Lời Bác dạy trong những năm đất nước chưa được hòa bình nhưng đến nay chúng tôi vẫn khắc ghi trong trái tim mỗi người điều dưỡng “Y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh” có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vừa nói lên vị trí, vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi điều dưỡng, vừa khích lệ, động viên tinh thần chịu thương, chịu khó của mỗi điều dưỡng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Thực hiện lời dạy của Bác, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cá nhân mỗi điều dưỡng cũng ưu tư và thầm nghĩ làm sao để học và làm theo Bác một cách thiết thực?
Từ cấp độ rất nhỏ khi người điều dưỡng đưa hành động vào trái tim của mình, chúng tôi có thể hoàn toàn làm được những việc có hiệu quả cao nhất. Bác đã dạy: Trung với nước, hiếu với dân. Ở khía cạnh ngành nghề của chúng tôi, điều đó có nghĩa là phải có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, có lương tâm nghề nghiệp trong sáng, quyết tâm phấn đấu để thành đạt và cống hiến nhiều nhất cho đất nước.
Mang trên vai trọng trách người điều dưỡng, bằng sự nhiệt tình, tận tâm và trái tim nóng dẫn lối, mỗi cá nhân điều dưỡng tích cực học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu, đã lan tỏa trong đông đảo y tế nói chung và điều dưỡng chúng tôi nói riêng. Bác dạy: “Lương y như từ mẫu” không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn tại bệnh viện, mà còn là sự nhiệt tình cống hiến, là động lực khiến người điều dưỡng còn tiến công tìm thêm việc có ích để làm. Việc được học tập và làm theo Bác đã khuyến khích người điều dưỡng biết đưa trái tim mình thấu cảm được tận ngóc ngách cuộc sống những đòi hỏi không có trong chỉ tiêu mà chúng tôi có thể làm được nhằm đem lại những cơ hội tốt hơn cho sức khỏe Nhân dân.
Trong hoạt động chuyên môn, vai trò của điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh trong công tác khám chữa bệnh là không thể thiếu, bởi ngoại trừ thời gian được các bác sĩ khám bệnh, kê đơn điều trị, hầu hết thời gian còn lại, điều dưỡng là người tiếp xúc chính với người bệnh. Có thể nói, chất lượng của một cơ sở y tế phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của chính những người điều dưỡng.
Nghề điều dưỡng là nghệ thuật chăm sóc người ốm. Bác sỹ khám chẩn đoán và chữa bệnh. Điều dưỡng khám, xác định nhu cầu và chăm sóc hỗ trợ người bệnh. Điều dưỡng không phải là nghề trợ giúp bác sỹ mà là nghề trợ giúp người bệnh. Thiên chức nghề điều dưỡng là chăm sóc người bệnh. Công việc của điều dưỡng có phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với thực hiện chỉ định bác sỹ.
Trong công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh, điều dưỡng thường đảm đương những công việc khá vất vả nhưng thầm lặng. Chỉ một sai sót nhỏ của điều dưỡng cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Điều dưỡng viên thường xuyên thực hiện đầy đủ các nội dung chăm sóc người bệnh theo thông tư 07/2011/TT-BYT của Bộ Y tế. Để đảm bảo sức khỏe tối đa cho người bệnh, giúp chăm sóc hỗ trợ, đáp ứng các nhu cầu cơ bản về ăn uống, vệ sinh cá nhân, chăm sóc tâm lý, hỗ trợ điều trị, tránh các nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ môi trường bệnh viện tới sức khỏe người bệnh trong suốt thời gian nằm viện.
Chấp nhận hy sinh những khoảng thời gian cá nhân của riêng mình, chấp nhận những vất vả đè nặng lên vai, chúng tôi làm với cái tâm của người yêu nghề, tự hào về công việc ý nghĩa mình đang làm. Chúng tôi hoàn thành tốt những nhiệm vụ của mình với kỹ năng chuyên môn vững vàng vì tình yêu nghề và tình yêu thương đối với người bệnh.
Xác định được nghề điều dưỡng là nghề sẽ trải qua vô vàn cảm xúc, vui, buồn, tốt, xấu…từ công việc của mình và những bệnh nhân. Mọi trải nghiệm mà nghề này nếm trải sẽ không chỉ là những kỷ niệm vui buồn với người bệnh, mà còn là những bài học y đức sâu sắc mà chưa một trường lớp nào đào tạo nên. Chính vì vậy mà những điều dưỡng luôn luôn gắn với sự gần gũi, thân tình với bệnh nhân. Và đây cũng chính là những nhân tố làm nên sự thành công, sự gắn bó lâu dài với nghề của những điều dưỡng.
Không có khoảnh khắc nào hạnh phúc hơn khi được nghe tiếng khóc chào đời của bé, được đón bé chào đời trên đôi tay của mình, được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của sản phụ qua cuộc vượt cạn thành công; nhìn thấy bệnh nhân của mình hồi phục khỏe mạnh với sự chăm sóc tận tụy. Sức khỏe của bệnh nhân tiếp thêm động lực để tình yêu nghề trong chúng tôi ngày càng lớn lao.
Nhân dịp sinh nhật Bác, chúng con xin hứa với Bác điều dưỡng Trung tâm Y tế Đăk Glei sẽ còn cống hiến nhiệt tâm và hiệu quả hơn nữa, từ những việc làm giản dị nhất để xứng đáng lời dạy của Người mà ai cũng nằm lòng: “Lương y như từ mẫu”.
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Lệ Hằng
(Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei)