A/ ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI BỘ TRONG THÁNG
* Thông tin thời sự về tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh; sinh hoạt chính trị tư tưởng và tuyên truyền kỷ niệm các hoạt động chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương trong tháng
[1]…cấp ủy, chi bộ lựa chọn những nội dung trong Bản tin Thông báo nội bộ tháng 4/2022 để sinh hoạt. Trong đó:
1/ Tiếp tục tuyên truyền về việc triển khai và kết quả thực hiện NQTW4 (khóa XI, XII và XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị 05 và Kết luận 01); tuyên truyền sâu rộng và đậm nét Chuyên đề toàn khoá “
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" và Chuyên đề riêng của tỉnh
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao trách nhiệm; năng động, sáng tạo; khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững”. Tuyên truyền Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 08-02-2022 của Ban Bí thư ‘
về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 18-02-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI
“Về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Kế hoạch số 604/KH-UBND ngày 04-3-2022 về triển khai Đề án
” Xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh Kon Tum…
2/ Tuyên truyền việc triển khai và kết quả bước đầu thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04-6-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tuyên truyền Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chiến lược phát triển Thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030... Tuyên truyền kết quả thực hiện NQTW8 khóa XI (Nghị quyết 29-NQ/TW) về
“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; tuyên truyền về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tuyên truyền những điểm mới và kết quả nổi bật của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm học 2022-2023. Tuyên truyền việc triển khai thực hiện Kết luận 25-KL/TW, ngày 30-12-2021 của Bộ Chính trị “
về công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022-2023” cùng với công tác đảm bảo các hoạt động an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch vừa tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.
3/ Tăng cường tuyên truyền theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về công tác đối ngoại, thông tin đối ngoại; công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; tránh để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, nhất là việc lợi dụng tình hình Ukraine để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
B/ TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ
I- THÔNG TIN THỜI SỰ
1. THẾ GIỚI
2. TRONG NƯỚC
(Tin Thế giới và Trong nước xin xem TẠI ĐÂY)
3. TRONG TỈNH
3.1. Sáng 8-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Hội nghị trực tuyến được tổ chức tại 2 điểm cầu cấp tỉnh: Hội trường Ban Thường vụ Tỉnh ủy (điểm cầu chính) và Hội trường Ngọc Linh; đồng thời còn có điểm cầu Công an tỉnh và các huyện, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy A Pớt đề nghị các đại biểu dự Hội nghị ở các điểm cầu tập trung nghe báo cáo viên truyền đạt để hiểu sâu, nắm chắc các nội dung cơ bản của các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng. Các địa phương, đơn vị phân công cán bộ phụ trách theo dõi, giám sát, kịp thời nhắc nhở, phê bình những trường hợp không chấp hành quy định của Hội nghị, làm việc riêng nhằm đảm bảo việc học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng đạt hiệu quả, thực chất.
Tại Hội nghị, các đại biểu được quán triệt các văn bản của Trung ương, gồm: Kết luận số 24-KL/TW, ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị “về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”; Kết luận số 25-KL/TW, ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị “về công tác phòng, chống dịch Covid-19” (2022-2023); Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 9/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam; Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 08/02/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị”. Các văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phổ biến, quán triệt, gồm: Kế hoạch số 42-KH/TU, ngày 10/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 09/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam”; Kế hoạch số 43-KH/TU, ngày 18/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””.
Cùng với đó, Hội nghị cũng được nghe thông tin về tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraina - sự kiện quốc tế nổi lên đang được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, tác động nhiều mặt tới quan hệ quốc tế ở khu vực và trên thế giới.
3.2. Chiều 18-3, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Đoàn công tác của Báo Nhân Dân do đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam làm trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe đại diện lãnh đạo tỉnh thông tin tình hình thực tiễn tại địa phương về công tác báo chí. Tỉnh Kon Tum kiến nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục quan tâm chỉ đạo, có các giải pháp để quản lý đội ngũ phóng viên thường trú; Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức các lớp đào tạo cán bộ chuyên trách Hội để nâng cao trình độ quản lý, điều hành hoạt động; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề về nghiệp vụ làm báo đa phương tiện; bồi dưỡng, tập huấn lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí về chuyển đổi số, xác định lộ trình, bước đi xây dựng tòa soạn hội tụ, phân phối nội dung trên đa nền tảng trong các cơ quan báo chí đáp ứng nhu cầu báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.
