Tất cả các luận điệu của các thế lực thù địch đều hướng đến chống chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy và hướng đến sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa, dưới sự tác động của nguồn vốn và hàng hóa phương Tây; kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tâm lý sính ngoại, chạy theo lợi ích vật chất, hỗ trợ các thành phần kinh tế tư bản, tư nhân nhằm lấn át, làm lu mờ kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường; cổ xúy, lôi kéo những trường hợp suy thoái về đạo đức, lối sống, dẫn đến suy thoái về chính trị, tư tưỏng, ảnh hưởng đến thanh danh và sức chiến đấu của Đảng.
Về vấn đề nhân quyền, một luận điệu mà các thế lực chống đối thường rêu rao: “đa đảng là dân chủ, độc đảng là độc tài”; “Việt Nam phải đa đảng đối lập để có dân chủ thực sự”; “muốn thực sự có dân chủ cho người dân và phát triển xã hội phải thực hiện đa nguyên, đa đảng”; “Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu đổi mới về chính trị”; “Đảng chỉ nên giữ vai trò lãnh đạo chính trị, không nên và không thể lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”. Chúng kết luận chủ quan: “Độc tài, đảng trị là cái gốc sai chính của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại”. Với cách lập luận đó, chúng cho rằng chỉ có mô hình dân chủ đa đảng và kinh tế thị trường mới đem lại dân chủ và nhân quyền, còn lại đều là vi phạm nhân quyền.
Nhằm thực hiện mưu đồ của mình, chúng đưa ra học thuyết: “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, với ý đồ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác bằng mọi giá. Vấn đề nhân quyền cũng được các nước phương Tây gắn kèm với vấn đề tôn giáo, dân tộc. Họ vừa vận động, vừa dùng sức mạnh để ép Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc thông qua các nghị quyết về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, để từ đó có cớ can thiệp vào Việt Nam, như là yêu cầu thay đổi Hiến pháp, sửa đổi các điều luật mà họ cho rằng không phù hợp với luật pháp quốc tế... Các yêu sách, biện pháp mà phương Tây yêu cầu thực chất là can thiệp vào công việc nội bộ của ta và vấn đề dân chủ, nhân quyền luôn gắn liền với các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, pháp luật của Việt Nam.
Thực chất, vấn đề nhân quyền mà các thế lực thù địch đang không ngừng rêu rao, chống phá ta đó chính là phủ nhận con đường, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Từ đó, đi đến phủ nhận nền tảng tư tưởng và vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi hoạt động coi trọng ‘‘dân chủ, nhân quyền, nhân đạo" theo các giá trị của các nước tư bản phương Tây để áp đặt vào Việt Nam chỉ là giả tạo, thực chất là vì lợi ích của các nước phương Tây chứ không phải vì sự tiến bộ và phát triển của Việt Nam. Vì bản chất nhân đạo, nhân văn của nó được tự thể hiện rõ trong bản chất của chế độ xã hội, chứ không phải bằng vài ba lời lẽ khéo léo của những phần tử chống đối.
Minh chứng to lớn mà bạn bè quốc tế đã thừa nhận đó chính là thành quả mà chúng ta đạt được sau hơn 35 năm đổi mới đất nước. Diện mạo trên tất cả các lĩnh vực đã thay đổi theo chiều hướng tích cực và có sự phát triển mới. Số liệu thống kê cho thấy, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Giai đoạn đầu đổi mới 1986 - 1990, mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm, thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm. Môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tính riêng năm 2019, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 2.046,8 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 38,02 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm lại đây. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư với tổng vốn FDI đạt 28,5 tỷ USD. Từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu khác cũng có bước tiến lớn, đưa Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.
Những đổi thay tích cực của Việt Nam là không thể phủ nhận, điều này được bạn bè quốc tế và cả những người Mỹ đã từng là cựu binh tham chiến tại Việt Nam chứng kiến, khẳng định. Mặc dù đời sống của Nhân dân chưa thực sự khá giả, chúng ta còn nhiều điều phải làm, nhưng chúng ta có môi trường chính trị - xã hội ổn định; cuộc sống thật sự hòa bình, ấm no, tự do; trật tự, an toàn, an ninh tốt. Nhân dân thật sự là chủ nhân của đất nước. Quyền con người được Hiến pháp, pháp luật thừa nhận, điều này phản ánh rõ tính chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta đã lựa chọn. Bản chất tốt đẹp của chế độ ta đã đem lại quyền tự do, dân chủ cho Nhân dân ta, đây là điều hơn hẳn những người tự cho mình cái quyền đi phán xét, ban phát dân chủ, nhân quyền cho nước khác, nhưng ở ngay trên quê hương họ, tệ nạn xã hội còn nhiều, nạn khủng bố, giết người vô cớ liên tục diễn ra; biểu tình, bãi công là chuyện thường ngày, tình trạng phân biệt chủng tộc, màu da, giàu nghèo diễn ra mạnh mẽ... Phải chăng như thế là tự do, dân chủ, là có nhân quyền?
Chăm lo cho đất nước được độc lập, Nhân dân được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành là thực hiện ước mong cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là mệnh lệnh của cuộc sống, cho dù các thế lực thù địch có bịa đặt, xuyên tạc thế nào đi chăng nữa. Đó là đạo lý, là lẽ sống của người dân Việt Nam tin yêu đi theo Đảng. Xin ai đó đừng giả danh đạo đức, nhân đạo để thực hiện âm mưu đen tối của mình làm những điều phi nhân tính. Xin hãy đừng lên lớp về “dân chủ, nhân quyền” để mưu áp đặt giá trị của phương Tây vào Việt Nam, mà hãy đến thăm đất nước, con người Việt Nam với những thành tựu sau hơn 35 năm đổi mới.
Ngô Đức Hải