Nhằm đưa nền giáo dục tỉnh nhà phát triển, kéo gần khoảng cách về trình độ dân trí so với mặt bằng chung cả nước và để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum luôn xác định việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục là một bộ phận trong chiến lược phát triển con người, giữ vai trò quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Sau khi có Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05-12-2011 của Bộ Chính trị “về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 20-KH/TU, ngày 10-4-2012 thực hiện Chỉ thị, trong đó, chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện; tập trung củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, biện pháp xây dựng xã hội học tập, vận động Nhân dân và toàn xã hội đưa trẻ đến trường. Tỉnh ủy đã ban hành 02 nghị quyết về nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số (DTTS); theo đó, xác định việc nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với thế hệ trẻ người DTTS; là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược; là điều kiện tiên quyết để nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế-xã hội trong tỉnh nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng phát triển nhanh và bền vững. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc, chung tay của các ngành, địa phương, đơn vị, công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan.
Về phổ cập giáo dục mầm non: Đến nay, toàn tỉnh có 788 lớp mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,48%; 100% trẻ 5 tuổi dân tộc thiểu số ra lớp và được chuẩn bị tiếng Việt; 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; 102/102 xã, phường, thị trấn có trường mầm non đủ phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi; 100% trường mầm non đảm bảo tiêu chí trường học xanh-sạch-đẹp, có công trình nước sạch và hệ thống thoát nước; 55,21% giáo viên dạy mẫu giáo 5 tuổi có trình độ trên chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Đã hoàn thành và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.
Về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi: Toàn tỉnh có 99 trường tiểu học với 665 phòng học/2.488 lớp, đạt tỷ lệ 1,07 phòng/lớp. Đã huy động 100% trẻ em 6 tuổi vào lớp 1; 94,15% trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học. Năm 2011, tỉnh có 97/97 xã, phường, thị trấn, 09/09 huyện/thành phố chỉ đạt chuẩn mức độ 1. Hiện nay, chỉ còn 01/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 1; có 03/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2 và 98/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 3; có 01/10 huyện/thành phố đạt chuẩn mức độ 2 và 09/10 huyện/thành phố đạt chuẩn mức độ 3. Tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2.
Về phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Toàn tỉnh có 62 trường THCS, 49 trường tiểu học-THCS với 1.292 phòng học/1.224 lớp, đạt tỷ lệ 1,06 phòng/lớp. Có 90,08% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS; 62,29% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận với giáo dục; 100% giáo viên đạt yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp giáo viên THCS theo quy định. Năm 2011, tỉnh có 97/97 xã, phường, thị trấn và 09/09 huyện/thành phố chỉ đạt chuẩn mức độ 1. Hiện nay, chỉ còn 15/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 1; có 67/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2 và 20/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 3; có 04/10 huyện/thành phố đạt chuẩn mức độ 1, 06/10 huyện/thành phố đạt chuẩn mức độ 2.
Về phổ cập giáo dục trung học phổ thông: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT (hệ giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên), giáo dục nghề nghiệp (trình độ sơ cấp, trung cấp) năm sau cao hơn năm trước. Năm 2011 đạt 60,2%; năm 2016 đạt 72,26% và năm 2021 đạt 75,95%.
Là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh còn khó khăn, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo hạn chế; tỷ lệ người đồng bào DTTS cao (chiếm 54%), trình độ dân trí của họ còn thấp hơn so với mặt bằng chung... dẫn đến việc triển khai công tác phổ cập giáo dục ở tỉnh Kon Tum gặp nhiều khó khăn, bất cập và còn không ít hạn chế. Song, trong những năm quan, tỉnh Kon Tum vẫn duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục; trong đó, giữ vững và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS, xóa mù chữ cho người lớn, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Trong thời gian tới, với sự chuyển biết tích cực về nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp và của xã hội đối với công tác phổ cập giáo dục; sự phối hợp ngày càng tốt hơn giữa phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên ngày càng được nâng lên; mạng lưới trường lớp, trang thiết bị dạy học và công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm đầu tư; chất lượng giáo dục, nhất là đối với học sinh DTTS, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được cải thiện; tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban ngày càng giảm.... Những yếu tố trên sẽ là điều kiện để đạt được mục tiêu mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra: “Đến năm 2030, tỉnh tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2”.
Bài, ảnh: Ngô Đức Hải