Chiến tranh đã lùi xa, nhưng còn biết bao vết thương vẫn chưa lành trên dải đất hình chữ S và trong mỗi gia đình Việt Nam. Những ngọn nến lung linh được thắp lên trên các ngôi mộ liệt sỹ suốt chiều dài đất nước, trên những dòng sông và cả trên biển Đông bạc sóng những ngày tháng Bảy này không chỉ là một lời nhắc nhở về chủ quyền thiêng liêng mà còn để chúng ta suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi người dân đất Việt hôm nay với hàng nghìn liệt sỹ vẫn còn nằm lại dưới những cánh rừng, dưới lớp lớp sóng biển hay trong những ngôi mộ liệt sỹ chưa biết tên, với những mẹ già lưng còng đầu bạc chưa vợi nỗi nhớ con, với những người đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước…
Theo số liệu thống kê năm 2017 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để giành lại độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, chỉ tính từ năm 1945 đến nay, đã có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 1 triệu người bị thương và là bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, có hơn 127.000 bà mẹ có cả chồng lẫn con hoặc nhiều con đã hy sinh vì Tổ quốc. Số người được công nhận là người có công với nước là 9 triệu người; Tổng kết trong mười năm (2007-2017) thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động được kinh phí để xây mới 90.000 căn nhà và sửa chữa 75.000 căn nhà cho gia đình người có công. Đến nay, nhiều nhà Tình nghĩa, nhà Đại Đoàn kết được xây dựng 30 năm qua đã bị hỏng và xuống cấp. Nhu cầu xây nhà và sửa nhà cho các gia đình người có công hiện nay là hơn 280.000 căn…Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, những thành tựu trong công tác đền ơn đáp nghĩa là nỗ lực đáng ghi nhận của toàn xã hội, là sự tiếp nối, phát huy truyền thống nhân văn cao đẹp của dân tộc.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Máu đào của các liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ chuyển lại cho chúng ta". Độc lập, tự do hôm nay được dựng xây từ những đau thương mất mát, do vậy, tri ân, đền ơn đáp nghĩa các Anh hùng liệt sỹ chính là đạo lý, nghĩa cử cũng là trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bác Hồ cũng căn dặn:“Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.
Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, mỗi ngày, có càng nhiều những việc làm cụ thể và thiết thực của mỗi tổ chức, cá nhân chính là trách nhiệm, nghĩa tình để cùng với các tổ chức chính trị-xã hội, cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo tốt hơn cho người có công với cách mạng.
Ngô Thế Quỳnh