Với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành và của Bộ đội Biên phòng tỉnh, chương trình đã và đang được triển khai hiệu quả tại khu vực biên giới tỉnh Kon Tum.
Được trông thấy gần ba sào sâm dây mà gia đình chị Y Ngọc ở thôn Bung Tôn, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei trồng được dưới sự vận động và hỗ trợ của các cán bộ Phụ nữ Thủ đô Hà Nội và đồn Biên phòng Đăkblô. Nhờ có sâm dây, kinh tế của gia đình chị đã phát triển nhiều hơn so với trước đây khi trồng sắn, mà lại không vất vả. Sau hai vụ thu hoạch, mỗi vụ chị Ngọc đã thu được hơn 10 triệu đồng, giúp gia đình chị có thêm kinh phí trang trải cuộc sống. Với sự giúp đỡ của Hội phụ nữ xã và cán bộ đồn Biên phòng ĐăkPlô, chị Ngọc không chỉ có thêm vốn để đầu tư vào sản xuất mà còn nắm bắt được kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; chị Ngọc cho biết "Phụ nữ Hà Nội hỗ trợ ban đầu là 5 triệu đồng, đồn Biên phòng Đăkblô hỗ trợ ngày công trồng sâm…nhờ trồng sâm dây mà nhà em đã mua được một chiếc xe máy, máy giặt và một số đồ dùng khác phục vụ tốt hơn cho cuộc sống hiện tại”.
Từ năm 2018, Chương trình "Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương" đã hỗ trợ mỗi hội viên 5 triệu đồng. Đến nay đã có 40 gia đình hội viên nhận được hỗ trợ với tổng số vốn là 200 triệu đồng để phát triển kinh tế. Chương trình đã tập huấn cho các chị em vùng biên giới của tỉnh về mô hình trồng sâm dây, hỗ trợ cho chị em về kĩ thuật, phân bón và giúp đỡ họ ngày công lao động. Nhờ vậy, hiệu quả đem lại từ trồng sâm dây của chị em hiện nay đã khác hẳn trước đây. Bà Y Nguối, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei cho biết thêm "Từ năm 2018, chị em trồng sâm dây, năm nay là năm thứ 4 rồi nên nhận thức của chị em tốt hơn ngày xưa nhiều. Đối với trồng sâm dây có nhiều thuận lợi hơn, nó nhẹ nhàng, mình làm cũng không nặng nhọc mấy, tỉa hạt xong, thời tiết thích hợp là nó lên cây, có chăm sóc nhưng không vất vvả lắm, đến mùa thi đi thu hoạch rồi bán lấy tiền”.
Căn nhà mà chị Y Sĩ ở thôn Bung Kon đang ở là mái ấm tình thương do Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội trao tặng. Căn nhà đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong sự xúc động của chị Y Sĩ khi được ở trong ngôi nhà mới. Đây là một trong những hoạt động thiết thực của Hội Liên hiệp Phụ nữ nhằm giúp đỡ các hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống và tạo động lực cho các hội viên tiếp tục vươn lên lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Với phương châm “3 bám, 4 cùng” với Nhân dân, tức là bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc thiểu số, đồn Biên phòng ĐăkBlô đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá, xem xét những hủ tục, phong tục lạc hậu đang tồn tại để đề ra các giải pháp cụ thể từng bước giúp người dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục còn lạc hậu; đồng thời tuyên truyền để đồng bào từng bước chuyển đổi nhận thức, nếp nghĩ lâu đời về những tập tục lạc hậu. Bà Y Nghệ, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei khẳng định rằng "Từ khi có chương trình Đồng hành Phụ nữ biên cương, Phụ nữ Thành phố Hà Nội cùng với Hội Phụ nữ xã Đăk Plô đã làm cho từng hội viên phụ nữ xã nhà thay đổi về nhận thức, tư duy làm kinh tế, như biết kết hợp vừa chăn nuôi bò, heo, gà và trồng sâm dây, cuộc sống của hội viên nghèo trước đây nay đã khá hơn nhiều”. Thiếu tá A Huấn, Chính trị viên phó, đồn Biên phòng ĐăkBlô chia sẽ “Chúng tôi xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa chương trình phối hợp với Phụ nữ huyện, Phụ nữ xã triển khai thực hiên mô hình giúp dân trên địa bàn, ví dụ như giúp dân trồng sâm dây, anh em trong đơn vị tìm hiểu về kỹ thuật trồng sâm dây để hướng dẫn cho nhân dân trồng đúng kỹ thuật; về mái ấm tình thương, đồn đã hỗ trợ xi măng, cát sỏi, ngày công, chỉ đạo Chi đoàn của đồn kết hợp ngày thứ 7 tình nguyện để giúp đỡ hội viên phụ nữ”.
Nhờ chăm sóc tốt hai con bò trị giá trên 20 triệu đồng từ chương trình "Phụ nữ biên cương" trao tặng từ năm 2020 tới nay, gia đình chị Y Máy, ở thôn Pinh Loong, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei đã sinh thêm được 2 bê con, nuôi một thời gian chị bán đi thu về gần trên 20 triệu đồng, không chỉ đem lại thu nhập, có tiền cho con đi học; với sự hỗ trợ của Hội phụ nữ xã và đồn Biên phòng Đăk Long gia đình chị đã có thêm kiến thức về nuôi, chăm sóc bò sinh sản mang lại kinh tế cao. Bà Y Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum cho biết “Để tiếp tục triển khai chương trình "Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương" giai đoạn tiếp theo, Hội LH Phụ nữ tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đồng hành, đưa ra các lộ trình theo từng giai đoạn và những nội dung hoạt động cụ thể, lâu dài ... Hội LH Phụ nữ tỉnh cũng sẽ phối hợp với Biên phòng khảo sát và xây dựng lộ trình cụ thể từng năm và đưa vào trong chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện một cách cụ thể và hiệu quả”.
Đến nay, Chương trình "Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương" đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của cán bộ Hội viên phụ nữ các xã biên giới của tỉnh Kon Tum, giúp cho gia đình chị em phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong làm ăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Biết chăm lo sức khỏe, giáo dục con cháu, vận động người thân, gia đình tham gia các hoạt động xã hội. Xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nông thông mới, tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự thôn làng ở khu vực biên giới.
Bài, ảnh: Nguyễn Văn Lý