Xác định vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương, trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã chú trọng công tác đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, tuyên truyền lịch sử truyền thống địa phương trong hệ thống các trường, cấp học trên địa bàn tỉnh, góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng, cổ vũ tinh thần yêu quê hương, đất nước trong đội ngũ học sinh và giáo viên.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư “về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam"; Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-01-2028 của Ban Bí thư “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng” và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời quán triệt, triển khai nội dung đến các chi bộ trực thuộc và từng đảng viên nắm rõ tinh thần chỉ đạo để thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chú trọng nâng cao chất lượng công tác giảng dạy chương trình giáo dục địa phương ở các cấp học phù hợp với từng đối tượng; chủ động xây dựng kế hoạch, đưa nội dung giáo dục lịch sử địa phương vào chương trình, nghị quyết của cấp ủy; theo dõi, quản lý, đôn đốc giáo viên thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.
Để đảm bảo nội dung giáo trình phục vụ công tác giảng dạy, năm 2013, ngành Giáo dục đã chủ trì biên soạn bộ Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum gồm nhiều môn học, trong đó có môn Lịch sử. Đây là bộ tài liệu dùng cho học sinh, giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; được thực hiện trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có sự thẩm định của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đưa vào giảng dạy từ năm học 2012-2013. Các giáo viên bộ môn cũng đã tích cực nghiên cứu các cuốn sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của tỉnh, ngành, địa phương và các nguồn thông tin, tư liệu… để cập nhật, bổ sung những nội dung mới, nội dung còn thiếu vào giảng dạy. Năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum trong chương trình giáo dục phổ thông; thành lập Ban biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum cấp trung học. Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập Ban biên soạn nội dung giáo dục địa phương tỉnh cấp tiểu học. Hiện nay, Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 1 đang được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; Sở Giáo dục và Đào tạo đang triển khai biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 6, sẽ đưa vào chương trình học chính thức vào năm học 2021-2022.
Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đã được đa dạng hóa hình thức phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh ở các cấp học. Các tổ chức, đơn vị giáo dục tiếp tục thực hiện việc lồng ghép, tích hợp nội dung giảng dạy lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy chính khóa theo quy định; đồng thời, lồng ghép các nội dung về truyền thống lịch sử qua các tiết học khác như: Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân…; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, cho học sinh tham quan các di tích, chứng tích lịch sử; tổ chức các chương trình sân khấu hóa, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống của địa phương; quán triệt giáo viên, học sinh tham gia đầy đủ, trách nhiệm đối với các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống do tỉnh, địa phương, ngành, đoàn thành niên tổ chức, phát động…
Có thể khẳng định, việc truyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương mang ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Trong những năm qua, công tác này đã được các cấp, các ngành chú trọng triển khai và đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, ngành Giáo dục đóng vai trò nòng cốt. Qua việc giảng dạy lịch sử địa phương trong hệ thống nhà trường, đã giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn kiến thức lịch sử dân tộc, bồi dưỡng, hình thành cho thế hệ trẻ về trách nhiệm và tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc, có ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị công trình lịch sử trên địa bàn...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương tại một số đơn vị thuộc ngành giáo dục vẫn chưa thường xuyên, chưa thật sự hiệu quả. Để khắc phục hạn chế này, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục quán triệt, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, của tỉnh; quan tâm công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ và kỹ năng cho đội ngũ giáo viên tham gia gảng dạy chương trình lịch sử địa phương; đẩy nhanh tiến độ tham mưu triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn các tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum trong chương trình giáo dục phổ thông để sớm có tài liệu đồng bộ, thống nhất phục vụ công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, các huyện ủy, thành ủy cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đẩy nhanh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương. Đây là một trong những nguồn tư liệu quan trọng, sát thực nhất để phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương cho học sinh trên từng địa bàn.
Ngô Đức Hải