Dự buổi Tọa đàm có các đồng chí: Đại tá Lê Thanh Tùng, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ đội Biên phòng Kon Tum; Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm; Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng 05, Cục CSHS, Bộ Công an; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; đại diện các phòng chức năng của Bộ đội Biên phòng tỉnh và các Đồn biên phòng.
Tại buổi Tọa đàm, đại diện Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thông tin về xu hướng mua bán người trên thế giới, đánh giá khái quát tình hình tội phạm mua bán người trên phạm vi cả nước, khu vực biên giới tỉnh Kon Tum. Thực tế cho thấy, về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người thường có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán. Trước đây, việc tiếp cận và làm quen với nạn nhân phải gặp gỡ trực tiếp thì hiện nay ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat, điện thoại thông minh có tính bảo mật cao để tiếp cận nạn nhân, nên nạn nhân không có nhiều thông tin về đối tượng. Do đó, công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Trong năm 2022, địa bàn khu vực biên giới tỉnh Kon Tum tình hình hoạt động mua bán người đã diễn ra, nạn nhân chủ yếu là những thanh niên trẻ tuổi, người đồng bào dân tộc thiểu số và đã có 03 trường hợp bị các đối tượng lừa bán sang Campuchia cho các Công ty do người nước ngoài quản lý. Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Công an tỉnh xác minh, giải cứu 01 nạn nhân của tội phạm mua bán người, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tuyên truyền cho trên 12.900 người nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Để nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân nhất là ở khu vực biên giới. Vận động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.
Nghiên cứu, đánh giá tình hình, xác định nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán người để chủ động có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm.
Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng tích cực tham gia phòng, chống mua bán người và các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường quản lý trật tự ở khu vực biên giới, bảo vệ biên giới, quản lý tạm trú, tạm vắng và các hoạt động kinh doanh dịch vụ như: karaoke, nhà nghỉ, khách sạn… để phòng ngừa tội phạm mua bán người.
Tin, ảnh: Hàn Thị Tú