Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “một số vấn đề về chính sách xã hội, giai đoạn 2012-2020”, tỉnh xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2012 đến năm 2022, tỉnh đã đầu tư, hỗ trợ công tác giảm nghèo với số tiền 11.530.272,17 triệu đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 9.804.805,85 triệu đồng; ngân sách địa phương là 1.460.687,42 triệu đồng; huy động xã hội hóa là 264.778,9 triệu đồng để đầu tư, hỗ trợ vào 06 hạng mục chính. Trong đó, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, làng ĐBKK cụ thể: đã đầu tư 272 công trình từ nguồn ngân sách Trung ương; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh tại 06 huyện nghèo (Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei, Kon Rẫy và Sa Thầy, Ia H’drai) từ ngân sách tỉnh; 1.231 công trình giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt tại các thôn, làng đặc biệt khó khăn. Qua đó, hệ thống giao thông, các công trình thủy lợi, cấp nước, điện sinh hoạt, trường lớp học, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng... được đầu tư, sửa chữa, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo với Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm, long móng; hỗ trợ cây lương thực (giống lúa, ngô), cây công nghiệp (cà phê, bời lời, keo lai); gia cầm (ngan, vịt), gia súc (trâu, bò, lợn, dê), máy móc, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất, vật tư (phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật), làm chuồng, trại... cho khoảng 38.963 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Để hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tỉnh đã tổ chức 17 lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tuyên truyền viên cơ sở cho 853 lượt người; tư vấn cho người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và người lao động sau khi về nước tại địa phương cho 1.963 lượt người. Hiện nay đang có 234 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, số lao động này tập trung ở 06 huyện nghèo của tỉnh. Việc hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất luôn được bà con quan tâm, tỉnh đã thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách với 57.683 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các hộ đầu tư chăn nuôi phát triển gia súc, gia cầm; trồng và chăm sóc cây bời lời, cà phê, cao su, cây lâu năm khác...Ngoài các hạng mục đầu tư, hỗ trợ trên, tỉnh cũng quan tâm nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn (làng) ĐBKK bằng cách tổ chức các hội nghị, tập huấn, các đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất với; duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt...
Hiệu quả từ việc thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong 10 năm qua đã được thể hiện qua những chuyển biến tích cực, rõ nét. Giai đoạn 2012 - 2015, có 28.563 hộ thoát nghèo, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,62%/năm. Giai đoạn 2016 - 2021, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,88%/năm. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 11,32%. Trong số những hộ gia đình thoát nghèo, có nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, xã hội hóa và sự giúp đỡ, hướng dẫn về kỹ thuật canh tác, chăn nuôi của các cấp, ngành trong tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của tỉnh chưa thật sự bền vững, vẫn còn phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo mới và hộ tái nghèo; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn... Song sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần; khoảng cách về trình độ phát triển giữa các hộ gia đình, các vùng, các dân tộc, nhóm dân cư được rút ngắn; xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Qua đó thấy rằng, sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ thực hiện chính sách giảm nghèo là điều kiện, động lực để người dân có ý thức thoát nghèo và ý chí vươn lên làm giàu; là việc triển khai thực hiện đúng đắn chủ trương của Đảng, Nhà nước ta nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho người dân.
Bài, ảnh: Ngô Đức Hải