Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan của tỉnh.
Hội nghị đánh giá, từ năm 2009 đến năm 2023, Đề án đã cung cấp gần 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM và CD Audio), với tổng số hơn 14.000 bản in về cơ sở. Sách của Đề án gồm các nội dung chủ yếu như: Kiến thức về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; sách về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; về chủ quyền biên giới, hải đảo... sách của Đề án là nguồn thông tin chính thống, tin cậy, bảo đảm tính khách quan, khoa học, đã cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đề tài sách của Đề án đã bám sát yêu cầu của cơ sở, nội dung tương đối phong phú, thiết thực, biên soạn ngắn gọn, văn phong dễ đọc, dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tiễn quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Hình thức sách trình bày đẹp, hấp dẫn. Chủ trương triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trong cả nước nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cũng như của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở, có ý nghĩa rất thiết thực đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cấp xã.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn hạn chế, như: Trong công tác chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của Đề án; Còn thiếu nhiều đề tài sách về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, di sản văn hóa các vùng miền, xây dựng nông thôn mới và các đề tài sách song ngữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số; Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng sách của Đề án...
Kết luận hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những cách làm sáng tạo của các cơ quan chức năng, các địa phương trong thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, giai đoạn 2009-2023. Khẳng định đây là Đề án có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương hướng về cơ sở và để phát huy hiệu quả của Đề án, đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Tiếp tục đổi mới công tác lựa chọn đề tài, nắm bắt định hướng và nhu cầu của Nhân dân để chọn lựa nội dung, hình thức đa dạng, phong phú để truyền tải đến người dân tốt hơn; Bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, phòng đọc sách, trang thiết bị phục vụ cho việc quản lý, bảo quản, sử dụng sách, đồng thời với việc tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, nghiên cứu, học tập sách của Đề án. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Đề án để nhằm nâng cao dân trí nâng cao trí thức cho Nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; giúp cho người dân có nguồn kiến thức chính thống, tin cậy, bảo đảm tính khách quan, khoa học, để cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tin, ảnh: Trần Kim Sơn