Học xong đại học, anh Ngô Cao Nguyên tại thôn Đăk Bình (xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) ở lại làm việc và lập gia đình tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. Bận công việc nên anh rất ít có dịp về nhà. Nhà anh neo người, cha của anh bị bệnh tật nhiều năm nay. Gánh nặng gia đình thường ngày, hầu hết do một mình mẹ anh gánh vác. Niềm vui lớn nhất với hai ông bà là chờ ngày Tết được đón các con về quê đoàn tụ.
Tết Nguyên đán năm nay, đưa vợ con về ăn tết cùng cha mẹ, anh Nguyên đã tự tay trang trí các tiểu cảnh, không gian mang đậm chất văn hóa truyền thống tại sân nhà. Ngoài ra, lấy ý tưởng từ một bài hát, anh tự tay cắt, dán các câu đối như: hạnh phúc đi về nhà, thành công đi về nhà, cô đơn đi về nhà, thất bại đi về nhà, vật đổi sao dời thì nhà vẫn luôn là nhà… Một phần, để tạo không gian ấm áp, làm niềm vui cho cha mẹ đã lớn tuổi; một phần để gia đình chụp ảnh lưu niệm, thay vì tổ chức đi tham quan tại các điểm tập trung đông người do tình hình dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, khi công việc chuẩn bị gần hoàn thiện thì anh nhận được thông tin đề nghị đi cách ly tập trung do trở về từ vùng có dịch. Nghe tin con, cháu phải cách ly tập trung vào đúng ngày giáp tết, không nói, ai cũng biết được tâm trạng hụt hẫng nhất đổ dồn lên vai người mẹ đã ngoài 60 tuổi. Thương con, nhưng bà vẫn cố gắng vui, động viên các con yên tâm hoàn thành thời gian cách ly y tế theo quy định.
Bà Nghiêm Thị Mỳ (năm nay đã ngoài 60 tuổi, tại thôn Đăk Bình, xã Đăk Ngọk, hhuyện Đăk Hà) có hai người con trai, hai người con dâu và đứa cháu nội mới 5 tháng tuổi từ vùng có dịch trở về địa phương không khỏi xúc động cho biết: Lúc nghe tin các con về nhà rồi lại phải đi cách ly, bà thấy hụt hẫng vô cùng. Thương nhất đứa cháu nội mới 5 tháng tuổi cũng phải theo bố mẹ vào đón Tết tại khu cách ly tập trung. Nhưng khi con cháu hoàn thành thời gian cách ly và về nhà vào ngày mùng 5 Tết, cả nhà ai nấy đều phấn khởi. Ngoài các nghi lễ thờ cúng tổ tiên làm đúng ngày, gần như tất cả các hoạt động chúc Tết, lì xì đầu năm đều được gia đình bà thực hiện để các cháu biết được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tết Tân Sửu năm nay, với nhiều người trở về từ những địa phương có dịch bệnh Covid – 19, niềm vui đón Tết không còn đơn giản là được về nhà, mà còn vô cùng ý nghĩa với người thân khi biết sức khỏe của con, của cháu mình được đảm bảo. Đón Tết muộn so với nhiều người, thậm chí phải thay đổi kế hoạch làm việc của cả một năm tới vì đại dịch Covid – 19, tuy nhiên, vào những ngày đầu năm mới này, nhiều người con Đăk Hà hiện đang sinh sống và làm việc xa quê vẫn luôn lạc quan vào một năm mới với nhiều sự đổi thay tích cực. “Cả nhà mình ăn Tết muộn nhưng quan trọng nhất là ở nhà mình con cháu lúc nào cũng đông đủ, lúc nào cũng vui như Tết. Vậy nên mình cũng quyết định thay đổi lịch trở lại TP.HCM làm việc để cho vợ con ở lại chơi với ông bà được lâu hơn nữa. Khi tình hình dịch bệnh Covid - 19 ổn thỏa thì mình mới tiếp tục vào Sài Gòn, bắt đầu một năm mới với hy vọng sẽ có nhiều chuyển biến mới” – anh Nguyên chia sẻ.
Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, toàn huyện Đăk Hà có 83 công dân từ các địa phương khác về thực hiện cách ly y tế và trên 10 cán bộ, y bác sỹ, chiến sỹ LLVT đón những ngày Tết đặc biệt tại khu cách ly tập trung của huyện. Cái tết đến với họ muộn hơn so với mọi người, nhưng luôn tràn đầy ý nghĩa vì họ đã và đang hy sinh những niềm vui riêng tư, để góp phần mang đến cho xã hội một mùa Xuân bình yên và trọn vẹn.
Bài, ảnh: Trần Trọng Nghĩa