Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã dự hưởng ứng lễ mít tinh. Các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tham dự tại điểm cầu Kon Tum.
Theo Bộ Y tế, năm 2024, toàn quốc có gần 48.000 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, có gần 70.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số người được điều trị PrEP, giúp kiểm soát được 97% người sử dụng tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV. Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV với trên 97% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
Với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” mà Việt Nam lựa chọn trong năm 2024 đã thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS) mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Phát biểu tại mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm bày tỏ vui mừng dự Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS - một sự kiện quan trọng được tổ chức hằng năm trên thế giới nhằm "nâng cao nhận thức, nhắc nhở mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và mỗi người chúng ta về trách nhiệm chung tay đẩy lùi HIV/AIDS, đồng thời thể hiện quyết tâm trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng tới một xã hội không còn nỗi sợ hãi và kỳ thị với những người sống chung với HIV".
Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm phù hợp, đồng bộ. Ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nhất là chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Đối với ngành y tế cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 cho phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung triển khai các giải pháp chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS, ưu tiên các cơ sở, địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị dịch bệnh. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tin, ảnh: Dương Văn Lợt
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Kon Tum)