Dự hội thảo có đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam và một số sở, ban, ngành tỉnh; Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy; lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh.
Việc tổ chức hội thảo là một trong những nội dung nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 75-KH/TU, ngày 19-11-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận giai đoạn 2018 – 2020, Kế hoạch số 73-KH/BTGTU, ngày 07-01-2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về nhận diện và ngăn chặn xung đột xã hội hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Thực tế thời gian qua cho thấy, trong quá trình phát triển, ngày càng có nhiều vấn đề xã hội nảy sinh như việc thu hồi, đền bù đất phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, việc tranh chấp đất đai; một số vấn đề về dân tộc, tôn giáo; ô nhiễm môi trường; tham nhũng; thất nghiệp, tệ nạn xã hội (tàng trữ, sử dụng ma túy, rượu chè bê tha; tình trạng hoạt động xã hội đen…)… tạo ra nhiều luồng tâm trạng, nhiều thái độ xã hội. Lợi dụng những vấn đề xã hội, tâm trạng xã hội đó, các thế lực thù địch trong và ngoài nước sử dụng Internet, mạng xã hội để công kích, kích động tâm trạng xã hội, chống phá Đảng và Nhà nước với mục đích gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây bạo loạn lật đổ. Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, nếu mất cảnh giác, hữu khuynh, đấu tranh thiếu kiên quyết, triệt để với các biểu hiện, mầm mống gây đột biến, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Kon Tum là một tỉnh biên giới, đời sống của nhân dân, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, cùng với những hạn chế về các phương tiện truyền thông, cơ sở hạ tầng…nơi đã và sẽ tiếp tục là địa bàn mà các thế lực thù địch chú ý tìm mọi cách nhằm lôi kéo, chia rẽ mối đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh; chia rẽ đồng bào các dân tộc, tôn giáo với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Vì vậy, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu luận, trong đó có vấn đề nhận diện và ngăn chặn xung đột xã hội hiện nay trên địa bàn tỉnh là một vấn đề cấp thiết và cần thiết.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo đề dẫn, nghe báo cáo tham luận và phát biểu thảo luận, những khó khăn, bất cập, đề xuất những giải pháp trong việc nhận diện, phòng ngừa, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn phát sinh ở cơ sở để giải quyết nhằm ngăn chặn có hiệu quả các xung đột xã hội xảy ra trên địa bàn.
Tin, ảnh: Lê Quang Thới