Tiềm năng du lịch của huyện Tu Mơ Rông đến từ việc được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, trong lành. Cảnh quan đặc trưng là những cánh rừng nguyên sinh, thác, suối... tự nhiên, vẫn giữ nguyên được vẻ nguyên sơ vốn có. Trên địa bàn huyện vẫn còn lưu giữ các di tích lịch sử, những chứng tích còn lại trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Cùng với đó, bà con nơi đây vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Xơ Đăng.
Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Tu Mơ Rông đã xác định phát triển du lịch gắn với dược liệu là hướng đi đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều đó cũng đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: “... Khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, di tích lịch sử, di sản vật thể và phi vật thể để quảng bá và cung cấp các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến với huyện...”.
Trên cơ sở những nội dung được xác định trong Nghị quyết, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã triển khai nhiều nội dung công việc để thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. Trong đó, chú trọng khai thác tối đa hiệu quả, an toàn và phát triển theo hướng du lịch bền vững thác Siu Puông, xã Đăk Na, phát triển Làng du lịch cộng đồng Pu Tá, Khu Di tích lịch sử Cách mạng căn cứ Tỉnh ủy, kết hợp tham quan vườn dược liệu sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri...
Đồng chí Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “UBND huyện đã ban hành Đề án số 01/ĐA-UBND về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao huyện Tu Mơ Rông, giai đoạn 2020 - 2025; đã và đang triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch theo chuỗi bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với Di tích lịch sử cách mạng tại xã Măng Ri và du lịch sinh thái, trải nghiệm vườn dược liệu... Hiện tại, huyện đã gửi hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận 7 điểm du lịch (Điểm du lịch cộng đồng thôn Pu Tá, xã Măng Ri; điểm du lịch Khu Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy tại xã Măng Ri, điểm du lịch thác Đa Tầng tại xã Tê Xăng; 3 điểm du lịch cộng đồng gắn với FarmStay tại xã Ngọc Lây; điểm du lịch thác Siu Puông xã Đăk Na). Cùng với việc ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư trong lĩnh vực du lịch và dược liệu”.
Trong thời gian qua, huyện đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh kết nối, xây dựng tuyến điểm du lịch tham quan trải nghiệm tại xã Măng Ri - địa danh được coi là trung tâm trọng điểm du lịch, là “địa chỉ đỏ”, thủ phủ dược liệu quý hiếm, đã thu hút được nhiều đoàn du khách đến tham quan, trải nghiệm thực tế vườn sâm Ngọc Linh và đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho khách tham quan.
Chính quyền xã Măng Ri xác định rõ nhiệm vụ, phương hướng, chiến lược đồng bộ hóa phát triển sản phẩm du lịch cụ thể theo từng điểm du lịch, tuyến du lịch. Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri - Nguyễn Minh Trí nói: “Trong các lần tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum, đối với các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các địa phương, xã đã tiến hành trưng bày các sản phẩm OCOP như rượu sâm Ngọc Linh, trà sâm Ngọc Linh, mật ong... để giới thiệu, quảng bá thương hiệu xúc tiến thương mại du lịch. Đối với khu Di tích lịch sử căn cứ Tỉnh ủy, tổ chức cho khách tham quan gắn với trải nghiệm vườn sâm Ngọc Linh của huyện do xã chăm sóc, bảo vệ nằm ngay trong khu di tích, khách tham quan có thể giao dịch trực tiếp tại vườn khi có nhu cầu. Cùng với đó là tham quan trải nghiệm làng du lịch cộng đồng Pu Tá, với sản phẩm nghề dệt thổ cẩm, lò rèn truyền thống, cồng chiêng - múa xoang, hát giao duyên, dân ca, dân vũ; trải nghiệm “một ngày làm nông” tại ruộng bậc thang vào mùa lúa chín và thưởng thức các món ăn dân dã mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Xơ Đăng”.
Với những tín hiệu lạc quan, huyện đang chủ trương phát triển mạnh du lịch sinh thái thác nước, sinh thái rừng dược liệu thiên nhiên và du lịch cộng đồng. Công tác khảo sát thực địa đã được xã Đăk Na thực hiện thường xuyên; xây dựng đề án du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm du lịch sinh thái thác Siu Puông, du lịch văn hóa làng Đăk Riếp 1, sản phẩm đặc trưng gạo lúa rẫy đỏ, sâm dây hữu cơ và các văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc truyền thống. Đồng chí A Phết - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na khẳng định: “Các biện pháp xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch đã được triển khai đồng bộ, chú tâm vào công việc kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp để hoàn chỉnh sản phẩm, cung ứng dịch vụ du lịch. Đây được coi là “chìa khóa” để xã đẩy mạnh, sớm phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương”.
Phát triển du lịch bền vững với những tiềm năng, lợi thế có sẵn phải đầu tư thỏa đáng, định hướng đúng về tầm nhìn chiến lược, phát triển lâu dài là hết sức cần thiết. Cũng theo ông A Phết, để du lịch địa phương sớm đưa vào hoạt động cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng để thuận tiện cho việc quản lý, khai thác khu, điểm du lịch và khách tham quan; ưu tiên tuyến đường giao thông và hệ thống bảng chỉ dẫn các khu, điểm du lịch. Song song với đó là hệ thống trạm điện, phương tiện, hệ thống sóng truyền thông và các phương tiện công cộng khác để phục vụ khách tham quan, trải nghiệm.
“Để tiếp tục hướng đến mục tiêu phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thiên nhiên và con người Tu Mơ Rông; thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ sung quy hoạch vùng dược liệu, các tour, điểm du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư trong hai lĩnh vực đột phá (du lịch và dược liệu). Tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các đoàn khách tham quan du lịch trải nghiệm vườn dược liệu trên địa bàn huyện. Quan tâm công tác giáo dục, truyền dạy, bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng của người Xơ Đăng, như phục dựng các lễ hội truyền thống, nghệ thuật cồng chiêng, múa xoang, văn hóa sinh hoạt nhà rông, khôi phục các làng nghề truyền thống, các hoạt động văn hóa - thể thao. Lựa chọn một số lễ hội đặc trưng để tổ chức thường niên, nhằm quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho du lịch của huyện. Tiếp tục đẩy mạnh mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân như trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh, phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng, liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá về địa danh, văn hóa, con người Tu Mơ Rông để thu hút khách đến tham quan, khám phá và trải nghiệm. Tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan tháo gỡ khó khăn cho các vùng “An toàn khu” để phát huy tiềm năng du lịch sinh thái, hình thành các tuyến, tour du lịch Kon Plông - Tu Mơ Rông - Đăk Glei - Ngọc Hồi - Đăk Tô và Kon Tum hoặc ngược lại” - đồng chí Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng với những chủ trương, giải pháp cụ thể đã và đang được cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở triển khai thực hiện, tin tưởng rằng Tu Mơ Rông sẽ có những chuyển biến tích cực trong phát triển du lịch gắn với dược liệu, thu hút đông đảo khách du lịch thập phương đến tham quan, khám phá; qua đó góp phần quan trọng vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Hữu Nam - BLoong Lương
Nguồn tin: baokontum.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn