Những năm gần đây tổ chức tự xưng, tự đặt tên là “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” đã du nhập vào Việt Nam, đây thực chất là một tổ chức tà đạo, hoạt động trái pháp luật và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Kon Tum. Việc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong các hoạt động phi pháp, nguy hiểm của những đối tượng tự xưng là người của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” là điều cần thiết, đem lại sự bình yên cho xã hội, được dư luận xã hội đồng tình...
Vài nét về “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”
“Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” có tên chính thức và đầy đủ là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới” (“World mission society Church of God - WMSCOG). Tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” còn có những tên gọi khác: “Hội thánh của Đức Chúa Trời”, “Đức Chúa Trời Mẹ”, “Hội thánh Đức Chúa Trời làm chứng cho Chúa Giêsu”, có nguồn gốc từ Hàn Quốc, do Ahn Sahng Hong (thường gọi là Anh Xang Hồng) sáng lập năm 1964, tại Hàn Quốc. Giáo lý cơ bản lấy từ kinh thánh (66 quyển) của Tin lành giáo. Tuy nhiên, chính tổ chức này bị những người Tin lành giáo tẩy chay, không công nhận, thậm chí còn coi là “tà đạo”, vì những thay đổi giải thích giáo lý và thực hành của nó. Nhất là việc tin có “Đức Chúa Trời Mẹ”, hay tin “Đức Chúa Trời Ba Ngôi” hiện thân vào ông Anh Xang Hồng và “Đức Chúa Trời Mẹ” hiện thân vào bà Jang Gin Ja (vợ ông này). Trong sinh hoạt tôn giáo, điểm dễ nhận biết là tín đồ không sử dụng thánh giá, tượng chúa, nữ thì trùm khăn ren trắng.
Tại Việt Nam, “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” du nhập vào khoảng năm 2001, thông qua nhập cảnh của người Hàn Quốc tới Việt Nam và một số người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước. Đến khoảng năm 2005 - 2006, hình thành điểm, nhóm đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Họ hoạt động ôn hòa trong số người Hàn Quốc và một số ít người lao động Việt Nam trở về từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số người cầm đầu đã chủ trương phát triển một cách cực đoan, bất chấp quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó, bộc lộ những tác hại tiêu cực, trái với truyền thống, đạo đức của người Việt, như: cưỡng ép, xúi giục người theo từ bỏ phong tục thờ cúng ông bà, tổ tiên, bất hiếu với cha mẹ, dùng mê tín, thần quyền o ép tín đồ. Những hành vi này gây ra những bất ổn về an ninh, trật tự.
Người tin theo “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” chủ yếu trong độ tuổi từ 18 đến 50, phần nhiều là sinh viên, người làm việc tự do trong lĩnh vực tư nhân. Một số phụ nữ làm nghề nội trợ chuyển từ “Thanh Hải vô thượng sư”, đạo “Hoàng Thiên Long” sang “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”. Một số khác do làm ăn thua lỗ, ốm đau, cô đơn, cả tin nên tuân theo. Lực lượng đi truyền giáo đa phần là số trẻ, hoạt ngôn sắc xảo, có trình độ học vấn được huấn luyện kỹ năng thuyết giảng và được tổ chức thành một mạng lưới có sự hỗ trợ trên dưới khá chặt chẽ, gồm: người dẫn dắt, nhóm trưởng, khu vực trưởng.
Về các hoạt động vi phạm pháp luật của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân. Tuy nhiên, “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” lại chủ ý phát triển nhanh, rộng tôn giáo của họ bằng cách o ép, mua chuộc, dụ dỗ. Về thần quyền, họ dọa dẫm tín đồ nếu không theo, không đi sinh hoạt, không từ bỏ gia đình, bàn thờ… sẽ không được làm “lễ vượt qua”, khi chết sẽ bị đày xuống “hồ lửa”. Ngược lại nếu tin, làm theo, khi chết sẽ được lên “nước thiên đàng, làm tiên, hoàng tử”. Hoặc họ tuyên truyền về “ngày tận thế”, “chúa tái lâm” để hù dọa. Họ còn cử người “chăm sóc” để củng cố đức tin. Có trường hợp họ cưỡng ép, “áp giải” đi sinh hoạt. Nhiều người lỡ theo muốn thoát ra cũng rất khó. Rất nhiều người khi theo hội thánh này đã bỏ bê công việc, vợ chồng mâu thuẫn, sinh viên, học sinh dang dở việc học hành… Nhiều người đã làm đơn cầu cứu tới chính quyền.
Với phương thức lôi kéo người vào hội núp dưới danh nghĩa hoạt động doanh nghiệp tư nhân, hay cửa hàng giới thiệu sản phẩm, họ tổ chức cho thành viên gia nhập nhanh chóng. Buộc mỗi người đã được làm lễ Baptem phải lôi kéo thêm ít nhất một người vào tổ chức. Bên cạnh đó, các tín đồ bị ép buộc dâng hiến 1/10 thu nhập, nhưng đây lại là điểm họ không công khai, minh bạch về tài chính. Đây là hành vi “Lợi dụng hành nghề mê tín để trục lợi”, bị pháp luật ngăn cấm. Việc xúi giục tín đồ bỏ bàn thờ, bất kính cha mẹ, chỉ tin và thờ “Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ” là đi ngược lại đạo đức và truyền thống văn hóa người Việt.
Không phải bàn luận gì nhiều, có thể khẳng định: Cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" là nhảm nhí, hoạt động trái pháp luật, đi ngược lại truyền thống, tự tôn dân tộc, đi ngược đạo lý cổ truyền của người Việt Nam, tẩy chay truyền thống, chống lại thuần phong mỹ tục, lợi ích quốc gia, dân tộc. Hoạt động dị giáo, trái pháp luật này cần phải được ngăn chặn và loại bỏ. Cụ thể:
Thứ nhất, các “ấn phẩm”’ tài liệu để tuyên truyền không có nguồn gốc, không phải do cá nhân, pháp nhân có tư cách ấn hành. Nhiều tài liệu chỉ là sự góp nhặt bài nói, bài viết của một số nhân vật nhằm thuyết phục người nghe...; Các “bài giảng” chỉ là sự rao giảng sáo rỗng, chúng lừa đảo bằng cách gắn với sự thật hiển nhiên của thế giới như thiên tai, dịch bệnh… để tác động, lôi kéo. Người mà các đối tượng nhằm đến lôi kéo, tuyên truyền là những người hiền lành, chất phác hoặc có hoàn cảnh éo le, bệnh tật... để lợi dụng điểm yếu, lòng tin và thiện tâm của họ. Nội dung tuyên truyền cực đoan, vô đạo đức, vô nguồn cuội “chỉ sống cho riêng mình, từ bỏ gia đình...”. Nội dung tuyên truyền phi khoa học, không phù hợp với văn minh nhân loại hiện nay, thậm chí mâu thuẫn như: “Có một đấng tiên tri thần học ở nước ngoài về xem và nói về tương lai đúng 100%” hoặc “không làm nhưng vẫn có ăn...”.
Về bản chất, qua các tài liệu, cho thấy “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” cũng tự cho mình là lấy Kinh thánh làm gốc, tuy nhiên thực tế lại trích đoạn Kinh thánh rời rạc, lồng ghép lợi ích cá nhân, mâu thuẫn với một số nội dung trong chính Kinh thánh, từ đó mâu thuẫn với giáo lý của các hệ phái, điểm nhóm khác. Các hệ phái, điểm nhóm khác phản ứng khá mạnh và hầu hết đều cho hiện tượng tôn giáo mới này vào “tà giáo” và gọi là “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” để phân biệt với các Hội thánh Đức Chúa Trời khác.
Thứ hai, lợi dụng sinh hoạt tôn giáo để trục lợi. Điểm rõ rệt nhất là những đối tượng cầm đầu bắt người tham gia có thu nhập ổn định phải nộp 10% thu nhập hàng tháng như một thứ tiền hội phí. Không những thế, luật bất thành văn, ngoài đóng góp 10% tổng quỹ lương, mỗi ngày lễ, người tham gia lại rỉ tai nhau dâng hiến ít nhất 50.000 đồng/lần, thông thường một tuần 2 lần, vào ngày học giáo lý để “thông công” với Đức Chúa Trời. Thậm chí có người chi tiêu tằn tiện, có tiền dư ra là mang đóng cho điểm nhóm dưới danh nghĩa làm từ thiện. Thời gian đầu, người mới tham gia không phải đóng tiền, có người hoàn cảnh khó khăn còn được hỗ trợ, nhưng sau khi tin theo, họ phải đóng tiền đều đặn. Song, số tiền này được sử dụng vào mục đích gì, như thế nào không ai được biết. Một số được dùng cho duy trì hoạt động của hội thánh, còn lại là để “xây nhà trên trời”.
Các đối tượng cầm đầu quản lý thành viên của mình bằng một mã định danh trong mỗi phong bì, do vậy, nắm rõ được các khoản dâng hiến của thành viên. Khi nhận thấy việc đóng góp không đảm bảo, có sa sút, trưởng nhóm sẽ gọi để chăm sóc riêng với những phương thức đặc biệt, một kèm một. Không ép buộc thành viên phải nộp tiền, nhưng với những lời đe dọa kiểu như “Đức Chúa Trời nhìn thấy hết những gì của bạn”, “bạn có bao nhiêu tiền, bạn không giấu được vì Đức Chúa Trời biết rồi”… ám chỉ đến việc chưa quyên góp thành thật, khiến các thành viên lo sợ và phải nộp đủ 10% thu nhập. Khi sinh hoạt với cộng đồng hội thánh, các thành viên bị tách thành những nhóm nhỏ, bị hạn chế giao lưu nên thông tin của người này, người kia không được biết, chỉ trao đổi công việc về hội thánh.
Cách thức dâng hiến của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” khác hoàn toàn với các tổ chức tôn giáo hiện nay. Giáo lý Tin lành mặc dù cũng kêu gọi dâng hiến 1/10 tiền lương, lợi tức trong công việc cho Chúa nhưng là hình thức tự nguyện chứ không ép buộc, không ai biết mỗi tín đồ đóng bao nhiêu tiền. Việc thu chi tài chính trong các Hội thánh Tin lành đều có thủ quỹ, báo cáo thu chi rõ ràng. Bản thân Hội thánh của Đức Chúa Trời do ông Nguyễn Văn Hòa đại diện cũng không bắt tín đồ phải đóng bao nhiêu tiền, dâng hay không dâng đều không sao.
Thứ ba, về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước:
Hoạt động tôn giáo, tin theo tôn giáo dưới góc độ pháp luật chính là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, một quyền thể hiện cho tính ưu việt của nhà nước Việt Nam, một quyền đã từng bước được xác lập ngày một đầy đủ hơn ở Việt Nam, gần đây nhất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được nâng lên tầm cao mới, đó là được khẳng định trong một chương của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Khi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo bằng pháp luật cũng là khi bị các tổ chức và cá nhân lợi dụng, tự giải thích và tự cho phép mình hoạt động bất chấp luật pháp.
Cũng như quyền con người trong các lĩnh vực khác, quyền con người không phải là vô hạn. Trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, quyền con người bị giới hạn và bị chế tài bởi lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích cộng đồng. Nội dung tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, giới hạn và chế tài với những hành vi vi phạm được nêu rõ trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
- Tại khoản 2, Điều 3. Trách nhiệm của nhà nước: Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.
- Tại Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm: Điểm b, khoản 4, Điều 5, nghiêm cấm các hành vi xâm hại đạo đức xã hội, xâm hại tài sản của người khác. Khoản 5, Điều 5, nghiêm cấm hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi.
- Tại Điều 16. Nhà nước cho phép sinh hoạt tôn giáo tập trung và chỉ khi được phép sinh hoạt tôn giáo tập trung mới được hoạt động.
- Tại điểm a, khoản 2, Điều 17. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Yêu cầu phải có địa điểm và nơi sinh hoạt cụ thể. Nếu đã được cho phép sinh hoạt tôn giáo tập trung thì cũng phải có địa điểm và thời gian cụ thể.
- Tại Khoản 4, Điều 6 và Khoản 2, Điều 46. Chỉ cho phép chức sắc, chức việc, nhà tu hành được truyền giảng đạo, nhưng chỉ tại cơ sở thờ tự hoặc địa điểm sinh hoạt hợp pháp. Trường hợp ngoài cơ sở thờ tự hoặc địa điểm sinh hoạt hợp pháp phải xin phép.
Như vậy, theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, việc thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành được tiến hành tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác. Nếu giảng đạo ngoài địa bàn phụ trách, cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp đã đăng ký, chức sắc, chức việc, nhà tu hành phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi dự kiến tổ chức. Việc các đối tượng đi tuyên truyền về “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” tại các địa điểm tập trung chưa có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là trái với quy định của pháp luật.
Luật cũng quy định việc truyền đạo, giảng đạo phải do chức sắc, chức việc, nhà tu hành đảm nhiệm. Tuy nhiên, với “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”, mỗi thành viên đều có thể là một người truyền đạo, với chỉ tiêu được đặt ra cho mỗi người, nên trên nhiều diễn đàn, dư luận gọi đây là nhóm “tôn giáo đa cấp”.
Từ đây, có thể khẳng định rằng: Hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” tại một số địa phương thời gian vừa qua cho thấy tổ chức này đã vi phạm nghiêm trọng các điều cấm quy định tại Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 với các nội dung như: ép buộc, mua chuộc người khác; xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi,... Những gì “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” tuyên truyền là hoàn toàn trái ngược với thuần phong mỹ tục cũng như những giá trị chuẩn mực về đạo đức, văn hóa của người Việt; không được pháp luật Việt Nam cho phép; hoạt động với các biến thể dị thường núp dưới nhiều danh nghĩa (nhất là danh nghĩa từ thiện, mở các lớp hướng thiện); những kẻ cầm đầu hầu hết là những người không bình thường, có quá khứ bất hảo (cờ bạc, trộm cắp, tội phạm nghiện hút), mục đích chính là vụ lợi...
Việc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong các hoạt động phi pháp, nguy hiểm của những đối tượng tự xưng là người của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” là điều cần thiết, đem lại sự bình yên cho xã hội, được dư luận xã hội đồng tình...
Bên cạnh đó, cũng cần nhận thức rõ ràng rằng: Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người dân, đồng thời cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Chúng ta không chấp nhận và cần lên án kiểu “tà đạo” hoạt động mê tín dị đoan, phản khoa học, đi ngược lại đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm các quyền tự do cơ bản của công dân, có dấu hiệu lợi dụng giáo lý của tôn giáo để trục lợi cá nhân…, cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Mọi người cần phải tỉnh táo nhận diện rõ những hoạt động tôn giáo thuần túy của các tổ chức tôn giáo hợp pháp với hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”; nâng cao cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa bịp của các hội, nhóm tôn giáo trái phép, không để bản thân và người thân trong gia đình bị mắc lừa, tham gia “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”, gây ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và xã hội. Trường hợp phát hiện có người nghi vấn hoạt động tuyên truyền đạo trái phép, ép buộc, lôi kéo người khác tham gia các tổ chức tôn giáo trái pháp luật cần chủ động vạch trần bản chất của đối tượng và thông báo ngay cho chính quyền địa phương và ngành chức năng để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Mộng Hoài Nhung