BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ (phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 12-2024) 

BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ (phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 12-2024)

Thứ hai - 25/11/2024 09:43
BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ (phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 12-2024)
A. ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI BỘ TRONG THÁNG  
* Thông tin thời sự về tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh; sinh hoạt chính trị, tư tưởng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương trong tháng… cấp ủy, chi bộ lựa chọn nội dung trong Bản tin Thông báo nội bộ tháng 12-2024 để sinh hoạt. Trong đó, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
1. Tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 181-KH/TU, ngày 27-11-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
2. Kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhất là kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các dự án luật, luật sửa đổi, bổ sung, các nghị quyết của Quốc hội được thông qua tại Kỳ họp. Chỉ thị 42/CT-TTg, ngày 09-11-2024 của Chính phủ "về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước" và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến hết năm 2025.
3. Đẩy mạnh tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU, ngày 05-12-2023 của Tỉnh ủy "về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2024"; 05 năm thực hiện Kết luận 65-KL/TW, ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị "về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới"; 03 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU, ngày 21-10-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên địa bàn tỉnh”.
4. Tuyên truyền về Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XII (diễn ra từ ngày 04 -06/12/2024); Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024 với chủ đề "Trải nghiệm văn hóa - Khám phá thiên nhiên (diễn ra từ ngày 11 - 14/12/2024); công bố 10 sự kiện nổi bật của tỉnh Kon Tum năm 2024. Tập trung tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024); kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (06/12/1989 - 06/12/2024); 93 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum (12/12/1931- 12/12/2024).
5. Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành của tỉnh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Tuyên truyền cao điểm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (theo Kế hoạch số 01/KH-BCD, ngày 13-11-2024 của Ban Chỉ đạo tỉnh); tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư Trung về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; tôn vinh các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, tập trung đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm hàng hoá đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tăng cương tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh, cháy, nổ, bảo đảm an ninh trật tự, bình ổn giá cả thị trường trong dịp cuối năm.
B. TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ
I. Thông tin thời sự
1. Thế giới
2. Trong nước
(Tin Thế giới và Trong nước xin xem TẠI ĐÂY)
3. Trong tỉnh
3.1. UBND tỉnh (11-11) đã họp Phiên thường kỳ tháng 10 năm 2024 để đánh giá tình hình KT-XH tháng 10, 10 tháng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 11-2024. Đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Theo báo cáo tại phiên họp, tháng 10 và 10 tháng năm 2024, tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả. Theo đó, đến tháng 10/2024, (1) thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện được 2.627 tỷ đồng, đạt 80,8% dự toán Trung ương giao và đạt 57,1% dự toán HĐND tỉnh giao; nhiệm vụ chi ngân sách địa phương ước thực hiện 8.063 tỷ đồng, đạt 55,2% so với nhiệm vụ chi. Tổng kế hoạch đầu tư nguồn NSNN năm 2024 địa phương giao 3.930,39 tỷ đồng; đã giải ngân là 1.074,84 tỷ đồng, đạt khoảng 46,3% trên thực nguồn kế hoạch đến thời điểm báo cáo. (2) Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa 2024 đạt 106,96 % kế hoạch và bằng 99,58% so với cùng kỳ; diện tích cà phê đạt 101,22 % kế hoạch; diện tích cao su đạt 101,16% kế hoạch; diện tích cây mắc ca đạt 100,1% kế hoạch; cây ăn quả các loại 12.544,1 ha, đạt 99,8% kế hoạch. Toàn tỉnh đã có 48 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 28 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và 76 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn NTM; toàn tỉnh có 249 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên còn hiệu lực. (3) Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2024 ước tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh dự tính đạt 32.344,17 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 325,5 triệu USD, đạt 101,7% kế hoạch và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước; đã thu hút trên 2,1 triệu lượt khách, đạt 113,4% kế hoạch, đạt 179,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu ước đạt 653 tỷ đồng, đạt 107,9% kế hoạch, đạt 155,3% so với cùng kỳ. (4) Từ đầu năm đến nay, thu hút 16 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 1.205 tỷ đồng; có 258 doanh nghiệp, tăng 4,9% so với cùng kỳ, với tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 1.901 tỷ đồng. (5) Lĩnh vực văn hóa, xã hội diễn ra khá sôi nổi; Công tác phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh được đảm bảo; Các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, TTATXH được đảm bảo.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND yêu cầu (1) thủ trưởng các sở, ban ngành chuẩn bị chu đáo, đảm bảo chất lượng các nội dung trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cuối năm và Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XII. (2) Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024, phấn đầu đến cuối năm giải ngân đạt 95%; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên. Đẩy mạnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024 ở mức cao nhất. (3) Lưu ý các cơ quan liên quan tập trung tham mưu chuyển giao các Trung tâm Y tế từ trực thuộc Sở Y tế về trực thuộc UBND các huyện, thành phố quản lý; khẩn trương tham mưu ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và Thông báo phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh...
3.2. Chiều 29-10, đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan và các địa phương về công tác xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Theo báo cáo tại cuộc họp: (1) tính đến tháng 9-2024 toàn tỉnh có 48 xã đã được công nhận xã NTM (nông thôn mới); 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 07 xã đạt 15-18 tiêu chí; 28 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí và 02 xã đạt 9 tiêu chí; bình quân toàn tỉnh đạt 16,18 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 08 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; đồng thời đến cuối năm 2024 sẽ đảm bảo hoàn thành mục tiêu có thêm ít nhất 03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và hoàn thành mục tiêu đề ra (các xã có khả năng đạt chuẩn gồm: Ia Dom, Đăk Ngọk và Pờ Y). Đến nay đã có 02 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu (xã Tân Lập và xã Hà Mòn); dự kiến đến cuối năm 2024 có thêm 02 xã đạt chuẩn (xã Đăk Mar và xã Sa Nhơn), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 04 xã. (2) Kết quả triển khai thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới và thành phố Kon Tum hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới đến nay còn chậm (huyện Ngọc Hồi phấn đấu đạt chuẩn năm 2024 nhưng đến nay mới chỉ cơ bản đạt chuẩn 6/9 tiêu chí; các huyện còn lại mới chỉ đạt từ 3 đến 5 tiêu chí). Toàn tỉnh đã có 76 thôn (làng) vùng ĐBDTTS (đồng bào dân tộc thiểu số) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 15% số thôn (làng) vùng ĐBDTTS (huyện Ia Hdrai 20 thôn và huyện Sa Thầy 16 thôn, huyện Đăk Hà 18 thôn, huyện Kon Rẫy 10 thôn, thành phố Kon Tum 5 thôn; huyện Ngọc Hồi 7 thôn); có 4 huyện đến nay chưa có thôn đạt chuẩn NTM (Đăk Glei, Đăk Tô, Kon Plông và Tu Mơ Rông). Đối với 95 thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện điểm xây dựng thôn NTM giai đoạn 2022 - 2023, đã có 43 thôn đã được công nhận đạt chuẩn và 17 thôn đạt chuẩn 10/10 tiêu chí đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, 35 thôn đạt chuẩn từ 5 đến 9 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/thôn là 9,2 tiêu chí. Thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei (thôn điểm cấp tỉnh), đến nay đã cơ bản đạt chuẩn 10/10 tiêu chí. Dự kiến sẽ được công nhận vào tháng 12-2024. (3) Về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, toàn tỉnh có 249 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó: 01 sản phẩm 5 sao, 08 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá.
Tại cuộc họp các đại biểu đã tham gia thảo luận, đánh giá về những kết quả đã đạt được; những khó khăn hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới, như: trình độ dân trí thấp, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiếu nguồn vốn đầu tư…
Phát biểu kết luận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh: (1) yêu cầu các địa phương, các ngành trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 có trách nhiệm tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu đề ra; Thủ trưởng đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về mức độ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã được giao và là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong năm của các cá nhân. (2) Giao các sở, ngành được phân công phụ trách tiêu chí huyện NTM có trách nhiệm trực tiếp làm việc với các địa phương để phối hợp hỗ trợ và cùng với địa phương trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ đánh giá công nhận đạt chuẩn tiêu chí. (3) Yêu cầu các địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đến quý I năm 2025 phải đảm bảo 100% các xã nông thôn mới đảm bảo duy trì đạt chuẩn 19/19 tiêu chí; chú trọng triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xã nông thôn mới thông minh, thôn NTM thông minh, thôn nông thôn mới kiểu mẫu. (4) Về xây dựng thôn (làng) nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, quyết tâm hoàn thành kế hoạch xây dựng thôn điểm cấp huyện, xã năm 2023, 2024 và mục tiêu đến năm 2025 phải có ít nhất 50% số thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đạt chuẩn thôn NTM; trong đó lưu ý đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới phải tối thiểu có từ 1 đến 2 thôn (làng) được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới…
3.3. Chiều 31-10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI tổ chức Hội nghị lần thứ 17 (mở rộng). Các đồng chí: Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; A Pớt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; U Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, điều hành hội nghị. 
Hội nghị cho ý kiến, thảo luận đối với Chủ đề, Phương châm Đại hội và Đề cương Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh; dự thảo Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20-9-2021 của Tỉnh ủy về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; dự thảo báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 25-11-2021 của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; dự thảo Báo cáo sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 19-5-2022 của Tỉnh ủy về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất nhận định: (1) việc đầu tư phát triển các vùng kinh tế động lực theo Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20-9-2021 của Tỉnh ủy đã đạt được những kết quả tích cực; Môi trường đầu tư được cải thiện; cải cách hành chính được triển khai quyết liệt; kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống Nhân dân có nhiều cải thiện…(2) Việc phát triển lâm nghiệp theo Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 25-11-2021 của Tỉnh ủy đã đem lại những thành quả nhất định, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh được nâng lên; bảo vệ được vốn rừng hiện có, duy trì độ che phủ của rừng đến năm 2023 là 63,69%. Đã tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, góp phần ổn định đời sống, đặc biệt là người đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa. (3) Đến nay, việc đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu theo Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 19-5-2022 của Tỉnh ủy đã đạt được những kết quả tích cực. Đã khai thác hiệu quả, tiềm năng lợi thế đặc thù để phát triển bền vững các vùng trồng dược liệu, gắn với chế biến trong mối liên kết theo chuỗi giá trị; một số sản phẩm từ dược liệu được thị trường đón nhận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy còn một số hạn chế, như: Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, đất đai, quản lý đô thị tại hai vùng kinh tế động lực chưa chặt chẽ; Việc triển khai dự án Trung tâm nhân giống dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại huyện Tu Mơ Rông còn chậm; Công tác quản lý, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh của tỉnh gặp nhiều khó khăn; Tăng trưởng của ngành lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; Chưa khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng... 
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đối với những khuyết điểm trong quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy khóa XVI; trên cơ sở đó đề ra các giải pháp để khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất Chủ đề Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh là "Đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại; khơi dậy khát vọng vươn lên, xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững"; Phương châm Đại hội là "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đột phá - Phát triển"...
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đồng chí bí thư các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy bám sát Chỉ thị số 35-CT/TW, Kế hoạch số 155-KH/TU của Tỉnh ủy và các chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tập trung lãnh đạo chuẩn bị tổ chức đại hội các đảng bộ trực thuộc và đại hội đảng bộ cấp mình nhiệm kỳ 2025-2030, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.
Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đồng chí Tỉnh ủy viên, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao tinh thần đoàn kết nội bộ, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cá nhân, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối với lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao với quyết tâm chính trị cao nhất, phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
3.4. Sáng 7-11, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh họp cho ý kiến đối với một số nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Theo kết quả rà soát, toàn tỉnh có 2.480 hộ thuộc 3 nhóm đối tượng đang ở nhà tạm, nhà dột nát; trong đó, có 2.277 hộ cần được xây mới nhà ở và 203 hộ có nhà ở cần được sửa chữa. Lộ trình thực hiện từ năm 2024 đến hết tháng 6 năm 2025.  
Cụ thể, nhóm đối tượng người có công với cách mạng có 89 hộ (xây mới 52 căn, sửa chữa 37 căn); nhóm đối tượng được hỗ trợ theo các Chương trình MTQG 1.262 hộ (hộ nghèo 969 hộ (xây mới 870 căn, sửa chữa 99 căn); hộ cận nghèo 293 hộ (xây mới 278 căn và sửa chữa 15 căn); nhóm đối tượng khác (hộ mới tách hộ không thuộc hộ nghèo, cận nghèo) 1.129 hộ (xây mới 1.077 căn, sửa chữa 52 căn). Tổng kinh phí thực hiện 131 tỷ 680 triệu đồng (xây mới 125 tỷ 850 triệu đồng và sửa chữa 5 tỷ 830 triệu đồng) từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ; nguồn vận động triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh” và từ các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Mức hỗ trợ cho nhóm đối tượng người có công, đối tượng được hưởng theo các Chương trình MTQG là 60 triệu đồng/căn xây mới và 30 triệu đồng/căn sửa chữa; còn đối tượng khác hỗ trợ xây mới 50 triệu đồng/căn và sửa chữa 25 triệu đồng/căn.
Kết luận phiên họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo: (1) đề nghị các huyện, thành phố rà soát lại thật kỹ các đối tượng trên địa bàn, không để sót đối tượng, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng chí lưu ý, đối với nhóm đối tượng khác (hộ mới tách hộ không thuộc hộ nghèo, cận nghèo), chính quyền địa phương rà soát lại các tiêu chí về hộ nghèo và cận nghèo; nếu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo thì xem xét công nhận để các đối tượng được hưởng các chính sách theo quy định, không vì thành tích giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo mà bỏ sót đối tượng. (2) đề nghị các đơn vị có kế hoạch cụ thể về việc huy động lực lượng vũ trang, Đoàn Thanh niên hỗ trợ ngày công lao động để xây mới và sửa chữa nhà cho các đối tượng; vận động đối tượng thụ hưởng cùng góp công lao động, tìm kiếm nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương như cát, đá, sỏi để giảm chi phí thi công. (3) nhấn mạnh, tất cả các đơn vị, địa phương liên quan tập trung nhân lực, vật lực đề ra quyết tâm phấn đấu đến hết tháng 6 năm 2025 hoàn thành công tác xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trong toàn tỉnh. (4) thống nhất ban hành quyết định về quy chế hoạt động và thông báo phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
3.5. Chiều 13-11, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Đoàn công tác Hội đồng Lý luận Trung ương về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực trạng về liên kết vùng, hợp tác phát triển xuyên biên giới vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, kinh tế - xã hội tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Quy mô tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) đến cuối năm 2023 đạt khoảng 35.090 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức khá, bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 7,64%/năm, đạt cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (6,5-7%/năm); tỷ lệ giảm nghèo bình quân giai đoạn 2021-2023 giảm 3-4%/năm, đạt cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (giảm 1-1,5%/năm).
Đối với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, đến nay, có 10/33 chỉ tiêu đạt mục tiêu đến năm 2025; dự kiến có 20 chỉ tiêu đạt mục tiêu theo tiến độ đến cuối năm 2025 và 3 chỉ tiêu dự kiến khó đạt.
Về thực trạng liên kết vùng Tây Nguyên, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Kon Tum đã hiện thực hóa và đạt được một số kết quả: Kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, quốc phòng - an ninh được đảm bảo; nhiều chỉ tiêu của tỉnh tăng trưởng khả quan.
Quan hệ hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh trong Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) ngày càng chặt chẽ và đi vào chiều sâu. Đồng thời, hợp tác giữa các huyện biên giới ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn, bước đầu đã mở rộng hợp tác giữa các địa phương nội địa. Công tác đối ngoại nhân dân được duy trì và có bước phát triển mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Tạ Ngọc Tấn đánh giá cao và chúc mừng thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, góp phần nâng cao đời sống người dân. Đồng chí nhấn mạnh những vấn đề được trao đổi tại buổi làm việc sẽ góp phần xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn phục vụ hoạch định đường lối, chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phục vụ tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và xây dựng các văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
3.6. Sáng 13-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thành phố về việc phát triển vùng nguyên liệu mía đường, chanh dây trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 338,59 ha chanh dây trong 1.000 ha chỉ tiêu kế hoạch giao, đạt 33,86% KH giao. Trong đó, huyện Sa Thầy trồng được 103,60 ha; Ia H’Drai 20ha; Kon Rẫy 34,02 ha; Kon Plông 10 ha; Đăk Hà 30,40 ha; Đăk Tô 106,ha; Đăk Glei 0,5 ha và thành phố Kon Tum 34,07 ha…
Đối với mía đường, đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới niên vụ 2023-2024 là 544 ha/800 ha, đạt 68% KH, nâng tổng số diện tích mía trên địa bàn toàn tỉnh lên 1.521,0 ha/2.000 ha, đạt 76,05% KH.
Nguyên nhân diện tích chanh dây trên địa bàn chưa đạt là do giá các loại nông sản như cà phê, tiêu, sầu riêng…tăng cao và ổn định dẫn đến cạnh tranh diện tích với cây chanh; giá chanh dây bấp bênh, thị trường không ổn định nên ảnh hưởng đến tâm lý người nông dân; thời tiết bất thường, mùa mưa đến muộn nên ảnh hưởng đến việc phát triển chanh dây. Đối với chỉ tiêu giao 2.000 ha mía và chỉ tiêu trồng mới 479 ha trong năm 2024 cũng khó đạt được do giá cả thấp;  hạ tầng giao thông thu mua tại ruộng khó khăn, diện tích đất manh mún…nên người dân chưa thực sự quan tâm phát triển.
Tại cuộc họp, Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai đề nghị tỉnh đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cấp thoát nước, xử lý nước thải tập trung để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo tiến độ của dự án đầu tư; chỉ đạo các địa phương phối hợp với Công ty trong việc khảo sát và lựa cho vùng trồng chanh dây; định hướng các địa phương xây dựng và hình thành các vùng nguyên liệu chanh dây theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa; có chính sách ưu tiên khuyến khích và hỗ trợ người dân trong việc tham gia liên kết sản xuất chanh dây theo chuỗi giá trị liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ bền vững. Công ty Cổ phần Đường Kon Tum cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa cho các địa phương cũng như các sở, ban ngành, tạo mọi điều kiện trong công tác tuyên truyền phổ biến các cơ chế chính sách phát triển cây mía đến nhân dân. UBND các huyện, thành phố quan tâm hơn nữa việc chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát quỹ đất trồng mía, cụ thể giao chỉ tiêu về các thôn, làng để Công ty cùng phối hợp thực hiện trong công tác tuyên truyền vận động đến người dân để phát triển cây mía tại địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ vui mừng vì diện tích chanh dây và mía đường trong 2 năm nay tăng mạnh. Đồng thời, yêu cầu các sở, huyện, thành phố tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu về mía đường, chanh dây được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao trong năm 2024; các sở, ngành, huyện thành phố, doanh nghiệp cần làm tốt công tác phối hợp và có kế hoạch cụ thể trong triển khai thực hiện; các huyện, thành phố ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển diện tích; phối hợp với doanh nghiệp làm tốt  công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển diện tích chanh dây và mía đường; các doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân, có chính sách phù hợp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân để họ tích cực chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích; tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc mía, chanh dây theo quy định, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn… để người dân yên tâm phát triển sản xuất, đảm bảo ổn định, hiệu quả. 
3.7. Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024); thực hiện chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, trong buổi chiều ngày 15-11, tất cả các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân các dân tộc tham gia và lãnh đạo các cấp, ngành tham dự. Đã có 756/756 khu dân cư tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, trong đó: Loại hình thứ nhất: (có phần lễ và phần hội do nhân dân bàn bạc, tự nguyện quyết định mức tham gia đóng góp và có khách mời): 703 Khu dân cư; Loại hình thứ hai (có phần lễ không có phần hội): 53 Khu dân cư.
Về tổ chức phần lễ, hầu hết các khu dân cư đều đảm bảo tổ chức đầy đủ nội dung, trang trọng và đảm bảo số lượng người dân tham gia đông đảo. Nội dung trọng tâm phần Lễ là: Ôn lại truyền thống vẻ vang của MTDT thống nhất Việt Nam; báo cáo kết quả thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục năm 2025;  những nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 -2029; các hoạt động thi đua chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030; trao đổi thảo luận của người dân...
Về phần hội, các khu dân cư tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: “Bữa cơm đoàn kết”, giao lưu uống rượu cần, biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian... thi đấu bóng chuyền, cầu lông, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, biểu diễn múa xoang, cồng chiêng, đàn tơ rưng, đàn ống, đàn lá, múa hát hiện đại, nhảy sạp….Các hoạt động văn hoá - thể thao thể hiện rõ sự giao thoa văn hóa dân gian và hiện đại, thu hút sự tham gia của đủ mọi lứa tuổi, người dân thể hiện rõ tinh thần hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình.
Nhân dịp Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tặng 1.532 phần quà trị giá 778.600.000 cho khu dân cư, hộ gia đình trong Ngày hội bằng các hình thức như: Trao tặng “Nhà Đại đoàn kết”; thăm hỏi các gia đình chính sách, người có công cách mạng, già làng, người có uy tín; trao tặng giống, cây trồng...
Đây là dịp để Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đánh giá kết quả thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và tôn vinh các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tăng cường tinh thần đoàn kết trong toàn thể Nhân dân; đồng thời cũng là một trong những dịp để Nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng lên lãnh đạo các cấp. Điểm đáng chú ý năm nay là việc thống nhất tất cả các khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào duy nhất 01 buổi chiều ngày 15-11-2024, để dành thời gian cho bà con nhân dân tập trung thu hoạch mùa và cán bộ, công chức tập trung cho những công việc quan trọng cuối năm; điều này đã góp phần tạo sự lan tỏa, không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân trên địa bàn.
3.8. Đẩy mạnh bán lẻ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong tỉnh được xem là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế. Vì vậy, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh của tỉnh, ngành Công thương đã triển khai nhiều chương trình giải pháp kích cầu tiêu dùng, nâng cao sức mua, tăng doanh thu dịch vụ bán lẻ hàng hóa.
Theo Cục Thống kê tỉnh, 10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 32.344 tỷ đồng, tăng 14,17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 26.993 tỷ đồng,  tăng 13,68% so với cùng kỳ năm 2023. Đa số nhóm hàng hóa có doanh thu tăng như: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,21%; hàng may mặc tăng 14,96%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,63%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 11,23%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 15,24%; phương tiện đi lại tăng 18,63%; xăng, dầu các loại tăng 11,27%.
Để có được kết quả này, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ngành Công thương chủ động làm việc, hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà bán lẻ tổ chức các chương trình bán hàng bình ổn giá, khuyến mãi tập trung nhằm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng doanh thu. Các doanh nghiệp, hệ thống các siêu thị thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi, nhờ đó, giá cả hàng hóa ổn định, giúp người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn, góp phần tăng sức mua trong nhân dân.
Cùng với đó, thời gian qua ngành Công thương tích cực triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, thông qua các hoạt động như phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh tổ chức trưng bày, quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, sản phẩm thế mạnh của tỉnh; tổ chức các đợt bán hàng Việt lưu động về các xã vùng sâu, vùng xa; xây dựng các điểm nhận diện, bán hàng Việt ở nông thôn. Từ đó, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và tạo điều kiện cho người tiêu dùng nông thôn mua sắm được những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng tốt, với giá cả hợp lý nhất. Ngành Công thương còn thường xuyên tổ chức các hội chợ, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Qua đó, tạo cơ hội để các đơn vị có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là sản phẩm đặc trưng, OCOP của các địa phương ở trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng Website, đưa hàng hóa lên sàn giao dịch thương mại điện tử, triển khai bán hàng trên các nền tảng số, góp phần nâng cao hiệu quả bán hàng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Những tháng cuối năm là thời gian cao điểm mua sắm, thị trường bán lẻ hàng hóa thường sôi động. Do đó, để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, hạn chế tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, Sở Công thương (1) đã làm việc, mời gọi các doanh nghiệp, nhà bán lẻ tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán kết hợp với đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng; đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. (2) phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh cùng các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, trưng bày, giới thiệu hàng hóa. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm như buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng...nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
3.9. Tháng cao điểm vì người nghèo được bắt đầu từ ngày 17-10 - ngày Quốc tế xóa nghèo và cũng là ngày Vì người nghèo của nước ta, kéo dài đến ngày 18-11 hằng năm. Tuy nhiên, sự sẻ chia, giúp đỡ người nghèo không chỉ trong một ngày, một tháng cao điểm. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách, qua các chương trình mục tiêu quốc gia, sự sẻ chia, chung sức của toàn xã hội với nhiều hoạt động giúp đỡ thiết thực đã cho thấy vì người nghèo trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục mang ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc.
Khi đời sống người dân ngày càng nâng cao, chuẩn nghèo có sự thay đổi theo hướng đa chiều thì chống đói nghèo và vì người nghèo rất cần sự quan tâm sẻ chia của toàn xã hội mới mong đạt đến sự giảm nghèo bền vững. Chính vì vậy mà trong thời gian qua, phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh đã huy động được sự tham gia tích cực của toàn xã hội.
 
Chung tay góp sức vì người nghèo, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, Quỹ “Vì người nghèo”, “Quỹ cứu trợ” các cấp đã huy động được cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ, trở thành một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong 5 năm (2019-2024), Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động trên 58,9 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.067 căn nhà đại đoàn kết; trao tặng 35.820 suất quà nhân dịp lễ, tết; hỗ trợ 277 hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất; hỗ trợ 1.671 lượt người khám, chữa bệnh… Quỹ Cứu trợ tỉnh đã vận động trên 13,3 tỷ đồng, tổ chức cứu trợ, hỗ trợ kịp thời cho đồng bào gặp thiên tai, dịch bệnh, sự cố khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện được cả hệ thống chính trị, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, trong 5 năm qua đã huy động được 104,9 tỷ đồng để chăm lo lễ, tết cho các hộ nghèo, cận nghèo, và các đối tượng khó khăn, gia đình chính sách.
Nhờ truyền thống thương yêu, đùm bọc, san sẻ với tình nghĩa đồng bào không dừng lại trong một tháng, một ngày và cũng nhờ hiệu quả của những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm dần qua các năm, người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2022, toàn tỉnh có 6.782 hộ thoát nghèo, năm 2023 có 6.258 hộ thoát nghèo.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, bộ phận dân cư nghèo vẫn còn rất cao (theo thống kê toàn tỉnh còn 10.220 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,84% so với tổng số hộ dân) và đáng chú ý là bộ phận tái nghèo cũng rất lớn. Hơn nữa, chuẩn xét hộ nghèo không chỉ đơn thuần tính theo thu nhập mà được xác định theo phương pháp đo lường đa chiều nên tiêu chí đánh giá hộ nghèo dựa trên thu nhập bình quân đầu người/tháng và khả năng tiếp cận các nhu cầu cơ bản của người dân. Do đó, càng về sau thì việc giảm tỷ lệ hộ nghèo sẽ càng khó khăn hơn, đó là chưa kể những hộ cận nghèo cũng rất dễ trở thành hộ nghèo, hộ đã thoát nghèo nhưng chỉ cần gặp chút bất trắc, rủi ro lại quay trở lại nghèo khiến cho công cuộc xóa đói giảm nghèo càng thêm khó khăn.
Để người nghèo thoát nghèo rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Cần có giải pháp lâu dài, căn cơ, kêu gọi sự chung sức của toàn xã hội hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo cần đi kèm với việc tăng cường vai trò chủ động, thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo của chính bản thân hộ nghèo. Cùng với đó, các cấp, các ngành và toàn xã hội cũng cần sâu sát, xem người nghèo thực sự cần những gì, những điều kiện nào có thể giúp họ làm bàn đạp vươn lên thoát nghèo để từ đó định hướng, hỗ trợ hiệu quả. Có như vậy, công tác giảm nghèo mới đi vào chiều sâu, đầy tính nhân văn giữa người cho và người nhận, là nhân tố quyết định thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo trong điều kiện chung là đời sống người dân ngày càng nâng cao và chuẩn nghèo ngày càng đa chiều, toàn diện.
3.10. Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) đạt nhiều kết quả quan trọng, mang tính đột phá, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác PCTN,TC năm 2024; kế hoạch phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong công tác PCTN,TC trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, về PCTN,TC nói riêng được đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho công tác PCTN,TC (Báo cáo số 380/BC-UBND ngày 10-11-2024 của UBND tỉnh đánh giá, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị).
Tính đến nay, (1) cơ quan chức năng phát hiện 4 vụ việc có hành vi tham nhũng, gồm vụ “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà); vụ “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Phòng giao dịch Đăk Hà - Ngân hàng HD Bank Chi nhánh Kon Tum; vụ “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty Thuận Phong (huyện Sa Thầy); vụ “Nhận hối lộ” xảy ra tại Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông Vận tải). (2) toàn tỉnh đã triển khai 199 cuộc thanh tra, kiểm tra; đến nay đã kết thúc 157 cuộc thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực quản lý tài chính - kế toán; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý và sử dụng đất. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm hơn 9,5 tỷ đồng. Đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 3 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác về kinh tế hơn 6,499 tỷ đồng; thu hồi về cho đơn vị hơn 37 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân 698,7 triệu đồng. Đồng thời kiến nghị khắc phục các thiếu sót, sai phạm, khuyết điểm còn tồn tại và kiến nghị tổ chức họp kiểm điểm đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan đến sai phạm. Đến nay đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm 43 tập thể; 134 cá nhân; kỷ luật 1 cá nhân (hình thức kỷ luật khiển trách). (3) Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 1.041 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, trong đó có 1.010 đơn đủ điều kiện xử lý (gồm 51 đơn khiếu nại, 17 đơn tố cáo, 942 đơn kiến nghị, phản ánh). Số đơn thuộc thẩm quyền phải xem xét, giải quyết của các cấp, các ngành là 579/1.010 đơn, chiếm tỷ lệ 57,33% tổng số đơn nhận được. Đến nay, các cấp, các ngành đã giải quyết 543/579 đơn thuộc thẩm quyền, đạt 93,78%. Qua công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không phát hiện vụ việc tham nhũng.
Tuy nhiên, thực tế công tác PCTN,TC trong thời gian qua cũng cho thấy một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, rất ít vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác kiểm tra trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, mà chủ yếu do nhân dân tố giác, báo chí phản ánh hoặc qua thanh tra, kiểm tra, giám sát…
Thời gian tới, (1) Cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác PCTN,TC và lãng phí. (2) Tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật và các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. (3) Phát huy vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, đặc biệt tại các vị trí tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. (4) Đẩy mạnh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.     
II. Thông tin chuyên đề
Chuyên đề 1: Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương. (tại đây)
Chuyên đề 2: Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (tại đây)
Chuyên đề 3: Phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2024. (tại đây)
Chuyên đề 4: Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 (FII8). (tại đây)
Chuyên đề 5: Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. (tại đây)
III. Văn bản nghiên cứu
1. Văn bản khối Đảng
1.1. Văn bản của Trung ương
- Quy định số 189-QĐ/TW, ngày 08-10-2024 của Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. (tại đây
- Quyết định số 190-QĐ/TW, ngày 10-10-2024 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng. (tại đây
- Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 49 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (tại đây)
- Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 50 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (tại đây)
- Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 51 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (tại đây)
1.2. Văn bản của tỉnh
- Kế hoạch số 175-KH/TU, ngày 30-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. (tại đây
- Kế hoạch số 177-KH/TU, ngày 01-11-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Quy định số 183-QĐ/TW, ngày 18-9-2024 của Bộ Chính trị "về bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án". (tại đây
- Quyết định số 1366-QĐ/TU, ngày 01-11-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ định bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. (tại đây
- Công văn số 1459-CV/TU, ngày 4-11-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. (tại đây)
- Quyết định số 1369-QĐ/TU, ngày 7-11-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuẩn y Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đăk Glei khoá XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. (tại đây
- Kết luận số 2126-KL/TU, ngày 08-11-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy  sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 21-10-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên địa bàn tỉnh". (tại đây
- Quyết định số 1370-QĐ/TU, ngày 12-11-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Danh mục vị trí việc làm chuyên viên cao cấp các cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. (tại đây
- Công văn số 2757-CV/BTGTU, ngày 6-11-2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về tuyên truyền Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư “về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn". (tại đây
- Công văn 2759-CV/BTGTU, ngày 7-11-2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về định hướng triển khai Giải Búa liềm vàng của Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ V – năm 2025. (tại đây
- Công văn số 2768-CV/BTGTU, ngày 12-11-2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến "Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành". (tại đây
- Công văn số 7248-CV/VPTU, ngày 21-11-2024 của Văn phòng Tỉnh ủy gửi Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển đạt ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về việc tham mưu đánh giá tình hình xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. (tại đây)
2. Văn bản khối chính quyền
2.1. Văn bản của Trung ương
- Nghị định số 143/2024/NĐ-CP, ngày 01-11-2024 của Chính phủ quy định cụ thể phương thức đóng và mức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. (tại đây)
- Nghị định số 146/2024/NĐ-CP, ngày 6-11-2024 của Chính phủ quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có cơ cấu tổ chức mới gồm 25 đơn vị. (tại đây)
- Chỉ thị số 41/CT-TTg, ngày 6-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. (tại đây)
- Quyết định số 1337/QĐ-TTg, ngày 6-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (tại đây)
- Quyết định số 1352/QĐ-TTg, ngày 8-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (tại đây)
- Chỉ thị số 42/CT-TTg, ngày 9-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. (tại đây)
- Nghị định số 147/2024/NĐ-CP, ngày 9-11-2024 của Chính phủ quy định tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. (tại đây)
- Nghị định số 148/2024/NĐ-CP, ngày 12-11-2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. (tại đây)
- Công điện số 116/CĐ-TTg, ngày 14-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. (tại đây)
- Quyết định số 1403/QĐ-TTg, ngày 16-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". (tại đây)
2.2. Văn bản của tỉnh
- Công văn số 3944/UBND-HTKT, ngày 3-11-2024 của UBND tỉnh chỉ đạo đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với phương tiện giao thông điện sử dụng pin Lithium-ion trên địa bàn tỉnh. (tại đây)
- Công văn số 3976-UBND/KTTH, ngày 5-11-2024 của UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. (tại đây)
- Công văn số 3972/UBND-HTKT, ngày 5-11-2024 của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ đầu tư khẩn trương triển khai thi công các công trình được chọn gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, đảm bảo tiến độ, chất lượng để tổ chức gắn biển đúng thời hạn quy định và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. (tại đây)
- Quyết định số 732/QĐ-UBND, ngày 11-11-2024 của UBND tỉnh phê duyệt dự án khoa học công nghệ về mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ, thực hiện trong năm 2025. (tại đây)
- Quyết định số 66/2024/QĐ-UBND, ngày 14-11-2024 của UBND tỉnh Quy định cụ thể các địa điểm, vị trí phải phát triển nhà ở theo dự án đối với khu vực ngoài đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum. (tại đây)
- Công văn số 4111/UBND-KTTH, ngày 15-11-2024 của UBND tỉnh về việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024. (tại đây)
- Quyết định số 68/2024/QĐ-UBND, ngày 15-11-2024 của UBND tỉnh Quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm không thông qua hình thức đấu giá; mức đơn giá thuê đất để xây dựng công trình ngầm (không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất) và mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh. (tại đây)
- Quyết định số 69/2024/QĐ-UBND, ngày 15-11-2024 của UBND tỉnh ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum. (tại đây)
- Quyết định số 657/QĐ-UBND, ngày 15-11-2024 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt công bố sửa đổi, bổ sung danh mục thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Kon Tum. (tại đây)
- Công văn số 4131/UBND-NNTN, ngày 17-11-2024 của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. (tại đây)
- Công văn số 4153/UBND-KTTH, ngày 19-11-2024 của UBND tỉnh chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. (tại đây)
- Công văn số 4179/UBND-KTTH, ngày 20-11-2024 của UBND tỉnh về việc huy động nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội. (tại đây)
- Công văn số 4180/UBND-KTTH, ngày 20-11-2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý tài sản công tại các tổ chức hội. (tại đây)
- Công văn số 4202/UBND-NNTN, ngày 21-11-2024 của UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh. (tại đây)
- Công văn số 4204/UBND-KTTH, ngày 21-11-2024 của UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 208/NQ-CP, ngày 28-10-2024 của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 23/NQ-CP phát triển kinh tế biên giới đất liền. (tại đây)
IV. Một số gương người tốt, việc tốt
- Anh A Đưn, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) luôn tận tâm với công việc của thôn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được người dân yêu mến, tin tưởng. (tại đây)
- Nặng tình với nghề truyền thống của người Ka Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), những năm gần đây, nghệ nhân Y Tin (61 tuổi, thôn Đăk Vang, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn Đăk Vang chung tay khôi phục nghề đan lát truyền thống tại địa phương. (tại đây)
- Là công chức tại UBND xã Kroong và giữ nhiều chức danh tại thôn, làng như Bí thư chi bộ thôn, Đội trưởng đội cồng chiêng, anh A Mlưn (39 tuổi) ở thôn Kroong Klah (xã Kroong, thành phố Kon Tum) luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp và người dân tin tưởng, yêu mến bởi sự năng động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ. (tại đây)


Phòng Thông tin - Tổng hợp thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới

TÀI LIỆU

HN tổng kết báo chí năm 2024; trao giải Búa liềm vàng tỉnh lần thứ IV

Lượt xem:103 | lượt tải:104

TÀI LIỆU

phục vụ HN tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2024

Lượt xem:391 | lượt tải:145

KL.103.TW

“về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp”

Lượt xem:88 | lượt tải:238

CV.1500.TU

Triệu tập HN trực tuyến quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; báo cáo tình hình KTXH năm 2024 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế

Lượt xem:993 | lượt tải:269

TÀI LIỆU

phục vụ giao ban báo chí tháng 11-2024

Lượt xem:207 | lượt tải:124

CV.2759.BTGTU

về định hướng triển khai Giải Búa liềm vàng của Đảng bộ tỉnh lần thứ V-năm 2025.

Lượt xem:250 | lượt tải:156

KH.175.TU

tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Lượt xem:239 | lượt tải:268
 
pxyk2025
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay2,386
  • Tháng hiện tại276,681
  • Tổng lượt truy cập35,231,840
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 25 tháng 9 năm 2024
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây