Cuốn sách tập hợp khoảng 150 bức ảnh nghệ thuật, tái hiện vẻ đẹp trong trẻo, tráng lệ của Trường Sa qua nhiều thời khắc: một cơn dông, cây cầu vồng, khung trời qua ô cửa, tiếng ê a vọng ra từ những lớp học bên bờ sóng trong tiếng ngân nga của chuông chùa, một mầm cây đang vươn mình ra ánh sáng, một cơn mưa chập chờn phía xa khơi... Nhưng bên cạnh đó là cuộc sống khắc nghiệt in hằn trên làn da của người lính đảo, là cảm xúc nhớ đất liền và nhớ về những người đã ngã xuống.
Cuộc sống của trẻ em Trường Sa được tác giả đặc biệt chú ý. Các em học thế nào, chơi ra sao, sinh hoạt đời thường của các em có gì khác với trẻ em trong đất liền? Các em có cảm thấy hạnh phúc? Qua những khuôn hình dung dị và ánh mắt trẻ thơ, bạn đọc có thể tìm thấy được câu trả lời.
“Trường Sa-Nơi ta đến” khiến bất cứ ai đã từng đặt chân đến Trường Sa hoặc chỉ biết Trường Sa trong những câu chuyện kể đều rung lên những cảm xúc đẹp đẽ. Tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo ngân vang từ những khoảnh khắc vừa đời thường, dung dị, vừa cảm động, hấp dẫn.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ ghi nhận sau những chuyến đi Trường Sa, phóng viên Mỹ Trà đã có một triển lãm những hình ảnh về quần đảo này ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau những cuộc triển lãm như thế, Mỹ Trà đã in thành một cuốn sách. Đây là cách làm lan tỏa tình yêu Trường Sa, Hoàng Sa cũng như quê hương, đất nước tới cộng đồng, đặc biệt là trong lứa tuổi học sinh, sinh viên; từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc.
Cuốn sách "Trường Sa-Nơi ta đến" được thể hiện ở dạng song ngữ Anh-Việt, phần dịch do các biên tập viên Kênh tiếng Anh 24/7 (VOV5-Đài Tiếng nói Việt Nam) đảm nhận.
Sách được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, trong Tủ sách Biển đảo Việt Nam./.