Kon Tum là tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn…Tuy nhiên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp uỷ, Chính quyền các cấp và của Ngành Y tế cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự quyết tâm, vượt qua khó khăn, thách thức của hệ thống ngành y tế địa phương…nên công tác triển khai tiêm chủng vắc xin trên toàn tỉnh đạt kết quả đáng mừng. Cụ thể, ngày 22/4/2021 tỉnh triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, tính đến hết tháng 9 năm 2022, tổng số mũi tiêm đã nhập toàn tỉnh là: 1.265.992/1.400.842 mũi tiêm, trong đó có 99,7% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19, tỷ lệ mũi 2 là 98,7%, mũi bổ sung là 96,6%, mũi nhắc lại lần 1 là 91,5% và nhắc lại lần 2 đạt 97,7%. Đối với nhóm người từ 12-17 tuổi tỷ lệ được tiêm mũi 2 đạt 97,4%, mũi nhắc lại đạt 91,2%. Còn với nhóm từ 5-12 tuổi, tỷ lệ được tiêm mũi 2 đạt 87%.
Đáng nói, quá trình triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19, Kon Tum vừa phải thực hiện đúng kế hoạch tiến độ, đảm bảo chất lượng…vừa phải khắc phục những trở ngại như sự hạn hẹp về nguồn kinh phí, chỉ có sự hỗ trợ từ kinh phí của địa phương; là sự quá tải trong công việc, như cùng với các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, hệ thống y tế triển khai hoạt động tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho đối tượng là người dân trên toàn tỉnh, mỗi người dân đều được tiêm nhiều mũi, thời gian triển khai kéo dài với nhiều loại vắc xin COVID-19, hạn sử dụng vắc xin ngắn…Kết quả đáng mừng hơn là tuy chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 thần tốc, nhưng trên địa bàn tỉnh không có trường hợp tử vong do tiêm vắc xin COVID-19, chỉ có một vài trường hợp sốc phản vệ được xử trí kịp thời.
Kết quả đạt được trong tiêm vắc xin phòng COVID-19 của tỉnh Kon Tum đã góp phần trong kết quả chung của Việt Nam, thực hiện thành công chiến lược vắc xin “đi sau - về trước”, trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cao nhất trên thế giới.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong…Do đó, mặc dù đã đạt kết quả rất tốt trong tiêm chủng vắc xin phòng ngừa, song tỉnh Kon Tum nói chung và ngành Y tế nói riêng nhận thức rõ nguy cơ dịch bệnh tiềm tàng, luôn chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh COVID-19 nói riêng, góp phần đem lại cuộc sống sức khoẻ, yên vui cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh; góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Bài, ảnh: Bạch Thị Vân
(Trung tâm Kiếm soát bệnh tật)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn