Cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè năm 1972 của quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn, toàn diện. Tại chiến trường Tây Nguyên, quân ngụy đã lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Chúng không còn khả năng mở những cuộc hành quân lớn và buộc phải lui về cố thủ thị xã và những căn cứ quân sự hiểm yếu ở vùng ven. Lực lượng cách mạng ở Tây Nguyên đã có bước trưởng thành vượt bậc. Cơ sở chính trị ở vùng giải phóng và cả trong vùng địch tạm thời kiểm soát không ngừng phát triển lớn mạnh. Lực lượng vũ trang địa phương đã trưởng thành có khả năng độc lập tác chiến. Nhiều đội công tác vũ trang, biệt động đã được thành lập và bước vào hoạt động mạnh trong các thị xã, thị trấn, là mối lo sợ thường xuyên đối với kè thù…
Tình hình đó đặt ra cho lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên phải có nhiều hơn nữa các đơn vị tập trung mạnh, đủ sức đánh thẳng vào các cụm cứ điểm lớn, các thị xã, thành phố nhằm tiêu diệt lớn quân địch, giải phóng Nhân dân, tạo nên bước phát triển mới trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh giải phóng. Trong khi đó, Sư đoàn 2 và một số đơn vị của ta trở lại Khu 5. Sư đoàn 320 chuyển vào đứng chân ở khu vực đường số 19 Tây. Trung đoàn 24 vào Cheo Reo - Phú Thiện. Trên Mặt trận Cánh Đông chỉ còn lại 3 trung đoàn bộ binh 28, 66, 95 và một số đơn vị binh chủng kỹ thuật.
Được sự chuẩn y của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, ngày 20 tháng 9 năm 1972, tại chân núi Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mật trận Tây Nguyên quyết định thành lập Sư đoàn bộ binh 10 với thành phần gồm các trung đoàn bộ binh 66, 28, 95 và 8 tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật: Tiểu đoàn đặc công 37, Tiểu đoàn pháo cao xạ 30, Tiểu đoàn pháo hỗn hợp 32, Tiểu đoàn pháo cơ giói 41, Tiểu đoàn quần y 24, Tiểu đoàn vận tài 25, Tiểu đoàn thông tin 26 và Tiểu đoàn công binh 31. Bộ Tư lệnh và cơ quan Mặt trận Cánh Đông được chuyển thành Bộ Tư lệnh và cơ quan Sư đoàn 10. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quân giữ chức Tư lệnh Sư đoàn, đồng chí Đặng Vũ Hiệp giữ chức Chính ủy, đồng chí Hồ Đệ giữ chức Tư lệnh phó Sư đoàn, đồng chí Lã Ngọc Châu giữ chức Phó Chính ủy. Cơ quan Sư đoàn được tổ chức thành 03 phòng: Tham mưu, Chính trị và Hậu cần.
Sự ra đời của Sư đoàn 10 đánh dấu bước trưởng thành mới của khối chủ lực Tây Nguyên; vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách của chiến trường trong giai đoạn mới của cuộc chiến đấu, vừa thể hiện sâu sắc quy luật phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng. Sư đoàn 10 được kế thừa những cán bộ, chiến sĩ đã trải qua những tháng năm gian khổ, vượt qua mọi thử thách để bám giữ chiến trường và làm nên chiến thắng; thừa hưởng những kinh nghiệm chiến đấu phong phú và sinh động phải đổi bằng máu, trí tuệ, sức lực của hàng chục trung đoàn chủ lực của Quân đội ta đã chiến đấu ở Tây Nguyên trong suốt những năm dài chống Mỹ. Chính vì thế, sau khi được thành lập, Sư đoàn đã cùng với quân và dân tỉnh Kon Tum liên tiếp lập được nhiều chiến công lớn, san bằng hàng loạt cứ điểm, cụm cứ điểm, giải phóng hầu hết tỉnh Kon Tum. Sư đoàn tham gia Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và tiến xuống đồng bằng giải phóng Nha Trang, Cam Ranh. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn đã đánh chiếm Sân bay Tân Sân Nhất, Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, góp phần giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Sau ngày miền Nam giải phóng, Sư đoàn trở lại Tây Nguyên làm nhiệm vụ phát động quần chúng, truy quét FULRO, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, sau đó trở về nước bảo vệ biên giới phía Bắc. Những giai đoạn về sau, Sư đoàn 10 không ngừng phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn một lòng đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, đảm bảo an ninh, là lá chắn vững chắc của khu vực Bắc Tây Nguyên; luôn được Nhân dân, nhất là Nhân dân tỉnh Kon Tum - địa bàn đứng chân của Sư đoàn tin yêu.
Khi làm nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện cũng như lúc tham gia xây dựng hậu phương; khi làm nhiệm vụ trong nước cũng như lúc làm nhiệm vụ quốc tế, Sư đoàn 10 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sư đoàn đã 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân"; có 3 trung đoàn, 6 tiểu đoàn, 7 đại đội và 12 cán bộ, chiến sĩ cũng được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, trong đó có 1 trung đoàn, 1 tiểu đoàn, 1 đại đội được phong tặng danh hiệu Anh hùng lần thứ hai. Riêng Trung đoàn 66 được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ” lần thứ 3 năm 2004. Sư đoàn còn được tặng thưởng 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 12 Huân chương Quân công, 35 Huân chương Chiến công các hạng và được Hội đồng Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Bài, ảnh: Ngô Đức Hải