Thời gian qua, hoạt động TVPB&GĐXH được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, quá đó giúp các ngành, địa phương có thêm cơ sở, luận cứ khoa học trong quá trình xây dựng, trình duyệt và thực hiện các đề án, dự án, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2021, UBND tỉnh giao 08 dự án để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) thực hiện TVPB&GĐXH, trong đó nổi bật có các dự án: Chính sách tổng thể nông nghiệp nông thôn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, tính đến năm 2030; Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng và phát triển các ngành nghề kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quy chuẩn kỹ thuật về dược liệu…
Ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh cho biết: “Sau khi có văn bản của các Sở, ngành đề nghị TVPB&GĐXH, Liên hiệp hội đã thành lập Hội đồng tư vấn, phản biện; tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn, phản biện. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các chuyên gia, Liên hiệp hội tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và cơ quan soạn thảo Đề án, về nội dung tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội để lãnh đạo tỉnh xem xét, quyết định”.
Bên cạnh đó, Liên hiệp hội đã thực hiện tham gia đóng góp ý kiến 12 nội dung dự thảo trình Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 08 dự thảo của các Ban Đảng trực thuộc Tỉnh ủy đề nghị; tham mưu, đề xuất Chương trình công tác năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đóng góp ý kiến, thẩm định 52 dự thảo quyết định, quy hoạch, chương trình, đề cương do các Sở, ban, ngành đề nghị; làm thành viên phản biện 10 nội dung do Ủy ban MTTQVN đề nghị; thực hiện nhiệm vụ ủy viên phản biện của 32 dự án/đề tài đánh giá tác động môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường mời; đánh giá và phân hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh năm 2021.
Thông qua hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội đã kịp thời cung cấp tri thức khoa học, kinh nghiệm, thông tin, tư liệu cùng với sự phân tích, đánh giá, kiến nghị đến cấp có thẩm quyền. Đồng thời, đưa ra những nhận xét, đánh giá và khuyến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; xác định tính khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi của đề án hoặc một vấn đề, một sự việc cụ thể. Hoạt động này được thực hiện trên cơ sở khoa học, thực tiễn, độc lập, khách quan.
Theo ông Đặng Thanh Long, TVPB&GĐXH là hoạt động quan trọng của hệ thống Liên hiệp hội. Là nơi tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực để tham gia TVPB&GĐXH đối với các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và môi trường. Hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội tỉnh thực hiện trong thời gian qua đã đem lại những kết quả tích cực, được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các Sở, ngành, địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên theo đánh giá thì việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện nhìn chung vẫn còn gặp một số khó khăn như: chế độ cung cấp thông tin về các chương trình, đề án, dự án kinh tế - xã hội của địa phương cho Liên hiệp hội chưa thường xuyên; các cơ quan Nhà nước chưa chủ động đặt hàng với Liên hiệp hội để TVPB&GĐXH; việc đề xuất thực hiện nhiệm vụ TVPB&GĐXH của các Hội thành viên chưa thật sâu, sát những vấn đề cấp thiết đang đặt ra đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
“Để giải quyết những vướng mắc trên, chúng tôi đã tiến hành làm việc với lãnh đạo các huyện, thành phố nắm bắt thông tin về việc triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội để Liên hiệp hội triển khai hoạt động TVPB&GĐXH, nhằm giúp địa phương có thêm cơ sở, luận cứ khoa học và thực tiễn để lập và trình duyệt, triển khai thực hiện các đề án về phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn”- ông Đặng Thanh Long cho hay.
Bài, ảnh: Trần Quang Mạnh