Đồng chí Lê Quốc Minh: (i) đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của tỉnh Kon Tum sau 47 năm giải phóng, nhất là việc chăm lo đời sống cho bà con nhân dân; tin tưởng với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của địa phương và sự nỗ lực, đồng lòng của nhân dân trên địa bàn tỉnh, cùng sự đồng hành của cơ quan báo chí trung ương, địa phương, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu cao hơn. (ii) nhấn mạnh vai trò truyền thông đã và đang có vị trí quan trọng đối với sự phát triển của đất nước; vì vậy, ngoài chú trọng nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền trong tình hình mới, Hội Nhà báo Việt Nam còn chú trọng nâng cao đạo đức người làm báo, đây là một trong những nhiệm vụ được Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm hàng đầu. (iii) Đồng chí cho biết, báo Nhân Dân không ngừng thay đổi cả hình thức và nội dung để tờ báo hấp dẫn hơn, gần gũi hơn với độc giả; tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Kon Tum tăng cường công tác tuyên truyền về Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng.
3.3. Chiều 16-3, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh tổ chức họp trực tuyến Phiên thứ nhất năm 2022 với 10 huyện, thành phố. Đồng chí Lê Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh chủ trì phiên họp tại điểm cầu Hội trường Ngọc Linh.
Trong năm 2021, nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số của tỉnh bước đầu huy động được sự tham gia của các ngành, địa phương. Nổi bật, trong năm 2021, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 99%. Tính đến ngày 16/12/2021, đã tích hợp công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.020 dịch vụ công trực tuyến (156 mức độ 3 và 864 mức độ 4), trên tổng số thủ tục hành chính…
Năm 2022, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tập trung ban hành các cơ chế, chính sách để có nguồn kinh phí thực hiện đồng bộ các Hệ thống Công nghệ thông tin từ tỉnh – huyện – xã; kiện toàn Khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh hướng tới Khung kiến trúc Chính quyền số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ kết nối phục vụ công tác chuyển đổi số đối với các lĩnh vực quan trọng; thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử...Phiên họp đã thông qua Nghị quyết 09, ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kết luận tại phiên họp, đồng chí Lê Ngọc Tuấn: (i) ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển chính quyền điện tử/chuyển đổi số năm 2021. (ii) Để thực hiện có hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022, đồng chí yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò tham mưu của cơ quan thường trực, phối hợp các thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện tham mưu ban hành Chương trình hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh năm 2022; định kỳ hàng quý hoặc đột xuất báo cáo thường trực Ban Chỉ đạo về những vấn đề phát sinh, vướng mắc, khó khăn để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ. (iii) Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, viễn thông triển khai đầu tư hạ tầng, xóa vùng lõm sóng di động, cải thiện chất lượng đường truyền, đảm bảo phục vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tập trung đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh triển khai dịch vụ bưu chính công ích trong nhận, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính. (iv) Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cụ thể hóa từng nhiệm vụ chuyển đổi số thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực hết sức để thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022.
3.4. Sáng 2-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp và đại diện các đơn vị liên quan đã có buổi làm việc với Ủy ban Chính quyền tỉnh Attapư (Lào) do đồng chí Bun-Sợt Sệt-thi-lạt - Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapư làm Trưởng đoàn, để thống nhất quy mô, nội dung và công tác phối hợp tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở khu vực giáp ranh trên tuyến biên giới.
Buổi làm việc đã thông tin sơ bộ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh trong năm 2021; đặc biệt là tình hình thiên tai, hỏa hoạn xảy ra trong năm qua. Đồng thời khẳng định, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi và thân thiện, núi sông liền một dải, nhân dân hai nước có quan hệ truyền thống, thủy chung, gắn bó lâu đời.
Tại buổi làm việc, hai bên thống nhất, ký kết hợp tác triển khai có hiệu quả Nghị định thư về cứu hộ, cứu nạn thiên tai giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được ký kết vào ngày 12-12-2021 tại tỉnh Quảng Trị (Việt Nam).
Theo biên bản ký kết: (i) hai bên thường xuyên phối hợp thống nhất luân phiên tổ chức hội nghị cấp tỉnh thường kỳ hai năm một lần bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến (tùy vào tình hình cụ thể) để trao đổi, đánh giá kết quả công tác cứu hộ, cứu nạn và thống nhất phương hướng kế hoạch hợp tác cho các năm tiếp theo. (ii) Giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự hai tỉnh (Kon Tum và Attapư) luân phiên tổ chức hội nghị thường niên một năm một lần; đơn vị đầu mối phối hợp trao đổi thông tin, thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Attapư kịp thời thông báo cho nhau về tình hình sự cố, thiên tai, cháy rừng trên khu vực biên giới, nội địa giữa hai tỉnh. (iii) Định kỳ luân phiên ba năm một lần, hai tỉnh phối hợp tổ chức diễn tập công tác cứu hộ, cứu nạn và phòng chống thiên tai; trước hết, năm 2022 hai tỉnh phối hợp tổ chức diễn tập công tác cứu hộ, cứu nạn lũ ống, lũ quét và sạt lở đất xảy ra trên tuyến biên giới giáp ranh giữa hai tỉnh, tại địa bàn xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Công tác cứu hộ, cứu nạn qua biên giới khi hai bên xảy ra sự cố, thiên tai; thống nhất khi nhận được đề nghị của bên bị thiên tai, bên được đề nghị quyết định theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo cấp trên có thẩm quyền để nhanh chóng phối hợp cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp. Lực lượng tham gia của mỗi bên là các đơn vị cấp phân đội hoặc theo đề nghị của mỗi bên và sử dụng vật chất, trang bị, phương tiện có tính năng cứu hộ, cứu nạn theo yêu cầu nhiệm vụ, khả năng đáp ứng của mỗi bên. (iv) Hai bên giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự hai tỉnh Kon Tum và tỉnh Attapư phối hợp với các cơ quan chức năng của hai tỉnh xây dựng quy chế hoạt động trong công tác cứu hộ, cứu nạn khu vực biên giới sao cho phù hợp với địa bàn của mỗi bên.
3.5. Tối 16-3, tại thị trấn Măng Đen (Kon Plông), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 với chủ đề "Trường Sơn Tây Nguyên - Đoàn kết, bản sắc và phát triển".
Liên hoan quy tụ gần 850 nghệ nhân, nghệ sĩ của 19 đoàn gồm: An Giang, Bắc Ninh, Đăk Nông, Đăk Lăk, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nam, Hải Dương, Kon Tum, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Lễ khai mạc, các đoàn nghệ nhân tham gia Liên hoan thực hiện nghi thức rước biểu tượng vật thiêng; đại diễn tấu cồng chiêng "Tiếng vọng đại ngàn"; trình diễn diễn xướng dân gian và trang phục dân tộc.
Phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Liên hoan, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm cho biết: Kon Tum rất vinh dự là địa phương được Bộ VHTT&DL chọn đăng cai tổ chức Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III - năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng tỉnh Kon Tum (16/3/1975-16/3/2022) và là hoạt động rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn nhằm phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, góp phần gìn giữ và tôn vinh các giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. Thông qua Liên hoan lần này nhằm tạo điều kiện để các nghệ nhân, diễn viên, người dân giao lưu, giới thiệu giá trị những di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, trang phục, ẩm thực của cộng đồng các dân tộc ở các địa phương. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm cho biết thêm: “Tỉnh Kon Tum đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường liên kết phát triển du lịch, trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao,... dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Kon Tum đã có hơn 223 di tích, trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 20 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Bảo quản gần 2.000 bộ cồng chiêng, hàng chục loại nhạc cụ gõ, nhạc cụ hơi của các dân tộc thiểu số; sưu tầm tái hiện, phục hồi nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu, khôi phục nghệ thuật diễn xướng sử thi, diễn tấu cồng chiêng nhất là các bài chiêng cổ, chiêng lễ, chiêng hội của từng dân tộc, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc được chú trọng. Các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các DTTS như: Lễ Ét Đông của người Ba Na nhánh Jơ Lâng ở huyện Kon Rẫy mới được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia; Hát K’đò, Đọ Ka Panh, Cha Pơ Le của dân tộc Giẻ-Triêng, điệu ting ting, hát A Cheo của dân tộc Xơ Đăng; Gia Rai, Ba Na có điệu H’rí, H’Vơng… được người dân và cộng đồng làng gìn giữ và trao truyền”.
Liên hoan diễn ra trong 4 ngày (từ 16-19/3) tại Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) với nhiều hoạt động: Thi trình diễn trang phục truyền thống; trình diễn các loại hình dân ca, dân vũ, cồng chiêng Tây Nguyên, nhạc cụ dân tộc truyền thống; trình diễn các tích, trò trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội; Hội thi Trai tài - Gái đảm (nam thi bắn nỏ, kéo co, vật tay; nữ thi nấu ăn và trình bày 1 mâm cỗ cổ truyền) và các hoạt động dã ngoại trải nghiệm tại một số điểm du lịch của huyện Kon Plông.
3.6. Sáng 10-3, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo, trong năm 2021, tổng số người tham gia BHXH là 52.739 người, tăng 6.683 người so với năm 2020. Tỷ lệ bao phủ BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 18,58%, tăng 1,78% so với năm 2020, đạt 105,57% so với chỉ tiêu Đề án thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 40.019 người, tăng 811 người so với năm 2020; số người tham gia BHXH tự nguyện là 12.720 người, tăng 5.872 người so với năm 2020; tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 4,48%, đạt 746,67% so với chỉ tiêu Đề án...Ban Chỉ đạo tỉnh đề ra giải pháp phấn đấu thực hiện chính sách BHXH, BHYT năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại Quyết định số 1168/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh như: Phấn đấu tỷ lệ người tham gia BHXH đạt khoảng 19,55% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5,48% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ tham gia BHTN khoảng 11,82% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt từ 90,82% dân số trở lên. Phấn đấu chỉ tiêu giảm nợ thấp hơn tỷ lệ giảm nợ do BHXH Việt Nam giao; kiểm soát chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh BHYT đảm bảo trong phạm vi dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2022; giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN kịp thời, đúng quy trình, quy định. 100% người tham gia BHXH, BHYT được cấp sổ BHXH, thẻ BHYT...
Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: (i) ghi nhận những kết quả mà Ban Chỉ đạo tỉnh, BHXH tỉnh đã đạt được. Đồng thời đề nghị Giám đốc BHXH tỉnh tiếp thu toàn bộ các ý kiến tham gia tại Hội nghị, tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện và tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách BHXH, BHYT năm 2022. Căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu chỉ tiêu, tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT, BHTN được giao, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra và theo dõi, đôn đốc các thành viên thực hiện nhiệm vụ, định kỳ báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của từng thành viên theo đúng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. (ii) Giao BHXH tỉnh chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT; nhất là tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa, huy động sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị; theo dõi, đôn đốc hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã về triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm triển khai hiệu quả chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương, đơn vị…
3.7. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 8.902,7ha cây ngắn ngày, 76.233ha cà phê, khoảng 6.375ha cây ăn quả.
Ông Trần Văn Lực - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra đối với cây trồng, ngay từ đầu năm 2022 ngành Nông nghiệp chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng, với 543 công trình thủy lợi hiện có (gồm 80 hồ chứa, 456 đập dâng và 7 trạm bơm) đến thời điểm này, vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất. Số liệu quan trắc mực nước các hồ chứa thủy lợi cho thấy lượng nước tích trữ các hồ chứa hiện cao hơn cùng kỳ năm trước. Cùng với những giải pháp của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi huyện, thành phố đều có phương án riêng để ứng phó với khô hạn phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương như vận động người dân tham gia cùng lực lượng chức năng tiến hành nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; xây dựng lịch tưới nước linh hoạt, phù hợp cho từng địa bàn; hướng dẫn người dân lựa chọn cơ cấu giống, thời điểm gieo trồng cho từng khu vực một cách hợp lý; chuyển đổi những diện tích trồng lúa thường xảy ra thiếu nước sang trồng các loại cây ngắn ngày khác.
Để góp phần giảm áp lực về bớt áp lực về nguồn nước tưới cho cây trồng mỗi khi mùa khô đến, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương vận động, khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng được một số mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun mưa và chế phẩm sinh học trong sản xuất rau an toàn, hệ thống tưới nước tiết kiệm trong trồng cà phê… nhằm giúp người dân thấy được lợi ích, hiệu quả thiết thực của việc tưới nước tiết kiệm, từ đó người dân tự giác nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tổng diện tích cây trồng cạn áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt trên 6.500 ha.
Cũng theo ông Trần Văn Lực, để giải quyết căn cơ vấn đề về hạn hán trong mùa khô, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất, các địa phương cần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Mặt khác, hiện tại hệ thống công trình thủy lợi đáp ứng chưa đạt 30% diện tích cây trồng cần tưới; vì vậy, về lâu dài, chúng ta cần qui hoạch vùng sản xuất mang tính tổng thể, trên cơ sở đó tính toán nhu cầu dùng nước theo cơ cấu cây trồng từng vùng để tính cân bằng nước và điều chỉnh hệ thống tưới phù hợp. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần quan tâm hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân sử dụng nước, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng nhằm tận dụng tối đa nguồn nước phục vụ sản xuất…
3.8. Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của các DTTS trên địa bàn được tỉnh ta quan tâm, chú trọng, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa địa phương và tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, triển khai thực hiện Quyết định số 322/QĐ-UBND ngày 19/4/2017 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, Ban Dân tộc đã phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai tổ chức 25 hội nghị tuyên truyền, vận động công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống cho các già làng, người uy tín, thôn trưởng, các ban ngành của thôn và người dân; tổ chức lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho các hộ dân dân tộc Rơ Măm, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy; hỗ trợ 350 bộ khung dệt cho các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình có hoạt động sản xuất nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng 01 điểm trưng bày sản phẩm tại Ban Dân tộc với 9 nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, làm rượu cần, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, gốm). Bên cạnh đó, tổ chức quảng bá các sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; tham gia triển lãm xúc tiến thương mại tại 04 hội chợ và các sự kiện khác trong và ngoài tỉnh; tham gia giới thiệu sản phẩm tại Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum năm 2018; Hội chợ các sản phẩm địa phương tại huyện Đăk Hà để giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống. Qua hơn 4 năm thực hiện đề án, số người biết làm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh tăng từ 2.220 người lên 12.170 người.
Sau Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, ngày 16/02/2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU “Về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Nghị quyết đưa ra mục tiêu: Đến năm 2025, tiếp tục khôi phục, bảo tồn, lưu giữ bí quyết nghề nghiệp, phát huy giá trị văn hóa đối với 09 nghề truyền thống của tỉnh là: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm nỏ. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh thương mại hóa đối với 4 nghề: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống. Đến năm 2030: Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp từ truyền dạy, phát triển nguồn nguyên liệu đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu ít nhất 5% số người tham gia làm nghề truyền thống có thu nhập ổn định, đảm bảo được đời sống vật chất và tinh thần. Xây dựng hạ tầng, không gian hoạt động nghề truyền thống, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống trong tình hình mới. Xây dựng và phát triển mạnh từ 2 - 3 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống của tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định những nhiệm vụ và giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ; khôi phục, bảo tồn, đổi mới phương thức sản xuất và định hướng phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình mới; xây dựng cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nghề truyền thống, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực phát triển sản phẩm nghề truyền thống trên địa bàn.