghè rượu quý có cắm con dúi vào vị trí trung tâm nhà Rông rồi trang trí, buộc dây vào cây cột. Tiếp sau già làng, các gia đình lần lượt mang phẩm vật về nhà Rông. Họ dùng lá chuối tươi lót sàn, sau đó dùng lá peng để gói gạo. Trong gia đình có bao nhiêu người thì gói bấy nhiêu hạt gạo. Theo quan niệm của người Giơ Lâng, sau khi kết thúc Lễ Ét đông, số hạt gạo trong gói còn nguyên là gia đình bình an, còn nếu như mất đi một vài hạt gạo là điềm báo không tốt. 
Khi các gia đình đã chuẩn bị xong, dưới mái nhà Rông cao vút tựa con đường nối tới trời xanh, già làng đánh một hồi trống dài bắt đầu lễ thức thỉnh Yàng. Các gia đình đồng loạt mở nắp ghè rượu, đổ nước vào. Tại vị trí trung tâm nhà Rông, già làng cầm cuộn chỉ cột sợi dây từ ghè rượu của mình rồi chuyền sang cho các gia đình lần lượt cột vào ghè rượu và cây cột dành riêng cho mình. Họ lấy lá chuối tươi bó sợi chỉ lại để đề phòng lửa bén làm đứt chỉ, sẽ là điều không may. Đây là một nghi thức quan trọng, sợi chỉ được coi là sợi dây thông linh chuyển thông điệp chung của dân làng tới các vị thần, ông bà tổ tiên, vừa là sợi dây đoàn kết các gia đình trong cộng đồng. 
Tiếp đến, già làng lấy rượu trong từng ghè đổ vào một ống nứa, lấy một miếng da trên đỉnh đầu của con dúi, đem xâu lại thành chuỗi rồi cột vào góc thiêng của nhà Rông để dâng lên Yàng. Các gia đình ngồi cúng tại ghè rượu của gia đình mình, sau đó lấy một ít rượu cần đưa ra trước cửa nhà Rông để mời “ma”, rồi lần lượt đổ rượu vào cái phễu lá chuối và đi đến góc thiêng để hành lễ. Sau nghi lễ cúng Yàng, mọi người trở về nhà mình ăn cơm cúng tại nhà và đợi đến hồi trống dài tiếp theo tại nhà Rông để tập trung cùng uống rượu lễ. Trong tiếng cồng chiêng ngân vang, nhịp xoang rộn ràng, ánh lửa rực rỡ, cuộc vui kéo dài đến tận tối. Kết thúc ngày thứ nhất, con dúi được đưa lên trên dàn thờ, là khu vực linh thiêng ở chính giữa nhà Rông. 
Bước sang ngày thứ hai, mọi người cùng uống rượu để đưa linh hồn ông bà, tổ tiên về trời. Gần cuối buổi chiều, già làng và một số thanh niên lên khu vực thiêng khấn xin các thần cho dân làng đem con dúi xuống. Các gia đình đều đưa một chén rượu, một ít thức ăn lên không gian thiêng với hy vọng Yàng sẽ mang lại sự may mắn cho họ. Con dúi sau đó được đem xuống và cắm ở trung tâm nhà Rông, nơi đặt ghè rượu của già làng. Các chủ hộ lần lượt đem con dúi của mình về xẻ thịt, chế biến, chia đều cho mọi thành viên tham dự và khách. Mọi người cùng nhau ăn uống, trao đổi về công việc trong thời gian tới. Đến cuối ngày, phần xương đầu của con dúi được buộc vào que le và cắm ở khu vực thờ chính giữa nhà Rông để thông báo đến các thần linh rằng Lễ Ét đông đã kết thúc.
Một điều đặc biệt trong Lễ Ét đông là người ta không thịt vật nuôi trong gia đình, hầu hết các thực phẩm đều được lấy từ trong tự nhiên như: Rau rừng, cá suối… như là sự thể hiện lòng yêu mến, biết ơn đến mẹ thiên nhiên. Lễ cũng là nơi lưu giữ và phát huy các môn nghệ thuật trình diễn dân gian, các bài dân ca. Trong đó điển hình là không gian văn hóa cồng chiêng và nét đẹp từ những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống của người Ba Na. Trải qua quá trình giao lưu văn hóa, ngày nay, tại Lễ hội Ét đông, bà con người Giơ Lâng vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vẫn với sự chất phác, tấm lòng rộng mở của người Tây Nguyên, bà con cũng nhiệt tình đón tiếp khách du lịch hay người dân địa phương có dịp đến tham dự Lễ Ét đông cùng với đồng bào mình.
Lễ Ét đông là nghi lễ truyền thống mang tính cộng đồng rất cao. Từ khâu chuẩn bị cho đến hết thời gian tổ chức, mỗi gia đình đều thực hiện tốt vai trò là thành viên cộng đồng; các công việc được phân công, triển khai một cách nhịp nhàng, tuyệt nhiên không có sự tranh cãi. Đây là dịp mà cả cộng đồng người Giơ Lâng nghỉ ngơi, vui chơi thoả thích, làm phong phú thêm đời sống tinh thần; đồng thời cũng là dịp để người lớn truyền dạy, giáo dục cháu con truyền thống của dân tộc, hiếu kính với tổ tiên, biết yêu quê hương, yêu núi rừng... Như sợi chỉ buộc trên ghè rượu của các gia đình trong Lễ Ét đông, những người Ba Na sẽ luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau như anh em một nhà, kế thừa, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho thế hệ mai sau.


Bài, ảnh: Đào Thị Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

TÀI LIỆU

HN tổng kết báo chí năm 2024; trao giải Búa liềm vàng tỉnh lần thứ IV

Lượt xem:102 | lượt tải:104

TÀI LIỆU

phục vụ HN tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2024

Lượt xem:391 | lượt tải:145

KL.103.TW

“về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp”

Lượt xem:88 | lượt tải:238

CV.1500.TU

Triệu tập HN trực tuyến quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; báo cáo tình hình KTXH năm 2024 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế

Lượt xem:992 | lượt tải:269

TÀI LIỆU

phục vụ giao ban báo chí tháng 11-2024

Lượt xem:206 | lượt tải:124

CV.2759.BTGTU

về định hướng triển khai Giải Búa liềm vàng của Đảng bộ tỉnh lần thứ V-năm 2025.

Lượt xem:250 | lượt tải:155

KH.175.TU

tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Lượt xem:239 | lượt tải:268
 
pxyk2025
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay12,953
  • Tháng hiện tại271,839
  • Tổng lượt truy cập35,226,998
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 25 tháng 9 năm 2024
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây