Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền nhân dân còn non trẻ, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đánh chiếm đến đâu là chúng cướp bóc, chém giết, bắt phu, bắt lính và thực hiện những thủ đoạn chia rẽ các tôn giáo, các dân tộc, tạo ra sự kỳ thị giữa người Kinh với người Thượng. Trước tình hình đó, tại Tây Nguyên, Ban vận động Quốc dân thiểu số và Phòng Quốc dân miền núi các tỉnh thuộc khu V, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu uỷ, ngày 19/4/1946, tại Pleiku, tỉnh Gia Lai đã tiến hành Đại hội các dân tộc thiểu số Miền Nam với hơn 400 đại biểu tham dự. Đại hội vinh dự đón nhận Thư chúc mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Bức thư ngắn, gọn, lời thư mộc mạc, dễ hiểu, song chứa đựng những nội dung cực kỳ sâu sắc:
“Cùng đồng bào dân tộc thiểu số!
Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…”
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn, đoàn kết các dân tộc, đoàn kết Kinh - Thượng, lương - giáo, sát cánh cùng nhau chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù đói cơm, lạc muối, phải ăn sắn, bắp, măng rừng thay cơm… Nhưng đồng bào các dân tộc Kon Tum đã một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quyết tâm giành độc lập tự do cho Tổ quốc, giải phóng dân tộc. Nhiều thế hệ các dân tộc Kon Tum đã đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược để giữ đất, giữ làng, bảo vệ những nét văn hoá truyền thống của dân tộc, không cho kẻ địch ngoại lai, đồng hoá. Nhiều cán bộ người Kinh ở đồng bằng, thực hiện lời kêu gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã rời bỏ gia đình, quê hương, dành tuổi thanh xuân của mình đến với đồng bào các dân tộc Kon Tum - Tây Nguyên cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói chung tiếng nói của đồng bào các dân tộc thiểu số, được đồng bào yêu thương, đùm bọc, nhường cơm, xẻ áo, chăm sóc, nuôi giấu, cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh chiến đấu chống giặc ngoại xâm giải phóng Kon Tum - Tây Nguyên, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Trong số những người tiêu biểu đó, phải kể đến các đồng chí như: Nguyễn Liên, Trần Kiên, Phan Phụ, Nguyễn Huề, Trần Thanh Dân, Nguyễn Phùng, Phan Vững, Phạm Trọng, Trần Văn Ba, Trương Quang Hoa, Anh hùng Ngô Miên, Anh hùng Trần Dũng… và còn nhiều đồng chí khác đã sát cánh cùng đồng bào chiến đấu chống giặc ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc, hưởng ứng các cuộc vận động ủng hộ kháng chiến như: “Tuần lễ vàng”, “Hủ gạo kháng chiến”, “Nuôi heo kháng chiến”, “Làm rẫy kháng chiến”… Đồng bào các dân tộc ở tỉnh Kon Tum đã đóng góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm để nuôi cán bộ, nuôi quân và hàng ngàn ngày công lao động để mở đường, tải thương, tải đạn, phục vụ chiến đấu…
Đường lối, chủ trương của Đảng, của Bác Hồ đã đến với Kon Tum soi đường cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đứng lên theo Đảng làm cách mạng. Từ phong trào yêu nước đấu tranh tự phát đến tự giác, các căn cứ địa kháng chiến, các khu du kích liên hoàn của đồng bào các dân tộc Kon Tum lần lượt ra đời. Lực lượng dân quân, du kích, bộ đội địa phương dần dần được hình thành và lớn mạnh. Cùng với phong trào che chở, bảo vệ, nuôi giấu cán bộ, bộ đội người Kinh và các lực lượng kháng chiến, phong trào tự tạo những vũ khí thô sơ để đánh địch như: cung tên, bẫy đá… phát triển mạnh ở khắp các bản, làng trong tỉnh, đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, góp phần cùng với quân, dân cả nước chiến đấu anh dũng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử chấn động địa cầu, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là thắng lợi của tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là tiền đề thế và lực mới cho Đảng và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với một kẻ thù xâm lược mạnh và tàn bạo hơn nhiều.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước ta tạm thời chia cắt hai miền, miền Bắc đi lên Chủ nghĩa xã hội; miền Nam còn ở dưới gót giày của đế quốc và tay sai, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược bằng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hoá chiến tranh”dã man nhất của thế kỷ 20, hòng đè bẹp ý chí của cả dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hoà bình, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Hơn lúc nào hết, người dân Kon Tum đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình, quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược để giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào các dân tộc Kon Tum đã thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc, đoàn kết giữa Kinh - Thượng, lương - giáo, đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam; giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, truyền thống cách mạng, liên tiếp tiến hành các hình thức đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước, vượt qua khó khăn, thách thức, không ngại gian khổ, hy sinh, đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum một lòng, một dạ tin Đảng, Bác Hồ, kề vai, sát cánh, cùng nhau chiến đấu và lập nên những chiến công oanh liệt, vang dội gắn với tên núi, tên rừng, tên sông trên khắp các chiến trường Kon Tum như Măng Đen, Măng Bút, Đăk Sút, Đăk Tô - Tân Cảnh... góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên những chiến công vang dội, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau khi nước nhà thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà, nhưng các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ các dân tộc, các tôn giáo, xây dựng và sử dụng các tổ chức phản động Fulro kích động, gây bạo loạn, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, tổ chức người trốn đi nước ngoài, lập ra cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị” v.v… Song tất cả các âm mưu xảo quyệt và hành động tội ác của các thế lực thù địch đã bị thất bại trước tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước và truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Thành quả đó thể hiện tấm lòng của đồng bào các dân tộc Kon Tum luôn tin Đảng, theo Bác Hồ; thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “…Giang sơn và Chính phủ là Giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, cùng với cả nước, Kon Tum đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, điểm xuất phát thấp, kinh tế hầu như không có gì; các thế lực thù trong, giặc ngoài vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu thâm độc nhằm phá hoại kinh tế, gây chia rẽ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Song với khí thế và niềm tin chiến thắng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, chính quyền các cấp, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã vượt qua khó khăn, gian khổ, vững bước đi lên xây dựng quê hương Kon Tum từng bước phát triển, diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc được cải thiện; nhân dân ngày càng tin tưởng hơn vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đặc biệt là sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, đồng bào các dân tộc tỉnh nhà, người chủ của núi rừng Tây Nguyên đang ra sức lao động quên mình để biến vùng đất Tây Nguyên khói lửa năm nào, trở thành vùng đất giàu, đẹp, trù phú, tạo ra nhiều của cải vật chất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, làm giàu cho gia đình và cho xã hội. Những thành tựu to lớn đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đã làm thay đổi bộ mặt cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, đó chính là nhờ sự phấn đấu kiên cường và bền bỉ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh hơn suốt 70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lời căn dặn trong thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku 19/4/1946.
Kỷ niệm 72 năm Ngày Bác Hồ gửi thư chúc mừng Đại hội các Dân tộc thiểu số Miền Nam và Tây Nguyên (19/4/1946-19/4/2018), nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nguyện mãi mãi đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm của đất nước, của dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; quyết tâm bảo vệ và xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng giàu đẹp theo lời Bác Hồ đã dạy.
Nguyễn Đăng Bình