BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ (phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 12-2021) 

BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ (phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 12-2021)

Thứ sáu - 26/11/2021 09:34
BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ (phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 12-2021)
A/ ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI BỘ TRONG THÁNG
* Thông tin thời sự về tình hình trong tỉnh, trong nước và thế giới; sinh hoạt chính trị tư tưởng và tuyên truyền kỷ niệm các hoạt động chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương trong tháng[1]…cấp ủy, chi bộ lựa chọn những nội dung trong Bản tin Thông báo nội bộ tháng 12/2021 để sinh hoạt. Trong đó:
1/ Chú trọng tuyên truyền Kết luận HNTW4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Tiếp tục tuyên truyền Kế hoạch 32-KH/TU ngày 28-10-2021 của BTV Tỉnh ủy cụ thể hóa Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị và Chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Tuyên truyền, nêu bật những kết quả đạt được về phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, đối ngoại của địa phương, đất nước năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương của Tỉnh ủy đối với việc xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện thắng lợi mục tiêu: "Xây dựng thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông trở thành trung tâm kinh tế, giữ vai trò nòng cốt, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh" (Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy).
2/ Tuyên truyền hướng tới mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần 2022 gắn với tuyên truyền Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tôn vinh những sản phẩm hàng hoá đạt chất lượng tốt; cảnh giác với các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong dịp Tết. Tuyên truyền thông tin đối ngoại; công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; đấu tranh, phản bác thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội và các thế lực thù địch đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước. 
3/ Tiếp tục tuyên truyền kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội; tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, chấp hành nghiêm các cảnh báo thiên tai và lệnh di dời của cấp có thẩm quyền, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, lũ, sạt lở đất...gây ra, nhất là tính mạng, tài sản của nhân dân, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo an toàn giao thông dịp cuối năm, công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết và dịch bệnh COVID-19; nhấn mạnh việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát  hiệu quả dịch COVID-19”...
B/ TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ
I- THÔNG TIN THỜI SỰ
1. THẾ GIỚI
1.1. Từ ngày 31/10 - 05/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Chuyến công tác của Thủ tướng đã thành công tốt đẹp, thể hiện ở các nội dung sau:
Thứ nhất, Thủ tướng đã có 02 bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu và tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu. Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh hai thông điệp chính: (1) Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân; (2) Kêu gọi cần có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu, các nước phát triển có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực để có thể thực hiện thành công Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hơn 20 cuộc gặp, tiếp xúc bên lề với lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế. Tại các buổi gặp, nguyên thủ các nước và lãnh đạo các tổ chức quốc tế đều thể hiện sự coi trọng, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Thứ hai, chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp đạt được nhiều kết quả thực chất: (i) Anh và Pháp đều dành cho Thủ tướng và Đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu. Trong các cuộc hội đàm, hội kiến, lãnh đạo các nước bày tỏ coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam, thống nhất những định hướng lớn, giao cho các Bộ, ngành triển khai các biện pháp hợp tác cụ thể nhằm tăng cường lòng tin chiến lược, quyết tâm đưa các khuôn khổ hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn nữa. (ii) Trong chuyến thăm Anh và Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian để tiếp lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các đối tác đã đầu tư và đang có ý định hợp tác đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, với sự chứng kiến của Thủ tướng, gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thoả thuận, tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD. Trong lĩnh vực y tế và công tác ngoại giao vaccine: Các nước chia sẻ khó khăn của Việt Nam và đáp ứng tích cực đề nghị của Việt Nam. Pháp công bố viện trợ thêm gần 1,4 triệu liều vaccine phòng Covid-19 qua kênh song phương và cơ chế COVAX, nâng tổng số liều vaccine Pháp hỗ trợ cho Việt Nam lên hơn 2 triệu liều; Anh khẳng định sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19; Công ty cổ phần vaccine Việt Nam và Công ty Astra Zeneca ký hợp đồng mua 25 triệu liều, nâng tổng số thoả thuận lên hơn 55 triệu liều và cam kết trong tháng 11 và tháng 12/2021 toàn bộ số vaccine sẽ được đưa về Việt Nam, kịp thời thực hiện nhanh chóng mục tiêu tiêm vaccine toàn dân của Chính phủ.
Chuyến đi của Thủ tướng đạt kết quả toàn diện, thực chất và cụ thể, hiện thực hoá đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng đề ra là độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
1.2. Tình hình thế giới đáng chú ý thời gian gần đây
- Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra từ ngày 30-31/10/2021, tại thủ đô Rome, Italy. Hội nghị ra Tuyên bố chung, tập trung vào 03 chủ đề trọng tâm: (1) Trên lĩnh vực y tế, Tuyên bố G20 khẳng định nỗ lực đảm bảo quyền tiếp cận kịp thời, bình đẳng và bao trùm đối với các loại vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán cho các nước thu nhập trung bình và thấp. Các nhà lãnh đạo G20 cam kết phấn đấu đạt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số thế giới vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022; (2) Về biến đổi khí hậu, Hội nghị tái cam kết duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn trên 1,5 độ C vào giữa thế kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp; nỗ lực huy động 100 tỷ USD/năm đến năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển; tích cực huy động các nguồn tài chính công và tư để hỗ trợ phát triển năng lượng xanh, bền vững và bao trùm, sớm chấm dứt tài trợ cho việc sản xuất điện từ than; (3) Về kinh tế, các nhà lãnh đạo G20 cam kết hợp tác thúc đẩy phục hồi kinh tế. Hội nghị ghi nhận bước tiến “lịch sử” khi các nước G20 ủng hộ “rộng rãi và xuyên suốt” mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia. Theo ước tính của OECD, việc thống nhất mức thuế tối thiểu sẽ giúp bổ sung khoảng 125 tỷ USD vào ngân sách các nước.
- Mỹ chính thức mở lại biên giới sau 20 tháng đóng cửa vì Covid-19: Từ ngày 08/11/2021, Mỹ chính thức mở lại biên giới trên bộ và trên không cho các du khách nước ngoài đã tiêm ngừa đầy đủ, sau 20 tháng đóng cửa. Tuy nhiên, việc nhập cảnh vào Mỹ sẽ được giám sát chặt chẽ. Các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra kỹ việc tiêm ngừa Covid-19, theo đó du khách phải tiêm ngừa đầy đủ và cần có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 03 ngày trước khi du lịch. Các hãng hàng không cũng được yêu cầu phải triển khai hệ thống truy vết tiếp xúc. Biên giới trên bộ sẽ mở cửa theo 2 giai đoạn, trong đó từ ngày 08/11/2021, cho phép người đã tiêm ngừa được qua biên giới để thăm người thân, du lịch…; và từ đầu năm 2022 phải có giấy xác nhận tiêm ngừa với mọi trường hợp. Trước đó, nhằm làm chậm sự lây lan của đại dịch Covid-19, Mỹ đã đóng cửa các biên giới từ tháng 3/2020 đối với du khách từ nhiều nơi trên thế giới, bao gồm các nước châu Âu, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
1.3. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 (diễn ra từ ngày 26-28/10/2021) và sự tham gia của Việt Nam thể hiện trên một số kết quả nổi bật sau: Thứ nhất, ASEAN đoàn kết, nhất trí hướng tới xây dựng Cộng đồng. Đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực tiếp tục là mục tiêu chung của ASEAN nói chung và từng nước thành viên nói riêng. Thứ hai, các đối tác bên ngoài đặc biệt coi trọng ASEAN, cam kết cùng ASEAN hợp tác kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên, trong đó có biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên. Bên cạnh đó, nội dung phục hồi bền vững được hầu hết các nước đặt ưu tiên, phấn đấu đạt được trong thời gian tới. Thứ ba, những nội dung liên quan đến hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực như Biển Đông, Myanmar, Triều Tiên, thu hẹp khoảng cách phát triển... tiếp tục được đề cập sâu rộng và trao đổi sôi nổi trong các hội nghị. Theo đó, tất cả các nước đều đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN, sẵn sàng chia sẻ minh bạch về các bước đi của mình với khu vực và khẳng định hòa bình, ổn định là mục tiêu chung, thượng tôn pháp luật, đối thoại thẳng thắn, hợp tác hiệu quả là những công cụ chủ yếu để đạt tới mục tiêu này. Các nước đề cao tinh thần trách nhiệm, ứng xử minh bạch, quan hệ hài hòa là cơ sở cho quan hệ giữa các nước trong và ngoài khu vực. Thứ tư, Hội nghị ASEAN lần thứ 38 và 39 đã ra Tuyên bố Chủ tịch, trong đó tái khẳng định cam kết củng cố Cộng đồng ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các thách thức cũng như thúc đẩy sự phục hồi toàn diện của ASEAN sau đại dịch. Hội nghị đã thông qua hơn 100 văn kiện, bao gồm các tuyên bố, chiến lược, khung hợp tác, kế hoạch hành động, báo cáo, tài liệu tầm nhìn… trên nhiều lĩnh vực ở cả 3 trụ cột hợp tác của ASEAN. Kết thúc các hội nghị đã diễn ra Lễ chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN từ Brunei cho Campuchia…
Trên tinh thần đoàn kết, hợp tác, sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn Việt Nam đã tham dự 14/17 hoạt động chính của các hội nghị. Tại các sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều có bài phát biểu quan trọng, tập trung vào các vấn đề trọng tâm và thách thức mới nổi mà ASEAN đang ứng phó, như: dịch bệnh Covid-19, khôi phục kinh tế sau đại dịch, vấn đề Biển Đông, Myanmar, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng... Thủ tướng đề xuất 2 trọng tâm phát triển ASEAN cần tập trung trong thời gian tới, đó là: (1) ASEAN cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt về kiểm soát đại dịch Covid-19 với sự tham gia của “cả Cộng đồng”, hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm và chủ thể, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; (2) ASEAN cần định vị “chỗ đứng mới” trong tương quan giữa các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới, củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực.
Những đề xuất của Việt Nam tại các hội nghị đã nhận được sự quan tâm và chia sẻ của các nước. Qua đó tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, đóng góp có trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN; đồng hành cùng các nước vượt qua khó khăn; giữ vững đoàn kết; ứng phó hiệu quả các thách thức đang nổi lên; củng cố vai trò trung tâm và vị thế, tiếng nói quốc tế của ASEAN.
1.4. Đóng góp của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC năm 2021
Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngày 12/11/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 bằng hình thức trực tuyến. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong chuỗi các sự kiện của Tuần lễ cấp cao APEC 2021, có sự tham dự của các nhà Lãnh đạo kinh tế, đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC; Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Với chủ đề “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu Covid-19 và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”, Hội nghị tập trung thảo luận 02 nội dung: Triển vọng kinh tế toàn cầu; và Hợp tác phục hồi sau đại dịch. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung về “Vượt qua Covid-19 và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế” và Kế hoạch hành động Aotearoa để triển khai tầm nhìn Putrajaya 2040. New Zealand đã bàn giao vai trò Chủ tịch năm APEC 2022 cho Thái Lan.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: (i) cho rằng, để đưa các nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển bền vững, cần có nhận thức mới và tư duy mới trên cơ sở tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội cũng như cân bằng lợi ích của tất cả các bên, vượt qua khác biệt để "chung tư duy, cùng hành động". APEC cần khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu; là trung tâm khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, xu thế phát triển mới; chủ động mở rộng liên kết kinh tế; phát huy vai trò dẫn dắt trong định hình kinh tế thế giới sau đại dịch và góp phần củng cố quản trị kinh tế toàn cầu hiệu quả, công bằng, minh bạch. (ii) nêu bật những đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực chung toàn cầu, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng các thành viên APEC hiện thực hóa tầm nhìn về một châu Á - Thái Bình Dương mở, hòa bình, năng động, tự cường, vì sự thịnh vượng của mọi người dân và các thế hệ tương lai.
Tất cả các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam đã được các nhà Lãnh đạo APEC đánh giá cao và phản ánh vào các văn kiện của APEC. Qua đó, thể hiện sự đóng góp trách nhiệm, tích cực, chủ động của Việt Nam, là thành viên chủ động, đi đầu trong APEC trong việc xây dựng, củng cố đoàn kết trong APEC để tiếp tục tăng cường hợp tác vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình và ổn định.
2. TRONG NƯỚC
2.1. Một số kết quả chủ yếu của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV
Kỳ họp diễn ra từ ngày 20/10-13/11/2021, được chia thành 02 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Kỳ họp được chủ động rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm của Quốc hội những khóa gần đây, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định; đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp, thể hiện ở các nội dung sau:
Về công tác lập pháp: Quốc hội cho ý kiến đối với 05 dự án luật, gồm: Dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Quốc hội biểu quyết thông qua 02 luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Quốc hội thông qua 05 nghị quyết, gồm: Các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Về xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng: Quốc hội biểu quyết thông qua 03 Nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; xem xét, thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; yêu cầu Chính phủ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, hoàn thành trước tháng 4/2022, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này hằng năm; giữa nhiệm kỳ và cả nhiệm kỳ; Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 -2025); xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; đồng thời, yêu cầu Chính phủ hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, khẩn trương trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đồng bộ với việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh; giao chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế cho các địa phương giai đoạn 2021 - 2025; đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận; xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Về giám sát tối cao: Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với 04 vị Bộ trưởng, có sự tham gia trả lời của các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Trưởng ngành về các nhóm vấn đề: Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư, với tổng số 170 lượt đại biểu phát biểu (trong đó, 134 lượt chất vấn, 12 lượt đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, 24 lượt tranh luận), cho thấy các vấn đề được Quốc hội lựa chọn làm nội dung chất vấn là “trúng và đúng”, phù hợp thực tế, mong muốn của cử tri, được dư luận, đồng bào, Nhân dân cả nước quan tâm, đồng tình. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết về trách nhiệm đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.
Quốc hội đã xem xét Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục chủ động bám sát tình hình thực tế, nâng cao năng lực trong dự báo, tăng cường các giải pháp, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả hơn để vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chiến lược ngoại giao vắc-xin, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin trong nước; triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19…
Ngoài ra, Quốc hội xem xét Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV;…
Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật, nghị quyết vừa được thông qua. Các vị đại biểu Quốc hội cần chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, Nhân dân, lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri; tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
2.2. Quan điểm, chủ trương mới về phát triển văn hoá, con người Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Quan điểm, chủ trương mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng được thể hiện cụ thể:
Thứ nhất, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước
Để thực hiện mục tiêu và khát vọng đó của dân tộc, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Đại hội XIII của Đảng yêu cầu nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa  chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Điều đó, đòi hỏi phải kế thừa và phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam, truyền thống lịch sử của dân tộc đã được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Các giá trị và sức mạnh đó của văn hóa và con người Việt Nam đã làm nên nền tảng tinh thần vững chắc của dân tộc ta; trở thành nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là động lực cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế
Đại hội XIII của Đảng xác định, phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào việc phát huy tối đa nhân tố con người; lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Vì vậy, “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”.
Phát triển mạnh mẽ nền văn hóa và con người Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng; đấu tranh chống các khuynh hướng đồng hóa, nô dịch về văn hóa. Đồng thời, coi trọng việc tiếp thu tinh hoa văn hóa, khoa học, giáo dục của nhân loại để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiến kịp, tiến cùng thời đại. Quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà cốt lõi là làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đột phá cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.
Để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam hiện nay, trước hết, cần đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, bởi đây là cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại”. Để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, phải gắn kết chặt chẽ văn hóa với phát triển kinh tế, nhất là ngành du lịch: “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, giữ gìn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”.
Thứ tư, xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Đại hội XIII của Đảng xác định xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý và tập trung xây dựng Đảng về đạo đức với nhiều nhiệm vụ, giải pháp mới. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày.
2.3. Nhiều chính sách an sinh xã hội hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Trước những khó khăn, tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo phúc lợi, an sinh xã hội.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15, ngày 28/7/2021, Nghị quyết số 24/2021/QH15, ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025[2]. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15, ngày 06/8/2021, Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, ngày 19/10/2021 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19...Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách khác nhằm hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp như: Cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp (Nghị định số 44/2021/NĐ-CP, ngày 31/3/2021 của Chính phủ); gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất (Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, ngày 19/4/2021 của Chính phủ); tiếp tục miễn giảm 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021; Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ giảm tiền điện; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 (Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 09/9/2021 của Chính phủ); một số địa phương thực hiện hỗ trợ giá nhà trọ và giảm giá tiền nước sinh hoạt cho các hộ gia đình;...Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực từ ngày 01/7/2021[3], Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19[4] và Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021, Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày 19/10/2021 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đặc biệt, ngày 06/11/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Quyết định 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Những chính sách ban hành nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng, tác động sâu bởi đại dịch, bao gồm cả người dân, người lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động, những đối tượng yếu thế, phụ nữ mang thai, trẻ em mồ côi cha, mẹ vì đại dịch,...; các ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch như vận tải, hàng không, dịch vụ lưu trú, du lịch,...
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước là sự chung tay, góp sức của cộng đồng với các chương trình khác như: tặng túi an sinh, hỗ trợ lương thực, thực phẩm… Cùng với đó, nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em cũng đã sớm được quan tâm triển khai.
Việc tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ nhanh chóng, giảm tối thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các gói hỗ trợ kịp thời đến với người dân, người lao động và doanh nghiệp, các đối tượng yếu thế. Qua đó, giúp họ có thể tạm thời vượt qua những khó khăn trước mắt do tác động nặng nề của đại dịch.
3. TRONG TỈNH
3.1. Kỷ niệm 104 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 / 7-11-2021), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định trao tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng cho 85 đảng viên thuộc 9 huyện, thành phố (trừ huyện Ia H’Drai), Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh.
Trong đó, trao tặng Huy hiệu Đảng cho 84 đảng viên: 01 đảng viên 75 năm tuổi Đảng là đồng chí Nguyễn Văn Mão (Nguyễn Văn Tuyến), sinh năm 1927 hiện đang sinh hoạt tại Chi bộ thôn 5, Đảng bộ thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô-Đây là Đảng viên 75 năm tuổi Đảng đầu tiên của tỉnh; 02 đảng viên 60 năm tuổi Đảng (đảng viên Y Hà, sinh năm 1943, hiện đang sinh hoạt tại Chi bộ thôn 16/5, Đảng bộ thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei và đảng viên Trần Đình Trọng, sinh năm 1929 hiện đang sinh hoạt tại Chi bộ 3, Đảng bộ phường Thống nhất, thành phố Kon Tum); 11 đảng viên 55 năm tuổi Đảng, 15 đảng viên 50 năm tuổi Đảng, 03 đảng viên 45 năm tuổi Đảng, 26 đảng viên 40 năm tuổi Đảng, 26 đảng viên 30 năm tuổi Đảng.
Ngoài ra, cũng trong đợt này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định truy tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho 01 đảng viên là cố Thiếu tướng Lê Duy Hải-nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh.
Việc trao tặng Huy hiệu Đảng là sự ghi nhận của Đảng đối với công lao, đóng góp của đảng viên đã có những cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huy hiệu Đảng còn là phần thưởng cao quý về sự phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành của các đảng viên với Đảng, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
3.2. Chiều 8-11, Tỉnh ủy tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải báo chí về Xây dựng Đảng tỉnh Kon Tum năm 2021.
Đây là lần đầu tiên tỉnh ta tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng, một hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc nhằm phản ánh, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng. Sau gần 4 tháng tổ chức, Giải đã nhận được 168 tác phẩm tham dự. Các tác phẩm đã tập trung phản ánh khá toàn diện về công tác xây dựng Đảng trên địa bàn tỉnh. Nhiều tác giả đã tìm tòi, phản ánh những mô hình mới, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, độc đáo...
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: (i) bày tỏ mong muốn các tác giả tiếp tục chuẩn bị các nội dung, đề tài mang tính thời sự, nổi cộm trong năm, trong nhiệm kỳ để nâng cao chất lượng Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Kon Tum năm 2022; từ đó lựa chọn, có thật nhiều tác phẩm xuất sắc tham gia Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ VII. (ii) Đồng chí gợi ý một số nội dung, các vấn đề cần quan tâm tại địa phương: Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững; các điển hình, gương tiên tiến ở các phong trào; phong trào xây dựng nông thôn mới trong đồng bào DTTS; công tác quản lý bảo vệ rừng... để nhân dân, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên báo chí... tham gia chuẩn bị, thực hiện các tác phẩm dự thi.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức giải: (i) đã trao giải cho 13 tác phẩm xuất sắc. Trong đó, trao 3 giải A ở các thể loại báo in, báo điện tử, truyền hình cho các tác giả: Hoài Tiến, Đức Nhuận, Văn Hiển và Đức Thắng. (ii) phát động Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Kon Tum năm 2022.
3.3. Ngày 23-11, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trên địa bàn tỉnh.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW và 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 195 HTX (tăng 161 HTX) so với năm 2001, 100% số HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012; có 210 tổ hợp tác với hơn 11 nghìn thành viên hoạt động đa dạng các ngành nghề. Các HTX từng bước củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước trong sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính và đảm bảo chế độ cho người lao động. Kinh tế tập thể, HTX hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực; công tác chuyển đổi hoạt động của các loại hình HTX sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực cơ bản tạo ra bước chuyển biến mới, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX ngày càng mở rộng, phát triển và đạt hiệu quả tốt, vai trò kinh tế tập thể, HTX ngày càng được phát huy…Bên cạnh kết quả đạt được thì việc phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, HTX; công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX còn hạn chế; một số địa phương chạy theo số lượng, chưa chú trọng đến chất lượng; việc động viên, khích lệ, định hướng, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các HTX chưa kịp thời…
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: (i) yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương: Tiếp tục tăng cường, tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các quan điểm chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao nhận thức, ý thức và thống nhất hành động cho cả hệ thống chính trị; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, phải đồng hành, hướng dẫn tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn. (ii) Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra về thi hành Luật HTX, các chính sách đối với phát triển kinh tế tập thể, HTX; thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, huy động nguồn lực vào kinh tế tập thể, HTX. (iii) Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, chú trọng phát triển HTX trong lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng lợi thế như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng và chế biến dược liệu, cà phê; xây dựng HTX gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa HTX với doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác. Các HTX cần đầu tư, đổi mới trang thiết bị, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. (iv) Tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ chính sách về tài chính, tín dụng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho HTX, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tiếp cận có hiệu quả các chính sách, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để các HTX phát triển ổn định hoạt động và phát triển bền vững…
3.4. Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh có Trang thông tin điện tử và liên kết vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Hầu hết các đơn vị cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh; đăng tải danh mục thủ tục hành chính trong các lĩnh vực và cập nhật, đăng tải tin tức của ngành, địa phương trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Trong đó, phần mềm văn phòng điện tử (iOffice) được đơn vị triển khai đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các xã phường, thị trấn trong tỉnh. Theo đó, tổng số văn bản trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan nhà nước đạt 5.938.683 văn bản, với tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi nội bộ đạt 100% (trừ mật).
Việc triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice ở tỉnh đáp ứng việc kết nối liên thông 4 cấp, liên thông trục văn bản quốc gia giúp công tác chỉ đạo, xử lý văn bản đi và đến, kế hoạch công tác, theo dõi tiến độ công việc được giao, trao đổi công việc được thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, giấy tờ và hiệu quả giải quyết công việc ngày càng cao. Đồng thời, tỉnh đã ban hành mã định danh của các cơ quan nhà nước và cập nhật vào phần mềm Quản lý văn bản và điều hành để áp dụng thống nhất, làm cơ sở cho việc kết nối trục liên thông quốc gia. Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai hệ thống thư điện tử công vụ riêng của tỉnh. Tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh cấp hơn 5.000 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng trong trao đổi công việc. Nhờ đó, việc sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong công tác xử lý văn bản giúp cho các đơn vị xử lý một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo vấn đề an toàn an ninh thông tin trong hoạt động trao đổi văn bản. Ngoài ra, đến nay tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 90%. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy đạt 10% (chỉ một số loại văn bản gửi song song cả bản điện tử và bản giấy).
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp bảo đảm duy nhất một địa chỉ trên Internet, tích hợp với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm mọi ý kiến của người dân, doanh nghiệp được gửi, nhận hoàn toàn trên môi trường mạng. Đồng thời, triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các hệ thống thông tin và thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước…
3.5. Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XIV “về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực”, cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê là 1 trong 2 sản phẩm chủ lực đã vượt mục tiêu đề ra (cùng với điện sản xuất), vượt 40% diện tích (25.211/18.000ha) và 30,4% sản lượng (52.172/40.000 tấn).
Có được kết quả trên là do tỉnh đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ sản phẩm chủ lực cà phê như: phát triển cà phê xứ lạnh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông; thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Hà để phát triển cà phê vối; tái canh cây trồng cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang trồng giống cà phê cao sản có tính ưu việt hơn… phối hợp xây dựng chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà cà phê huyện Đăk Hà”; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê xứ lạnh Kon Tum”; mở các lớp tập huấn chuyển giao các mô hình trồng trọt, xây dựng các mô hình trình diễn, ứng dụng giống cây trồng đi đôi biện pháp thâm canh tăng năng suất (giống cà phê chè TN2, F5TN1 có năng suất tăng từ 1,5-2 tấn/ha cà phê nhân so với cà phê catimor)…; đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh cà phê Robusta ở huyện Đăk Hà chiếm khoảng 45% diện tích cà phê và chiếm 54% diện tích cà phê Robusta của cả tỉnh; vùng chuyên canh cà phê Arabica tại các xã vùng Đông Trường Sơn (các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông) với diện tích khoảng 4.034 ha; đồng thời mở rộng diện tích trồng mới cây cà phê chè thông qua Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh (tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông) là 1.453 ha với sự tham gia của 5.939 hộ dân; đã hình thành 6 hợp tác xã và 2 công ty tham gia phát triển sản xuất cà phê vối, trong đó có một số đơn vị đã xây dựng quy trình sản xuất cà phê vối được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn UTZ (cà phê sạch), 4C (Bộ quy tắc chung cho Cộng đồng Cà phê)…
Cùng với phát triển diện tích, năng suất, sản lượng, tỉnh đã chú trọng đầu tư chế biến các sản phẩm từ cà phê. Chế biến cà phê nhân có bước phát triển mạnh với sự tham gia từ nhiều loại hình kinh tế; phương thức chế biến vẫn theo truyền thống, mới có 2 doanh nghiệp đang đầu tư công nghệ chế biến ướt (1 cơ sở ở Đăk Glei công suất 200 tấn/năm; 1 cơ sở Đăk Hà công suất 30-40 tấn/năm). Năng lực chế biến sâu sản phẩm cà phê (cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê túi lọc) có bước phát triển mạnh, có 40 cơ sở với tổng công suất chế biến khoảng trên 150 tấn bột/năm, từng bước thâm nhập và được đón nhận tại các thị trường lớn như: Singapore, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Mehico... Năm 2019, sản lượng cà phê nhân được chế biến đạt 10.912 tấn, cà phê bột đạt trên 120 tấn và cà phê hòa tan đạt khoảng 5 tấn; xuất khẩu cà phê nhân năm 2020 đạt 1.750 tấn.
Những kết quả đạt được trong việc xây dựng sản phẩm chủ lực cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê  thời gian qua đã phát triển cây cà phê và các sản phẩm từ cây cà phê theo hướng bền vững, góp phần từng bước vào chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, nâng cao cao thu nhập, góp phần quan trọng vào kết quả xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế.   
3.6. Đợt dịch COVID-19 thứ tư khiến ngành du lịch của tỉnh càng thêm chật vật. Nhưng cơ hội “hồi sinh” đã đến với du lịch khi chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch.
Trong đại dịch COVID-19, du lịch được nhận định là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu từ khách du lịch giảm 41%. Với Kon Tum, ảnh hưởng của COVID-19 tới du lịch cũng nặng nề hơn so với năm 2020. Toàn tỉnh có 7 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa, 154 cơ sở lưu trú du lịch (tổng số 2.191 buồng), 10 làng du lịch, điểm du lịch. Tất cả đều phải đóng cửa, ngừng hoạt động trong thời gian dài, mất doanh thu, người lao động không có việc làm nên không có thu nhập…Năm 2020, tổng lượng khách giảm 54,22% so với năm 2019 (đạt 250.500 lượt khách); tổng thu từ khách du lịch đạt 120 tỷ đồng (giảm 40,36%). Trong 10 tháng năm 2021, lượng khách du lịch tiếp tục giảm mạnh, chỉ đạt 45% so với cùng kỳ năm 2020 (tương ứng khoảng 190.800 lượt khách).
Sau thời gian dồn lực chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt nhất, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 lớn nhất trong lịch sử, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021.
Trong xu thế chung của cả nước, du lịch tỉnh ta đang đứng trước cơ hội “hồi sinh”. Trong đó, lợi thế lớn cần được tận dụng tối đa là Kon Tum hiện đang nổi lên như một “điểm đến” an toàn, vì luôn vững vàng nằm trong “vùng xanh”. Ngày 8/11/2021, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 4002/KH-UBND triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh theo tình hình dịch Covid-19. Theo đó, quá trình mở cửa, phục hồi hoạt động du lịch sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, bắt đầu từ tháng 12/2021-1/2022, chú trọng khơi thông du lịch nội địa qua chương trình “Người Kon Tum đi du lịch Kon Tum” theo hình thức “bong bóng khép kín”. Đối tượng là người dân và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, lưu trú tại Kon Tum, đáp ứng tiêu chí an toàn. Trong giai đoạn này, hàng loạt điểm du lịch sẽ được mở cửa, như: làng du lịch cộng đồng Kon K’tu, làng du lịch cộng đồng Kon Klor, điểm du lịch A Biu (thành phố Kon Tum); Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy); làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà); điểm du lịch Epic Spa (huyện Kon Rẫy); Khu du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plông). Giai đoạn 2, từ tháng 02/2022 - 6/2022, đón khách du lịch nội địa từ các địa phương trong cả nước đáp ứng tiêu chí an toàn theo quy định. Điều kiện tổ chức thực hiện là người dân toàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt tỷ lệ trên 80%. Các khu, điểm du lịch, cơ sở du lịch, dịch vụ phải đáp ứng đủ điều kiện cơ bản phòng, chống dịch, khách du lịch sử dụng hộ chiếu vắc xin. Giai đoạn 3, từ tháng 6/2022 trở đi, hoạt động du lịch trở lại trạng thái “bình thường” trong điều kiện đáp ứng các tiêu chí an toàn trên phạm vi toàn tỉnh, đồng thời thực hiện thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin.
Việc mở cửa du lịch được đánh giá sẽ giúp lan tỏa, kích thích phục hồi các ngành kinh tế khác. Sự chuẩn bị kỹ càng của chính quyền; các doanh nghiệp, điểm du lịch, cơ sở lưu trú đều mong muốn và sẵn sàng hoạt động trở lại; ý thức phòng dịch của người dân được nâng cao là những yếu tố quan trọng để chúng ta tự tin phục hồi du lịch trong thời điểm này.       
3.7. Sáng 16-11, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, tuyên dương điển hình tiên tiến và Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa- Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nghe Minh Hồng- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh;  Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Tổ chức Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là hoạt động thường niên của ngành GD&ĐT tỉnh nhằm tôn vinh, ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” và cũng là dịp để tri ân các thầy cô giáo, những người đang tận tụy ngày đêm cho “sự nghiệp trồng người”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa: (i) ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đạt được trong năm học vừa qua. (ii) đề nghị, trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nỗ lực hơn nữa để đảm bảo công tác dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 thực tế ở từng địa phương, từng bậc học; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tìm mọi cách để khắc phục hoàn cảnh, vượt qua khó khăn thi đua “dạy tốt, học tốt” trong tình hình dịch Covid-19; tiếp tục triển khai có hiệu quả nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp trong lĩnh vực giáo dục; tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh; phát hiện, giới thiệu những học sinh, sinh viên ưu tú để kết nạp Đảng...
Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2021), Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao tặng lẵng hoa và chúc các thầy cô giáo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục có nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người.
Dịp này, 2 nhà giáo vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” của Chủ tịch nước; 6 tập thể nhà trường được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 4 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên địa bàn tỉnh được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh…
II- THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ
Chuyên đề 1. Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề 2. Phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26)…(Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề 3. Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề 4. Phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN tại Lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh và tử vong trong đại dịch COVID-19. (Chi tiết, xin xem tại đây).
C/ VĂN BẢN MỚI
I- VĂN BẢN XÂY DỰNG ĐẢNG
1. VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG
1.1. Quy định mới về 19 điều đảng viên không được làm. (xin xem tại đây).
1.2. Kết luận HNTW4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng. (xin xem tại đây).
1.3. Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. (xin xem tại đây).
1.4. Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ tám của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII. (xin xem tại đây).
2. VĂN BẢN CỦA TỈNH
2.1. Chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. (xin xem tại đây).
2.2. Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”. (xin xem tại đây).
2.3. Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Kết luận số 01-KL/TWcủa Bộ Chính trị và Chuyên đề toàn khóa về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. (xin xem tại đây).
2.4. Kết luận của Tỉnh uỷ về tổng kết thực hiện Nghị quyết tiếp tục xây dựng các xã ĐBKK trong tình hình mới. (xin xem tại đây).
2.5. Kết luận của Tỉnh ủy về Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI. (xin xem tại đây).
2.6. Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. (xin xem tại đây).
II- VĂN BẢN PHÁP QUY
1. VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG
1.1. Nghị định của Chính phủ hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. (xin xem tại đây).
1.2. Quy định mới về cá nhân vận động từ thiện. (xin xem tại đây).
1.3. Chính phủ ban hành quy định mới về quản lý trang thiết bị y tế. (xin xem tại đây).
1.4. Chỉ đạo của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. (xin xem tại đây).
2. VĂN BẢN CỦA TỈNH
2.1. Công văn số 3929/UBND-KGVX ngày 01/11/2021 của UBND tỉnh về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. (xin xem tại đây).
2.2. Công văn số 4011/UBND-NNTN ngày 08/11/2021 của UBND tỉnh về triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi. (xin xem tại đây).
2.3. Công văn số 4039/UBND-NC ngày 10/11/2021 của UBND tỉnh về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. (xin xem tại đây).
2.4. Công văn số 4068/UBND-NNTN ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện công tác khuyến nông. (xin xem tại đây).
2.5. Công văn số 4104/UBND-KGVX ngày 15/11/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021. (xin xem tại đây).
2.6. Công văn số 4088/UBND-NC ngày 15/11/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai nhiệm vụ tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2022. (xin xem tại đây).
2.7. Kế hoạch số 4117/KH-BCĐ389 ngày 16/11/2021 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. (xin xem tại đây).
D/ GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT
1. Trưởng thôn gương mẫu trong học tập và làm theo Bác. (xin xem tại đây).
2. Người tổ trưởng tận tụy. (xin xem tại đây).
3. Nữ đảng viên giúp nhiều chị em trong làng thoát nghèo. (xin xem tại đây).
4. Cô giáo dân tộc Giẻ - Triêng tâm huyết với nghề. (xin xem tại đây).
 

Nguyễn Phi Em thực hiện.
 

[1] Tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum (12/12/1931-12/12/2021); 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946- 19/12/2021); 61 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (20/12/1960-20/12/2021); 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2021); Ngày Dân số Việt Nam 26/12/1997; kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV; kết quả Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khoá XII, nhiệm kỳ 2021-2026. 
[2] Ngân sách Trung ương tiếp tục bố trí khoảng 20.000 tỷ đồng để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, trong đó hỗ trợ chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề; chính sách y tế (mua thẻ BHYT cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc hộ cận nghèo, hộ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình,...) và các chính sách đảm bảo xã hội khác, như: hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 30/6/2021 thực hiện cho vay trên 425 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với doanh số cho vay đạt 20.485 tỷ đồng.
[3] Khoảng 3,25 triệu đối tượng (trong đó khoảng trên 51 ngàn trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; trên 1,8 triệu người cao tuổi; khoảng 1,1 triệu người khuyết tật đang hưởng trợ cấp và các đối tượng khác), ngân sách nhà nước chi khoảng 23.675 tỷ đồng/năm. Đã hỗ trợ 1.710 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19, mức 05 triệu đồng/trẻ em, tổng kinh phí hỗ trợ 8,55 tỷ đồng tại 35 tỉnh, thành phố. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bao gồm hỗ trợ tiền mặt và hiện vật cho 12.800 trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng.
[4] Tới giữa tháng 10/2021, kết quả triển khai Nghị quyết số 68, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tổng kinh phí thực hiện gói hỗ trợ này là gần 22.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt đối tượng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

CV.25.BTGDVTU

V/v triển khai hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến “Tự hào Việt Nam” Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Lượt xem:75 | lượt tải:117

TÀI LIỆU

Cuộc thi tìm hiểu lịch sử chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2025

Lượt xem:134 | lượt tải:146

ĐỀ CƯƠNG

Tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Kon Tum và 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (gửi kèm Công văn số 09-CV/BTGDVTU)

Lượt xem:115 | lượt tải:60

HD.01.BTGDVTW

về hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Lượt xem:269 | lượt tải:86

KL.127.TW

Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Lượt xem:312 | lượt tải:163

HD.64.BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Kon Tum (16/3/1975- 16/3/2025)

Lượt xem:97 | lượt tải:76

TÀI LIỆU

HN tổng kết báo chí năm 2024; trao giải Búa liềm vàng tỉnh lần thứ IV

Lượt xem:289 | lượt tải:322
 
pxyk2025
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập250
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm235
  • Hôm nay15,500
  • Tháng hiện tại506,348
  • Tổng lượt truy cập36,840,023
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 25 tháng 9 năm 2024
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây