A/ ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI BỘ TRONG THÁNG
* Thông tin thời sự về tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh; sinh hoạt chính trị, tư tưởng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương trong tháng
[1]…cấp ủy, chi bộ lựa chọn nội dung trong Bản tin Thông báo nội bộ tháng 7/2022 để sinh hoạt. Trong đó, cần tập trung:
1/ Tuyên truyền Kết luận số 28-KL/TW, ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kế hoạch số 55-KH/TU, ngày 27/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 35-KL/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về “Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 02/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2/ Tuyên truyền các Nghị quyết tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI: Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 16/5/2022 về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
; Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 18/5/2022 về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 19/5/2022 về lãnh đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 19/5/2022 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
3/ Tuyên truyền, phổ biến một số chỉ thị, nghị quyết: Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về “định hướng Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 32-KH/TU, ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; Kế hoạch số 04-KH/TW, ngày 28/02/2022 của Ban Bí thư về triển khai thực hiện Thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Lào năm 2022; Kế hoạch số 58-KH/TU, ngày 09/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 31-KL/TW, ngày 07/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô-xít - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhiền đến năm 2045.
4/ Tiếp tục tuyên truyền Chuyên đề toàn khoá “
về học tập chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" và Chuyên đề riêng của tỉnh
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao trách nhiệm; năng động, sáng tạo; khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững”.
5/ Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ kinh tế- xã hội tháng 7 và những tháng còn lại của năm 2022; kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại; các ngành kinh tế mũi nhọn, các sản phẩm chủ lực của tỉnh; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu...
6/ Thường xuyên tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; công tác quản lý bảo vệ tài nguyên, khoáng sản; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông...Tiếp tục tuyên truyền về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tuyên truyền về kết quả và một số điểm mới, nổi bật trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm học 2022-2023.
B/ TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ
I- THÔNG TIN THỜI SỰ
1. THẾ GIỚI
2. TRONG NƯỚC
(Tin Thế giới và Trong nước xin xem TẠI ĐÂY)
3. TRONG TỈNH
3.1. Sáng 10-6, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ viếng, truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào và Campuchia được quy tập trong mùa khô năm 2021-2022.
Dự Lễ có đại diện Lãnh đạo Quân khu 5; Lãnh đạo tỉnh bạn: Chămpasắc, Sêkông, Attapư (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào); Rattanakiri (Vương quốc Campuchia).
Mùa khô năm 2021-2022, cùng với sự quan tâm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo chính quyền các tỉnh bạn, Đội công tác K53 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum) đã tìm kiếm, cất bốc, đưa về nước 13 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào và Campuchia trong các cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; trong đó, 7 liệt sĩ hy sinh tại Lào và 6 liệt sĩ hi sinh tại Campuchia.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Y Ngọc - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Kon Tum khẳng định: Sự hy sinh của các Anh mãi mãi khắc sâu trong lòng các thế hệ người dân Việt Nam và nhân dân 2 nước bạn. Các Anh đã làm rạng rỡ thêm truyền thống, tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, trong sáng, thủy chung giữa Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc xúc động: Là những người kế tục sự nghiệp vẻ vang mà các Anh đã để lại, chúng tôi xin hứa sẽ làm hết sức mình để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; cùng nhau đoàn kết phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh Kon Tum ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, sẽ làm hết sức mình để góp phần giữ gìn, vun đắp và phát huy hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam-Lào và Việt Nam-Campuchia lên một tầm cao mới, vì hòa bình hợp tác hữu nghị và tiến bộ xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân 3 nước...
3.2. Sáng 23-6, HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) tổ chức Kỳ họp chuyên đề thảo luận, thống nhất chủ trương triển khai thực hiện một số chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm tới. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang phát biểu khai mạc và bế mạc Kỳ họp.
Tại Kỳ họp, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thảo luận, cho ý kiến đối với 9 nội dung tờ trình về các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội. Lãnh đạo Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra các tờ trình do UBND tỉnh trình.
Trên cơ sở thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, HĐND tỉnh thống nhất biểu quyết thông qua 9 nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa các quy định, chủ trương của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và xử lý những vấn đề phát sinh từ thực tiễn quản lý, điều hành, tạo cơ sở pháp lý để chính quyền các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ được đồng bộ, thống nhất, kịp thời. Gồm các nghị quyết: Nghị quyết Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho các ngành, các cấp và tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm cho các ngành, các cấp của địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 trên địa bàn; Nghị quyết về kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị và nâng cao năng lực tuyến đầu cơ sở trợ giúp xã hội (cơ sở I, II) tỉnh Kon Tum; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước (Đắk Chà Mòn I, Đắk Pret, Kon Tu, Đắk Loh); Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về phân bổ kế hoạch năm 2022 từ nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2021 chưa phân bổ.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang: (i) đề nghị ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương có giải pháp, biện pháp thật cụ thể, quyết liệt, gắn với phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức, người đứng đầu; có cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, bảo đảm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc để nguồn vốn được bố trí cho từng dự án, chương trình được thực hiện đúng mục đích, đạt yêu cầu, tiến độ đã xác định. (ii) yêu cầu, trong quá trình tổ chức thực hiện, cần quan tâm lựa chọn đầu tư đúng, trúng các dự án, công trình thật sự trọng tâm, trọng điểm; đồng thời lồng ghép chặt chẽ các dự án của 3 chương trình này với các chương trình, dự án khác trên cùng một địa bàn để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn, góp phần tháo gỡ được điểm nghẽn ở từng địa phương và tạo ra xung lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa và thực hiện tốt hơn mục tiêu giảm nghèo bền vững.
3.3. Ngày 7-6, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Đồng chí A Pớt- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.
Hội nghị trực tuyến được kết nối với các điểm cầu: Hội trường Ban Thường vụ Tỉnh ủy (điểm cầu chính), Hội trường Ngọc Linh, Công an tỉnh và các huyện, thành phố.
Trong một ngày làm việc, Hội nghị đã nghe các đồng chí báo cáo viên thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) và sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng: Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về “định hướng Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 32-KH/TU ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 5/1/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; Kế hoạch số 04 - KH/TW ngày 28/2/2022 của Ban Bí thư về triển khai thực hiện Thỏa thuận cấp cao Việt Nam-Lào năm 2022; Kế hoạch số 58-KH/TU ngày 9/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 31-KL/TW ngày 7/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô xít-alumin-nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 28-KL/TW, ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kế hoạch số 55-KH/TU, ngày 27/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị; Kết luận số 35-KL/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy A Pớt đề nghị: (i) các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, lựa chọn hình thức tổ chức thông báo kết quả Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII và sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn với phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên ở địa phương, đơn vị, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. (ii) Các cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nội dung tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, các chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bằng hình thức phong phú, đa dạng gắn với tuyên truyền về những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế-xã hội, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để tập trung triển khai thực hiện. (iii) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thông báo kết quả Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phổ biến, quán triệt các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh…
3.4. Chiều 8-6, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) trên địa bàn tỉnh để đánh giá kết quả triển khai và đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian đến. Đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
Trong năm qua, Cuộc vận động đã từng bước đi vào cuộc sống của đồng bào DTTS, gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng 2 mô hình điểm. Đồng thời, huy động kinh phí xây dựng, sửa chữa 28 căn nhà, hỗ trợ 3 hộ chăn nuôi heo. Các đoàn thể chính trị - xã hội đã huy động được trên 1,3 tỷ đồng hỗ trợ, giúp đỡ 437 hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS làm kinh tế. Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động được trên 18 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ 1.357 hộ nghèo, 897 hộ cận nghèo là đồng bào DTTS phát triển sản xuất…Nhờ đó, đã có 9.346 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; có 8.660 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo (đạt tỷ lệ 33,55%) biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất; có 3.948 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo (đạt tỷ lệ 16,25%) có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: (i) khẳng định việc triển khai Cuộc vận động có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. (ii) nhấn mạnh, qua 1 năm, Cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi đời sống của đồng bào DTTS. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị phải khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. (iii) đề nghị các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp năng động hơn nữa, lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
3.5. Sáng 13-6, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết[2] Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì Hội nghị.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 12-KL/TW, tỉnh Kon Tum đã và đang giữ vững ổn định chính trị, xã hội và đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Kinh tế của tỉnh được duy trì ở mức tăng trưởng khá. Theo đó, quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2021 tăng 17 lần so với năm 2002. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. GRDP bình quân đầu người tăng từ 3,2 triệu đồng năm 2002 lên 46,94 triệu đồng năm 2021. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả quan trọng, đến năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,32% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020). Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia tăng từ 5,2% năm 2002 lên 50,8% năm 2021. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Diện mạo đô thị từng bước đổi mới; thị xã Kon Tum được tập trung phát triển và thành lập thành phố Kon Tum vào năm 2009 và hiện đã đạt tiêu chí đô thị loại II; chia tách, thành lập thêm 3 huyện mới, nâng tổng số đơn vị hành chính từ 7 huyện, thị xã năm 2002 lên 10 huyện, thành phố vào năm 2021. Các lĩnh vực công nghiệp; thương mại và dịch vụ; sản xuất nông nghiệp chuyển biến cả về chất và lượng. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả với 36 xã đã về đích nông thôn mới, diện mạo nông thôn có sự thay đổi đáng kể. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm thực hiện. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Hệ thống chính trị từng bước được củng cố, kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên…
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: (i) đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên; triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội. (ii) nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế, từng bước hiện đại hóa các trang thiết bị khám, chữa bệnh. Quan tâm chăm lo an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các DTTS trên địa bàn tỉnh…
3.6. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban ATGT tỉnh cùng các cơ quan thành viên, các địa phương đã tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh. Tình hình TTATGT vẫn được duy trì ổn định, không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đua xe trái phép và những vấn đề phức tạp, nổi cộm khác về ATGT.
Về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, Công an tỉnh đã phát hiện 8.830 trường hợp vi phạm về TTATGT, tạm giữ 2.694 phương tiện (41 ô tô, 2.653 mô tô); 4.381 giấy tờ các loại, phạt tại chỗ 1.755 trường hợp. Phạt tiền 8.074 trường hợp với số tiền trên 7,1 tỷ đồng; phạt cảnh cáo 388 trường hợp; tước GPLX có thời hạn 391 trường hợp. Các lỗi vi phạm chủ yếu: Không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ quy định; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, nồng độ cồn vượt quá mức quy định...Về kiểm soát tải trọng xe, lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp tại trạm cân liên ngành đã cân kiểm tra tải trọng 2.907 lượt xe ô tô tải, sơmiromooc, phát hiện 32 trường hợp vi phạm.
Dự báo trong thời gian tới, nhất là dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9, dịp nghỉ Tết Dương lịch, tình hình TTATGT sẽ có những diễn biến phức tạp, Vì vậy các cơ quan, ban ngành, các lực lượng chức năng không được chủ quan mà tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp công tác chuyên môn trong lĩnh vực mình quản lý, phụ trách để duy trì ổn định tình hình TTATGT.
3.7. Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh (Chương trình OCOP) đã được địa phương, đơn vị và người dân tích cực hưởng ứng, đạt kết quả đáng kể. Trong đó có kết quả bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào các DTTS.
Các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP có tính “đặc trưng” của đồng bào các DTTS trong tỉnh phải kể đến “Măng le Đăk Pxi”, bắt đầu từ tháng 10/2017. Kế đến, khi tỉnh tiến hành việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh vào cuối năm 2019 đến nay, cùng với các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến…, bước đầu, việc tạo ra sản phẩm OCOP từ nghề thủ công lâu đời, nghề truyền thống độc đáo của đồng bào DTTS tại chỗ đã được các địa phương quan tâm.
Các sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đã được công nhận như Rượu ghè nếp than Nay Buih của hộ gia đình ở thôn Kon Krơk (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà), rượu cần Y Thơi (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy). Riêng huyện Ngọc Hồi có 2 sản phẩm: Rượu ghè men lá của HTX Dục Nông (thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục), rượu cần men lá của Tổ hợp tác rượu cần men lá dân tộc Brâu (thôn Đăk Mế, xã Pờ Y). Về thực phẩm chế biến sẵn, có sản phẩm thịt khô gác bếp của hộ gia đình ở thôn Đăk Dung (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei), sản phẩm măng khô của hộ kinh doanh ở thôn 14B (xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei); sản phẩm cải khô Y Tuân và thịt bò cỏ gác bếp Y Hà cùng ở thôn Nông Nội (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi)…
Nghị quyết số 08- NQ/TU của Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định từ nay đến năm 2025 phát huy giá trị văn hóa đối với 9 nghề truyền thống. Trước hết, trong số 4 nghề được chú trọng “đẩy mạnh thương mại hóa”, thì không riêng làm rượu cần, mà có thể quan tâm tạo ra sản phẩm OCOP từ các sản phẩm dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ dân tộc – đây thực sự là thế mạnh của tỉnh, song đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với các địa phương. Những sản phẩm được tạo ra phải thực sự đạt chất lượng, mang tính ổn định và bền vững, đặc biệt là góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân địa phương.
Kon Tum phấn đấu đến năm 2025 phát triển một số sản phẩm nghề truyền thống đạt các tiêu chuẩn OCOP và từng bước có thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng từ 1 - 2 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống, gắn với hình ảnh văn hóa - du lịch đặc trưng của tỉnh; đến năm 2030, xây dựng và phát triển mạnh từ 2 - 3 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống. Để đạt các mục tiêu cụ thể này, nỗ lực tạo ra các sản phẩm OCOP từ nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ, mà trọng tâm là các sản phẩm thuộc lĩnh vực tiềm năng về dịch vụ du lịch - truyền thống - lễ hội góp phần quan trọng.
3.8. Sáu tháng đầu năm, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân giảm 22% so với cùng kỳ năm 2021
Trong 6 tháng đầu năm 2022, (i) các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiếp 105 lượt với 168 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị (trong đó, số vụ việc mới phát sinh 82 vụ việc, số vụ việc cũ 23 vụ). Qua kết quả tiếp công dân, các cơ quan, đơn vị đã hướng dẫn cho công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 49 lượt, giải thích cho công dân hiểu về những vấn đề công dân phản ánh 53 lượt và ban hành văn bản xử lý nội dung của công dân trình bày 03 lượt. (ii) Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 527 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (giảm 149 đơn, tỷ lệ 22,04%) so với cùng kỳ năm 2021. Qua phân loại, có 228 đơn thư (chiếm tỷ lệ 43,26%) không thuộc thẩm quyền giải quyết, đã được chuyển trả, hướng dẫn công dân gửi hoặc được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; có 299 đơn thư (chiếm tỷ lệ 56,73%) thuộc thẩm quyền phải xem xét, giải quyết, đến nay của các cấp, các ngành đã giải quyết 240 đơn thư (đạt 80,27%) và đang xem xét giải quyết 59 đơn thư. (iii) Cũng trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã kết thúc 08 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 10 đơn vị. Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương: (i) tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất, thường xuyên theo quy định. (ii) Đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở; tập trung tiến hành rà soát, thẩm tra, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp (đặc biệt là những vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm), không để kéo dài gây tác động xấu đến hiệu quả, hiệu lực về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân. (iii) Tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85% trong thời hạn quy định của pháp luật đối với các vụ việc mới phát sinh. Chú trọng việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80%.
3.9. Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”, cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và chung tay, góp sức cùng lực lượng BĐBP quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kon Tum có 13 xã biên giới, thuộc 4 huyện, gồm: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai. Nhân dân sinh sống ở các xã biên giới phần lớn là đồng bào DTTS, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền 13 xã biên giới đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền với những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế từng địa bàn biên giới, như lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt của cơ quan, đơn vị, địa phương, chào cờ đầu tuần; phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh ở cơ sở; tổ chức tuyên truyền tại các hộ gia đình. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã tiếp nhận, tổ chức biên soạn, phát hành 32 đề cương tuyên truyền pháp luật và 23.650 tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, gồm các luật, nghị định mới có liên quan trực tiếp đến đời sống của cán bộ, nhân dân trên khu vực biên giới, với nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, hình thức trình bày phong phú. Hướng dẫn các đồn biên phòng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã biên giới thành lập 10 câu lạc bộ tư vấn pháp luật; 160 tổ hòa giải kiêm tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng; 35 ngăn sách, tủ sách pháp tại các đồn biên phòng và 13 xã biên giới. Qua đó, kịp thời tư vấn, giải đáp những vấn đề pháp luật cho nhân dân.
Thời gian tới, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục duy trì các mô hình, cách làm hiệu quả của Đề án, như chào cờ đầu tuần; tiếng loa biên phòng; tủ sách pháp luật; các mô hình giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Từ đó, phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân cùng với BĐBP giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.