Vì sao Tỉnh uỷ chọn Măng Ri làm căn cứ trong những năm 1959-1972 

Vì sao Tỉnh uỷ chọn Măng Ri làm căn cứ trong những năm 1959-1972

Thứ tư - 10/04/2024 09:01
Trước những chuyển biến mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đòi hỏi Ban Cán sự tỉnh Kon Tum phải có sự di chuyển căn cứ kháng chiến đến vị trí mới. Và, Măng Ri là nơi đáp ứng tất cả những điều kiện đó.
Công đoàn Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trong chuyến "hành trình về nguồn" năm 2023
Công đoàn Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trong chuyến "hành trình về nguồn" năm 2023
Sau thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp (tháng 02-1954), tỉnh Kon Tum được thành lập lại trên cơ sở chia tách tỉnh Gia - Kon và giải thể Mặt trận Miền Tây. Nhưng niềm vui ngày giải phóng chưa được trọn vẹn, theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, toàn bộ lực lượng cách mạng phải tập kết ra Bắc (ngoài vĩ tuyến 17).
Ngay khi tỉnh Kon Tum được thành lập lại, tháng 8 năm 1954, Liên khu uỷ 5 đã chỉ định thành lập Ban cán sự tỉnh gồm 6 đồng chí, do đồng chí Trương Quang Tuân làm Bí thư. Toàn tỉnh được Ban Cán sự phân chia thành 6 khu (huyện) để chỉ đạo hoạt động. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, Ban cán sự tỉnh tổ chức Hội nghị tại Kon Hring (nay thuộc huyện Đăk Tô) để chỉ đạo xúc tiến khẩn trương việc thực hiện chuyển hướng tư tưởng và tổ chức cho phù hợp với tình hình mới. Lường trước âm mưu xảo quyệt của địch, cùng lúc với việc chuyển quân đi tập kết, thực hiện chủ trương chiến lược của Trung ương Đảng, tỉnh Kon Tum kịp thời cất giấu vũ khí, quân dụng; bố trí một số cán bộ, đảng viên cốt cán ở lại bám trụ địa bàn để tiếp tục gây dựng cơ sở cho cuộc đấu tranh mới mà chúng ta biết không thể tránh khỏi. Cuối tháng 8 năm 1954, toàn bộ lực lượng của ta ở lại đã nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật. Cơ quan Ban Cán sự tỉnh chuyển về Ba Tơ (Quảng Ngãi) và đến đầu năm 1955 chuyển lên địa bàn xã Pờ Ê, rồi đến làng Nước Chè, xã Đăk Xlò (nay là xã Ngọk Tem, huyện Kon Plông) để chỉ đạo phong trào.
Tháng 9 năm 1954, địch tiếp quản Kon Tum và nhanh chóng thiết lập hệ thống nguỵ quyền, nguỵ quân; tổ chức cuộc "trưng cầu dân ý" phá hoại Hiệp định; tiến hành "tố Cộng, diệt Cộng", truy lùng cán bộ cách mạng; dồn dân vào các ấp chiến lược; bắt lính để tăng cường Nguỵ quân... Trước những âm mưu, thủ đoạn của địch, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh và các khu (huyện), cán bộ, đảng viên đã tích cực bám sát cơ sở, tuyên truyền giáo dục quần chúng, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử; chống việc dồn dân, bắt lính; chống "tố Cộng, diệt Cộng"… Tuy nhiên, những năm 1956-1959 là thời kỳ muôn vàn khó khăn, địch đàn áp dân, bắt, giết cán bộ… Nhiều đồng chí cán bộ ở lại hoạt động tại địa bàn và nhiều cơ sở cách mạng đã bị địch giết hại dã man. Nhân dân miền Nam nói chung, Nhân dân Kon Tum nói riêng đang rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo của Mỹ- Nguỵ.  
Đầu năm 1959, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về chuyển hướng đấu tranh sang giai đoạn đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang ra đời như "cơn mưa rào, xối xuống cánh đồng miền Nam đang khô hạn". Ban Cán sự tỉnh tiếp thu Nghị quyết và cuối năm 1959, các đơn vị vũ trang của tỉnh và các khu (huyện) được thành lập. Từ đây lực lượng vũ trang luôn đi kèm với đấu tranh chính trị, tạo thêm luồng sinh khí mới trong phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân Kon Tum. Cùng thời điểm này, Trung ương mở đường 559 - tuyến đường chiến lược dọc dãy Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh ngày nay) để đáp ứng yêu cầu cấp bách về vận tải chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, Lào và cả Campuchia; điểm đầu từ Nghệ An, đi qua Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk đến tỉnh Bình Phước ngày nay. Trong đó, đường 559 đi qua tuyến hành lang phía Tây của tỉnh Kon Tum, từ H40 (tây Đăk Glei) đến năm H67 (Sa Thầy). Ở Liên khu 5, cuối năm 1959 cơ quan Liên Khu ủy 5 cũng chuyển từ Bến Giằng (nay thuộc huyện Nam Giang) về đứng chân tại Nước Là (mật khu Đỗ Xá), nay thuộc xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam (phía Bắc huyện Tu Mơ Rông hiện nay) để lãnh đạo cuộc kháng chiến của Nhân dân Liên khu 5 (sau này là Khu 5) trong giai đoạn mới. Đây cũng là nơi tiếp nhận cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam.
Như vậy, trước những chuyển biến mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đòi hỏi Ban Cán sự tỉnh phải có sự di chuyển căn cứ kháng chiến đến vị trí mới. Nơi có điều kiện trước tiên là vị trí chiến lược về chính trị và quân sự, địch khó tấn công nhưng ta dễ phòng ngự, đảm bảo an toàn cho cơ quan của tỉnh. Từ đây, Ban Cán sự (Tỉnh uỷ) kịp thời tiếp nhận sự chỉ đạo của của Liên khu uỷ (sau là Khu uỷ 5); vừa là trung tâm để Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo phong trào kháng chiến ở các huyện trong tỉnh; đồng thời, là nơi thuận lợi để tiếp nhận sự chi viện từ miền Bắc qua đường hành lang Bắc-Nam. Và, Măng Ri là nơi đáp ứng tất cả những điều kiện đó. Ngoài ra, Măng Ri được chọn là căn cứ của Tỉnh uỷ còn là bởi: "Đây là nơi có đồng bào Xơ Đăng kiên cường, bất khuất, trung thành với cách mạng, sẵn sàng hi sinh, chở che, đùm bọc cán bộ cách mạng" - dẫn lời đồng chí Trần Thanh Dân, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum (1973-1975) - người có gần 30 năm chiến đấu, công tác tại địa bàn Kon Tum (từ năm 1953 cho đến năm 1976) đã nói trong niềm xúc động khi được hỏi, vì sao Măng Ri được chọn làm căn cứ của Tỉnh uỷ trong kháng chiến.
Do đó, cuối năm 1959 Ban cán sự Đảng tỉnh (lúc này do đồng chí Nguyễn Tuấn Tài - Trần Kiên làm Bí thư) đã quyết định chuyển cơ quan từ xã Ngọk Tem (huyện Kon Plông) đến lập căn cứ tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông và đứng chân tại đây đến nửa cuối năm 1972 trong sự đùm bọc, che chở của Nhân dân. Trong thời kỳ đứng chân tại đây, Tỉnh uỷ đã ra các chiến lược, sách lược quan trọng để lãnh đạo quân và dân Kon Tum kháng chiến, giành nhiều thắng lợi, tiêu biểu như: Giành quyền làm chủ nông thôn (10-1960); tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968); chiến dịch Xuân-Hè 1972, giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh (24-4-1972)... Và cũng trong giai đoạn này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức thành công 4 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (Đại hội lần thứ I-năm 1960; Đại hội lần thứ II-năm 1965; Đại hội lần thứ III-năm 1968; Đại hội lần thứ IV-năm 1971).
Sau chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, vùng giải phóng của tỉnh đã mở rộng, Tỉnh uỷ chuyển về vùng Kon Đào (Đăk Tô hiện nay) để thuận lợi hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến và xây dựng vùng hậu cứ Đăk Tô. Măng Ri hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Tính chung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân xã Măng Ri đã phối hợp cùng với lực lượng của trên đánh địch 92 trận lớn nhỏ, trong đó có 17 trận đánh lớn, tiêu diệt và làm tan rã 2 tiểu đoàn địch, bắn cháy 3 máy bay và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Nhân dân Măng Ri đã đóng góp cho kháng chiến 470 tấn lương thực các loại, 55 con trâu bò, 300 con lợn, hàng nghìn gia cầm; vót hơn 5 triệu chông, thò, ná, nỏ; đào hàng nghìn mét giao thông hào, hàng trăm hầm chông, bẫy đá đánh địch có hiệu quả. Ghi nhận những cống hiến to lớn của Nhân dân xã Măng Ri, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công giải phóng, 5 Huân chương Giải phóng các hạng. Và đặc biệt năm 2005, Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Măng Ri đã được phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".
Ngày nay, Măng Ri còn được biết với chỉ dẫn địa lý sâm Ngọk Linh - một sản phẩm dược liệu nổi tiếng của Việt Nam. Với sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền thời gian qua, cùng với sự nỗ lực vươn lên không ngừng của chính những người dân Măng Ri cần cù, chịu khó, đời sống của Nhân dân trên địa bàn xã ngày một đổi thay, phát triển. Và, Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh uỷ còn đó, luôn là "địa chỉ đỏ" để các thế hệ người dân trong và ngoài tỉnh đến thăm, với những cuộc "hành trình về nguồn". Hy vọng trong tương lai gần, Nhân dân Măng Ri tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của cha anh, không ngừng nỗ lực vươn lên, tiếp tục xây dựng xã sớm trở thành "xã kiểu mẫu về phát triển kinh tế- xã hội của huyện Tu Mơ Rông, tiến tới là xã kiểu mẫu của tỉnh" như mong muốn của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Dương Văn Trang trong buổi làm việc với Đảng uỷ xã Măng Ri cuối năm 2021 (nguồn Cổng thông điện tử tỉnh Kon Tum).


Bài, ảnh: Trần Thị Sáu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

CV.2759.BTGTU

về định hướng triển khai Giải Búa liềm vàng của Đảng bộ tỉnh lần thứ V-năm 2025.

Lượt xem:29 | lượt tải:16

TÀI LIỆU

giao ban báo chí tháng 10-2024

Lượt xem:104 | lượt tải:99

NQ.26.TU

về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 3 tháng cuối năm 2024.

Lượt xem:401 | lượt tải:145

ĐỀ CƯƠNG

Tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024).

Lượt xem:644 | lượt tải:625

QĐ.1350.TU

thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Lượt xem:119 | lượt tải:52

QC.09.TU

Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng UBND tỉnh (Ban cán sự đảng) nhiệm kỳ 2021-2026.

Lượt xem:615 | lượt tải:52

TÀI LIỆU

phục vụ giao ban báo chí quí III năm 2024

Lượt xem:1682 | lượt tải:130
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay10,610
  • Tháng hiện tại178,890
  • Tổng lượt truy cập33,937,109
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây