Chưa đầy 10 phút sau khi ngồi vào khung dệt, làm theo những hướng dẫn của bà Y Hlạng (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) để dệt thử, tôi lắc đầu đứng lên vì khó quá. Bà Y Hlạng cười bảo, bởi khó nên nhiều người tìm đến bà học dệt rồi bỏ cuộc giữa chừng. “Dệt thổ cẩm tương đối phức tạp, không những đòi hỏi người dệt có chút năng khiếu, mà quan trọng cần sự chịu khó tập trung, cẩn thận, tỉ mỉ...” - Ngồi vào khung dệt, vừa nói, bà Y Hlạng vừa thoăn thoắt vỗ con thoi.
Từ khi là một cô bé, bà Y Hlạng được mẹ chỉ dạy tận tình từng động tác, để rồi những tháng ngày làm bạn với khung dệt, với những quả bông, se chỉ đã khiến tình yêu với nghề dệt lớn dần lên trong bà. Về sau này, tình yêu thổ cẩm đi cùng với nỗi lo nghề truyền thống bị mai một.
“Những người biết nghề dệt của thế hệ trước giờ đã già lắm rồi, người trẻ thì bận rộn với công việc và bị cuốn hút bởi những bộ đồ hiện đại, nhiều mẫu mã, giá cả phải chăng nên chẳng mấy ai hứng thú với nghề dệt thổ cẩm” - giọng bà Y Hlạng trầm xuống.
Quan niệm muốn dạy nghề thì phải thực sự giỏi nghề, nhiều năm liên tục, bà tìm đến những người có tay nghề dệt “cứng” để học hỏi thêm kiến thức, kỹ thuật dệt nhiều họa tiết khác nhau. “Muốn đồ thổ cẩm thu hút nhiều người, buộc những người dệt phải sáng tạo, dệt những chi tiết bắt mắt hơn” - bà Hlạng nghĩ vậy.
Quyết tâm khôi phục nghề dệt thổ cẩm càng được thôi thúc hơn sau một đợt bà Hlạng vinh dự được đi tham quan các tỉnh phía Bắc, nhận thấy người đồng bào nơi đây giữ gìn và phát huy rất tốt các truyền thống văn hóa của dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống. “Họ làm được, mình cũng có thể làm được”, nghĩ vậy, trở về làng Pu Tá, bà bắt đầu công cuộc vận động, kêu gọi chị em trong làng học nghề dệt thổ cẩm, chủ yếu là thế hệ trẻ trong làng.
Để lời kêu gọi thuyết phục hơn, bà dồn tâm huyết dệt những tấm vải thật đẹp, sau đó may thành váy áo cho bà con xem. Người thực việc thực, thấy những chiếc váy bà mặc vừa bền, vừa đẹp, bà con dần dần xuôi theo và có nguyện vọng học dệt.
Những nỗ lực của bà Y Hlạng cùng tổ dệt thổ cẩm làng Pu Tá được đền đáp khi năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh đã tặng làng 7 khung dệt theo đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
Theo bà Y Hlạng, thành công đáng nhớ nhất là vào dịp đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, tổ của bà đã bán được hơn 70 bộ trang phục để các chị em xã khác mua mặc đi dự đại hội. Tiếng lành đồn xa, nhiều đơn vị khác cũng liên hệ bà để đặt hàng. Giờ đây, vào các ngày lễ quan trọng của các trường học trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, nhiều người thường tìm đến bà Y Hlạng để đặt may những bộ đồ thổ cẩm.
Chị Y Nhéc, một trong những người học nghề dệt chia sẻ: Sau nhiều năm được bà Y Hlạng chỉ dạy, từ một người không biết dệt, đến nay mình đã dệt thuần thục, kể cả những hoa văn khó. Nghề dệt giúp tôi có thêm tiền trang trải cuộc sống, trong những lúc nông nhàn hay những hôm trời mưa, bão không thể đi làm rẫy, tôi đều ở nhà dệt thổ cẩm để kiếm thêm tiền.
Niềm vui nhân đôi với tổ dệt, khi trong tháng 7 vừa qua, huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức lớp dạy dệt thổ cẩm cho 12 học viên ở xã Măng Ri dưới sự chỉ dạy của 6 nghệ nhân, chị em có tay nghề dệt cứng ở làng Pu Tá. Đến nay, tổ dệt thổ cẩm ở làng Pu Tá đã có 17 khung dệt với 37 thành viên từ nhiều thôn khác nhau tại xã Măng Ri cùng tham gia.
“Gọi là tổ dệt thổ cẩm làng Pu Tá nhưng tôi muốn dạy cho tất cả mọi người ở thôn khác để lan tỏa tình yêu thổ cẩm tới bà con, cùng nhau giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Măng Ri” - bà Y Hlạng bộc bạch.
Với tình yêu thổ cẩm của bà Y Hlạng cùng sự quan tâm của chính quyền, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Măng Ri có điều kiện phát triển và vươn xa.
Văn Tùng
https://www.baokontum.com.vn/net-dep-doi-thuong/nguoi-mo-loi-cho-tho-cam-o-mang-ri-20190.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn