Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Kon Tum trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè năm 1972 

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Kon Tum trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè năm 1972

Thứ ba - 21/04/2020 16:02
Thắng lợi của chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972 chứng tỏ sự trưởng thành của Đảng bộ Kon Tum trong kháng chiến…
Trung đoàn 66 làm chủ căn cứ 42, ngày 24/4/1972 (ảnh tư liệu Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên)
Trung đoàn 66 làm chủ căn cứ 42, ngày 24/4/1972 (ảnh tư liệu Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên)
Cuối năm 1971, trên toàn chiến trường miền Nam, cách mạng đã thu được những thắng lợi lớn trên mọi mặt. Nhìn chung "so sánh lực lượng và thế chiến lược trên các chiến trường đang thay đổi ngày càng có lợi cho ta". Tuy nhiên, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn ngoan cố tìm mọi cách kéo dài chiến tranh, tăng cường lực lượng quân ngụy, củng cố các tuyến phòng ngự, mở những cuộc tiến công để ngăn chặn chủ lực ta, ra sức tiến hành bình định, đánh phá phong trào thành thị.
Trước tình hình ấy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ 20 (từ ngày 27/01 đến 11/02/1972), Nghị quyết Hội nghị nhấn mạnh: "Đánh bại chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ, đánh bại "học thuyết Níchxơn", tạo ra một chuyển biến căn bản làm thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam Việt Nam và trên cả bán đảo Đông Dương, giành thắng lợi to lớn, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh trên thế thua bằng một giải pháp chính trị có lợi cho ta mà chúng phải và có thể chấp nhận được".
Quán triệt Nghị quyết số 219/NQ-TW ngày 04/4/1972 (Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 20 của Trung ương Đảng), Quân ủy Trung ương mở chiến dịch tấn công chiến lược trên toàn miền Nam. Cuộc tấn công chiến lược được xác định với quy mô lớn bao gồm nhiều chiến dịch nhằm tiêu diệt quân chủ lực ngụy, kết hợp với nổi dậy của quần chúng trên các địa bàn trọng điểm nhằm tiêu diệt một bộ phận lực lượng địch, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn, làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến trường nghiêng hẳn về phía có lợi cho ta.
Miền núi và đồng bằng Khu V là một trong ba hướng tiến công và nổi dậy cùng với hướng chủ yếu ở chiến trường Trị - Thiên và miền Đông Nam Bộ hình thành một cuộc tiến công chiến lược trên toàn Miền. Ngày 10/9/1971, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tây Nguyên: "Tiêu diệt địch, giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Hướng phát triển có thể là hướng Plei Ku; có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng phía tây Plei Ku, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ".
Để tạo điều kiện cho Tây Nguyên hoàn thành thắng lợi chiến dịch, từ tháng 01 đến tháng 3/1972 Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tư lệnh Quân khu V bổ sung, tăng cường cho B3 các đơn vị: Sư đoàn bộ binh 320A, Trung đoàn bộ binh 24B ; Sư đoàn bộ binh 2 (thiếu Trung đoàn 31) Quân khu V, Tiểu đoàn đặc công 20, 3 Tiểu đoàn pháo phòng không 37mm, 1 Tiểu đoàn Súng phòng không 14,5mm, 1 Tiểu đoàn Thông tin, 1 Tiểu đoàn Vận tải ô tô (827), 2 Tiểu đoàn Vận tải bộ, 2 đội điều trị (17, 25) và một số phân đội bảo đảm, hậu cần, kỹ thuật. Tổng quân số là 47.647 người.
Địch có tổng cộng 24 Tiểu đoàn, bố trí hai tuyến phòng ngự: một tuyến từ phía Tây sông Pô Kô, Đăk Tô - Tân Cảnh và đường 18; một tuyến từ thị xã dọc theo đường 14 đến Đăk Tô. Trên tuyến này địch cho quân đóng ở các chốt điểm và lập thêm bốn căn cứ hỏa lực. Ngoài chủ lực cộng hòa, lực lượng địa phương quân của địch còn có 35 đại đội bảo an, 107 trung đội nghĩa quân và 8.000 lính phòng vệ dân sự. Với lực lượng này, địch muốn thực hiện ý đồ ngăn chặn sự tấn công của ta từ bên ngoài vào; đồng thời lo củng cố giữ vững tuyến phòng thủ, dùng máy bay tập kích đánh phá vùng giáp ranh, căn cứ hành lang vận chuyển, kho tàng, cơ quan... của ta. Đi đôi với các hoạt động trên, địch còn đẩy mạnh hoạt động chiến tranh tâm lý, chiêu hồi; bắt lính, đôn quân và ra sức tăng cường bọn ác ôn cho các bộ máy kìm kẹp ở cơ sở để tiếp tục "bình định" đánh phá, truy quét cơ sở ta bên trong và cố đẩy lực lượng ta ra ngoài. Tuy nhiên, chủ yếu địch lo phòng thủ để cố giữ vùng chúng kiểm soát, đối phó với các hoạt động của ta.
Quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Khu ủy V, ngay từ cuối năm 1971, Tỉnh ủy Kon Tum đã tập trung lãnh đạo quân dân trong tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV triển khai mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch Xuân - Hè, quyết tâm giành thắng lợi.
Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng từ ngày 24 đến 28/01/1972 một lần nữa nhấn mạnh "tổng động viên sự nỗ lực cao nhất của Đảng bộ, quân, dân, tranh thủ thời cơ thuận lợi, tấn công và nổi dậy giải phóng toàn bộ nông thôn, giành thắng lợi cao nhất ở thị xã (khu vực X), khẩn trương xây dựng lên nhanh, mạnh, toàn diện".
Ngay sau Hội nghị này, Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành liên tục các văn bản chỉ đạo đặc biệt quan trọng:
Thứ nhất là tiến hành việc thành lập các Đảng ủy khu vực chỉ đạo phục vụ nhiệm vụ chiến dịch.
Từ quyết tâm phát triển chiến dịch giành thắng lợi khu vực trọng điểm thị xã Kon Tum, để thống nhất và tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với khu vực này, ngay trong ngày 28/01/1972, Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết nghị về thành lập Đảng ủy khu vực X (mật danh M2 quyết thắng) do đồng chí Trần Liêu (Pea) Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư H29 làm Bí thư. Đảng ủy đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy và có nhiệm vụ chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho kế hoạch tấn công, nổi dậy và xây dựng ở khu vực thị xã Kon Tum; trực tiếp chỉ đạo Ban cán sự phía trước của 2 huyện H16 và H29; chỉ huy, lãnh đạo các lực lượng ra hoạt động ở khu vực hoàn thành nhiệm vụ giành thắng lợi cao nhất theo phương hướng, quyết tâm của Đảng.
Tiếp đó, ngày 06/02/1972, Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết nghị số 18 và 19 về việc thành lập Đảng ủy hoạt động khu vực S và Z, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy.
Đảng ủy khu vực S được thành lập gồm 5 đồng chí do đồng chí Trần Thanh Dân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư H5 làm Bí thư. Đảng ủy có nhiệm vụ quan hệ với cơ quan chỉ huy chủ lực để phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong vận dụng phương châm "3 mũi giáp công, 3 quả đấm" trên các vùng, tấn công với nổi dậy, tấn công với xây dựng, phát triển thế lực mới, tạo thuận lợi để giành thắng lợi ngày càng cao. Đảng ủy trực tiếp chỉ đạo Ban cán sự H5, xâu chuỗi đầu mối chỉ huy các cánh hoạt động cho khớp với kế hoạch đã định và phối hợp hiệp đồng thống nhất chỉ huy, lãnh đạo các lực lượng chính trị, vũ trang địa phương cùng với quân đội chủ lực hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tấn công - nổi dậy và xây dựng theo phương hướng, ý đồ quyết tâm của Đảng. Ban cán sự H5 có trách nhiệm đáp ứng mọi yêu cầu, hoàn thành tốt công tác chuẩn bị và tạo mọi điều kiện thuận lợi góp phần tích cực nhất để cùng Đảng ủy khu vực S hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tỉnh ủy giao.
Đảng ủy khu vực Z gồm 5 đồng chí do đồng chí Phạm Trọng (Nhớ) - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Bí thư Đảng ủy. Đảng ủy có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra mọi mặt chuẩn bị của H80 theo phương án kế hoạch tấn công, nổi dậy và xây dựng khu vực Z đã được Thường vụ Tỉnh ủy xét duyệt. Trực tiếp chỉ đạo các Ban cán sự phía trước của H80 hoạt động khớp với kế hoạch đã quy định về phối hợp, hiệp đồng và thống nhất chỉ huy, lãnh đạo các lực lượng chính trị, vũ trang của địa phương hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tấn công, nổi dậy. H80 có trách nhiệm đáp ứng mọi yêu cầu và tạo mọi điều kiện thuận lợi, góp phần tích cực nhất để cùng Đảng ủy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tỉnh ủy giao.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy ra Quyết nghị số 15/QN về thành lập Chi bộ đặc biệt thuộc Đảng ủy H80 và đặt dưới sự quản lý của Đảng ủy khu vực Z. Chi ủy gồm 5 đồng chí do Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định. Nhiệm vụ chủ yếu của Chi bộ là lãnh đạo tốt công tác tư tưởng, tổ chức, bám chặt 7 yêu cầu nâng cao chất lượng đảng viên, để xây dựng đảng viên và quần chúng thuộc phạm vi chi bộ phụ trách, bảo đảm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác theo chức năng, trách nhiệm của từng người.
Đồng thời với Quyết nghị trên, để chuẩn bị cho công tác tiếp quản sau khi hoàn thành chiến dịch, Tỉnh ủy đã ra Quyết nghị số 48/QN về thành lập ủy ban quân quản khu vực Đăk Tô - Tân Cảnh do đồng chí Nguyễn Bá Hội (Tụ) - Tỉnh ủy viên, Bí thư H80 làm Chủ tịch, ủy ban quân quản có nhiệm vụ tiếp quản khu vực mới giải phóng, truy kích địch, điều hành mọi hoạt động hành chính, kinh tế, văn hoá - xã hội tại khu vực mới giải phóng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng đạt được.
Thứ hai là khẩn trương huy động nhân lực, vật lực, bảo đảm hậu cần chiến lược phục vụ chiến dịch.
Ngày 31/01/1972, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 04/VP về công tác giao vận phục vụ VK35. Trong đó, huy động lực lượng dân công các khu vực H80, H16, H29, H67 vận chuyển 281 tấn hàng các loại, vận động dân công hoả tuyến, đào mới 42km đường thồ, mở rộng bệnh xá B1 lên 300 giường bệnh với tổng số lượt người huy động là 2.414 lượt, tương đương với 114.376 ngày công.
Ngày 16/02/1972, Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết nghị số 28/QN về huy động lực lượng phục vụ VK35, theo đó huy động lực lượng trên 100 cán bộ thuộc các cơ quan tỉnh và của H16, H29, H67, H80 - mỗi đơn vị từ 15 đến 30 người. Trong số 100 cán bộ huy động, 2/3 là đảng viên, thanh niên, trung niên có phẩm chất tốt, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, phân bổ hoạt động vùng phía trước các huyện thực hiện nhiệm vụ công tác binh địch vận.
Ngày 12/3/1972, Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Quyết nghị số 92/QN về huy động 15 cán bộ y tế xã, thôn (là y tá, hộ sinh, vệ sinh viên) thuộc H67 cùng với cơ số thuốc tự sản xuất được tại xã, thôn để phục vụ chiến dịch. Trước khi tham gia chiến trường, lực lượng này được triệu tập, bồi dưỡng nâng cao lập trường chính trị tư tưởng, nhiệm vụ công tác,... để tạo niềm tin, khí thế, bảo đảm hoàn thành trách nhiệm được giao.
Tỉnh ủy động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh dồn sức phục vụ cho chiến dịch, nguồn nhân lực được huy động đến mức tối đa với 446.758 ngày công phục vụ, nhằm mục tiêu trọng tâm ở Đăk Tô - Tân Cảnh. Các lực lượng quân, dân, chính, Đảng đều được chỉnh huấn, học tập quán triệt tình hình và nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh huy động đến 600 cán bộ và 700 du kích tham gia chiến dịch. Nhiều cán bộ từ tỉnh được tăng cường thêm cho Đăk Tô; các lực lượng vũ trang gấp rút được kiện toàn bổ sung quân số; Tiểu đoàn bộ binh 304 và Tiểu đoàn đặc công 406 của tỉnh đội được phân công trụ bám tại Đăk Tô, phối hợp cùng bộ đội chủ lực tấn công địch...
Do tuyến hành lang Trung ương bị địch thường xuyên đánh phá ác liệt nên việc vận chuyển của Đoàn 559 gặp khó khăn, gạo chuyển từ ngoài Bắc vào không bảo đảm kế hoạch. Trong tình hình đó, Đảng bộ H80 và các lực lượng của các cơ quan ban ngành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Kon Tum đã tổ chức huy động đến mức cao nhất nguồn lương thực trong dân; quần chúng cũng đã nhiệt tâm đóng góp hết sức cho cách mạng. Bình quân mỗi người dân trong tỉnh đóng góp hơn 45kg, riêng H80 đóng góp cao nhất với mức 53kg. Chỉ một thời gian ngắn, huy động được 1.005 tấn lượng thực (680 tấn gạo, bắp, 325 tấn hoa màu) các cơ quan tỉnh và huyện cũng đóng góp được 50 tấn để phục vụ chiến dịch. Tỉnh cũng đã cử Ban kinh tài phân lực lượng đến từng địa phương động viên thu mua lương thực để chuyển về kho dự trữ chiến dịch ở Đăk Tô.
Tại vùng căn cứ, đã lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, tích cực trồng thêm các loại hoa màu phụ, giã gạo thâu đêm, chuẩn bị lương thực cho bộ đội ăn đánh giặc. Trên các hành lang vận chuyển lương thực, vũ khí từ Trung ương đến tỉnh, già trẻ, gái trai đều hăng hái tham gia gùi đạn, tải lương, vận chuyển các nguồn hàng. Các đơn vị công binh, thanh niên xung phong thường xuyên túc trực, ngày đêm phá vỡ, mở đường cho chiến dịch. Nhiều đoạn đường ô tô làm gấp đã vươn dài ra Đăk Tô - Tân Cảnh, nối tiếp về hướng Trà My (Quảng Nam), Trà Bồng (Quảng Ngãi) giáp đường 19... Nhân dân vùng căn cứ và vùng tranh chấp đã tích cực động viên lực lượng tham gia phục vụ chiến đấu.
Toàn Đảng bộ, quân, dân H80 và tỉnh Kon Tum đã khẩn trương tập trung cho công tác chuẩn bị với một quyết tâm: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng"và một khí thế sôi động "Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương" .
Phối hợp chặt chẽ với các hướng trong cuộc tiến công chiến lược toàn miền Nam, đúng 6 giờ ngày 30/3/1972, Trung đoàn Bộ binh 52, Sư đoàn 320 nổ súng vây ép Tiểu đoàn dù 2 của địch ở điểm cao 1049, mở đầu chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972. Lần lượt lực lượng ta tiêu diệt từng đơn vị địch. Đến 11 giờ trưa ngày 24/4/1972 ta làm chủ hoàn toàn căn cứ 42, giải phóng thị trấn Tân Cảnh. Lá cờ giải phóng do đồng chí Phan Quyết - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum trao cho Trung đoàn 66 trước lúc xuất trận được kéo lên phấp phới bay tại trung tâm cứ điểm. Ta tiếp tục phát triển thế tấn công phá tan thế trận phòng ngự của địch ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, làm cho lực lượng còn lại của địch ở các căn cứ Ngọc Rinh Rua, Ngọc Bờ Biêng phải co cụm ở Plei Kần. Quân địch ở Tri Lễ, quận lỵ Đăk Tô, phía tây sông Pô Kô tháo chạy về thị xã Kon Tum. Mất căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh, một bộ phận còn lại của địch buộc phải về co cụm phòng thủ ở tuyến phòng ngự thị xã.
Sau thắng lợi Đăk Tô - Tân Cảnh, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên và Tỉnh ủy Kon Tum quyết định nhanh chóng đưa lực lượng ra đánh địch, huy động lực lượng nhân công vùng mới giải phóng và vùng ta làm chủ góp sức mở đường vận chuyển và cơ động lực lượng chuẩn bị tiến công thị xã Kon Tum.
Ngày 30/4/1972, Sư đoàn 320 của ta bắt đầu thực hiện bao vây thị xã Kon Tum. Đến ngày 04/5/1972 được sự phối hợp của Trung đoàn 28 (chủ lực B3), ta đã phá vỡ tuyến phòng ngự Võ Định, Kon Trang Klah. Phối hợp với mũi tấn công địch của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, lực lượng du kích và các đội vũ trang công tác trên toàn tỉnh tiến hành diệt ác phá kìm, hỗ trợ quần chúng, nổi dậy đấu tranh chính trị, binh địch vận, đón dân về làng cũ.
Đêm 13 rạng sáng 14/5/1972, ta bắt đầu tiến công phá tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch. Sau một thời gian giằng co ác liệt kéo dài trong 12 ngày, lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum phối hợp với Trung đoàn 28 và Sư đoàn 320 tiến công phá vỡ khu vực phòng thủ ở tây bắc thị xã Kon Tum đến ngã ba Trung Tín. Đêm 24 rạng sáng 25/5/1972, ta mở đợt tấn công mạnh thọc sâu vào trung tâm thị xã. Lúc này, đế quốc Mỹ đã "Mỹ hóa" lại cuộc chiến tranh bằng không quân. Chúng lập cầu hàng không đặc biệt, dùng máy bay vận tải khổng lồ C5 Galaxy , tăng viện cấp tốc cho ngụy quân xe tăng hạng nặng M48 và nhiều đại bác. Máy bay Mỹ, nhất là máy bay chiến lược B52, đánh phá liên tục suốt ngày đêm.
Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt suốt 13 ngày đêm. Lực lượng cách mạng không đủ sức tấn công tiêu diệt toàn bộ quân địch. Địch cũng không đủ sức đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi các khu vực đã chiếm giữ. Xét thấy khả năng tiêu diệt toàn bộ quân địch, giải phóng thị xã chưa chín muồi, đêm ngày 05 rạng sáng 06/6/1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định cho các đơn vị trong thị xã lui quân.
Trước thắng lợi đã đạt được, Tỉnh ủy Kon Tum đã nhanh chóng chỉ đạo cho các cấp ủy đảng cơ sở, ban, ngành triển khai phối hợp với các lực lượng làm tốt việc quản lý và xây dựng vùng mới giải phóng. Tại khu vực Đăk Tô - Tân Cảnh, Diên Bình, trục đường 18, khu vực Kon Hơ Ring ta thực hiện việc tuyên truyền giáo dục phát huy thắng lợi, thâm nhập các chính sách đại đoàn kết, tôn giáo chính sách của địch đồng thời mở các lớp giáo dục, cải tạo cho ngụy quân, ngụy quyền, kêu gọi họ ra trình diện đăng ký.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục..., tỉnh, huyện luôn tăng cường cán bộ trực tiếp chỉ đạo và xây dựng vùng giải phóng. Các chi bộ đội công tác đã chuyển thành chi bộ trực tiếp của địa phương để chăm lo đời sống và sức khỏe cho nhân dân, hướng dẫn sản xuất, quản lý dân. Tổ chức đưa dân ra xa ấp để tránh bom đạn, chết chóc, tổ chức ăn ở theo nếp sống kháng chiến và giải quyết khó khăn về lương thực và bước đầu ổn định chỗ ở cho nhân dân. Qua một thời gian với tinh thần nhường cơm sẻ áo, đùm bọc giữa đồng bào vùng căn cứ với đồng bào vùng mới giải phóng, đặc biệt là sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và sự tận tình giúp đỡ của bộ đội giải phóng, nhân dân trong tỉnh đã vượt qua những khó khăn, không để xảy ra chết đói. Quần chúng vùng mới giải phóng đã quen dần với nếp sống kháng chiến, tích cực sản xuất thêm một số hoa màu để chống đói. Tuy còn gặp khó khăn về lạt muối, dịch bệnh... nhưng đời sống vật chất và tinh thần đã từng bước đi vào ổn định.
Để bảo đảm trật tự và hoạt động các mặt cho vùng giải phóng, ta tuyên bố giải tán chính quyền của địch, tuyên bố những điều quy định đối với vùng giải phóng, huy động quần chúng nổi dậy phối hợp với các lực lượng vũ trang tiếp tục truy quét địch, bắt tù binh, thu vũ khí, tận thu chiến lợi phẩm, phá các công sự và xóa bỏ các tàn tích của địch..., quan trọng nhất là việc chủ động đề phòng và ngăn chặn các cuộc phản công của địch vào các vùng vừa được ta giải phóng.
Chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè năm 1972 là chiến dịch tiến công có quy mô tương đương cấp quân đoàn đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, diễn ra trong điều kiện ta còn nhiều khó khăn. Thắng lợi của chiến dịch đã làm thay đổi cục diện chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn miền Nam, đánh bại một bước chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh"; đồng thời đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, cổ vũ quân và dân Tây Nguyên hăng hái tiến lên lập những chiến công mới.
Với chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 ở Bắc Tây Nguyên, ta đã giải phóng phần lớn đất đai trong tỉnh như H80 và H67; 17.000 đồng bào trong các khu vực trên được giải phóng khỏi ách kìm kẹp của địch. Sau khi căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh bị tiêu diệt, các cứ điểm của Mỹ - ngụy ở dọc biên giới của tỉnh Kon Tum lần lượt bị cô lập như Tiểu đoàn 95 (Plei Kần); Tiểu đoàn 90 (Đăk Seang); Tiểu đoàn 88 và Chi khu quận lỵ Đăk Pét; tạo thành vùng giải phóng, căn cứ địa liên hoàn của ba nước Đông Dương từ Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia nối liền với Kon Tum và căn cứ Khu ủy V, khai thông hoàn toàn con đường vận tải đường Trường Sơn từ Bắc và Nam qua địa phận Kon Tum, từ đó, bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) đã chuyển hướng vận tải từ Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn, rút ngắn được nhiều cung đường vận chuyển nhân, tài, vật lực, hàng hóa, vũ khí, đạn dược vào chiến trường miền Nam cả ngày lẫn đêm, đáp ứng kịp thời cho nhiều chiến dịch sau này.
Thắng lợi của chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972 chứng tỏ sự trưởng thành của Đảng bộ Kon Tum trong kháng chiến, đánh dấu bước trưởng thành về nhiều mặt của công tác xây dựng Đảng ở vùng căn cứ nói riêng. Thắng lợi ấy chứng tỏ lực lượng cách mạng của Kon Tum đã mạnh lên toàn diện cả thế và lực, chuyển phong trào lên một bước quan trọng, góp phần cùng toàn miền Nam và cả nước Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ lịch sử "đánh cho Mỹ cút" và chuẩn bị mọi mặt tiến lên giành thắng lợi mới trong thời kỳ "đánh cho ngụy nhào". Thắng lợi đó còn nhờ vào sự chi viện về nhân tài và vật lực của hậu phương lớn miền Bắc, của các tỉnh xung quanh và vùng căn cứ kháng chiến.


Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Nam
 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

TÀI LIỆU

HN tổng kết báo chí năm 2024; trao giải Búa liềm vàng tỉnh lần thứ IV

Lượt xem:95 | lượt tải:101

TÀI LIỆU

phục vụ HN tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2024

Lượt xem:372 | lượt tải:143

KL.103.TW

“về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp”

Lượt xem:85 | lượt tải:235

CV.1500.TU

Triệu tập HN trực tuyến quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; báo cáo tình hình KTXH năm 2024 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế

Lượt xem:979 | lượt tải:268

TÀI LIỆU

phục vụ giao ban báo chí tháng 11-2024

Lượt xem:199 | lượt tải:122

CV.2759.BTGTU

về định hướng triển khai Giải Búa liềm vàng của Đảng bộ tỉnh lần thứ V-năm 2025.

Lượt xem:244 | lượt tải:154

KH.175.TU

tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Lượt xem:230 | lượt tải:267
 
pxyk2025
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập69
  • Hôm nay8,830
  • Tháng hiện tại232,772
  • Tổng lượt truy cập35,187,931
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 25 tháng 9 năm 2024
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây