Những sự kiện lịch sử tháng 6 ở Kon Tum 

Những sự kiện lịch sử tháng 6 ở Kon Tum

Thứ sáu - 01/07/2016 23:07

Ngày 08-6-1900: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thiết lập Hội đồng bảo hộ Trung kỳ (Để thực hiện chính sách cai trị vùng này, trước đây có Hội đồng Bảo hộ Trung-Bắc kỳ. Đến ngày 08-8-1898, Tổng thống Pháp đã ra Sắc lệnh thành lập hội đồng bảo hộ Bắc kỳ). Theo Nghị định này:

- Thành phần Hội đồng gồm: 11 người:

+  Khâm sứ Trung kỳ là Chủ tịch hội đồng.

+ Chánh văn phòng Phủ Khâm sứ làm thư ký Hội đồng.

+ Các ủy viên, gồm 9 người. Trong đó, người Việt 2, Pháp 7.

- Chức năng của Hội đồng: Thông qua những ý kiến đóng góp của Viện Dân biểu và của các Hội đồng hàng tỉnh về các vấn đề như: Chính sách thuế khóa, lập ngân sách, quy định các khu vực hành chính[1]….

Ngày 12-6-1907: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định bãi bỏ tỉnh Plâyku Đe

Theo Nghị định, toàn bộ đất đai của tỉnh này chia làm hai phần: một phần gọi là Đại lý Kon Tum (Kon Tum), cho sáp nhập trở lại tỉnh Bình Định; đồng thời lập ra một trung tâm hành chính tại Kon Tum đặt dưới sự cai trị của Công sứ Bình Định; một phần gọi là Đại lý Cheo Reo, cho sáp nhập vào tỉnh Phú Yên và đặt dưới sự cai trị của Công sứ Phú yên.

Giữa tháng 6-1931: Địch đưa tù nhân làm đường 14 về giam giữ  ở nhà lao Kon Tum (lao ngoài)

Sau 6 tháng bị đày ải làm đường Đăk Pao-Đăk Pét, do thời tiết bước vào mùa mưa, nên đến giữa tháng 6-1931, thực dân Pháp đưa số tù nhân còn lại trên công trường về tạm giam ở nhà lao Kon Tum (lao ngoài) để chờ hết mùa mưa tiếp tục đưa tù nhân trở lại công trường.

Với âm mưu giết dần, giết mòn tù chính trị bằng chính sách tàn ác, dã man, nên sau một thời gian đi làm đường, khi trở lại thị xã Kon Tum tù chính trị chỉ còn sống sót 92  trên tổng số 295 người.

Tháng 6-1931: Thực dân Pháp tiếp tục đưa các đoàn tù từ đồng bằng lên giam tại nhà lao Kon Tum

Tháng 6-1931, thực dân Pháp tiếp tục đưa các đoàn tù chính trị từ các tỉnh đồng bằng lên giam giữ ở Kon Tum nhằm tiếp tục thực hiện âm mưu giết hại tù chính trị nơi xa xôi, hẻo lánh, tránh sự nhòm ngó của dư luận. Các đoàn tù được đưa lên từ các nhà lao gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh 60 người; Huế 03 người; Quảng Ngãi, Quy Nhơn  40 người.

Tính đến cuối tháng 6-1931 nhà lao Kon Tum giam cầm khoảng 200 tù chính trị (số từ công trường làm đường 14 còn sống trở về và số từ các tỉnh đồng bằng được tiếp tục đưa lên). Trong đó lao trong giam khoảng 50 người có án nhẹ từ 5 năm tù trở xuống; lao ngoài giam khoảng 150 người có án nặng trên 5 năm tù.

Tháng 6-1931: Binh lính ở Kon Tum đấu tranh chống lệnh đi làm ngày chủ nhật (lần thứ hai)

Sau khi đưa tù nhân từ công trường làm đường Đăk Pét trở về giam cầm ở thị xã Kon Tum, thực dân Pháp tiếp tục chính sách đàn áp khổ sai đối với tù nhân: chúng bắt ép tù nhân sửa chữa đường sá, xây dựng cầu cống, gánh đất, khiêng đá quần quật suốt ngày, kể cả chủ nhật. Theo đó, binh lính cũng phải trông coi tù nhân vào ngày chủ nhật.

Do đó, một lần nữa vào tháng 6-1931, binh lính địch đã tiếp tục tổ chức đấu tranh chống lại chính sách của nhà cầm quyền bằng cách phản đối chống lệnh không đưa tù đi làm ngày chủ nhật.

Đây là lần thứ hai binh lính địch ở Kon Tum chống lại lệnh đi làm ngày chủ nhật. Điều này cho thấy mâu thuẫn ngay trong hàng ngũ địch ngày càng lộ rõ.

Ngày 25-5-1932: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách đại lý Pleiku khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập tỉnh Pleiku.

Tháng 6- 1932: Tổ chức cuộc thi thơ "Tao đàn ngục thất" ở Kon Tum

Tháng 6-1932, thực dân Pháp đưa một số tù chính trị đi làm đường lần thứ 2 ở Đăk Pét trở về giam ở nhà lao Kon Tum (lao ngoài). Trong lao, các chiến sỹ cộng sản đã tổ chức ra "Tao đàn ngục thất" nhằm mục đích cổ vũ tinh thần, rèn luyện khí tiết cách mạng.

"Tao đàn ngục thất" được tổ chức hàng tuần, mỗi tuần một chủ đề riêng và được duy trì thường xuyên trong thời gian dài. Đề tài do các anh em tù đưa ra và tự tổ chức chấm, bình chọn. Phần thưởng là một vài bánh nếp, bánh tráng. Bài nào được bình chọn xuất sắc (tuyệt bút) thì được thêm quả chuối.

Trong lần tổ chức thi đầu tiên với chủ đề "Viếng mộ liệt sỹ" đã chọn ra được 3 bài khá nhất: giải nhất là bài thơ của Trịnh Quang Xuân (quê Quảng Nam); giải nhì là bài thơ của Hồ Tùng Mậu (Hồ Bá Cự, quê Nghệ An); giải ba là bài thơ của Võ Trọng Bành (quê Nghệ An).

Tháng 6-1932: Hoàn thành việc xây dựng cầu Đăk Bla

Đây là cây cầu lớn nhất Kon Tum lúc bấy giờ; trụ cầu được làm bằng bê tông, mặt cầu bằng gỗ; cầu có chiều dài 139m.

Tuy nhiên, sau khi khánh thành đưa vào sử dụng từ tháng 6-1932, thì đến tháng 9-1932 bị mưa lũ cuốn trôi mặt cầu, sau đó thực dân Pháp mới bắc cầu tạm đi được mùa nắng, đến mùa mưa nước lớn phải đi bằng đò.

Tháng 6-1932: Thực dân Pháp bãi bỏ công trường làm đường Đăk Pét

Sau khi kết thúc 2 cuộc đấu tranh Lưu huyết và tuyệt thực, thực dân Pháp vẫn tiếp tục đày số tù án nhẹ còn lại (khoảng 110 người) lên công trường làm đường Đăk Pét. Với nhượng bộ theo yêu cầu của tù chính trị trong hai cuộc đấu tranh, thực dân Pháp đã nhẹ tay hơn trong việc bóc lột tù nhân.. Đến tháng 6-1932 vào mùa mưa, bọn cai trị lại đưa số anh em này về thị xã Kon Tum, đồng thời cũng từ đây chúng bỏ hẳn công trường làm đường Đăk Pét.

Tháng 6-1933: Giám mục JANIN ( Phước) tổng kết công việc nhà chung tại tỉnh Kon Tum

Ngày 23 tháng 6 năm 1933, JANNIN (Phước), giám mục tông toà đầu tiên, tấn phong tại Nhà thờ Kon Tum. Ngay sau khi nhậm chức đã tiến hành tổng kết công việc Nhà chung. Rà soát lại số lượng các bổn đạo từ 1885 đến 1933 ở Kon Tum.

1. Về số lượng: Theo thống kê của Chủng viện năm 1933, cả Kon Tum và Pleiku có:

20.480 bổn đạo (An Nam 3.000 ở cả Kon Tum và Pleiku);

180 làng có đạo (có 11 làng An Nam: 8 làng ở Kon Tum, 3 làng ở Pleiku );

13 cha người Pháp; 12 cha người An Nam; 3 cha người Mọi (Ba Na);

100 chú (catéchiste) đi giảng đạo (cả  An Nam và Mọi).

2. Về phân bố: Cả địa phận (Diocése) chia làm 22 sở (Districts).

Tháng 6-1945: Nhân dân Kon Tum đấu tranh phản đối cuộc kinh lý của Bộ trưởng Nguyễn Hữu Thi

Trước khí thế của phong trào đấu tranh kháng Nhật ở Kon Tum, bọn Nhật tìm cách theo dõi, cản trở phong trào, phá hoại những hoạt động của thanh niên và những viên chức tiến bộ. Tháng 6-1945 chúng ra lệnh cho chính quyền tay sai Trần Trọng Kim cử Bộ trưởng tiếp tế Nguyễn Hữu Thi lên Kon Tum khảo sát tình hình, âm mưu giải tán tổ chức thanh niên tiên tiến và lôi kéo lực lượng thanh niên này sáp nhập vào tổ chức thanh niên Phan Anh do chúng lập ra để thực hiện theo ý đồ cai trị của Nhật.

Đối phó với âm mưu của địch, các thanh niên tiên tiến và viên chức tiến bộ ở Kon Tum đã tổ chức cuộc đấu tranh phản đối chuyến kinh lý của Nguyễn Hữu Thi. Bằng lý lẽ sắc bén họ đã phá tan được âm mưu của chính quyền bù nhìn, giữ vững tổ chức và tiếp tục hoạt động.

Ngày 26-6-1946: Thực dân Pháp đánh chiếm thị xã Kon Tum

Ngày 26/6/1946, thực dân Pháp tiến đánh thị xã Kon Tum. Lực lượng Vệ quốc đoàn tổ chức chặn đánh, ngăn cản địch phía cầu Đăk Bla, tiêu diệt hàng trăm tên. Trước và trong thời gian địch tấn công xâm lược, chính quyền đã tổ chức cho nhân dân sơ tán về huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) tránh địch đàn áp. Sau thời gian chống trả địch, đến khoảng 5 giờ chiều ngày 26/6/1946, do tương quan lực lượng không cân sức, lực lượng quân đội buộc phải rút lui về đồng bằng. Kon Tum bị rơi vào tay địch.

Ngày 28-6-1946: Thành lập Phân ban quốc dân thiểu số miền Nam Trung bộ

Sau khi thực dân Pháp chiếm lại toàn bộ Tây Nguyên, nhiệm vụ kháng chiến ở Tây Nguyên phải tiếp tục trong một hoàn cảnh mới khó khăn hơn. Trong khi đó ảnh hưởng của chính quyền mới dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban vận động quốc dân thiểu số Tây Nam Trung bộ đã bị thu hẹp lại. Lực lượng vũ trang các tỉnh Tây Nguyên phải rút về Trung Châu. Công việc kháng chiến mới của các tỉnh Tây Nguyên phải trở lại thời kỳ đầu chủ yếu là tuyên truyền, gây dựng lại cơ sở chính quyền. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng ta chủ trương lấy vùng Thượng du các tỉnh Trung châu  miền Nam Trung bộ làm chỗ dựa để tiến lên gây dựng cơ sở ở Tây Nguyên. Vì vậy để thống nhất sự chỉ đạo nhiệm vụ công tác vùng Thượng du miền Nam Trung bộ, ngày 28-6-1946, Ủy ban kháng chiến Hành chính miền Nam Trung bộ đã quyết định thành lập Phân ban quốc dân thiểu số miền Nam Trung bộ thay thế Ban vận động quốc dân dân thiểu số Tây Nam Trung bộ.

Nhiệm vụ của Phân ban quốc dân thiểu số miền Nam Trung bộ là tổ chức tuyên truyền gây lại cơ sở chính quyền, thành lập lực lượng vũ trang các tỉnh Thượng du; cải thiện đời sống dân sinh; đào tạo cán bộ Thượng du.

Ngày 04-6-1947: Thực dân Pháp đổi Tòa Ủy phủ Liên bang sơn cước thành Tòa phụ trách các dân tộc sơn cước miền Nam Đông Dương.

Ngày 26-6-1948: Hội nghị Kháng chiến hành chính Tây Nguyên lần thứ hai

Ngày 26-6-1948, Phân ban Kháng chiến Hành chính Tây Nguyên tổ chức Hội nghị lần thứ 2 nhằm kiểm điểm lại quá trình tổ chức hoạt động trong 6 tháng đầu năm 1948 và đề ra chủ trương, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo.

Hội nghị đánh giá: Trong 6 tháng đầu năm 1948 chính quyền ở các tỉnh Kon Tum và Gia Lai phát triển rất nhanh, số làng có chính quyền đã tăng lên gần gấp đôi năm 1947. Trong thời gian này do địch tập trung lực lượng khủng bố ở Đăk Lăk, nên chưa hoạt động mạnh ở Kon Tum và Gia Lai. Tuy nhiên, chính quyền của ta mới phát triển ở những vùng xa vị trí đô thị và các đường giao thông lớn; Ủy ban Hành chính các xã Thượng du phần đông gồm những người không biết chữ, chưa quen công việc, nên nơi nào bị địch khủng bố nếu không có cán bộ tăng cường vận động thì cơ sở quần chúng dễ bị tan rã.

Hội nghị chủ trương trong thời gian tới: tập trung phát triển chính quyền vào các vùng dọc các trục đường giao thông lớn, các đồn điền và đô thị để chuẩn bị chiến trường cho bộ đội đánh giao thông, kinh tế địch; củng cố những vùng mới phát triển chính quyền bằng cách đưa những người có năng lực vào Ủy ban các cấp, phân chia địa bàn cụ thể cho cán bộ Kinh phụ trách, các ban võ trang công tác, võ trang kinh lý đi cùng với các ủy ban để bám cơ sở củng cố chính quyền.

Tháng 6-1948: Thành lập Tỉnh đội Kon Tum

Để hệ thống hóa tổ chức dân quân của tỉnh đi vào hoạt động có nề nếp, tháng 6-1948, Phân ban Kháng chiến Hành chính  Tây Nguyên quyết định thành lập Tỉnh đội Kon Tum, do đồng chí Vân Sơn làm Tỉnh đội trưởng.

Nhiệm vụ của Tỉnh đội Kon Tum là cơ quan chuyên trách công tác huấn luyện, đào tạo đội ngũ dân quân, du kích, xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang địa phương.

Từ tháng 6 đến tháng 7-1952: Địch gây dựng lại hai trạm lính Chí Xẻng ở Kon Tum

Sau thất bại của cuộc hành quân Latérite xuống Ba Tơ, địch âm mưu trở lại hoạt động mạnh vùng Măng Đen đi Kon Tum nhằm củng cố lực lượng người Hre để chống lại phong trào cách mạng của ta.

Lợi dụng chính sách khoan hồng của ta, địch đưa một số bọn trá hình về làng giả vờ quy phục để hoạt động; đồng thời đưa 200 loạn quân Chí Xẻng ở miền tây Quảng Ngãi về Kon Tum và tổ chức thành hai trạm ở Kon Plông, Đăk Glei để huấn luyện, tập trận với lính Phi, nhằm tiếp tục nuôi âm mưu gây lại cơ sở, tổ chức tấn công lại Sơn Hà, chống lại phong trào kháng chiến của ta.

Tháng 6-1956: Ban cán sự tỉnh tổ chức Hội nghị phát động học tập chính trị và đấu tranh chống tố cộng

Tháng 6-1956, Ban cán sự tỉnh tổ chức Hội nghị quán triệt các nghị quyết của Liên khu uỷ (2-1956) và Liên tỉnh 4 (tháng 10-1955), đồng thời nhận định đánh giá tình hình, đề ra nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới của  tỉnh.

Hội nghị đã phát động đợt học tập chính trị, đấu tranh chống tố cộng trong tình hình mới và chỉ rõ: "Nhiệm vụ đấu tranh đòi hiệp thương trước đây là nhiệm vụ trọng tâm trực tiếp, nay chuyển thành nhiệm vụ lâu dài, nhiệm vụ củng cố phát triển lực lượng là nhiệm vụ mấu chốt; nhiệm vụ đấu tranh chống tố cộng, chống tuyển cử riêng rẽ phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày... "

Đi đôi với nhiệm vụ lãnh đạo đấu tranh, Hội nghị yêu cầu phải: "Tăng cường giáo dục đường lối chính sách, phương châm, phương thức công tác cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, phổ biến cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt nam, mở rộng mặt trận đại đoàn kết toàn dân chống địch và xây dựng lực lượng ta, xây dựng Đảng bộ, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, giữ vững cơ sở, tích luỹ lực lượng".

Hội nghị nhấn mạnh: lúc này hơn lúc nào hết, cán bộ đảng viên phải bám sát quần chúng, phát động và lãnh đạo quần chúng chống tố cộng. Cán bộ đảng viên phải nêu cao đạo đức, khí tiết cộng sản, giáo dục khí tiết cho cơ sở và quần chúng tấn công lại địch, bảo vệ uy thế chính trị của Đảng, bảo vệ tổ chức, giữ vững và phát triển phong trào.

Ngày 08-7-1958: Chính quyền Việt Nam Cộng hòa phân chia Quận Đăk Tô thành Quận Đăk Tô và Quận Tu Mơ Rông

Ngày 08-7-1958Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hoà ra Nghị định số 367-BNV/HC/P6/NĐ phân chia quận Đăk Tô thành hai quận: quận Đăk Tô và quận Tu Mơ Rông. Theo đó, địa hạt quận Đăk Tô gồm 04 tổng: tổng Đăk Tô, tổng Đăk Brong, tổng Kon Hring, tổng Đăk Mot; địa hạt quận Tu Mơ Rông gồm 04 tổng: Tổng Tu Mơ Rông, tổng Virngieo, tổng Măng Buk, Kon Kléang.

Ngày 11-7-1958: Chính quyền Việt Nam cộng hòa phân chia ranh giới giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Pleiku

Ngày 11-7-1958, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ra Nghị định số 369/NV ấn định lại ranh giới giữa hai tỉnh Kon Tum và Pleiku: cắt một phần đất về phía nam đường ranh giới của tỉnh Kon Tum, từ điểm ZA.010.740 đến điểm BR.146.740 sáp nhập vào địa bàn tỉnh Pleiku.

Tháng 6-1966: Tỉnh ủy ra chỉ tiêu đẩy mạnh công tác sản xuất vượt mức năm 1965

Tiếp tục thực hiện phương châm sản xuất đã đề ra trong Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ 2 (tháng 10-1965), Hội nghị Tỉnh ủy Tháng 6-1966 đã ra Nghị quyết trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Hội nghị đặt chỉ tiêu sản lượng lương thực năm 1966 phải vượt 30 % so với năm 1965. Cụ thể: phải đạt 7.000 tấn thóc, 1.500 tấn bắp, và 50 triệu gốc mì và đảm bảo bình quân mỗi người 450 kg chất bột.

Để thực hiện chỉ tiêu đề ra, Tỉnh ủy đã thành lập Hội đồng sản xuất của tỉnh, nhằm bám sát chỉ đạo trực tiếp từng vùng, cử cán bộ xuống cơ sở để hướng dẫn và kiểm tra thực hiện, kết hợp phát động quần chúng học tập nội dung, mục đích, ý nghĩa và chỉ tiêu phấn đấu cho từng xã, từng làng, từng hợp tác và từng gia đình.

Nhờ tích cực trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện, năm 1966 tổng sản lượng lúa đạt 67% so với kế hoạch và bằng 97% so với năm 1965. Tuy nhiên, các loại lương thực khác thấp hơn so với kế hoạch: bắp đạt 60 % , mì đạt 40% kế hoạch, bằng 66,1 % năm 1965. Nguyên nhân: do địch oanh tạc nhiều lần, rải chất độc hóa học làm hư hại mùa màng.

Ngày 19-6-1967: Tỉnh ủy Kon Tum ra Chỉ thị về việc chống phá âm mưu địch cài tay sai vào các tổ chức của ta

Chỉ thị chỉ rõ: "Các cấp cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong nội bộ, đẩy mạnh tự phê và phê bình trong nội bộ cơ quan.

- Xây dựng ý thức phòng gian bảo mật, làm cho tất cả cán bộ nhân viên đều có ý thức, thực hiện đúng nội quy bảo vệ cơ quan.

- Giữ đúng chế độ tuyển người vào cơ quan phải thông qua H26, H28; Không được tự tiện tuyển người vào cơ quan mình.

- Thường xuyên theo dõi kiểm tra việc chấp hành chỉ thị , Nghị quyết; Khi có vấn đề nghi vấn phải quyết tâm tìm cho ra.

- Cơ quan, tổ chức an ninh các cấp phải có trách nhiệm giúp cấp uỷ chống phá âm mưu này của địch.

Nhận được chỉ thị này, các H, N có kế hoạch cụ thể để thực hiện đầy đủ."

Ngày 08-6-1968: Ban y tế tỉnh xây dựng "Kế hoạch công tác xây dựng điểm"

Kế hoạch này nhằm thiết kế xây dựng về mặt y tế điểm tại các xã chiến đấu. Cụ thể:

Về tổ chức:

- Mỗi xã phải có 1 y tá và 1hộ sinh phụ trách chung do đồng chí xã ủy viên văn xã phụ trách.

- Mỗi làng phải có 1 cán bộ y tế (cứu thương) phụ trách, 1 tổ cấp cứu, phòng chống độc và 1 tổ sản xuất thuốc men.

- Ở các tổ hợp tác, nông công, mỗi tổ phải có từ 1 đến 2 vệ sinh viên.

Về phong trào: tổ chức các phong trào vệ sinh phòng bệnh, phòng chống chất độc hóa học. Tổ chức và duy trì phong trào 3 "sạch":

+ Ăn sạch: 100% không không ăn bốc, không ăn thịt, cá thối; Đảm bảo ăn sạch và tuyệt đối không để xảy ra đi lỏng hàng loạt vì ngộ độc thức ăn; rau ăn phải rửa sạch trước khi nấu.

+ Uống sạch: Đảm bảo uống nước chín (được đun nấu từ 850c trở lên); đảm bảo vệ sinh nguồn nước uống, giữ sạch máng nước uống.

+ Ở sạch: Đảm bảo nhà ở sạch sẽ, đồ dùng ngăn nắp; phải có đủ chiếu hoặc líp để nằm; trong nhà phải có giỏ đựng rác: có hầm tiêu; mỗi gia đình phải có chổi quét v.v.

Về phòng chống chất độc hóa học: Đảm bảo mỗi gia đình đều có phương tiện chống đọc đơn giảm; có dự trữ thuốc chống độc thông thường và biết đề phòng, cứu chữa những trường hợp bị nhiễm độc hóa học ở mức nhẹ.

Ngày 28-6-1968: Tỉnh ủy Kon Tum ra Chỉ thị ra sức khẩn trương chuyển mạnh cao trào nhân dân du kích chiến tranh lên rộng khắp và liên tục tấn công địch

Phong trào chiến tranh du kích trong tỉnh thời gian qua đã đạt được một số thành tích trong xây dựng và chiến đấu, nhưng sau tổng tấn công và nổi dậy do chỉ đạo không chặt chẽ nên có một số sa sút cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy việc tác chiến, đánh phá giao thông, phương tiện chiến tranh địch chưa tốt, chưa phối hợp chặt chẽ với lực lượng tập trung đánh địch. Việc xây dựng thôn xã chiến đấu giảm sút...Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ ra chỉ thị số 14/VP ngày 28-6-1968 nhằm chấn chỉnh và chỉ đạo công tác du kích chiến tranh trong giai đoạn mới.

Chỉ thị  yêu cầu:

1. Đẩy mạnh chiến tranh du kích trong thị xã, thị trấn, quận lỵ và vùng phụ cận. Tích cực xây dựng lực lượng vũ trang thị xã, xây dựng lực lượng biệt động, tự vệ, phát triển cơ sở, mở cơ sở mới đến đâu phải xây dựng lực lượng bán vũ trang đến đó...

2. Tích cực tiêu hao và phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, cơ sở vật chất của địch, đập tan chỗ dựa mạnh nhất của chúng.

3. Làm nòng cốt và hỗ trợ cho phong trào quần chúng vũ trang khởi nghĩa ở nông thôn, thị xã, thị trấn, vùng phụ cận...Thực hiện phòng không nhân dân bằng xây dựng làng chiến đấu, khu phố phường chiến đấu, công sự chống địch phản kích.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, binh địch vận và kinh tế...

Chỉ thị cũng nêu rõ muốn hoàn thành được những nhiệm vụ trên, công tác chiến tranh du kích cần:

- Ra sức nâng cao chất lượng, khẩn trương nhanh chóng phát triển lực lượng bán vũ trang ở cơ sở và thị xã, thị trấn, đáp ứng kịp với yêu cầu nhiệm vụ mới.

-  Tiếp tục phát triển và củng cố về số lượng và chất lượng rộng rãi, vững chắc.

-  Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, nhất là chi bộ phải nắm chắc du kích.

- Tích cực phát triển xây dựng lực lượng du kích bí mật, biệt động ở thị xã, thị trấn. Phát triển cơ sở đến đâu phải xây dựng tự vệ vũ trang đến đó.

- Tăng cường công tác huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng cho dân quân du kích....

- Tăng cường trang bị cho du kích, tự vệ, kiên quyết trang bị súng, vũ khí chống tăng, súng bắn máy bay cho du kích, nhất là các vùng trọng điểm quanh thị xã, thị trấn...

- Đẩy mạnh củng cố các đội tự vệ cơ quan, các tổ chức thực hiện chức năng của tỉnh....

- Luôn luôn nâng cao trình độ  chỉ đạo, chỉ huy cho cán bộ quân sự, nhất là xã huyện, các đội chuyên môn...

Ngày 13-6-1969: Ban Chỉ huy chiến dịch Tỉnh ủy ra Chỉ thị "Khẩn trương tích cực tập trung cao độ hoàn thành chiến dịch sản xuất chống đói, chống bão lụt"

Nội dung cơ bản của Chỉ thị:

- Các cấp ủy, các ban, ngành, giới cần nhận thức rõ Chỉ thị của Tỉnh ủy để quán triệt tinh thần và nội dung Chỉ thị, làm cho tất cả cán bộ, đảng viên, quần chúng xác định tinh thần tập trung sức cao độ hoàn thành tốt chiến dịch trước thời hạn. Kiên quyết không để nạn đói xảy ra và thiệt hại do bão lũ gây nên.

- Phân công các ủy viên trong Ban chỉ huy chiến dịch và tất cả cán bộ các ban, ngành, giới xuống tận thôn, xã cùng các đoàn xây dựng xã, thôn kiểm tra, đôn đốc, giải quyết khó khăn về đời sống, sản xuất trước, trong và sau khi  bão lụt xảy ra. Khi có bão lụt là phải đình chỉ các cuộc họp, khẩn trương phân công cán bộ xuống tận xã, thôn để hướng dẫn quần chúng chống bão lụt.

- Thành lập đội xung kích tại tất cả các cơ quan  và xã, thôn gồm những người có sức khỏe, có tinh thần dũng cảm trong đảng viên, đoàn viên, du kích và thanh niên để cứu chữa khi có bão lụ, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.

- Ban Chỉ huy chiến dịch các cấp phân công 1 đồng chí thường trực để tập hợp nắm tình hình và báo cáo lên  cấp trên thường xuyên.

- Khẩn trương giải quyết tình trạng đói, đau, lạt và lương thực dự trữ cho quần chúng, cán bộ và chiến sĩ.

- Trong khi tiến hành Chỉ thị, cần giáo dục cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức đúng đắn về nội dung chiến dịch. Đề phòng những phần tử lợi dụng tình hình để tuyên truyền xuyên tạc làm cho quần chúng hoang mang.

Ngày 30-6-1970: H550([2]) ra Chỉ thị chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tập trung sản xuất và bảo vệ hoa màu chính

Ngày 30-6-1970, H550 ra Chỉ thị số 57/VP chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tập trung sản xuất và bảo vệ hoa màu chính kịp thời vụ; đồng thời hướng dẫn chỉ tiêu, kỹ thuật trồng, bảo vệ hoa màu cho các đơn vị. Chỉ thị yêu cầu:

 - Tập trung chỉ đạo thực hiện cho được một đợt trồng mì tháng 7 xen trong rẫy lúa, nhổ cỏ đến đâu trồng đến đó. Phải chú ý vấn đề kỹ thuật, mật độ cây trồng cách nhau từ 1,2m đến 1,5 m. Chọn hom mì tốt (to và dài từ 18 đến 20 phân), đảm bảo mỗi hom mọc từ 2 đến 3 mầm. Khi mì lên cao hơn lúa thì tỉa lá để không ảnh hưởng khi lúa trỗ.

- Tập trung chỉ đạo đợt cao điểm trồng chuối nước, lang trì từ ngày 1/7 đến 30/8 đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu, bù cho những loại chất bột còn thiếu. Đặc biệt chú ý những nơi lâu nay chưa trồng chuối nước, lang phổ biến thì đợt này các huyện cần có kế hoạch tổ chức vận chuyển điều hòa giống đảm bảo trồng 1000 bụi chuối nước và lang.

- Phát động một phong trào bảo vệ hoa màu rầm rộ đều khắp trong nhân dân, cán bộ, bộ đội, cơ quan nhằm 4 vấn đề lớn:

+ Tập trung nhân lực diệt cỏ, giải phóng toàn bộ diện tích trồng tỉa.

+ Trực chiến bắn máy bay.

+ Phát dọn cỏ tranh và rào rẫy chống thú rừng, heo bò phá hoại.

+ Giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ hoa màu, tiết kiệm lương thực. Hết sức hạn chế việc phá hoa màu non. Cắt cử người bảo vệ nghiêm ngặt.

- Tiến hành tổng kết vụ mùa để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất trong năm. Rút ra nguyên nhân, những kinh nghiệm để chỉ đạo sản xuất trong năm tới. Trên cơ sở đó để bình bầu khen thưởng và chọn người ưu tú kết nạp vào Đảng. Phải tiến hành tổng kết ở tổ, ở xã và huyện trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến 15/8 và tổng kết ở tỉnh ngày 25/8/1970.

Tháng 6-1970: Thành lập Khu Yên Thế

Do yêu cầu chỉ đạo phong trào vùng căn cứ, tháng 6-1970 Khu uỷ 5 quyết định thành lập khu Yên Thế gồm phần đất hai huyện 30 và 40, trực thuộc hệ chỉ đạo chung của Khu A.

Ban cán sự khu Yên Thế có 7 đồng chí, do đồng chí Lê Tiễn (Bằng) làm Bí thư. Ban cán sự Khu Yên Thế dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu uỷ 5 và phối hợp với Tỉnh uỷ Kon Tum trong công tác lãnh đạo địa bàn về mọi mặt, kể cả xây dựng khu căn cứ và bố phòng đảm bảo an toàn. 

Ngày 24-6-1975: Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh thăm tỉnh Kon Tum

Tại chuyến thăm tỉnh: Thủ tướng biểu dương nhân dân cán bộ trong tỉnh đã kiên cường chiến đấu giành thắng lợi vẻ vang.  Thủ tướng nhấn mạnh vị trí quan trọng của Tây Nguyên và chỉ ra những thuận lợi và khó khăn, nhiệm vụ của toàn đảng bộ, toàn quân và toàn dân nhằm truy quét tàn quân ngụy, trấn áp bọn phản động, chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng và xây dựng Đảng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người địa phương.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ Tướng, Tỉnh ủy phát động nhân dân các dân tộc dùng sức mạnh của quần chúng kết hợp sức mạnh của chính quyền quân quản truy quét bọn lẩn trốn, đánh lực lượng FULRO, giáo dục cải tạo ngụy quân và nhân viên ngụy quyền.

Tháng 6-1976: Các Đồn biên phòng 671, 672, 21, 23, 25 và chốt X114, xây dựng phương án chiến đấu bảo vệ khu vực

Từ sau lần gặp thứ 2 của hai quân khu (tháng 3/1976), Chính quyền tỉnh Ratanakiri - Cămpuchia di chuyển toàn bộ dân sống gần biên giới vào sâu trong nội địa (cách biên giới từ 1 đến 2 ngày đường đi bộ) và đổi tên làng. Từ tháng 6/1976 trở đi, tuyến biên giới Ratanakiri - Gia Lai - KonTum chỉ có lực lượng quân Khơ me đỏ Cămpuchia. Trong nội địa, họ tiếp tục tuyên truyền kích động hận thù giữa hai dân tộc. Ở ngoại biên Gia Lai - Kon Tum, chính quyền tỉnh Ratanakiri cử đại diện trao đổi với đại diện Gia Lai - Kom Tum. Tại cuộc gặp (Đồn 23), 2 bên xác định các điểm còn nhận thức khác nhau ở khu vực biên giới tây sông Sa Thầy, bàn biện pháp trả và nhận dân làng Sộp. Trong khi 2 bên bàn bạc, Khơ me đỏ vẫn cho lực lượng trinh sát vượt biên giới thăm dò lực lượng ta, đồng thời bí mật điều quân ra biên giới.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, Ban Chỉ huy tập trung chỉ đạo các Đồn 671, 672, 21, 23, 25 và chốt X114, xây dựng phương án chiến đấu bảo vệ khu vực, bảo vệ đồn, tăng cường tuần tra, nắm tình hình hoạt động của địch, thu nhập thông tin về đường biên giới trên thực địa, phối hợp với cấp ủy chính quyền các xã Morai, Rơ Kơi, Bờ Y tổ chức nhân dân xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, học tập các chủ trương, chỉ thị của trên về nguyên tắc, quan điểm và đối sách khi đấu tranh với Cămpuchia.

Từ ngày 26-6 đến ngày 02-7-1979: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ VII

Tại Đại hội, trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình nhiệm vụ của tỉnh trong 2 năm  qua và tiếp tục xác định phương hướng nhiệm vụ trong 2 năm tới (1979 - 1980): tập trung sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện (cả trồng trọt và chăn nuôi), chú trọng thâm canh, tăng vụ đi đôi mở rộng diện tích gieo trồng; tổ chức lại sản xuất và phát triển lực lượng sản xuất trên địa bàn huyện; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, giải quyết vấn đề lương thực và thực phẩm tại chỗ, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ đời sống nhân dân, phục vụ nông, lâm nghiệp, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, tạo thành nguồn hàng xuất khẩu...

Đại hội đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 1980 đạt 32 vạn tấn lương thực (có 50% màu), bình quân đầu người đạt 450 đến 500kg lương thực. Trồng 5000 ha các cây cà phê, cao su, chè; trồng 5000ha rừng, khai thác gỗ đạt từ 100.000 đến 150.000m3; giá trị tổng sản lượng công nghiệp, thủ công nghiệp đạt 40 triệu đồng, giá trị hàng xuất khẩu đạt 40 triệu đồng;...tiếp nhận 30.000 lao động kinh tế mới...

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khoá VII gồm 45 uỷ viên (có 4 uỷ viên dự khuyết), Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Sỹ được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Võ Trung Thành, làm phó Bí thư.

Ngày 08-6-1992: BTVTU khóa X ra Chỉ thị 01-CT/TU về quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết đại hội X Đảng bộ tỉnh

Đại hội X là một sự kiện lịch sử của Đảng bộ tỉnh Kon Tum, là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự phát triển đi lên của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Đồng chí Bí thư Đỗ Mười dự và phát biểu chỉ đạo ĐH. Để thực hiện thắng lợi NQĐH X Đảng bộ tỉnh, BTVTU Chỉ thị:

Các cấp ủy đảng phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc những quan điểm và nội dung cơ bản của các  văn kiện ĐH, tùy tình hình địa phương đơn vị cụ thể hóa NQ, xây dựng chương trình hành động của cấp mình để tổ chức thực hiện thắng lợi NQ góp phần đưa kinh tế từng bước ổn định và phát triển. Đến tháng 8-1992 phải tổ chức xong việc học tập quán triệt NQ cho cán bộ và Đảng viên, nhân dân trong toàn tỉnh. Đài, Báo Kon Tum, ngành Văn hóa thông tin, tuyên huấn mặt trận các đoàn thể, binh chủng tuyên truyền tuyên truyền rộng rãi những nội dung cơ bản của Nghị quyết và bài phát biểu của Tổng Bí thư Đỗ Mười tại ĐH X Đảng bộ tỉnh.

Ngày 30-6-1992: Ban Thường vụ tỉnh ủy ra thông tư số 01/TT-TU về việc đặt mua và sử dụng tờ báo của Đảng bộ tỉnh Kon Tum

Từ ngày phát hành (1992), qua 6 tháng hoạt động, Báo Kon Tum đã được đông đảo bạn đọc hoan ghênh và được sự giúp đỡ về nhiều mặt của các cấp các ngành với các huyện thị. Tuy vậy việc đặt mua và sử dụng báo và làm theo báo còn ít, nhiều bạn đọc có nhu cầu nhưng chưa được tiếp nhận báo thường xuyên, có cơ quan, đơn vị và cá nhân nhận thức chưa đúng về vai trò, nhiệm vụ của tờ báo Đảng bộ tỉnh. Để báo Kon Tum đến với mọi người, mọi cơ quan trong toàn tỉnh, Ban thường tỉnh ủy lưu ý.

- Các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang cần tạo môi trường và điều kiện để mọi người trong cơ quan được đọc báo Đảng bộ tỉnh. Mỗi chi bộ phải có tờ báo của Đảng bộ tỉnh.

- Báo Kon Tum, Bưu điện Kon Tum cần phối hợp trong công tác tuyên truyền việc đạt mua và sử dụng Báo Kon tum.

- Báo Kon tum không ngừng cải tiến nội dụng và hình thức làm cho tờ báo hấp dẫn, phong phú, đa dạng bám sát nhiệm vụ chính trị, bám sát cuộc sống và những vấn đề quần chúng nhân dân.

Ngày 08- 6- 1996: Bộ đội Biên phòng thu 798 cây thuốc lá jet lậu qua cửa khẩu Bờ Y

Ngày 8/6/1996, tổ tuần tra Đồn  Biên phòng 677 tổ chức tuần tra từ mốc U6 đến cao điểm cao 910, đến khu vực rẫy làng Tà Ka, xã Bờ Y. Khoảng 18 giờ thì phát hiện một số đối tượng đang đi từ bên kia biên giới về Việt Nam. Tổ tuần tra tiến hành vây bắt, nhưng vì rừng rậm, trời tối, các đối tượng bỏ lại tang vật chạy trốn nên ta không bắt được người, chỉ thu được 748 cây thuốc lá nhãn hiệu Jet. Ngay sau đó, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum tiếp tục tổ chức lực lượng điều tra, xác minh, truy tìm đối tượng nhưng không bắt được. Ngày 9/7/1996, Bộ đội Biên phòng tỉnh bàn giao toàn bộ số thuốc lá đã thu được tại hiện trường cho Chi cục quản lý thị trường Kon Tum xử lý.

Ngày 16-6-1998 : Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 18-CT/TU về lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của BCT về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và chương trình hành động số 52-CTr/TU ngày 22-4-1998 của BTVTU và Quy chế thực hiện dân chủ ở xã của Chính phủ.(ban hành kèm theo Nghị định 29/1998/NĐCP), BTVTU yêu cầu :

+ Huyện thị ủy chủ động triển khai quy chế dân chủ ở xã , qua đó kiểm tra về công tác hành chính và thực hiện nội dung về dân chủ cấp xã.

+ Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết TỈnh ủy khóa XI về củng cos xây dựng hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn.

+ Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động tàon dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư gắn  với nội dung xây dựng cộng đồng dân cư thôn, làng được quy định trong quy chế thực hiện dân chủ ở xã.

+ Thường xuyên tổ chức triển khai thực hiện QCDCCS.

Ngày 21-6-1999: Tỉnh uỷ tổ chức hưởng ứng cuộc vận động  xây dựng chỉnh đốn Đảng trên địa bàn

Tiểu ban 6(2)giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện cuộc vận động được thành lập ngày 02-7-1999 gồm 12 đ/c (7 uỷ viên Ban thường vụ và 5 uỷ viên Ban chấp hành). Đồng chí Phó bí thư thường trực là thường trực tiểu ban, Đồng chí Bí thư trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tiểu ban. Ngay sau khi được thành lập, tiểu ban đã tiến hành xem xét, khảo sát, nắm bắt kỹ tình hình ở cơ sở để chuẩn bị cho việc triển khai các bước của cuộc vận động. Tháng 10-1999, một bộ phận gồm 7 đ/c Đảng viên có trình độ và bản lĩnh chính trị giúp việc cho Tiểu ban giúp Ban thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo, kiểm tra tổ chức thực hiện NQTW 6 (lần 2) được hình thành. Tiểu ban đã giúp cấp uỷ gợi ý cho các cấp uỷ, các ban cán sự và các đồng chí lãnh đạo từng vấn đề cụ thể cần giải trình làm rõ và xây dựng chương trình khắc phục sửa chữa khuyết điểm trong thời gian tới một cách chất lượng, hiệu quả.

+ Dự thảo báo cáo kiểm điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ được xây dựng và gửi lấy ý kiến của Ban thường vụ các huyện, thị uỷ, các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc lần thứ nhất vào 18-6-1999. Thường trực Tỉnh uỷ và các Ban xây dựng Đảng (Văn phòng Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Uỷ ban kiểm tra) tiếp thu ý kiến góp ý, tu chỉnh và trình tập thể Ban Thường vụ ngày 26-7-1999. Sau khi Ban Thường vụ có ý kiến, Các ban xây dựng đảng lại tiếp tục tu chỉnh lấy ý kiến đóng góp của các huyện, thị uỷ, các ban, ban cán sự đảng và đảng, đoàn lần thứ 2.  Đến 23-8-1999, Thường trực Tỉnh uỷ và các Ban xây dựng Đảng đã hoàn chỉnh kiểm điểm trình Bộ chính trị vào ngaỳ 25-8-1999.

+ Ngày 27 và 28-10-1999, Ban thường vụ Tỉnh uỷ họp để kiểm điểm tập thể. Bộ chính trị cử đồng chí Phạm Văn Trà, Uỷ viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ quốc phòng làm trưởng đoàn công tác của Trung ương về dự và chỉ đạo hội nghị kiểm điểm, kết quả kiểm điểm trước đoàn trung ương đánh giá nghiêm túc.

+ Tỉnh uỷ chỉ đạo chọn 3 đơn vị làm điểm trong đợt 1 của cuộc vận động là Thị uỷ Kon Tum, Ban cán sự đảng Sở Địa chính, Ban cán sự đảng Sở Văn hoá thông tin. Đến 31-01-2000, cả 3 đơn vị đã hoàn thành việc kiểm điểm. Qua việc chỉ đạo làm điểm này, Tỉnh uỷ đã rút kinh nghiệm cho việc tiến hành bước 2 cuộc vận động.

Ngày 23- 24/6/2000: Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh A TôPư (Lào) đến thăm và làm việc với tỉnh ta

Ngày 23, 24/6/2000: Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã tiếp và làm việc với đoàn đại biểu cấp cao tỉnh A TôPư (Lào) do đồng chí Khăm cợt Vênh Khăm, Uỷ viên trung ương Đảng thân cách mạng Lào, Bí thư kiêm Tỉnh trưởng đến thăm và làm việc với tỉnh ta.

* Chiều ngày 23/6: Đồng chí Sô lây Tăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Y Vênh, Chủ tịch UBND tỉnh đã nồng nhiệt tiếp đoàn tại trạm phúc kiểm lâm sản Sao Mai (cửa ngỏ vào thị xã Kon Tum).

* Ngày 24/6: Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh ta do đồng chí Y Vêng dẫn đầu đã có buổi làm việc chính thức với đoàn đại biểu cấp cao A TôPư do đồng chí Khăm cợt Vênh Khăm dẫn đầu.

Hai tỉnh đã đánh giá cao tinh thần đoàn kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh biên giới giữa 2 tỉnh như thúc đẩy tiến độ triển khai dự án phát triển kinh tế thương mại xã hội cửa khẩu Bờ Y- Giang Dơn, phối hợp tuần tra đường biên, kiểm tra mốc giới… Đặc biệt tỉnh ta đã giới thiệu và tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp có năng lực hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tham gia hội chợ thượng mại nhân tết cổ truyền Lào, hoàn thành chương trình đào tạo cho lưu học sinh và cử chuyên gia kỹ thuật giúp bạn về trồng trọt, chăn nuôi…

Hai bên cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục: Như việc quản lý công nhân của một số doanh nghiệp còn lỏng lẻo, tiến độ chuẩn bị khởi công đường 40 (Việt Nam) đường 18 (Lào) còn chậm.

Để nâng cao hiệu quả hợp tác, hai bên đã ký kết với nhau nhiều mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, như: Thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến quốc lộ 40 (Việt Nam), 18 (Lào); xúc tiến tổ chức hội thảo về phát triển kinh tế khu vực biên giới 4 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum (Việt Nam), A TôPư (Lào), RataNakiri (CămPuChia); đưa công nhân Việt Nam sang đầu tư phát triển nông nghiệp; tăng cường tuần tra bảo vệ biên giới; tạo điều kiện cho các sở, ban ngành 2 tỉnh củng cố quan hệ hợp tác phát triển các lĩnh vực giáo dục, Y tế, văn hoá thông tin...

Về những vấn đề quan trọng, 2 bên xin ý kiến Chính phủ 2 nước và giao cho các sở ngành thống nhất trình hai tỉnh quyết định trước khi thực hiện.

Ngày 03-6-2003: Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh khóa V (nhiệm kỳ 2003-2008).

Có 165 đại biểu thay mặt cho hơn 40.000 hội viên nông dân về dự. Đồng chí Nguyễn Hữu Mai, PCT Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Trần Anh Linh, Phó bí thư Tỉnh ủy dự và chỉ đạo Đại hội.

Đại hội đã bầu BCH Hội Nông dân tỉnh khóa V (nhiệm kỳ 2003-2008) với 22 ủy viên, có 5 đ/c UVTV. Đồng chí Trương Văn Thanh, TUV được bầu lại làm chủ tịch. Đại hộiBầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Hội Nông dân Việt Nam gồm 12 người.

Ngày 17&18/6/2004: Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sê Kông (CHDCND Lào) thăm và làm việc tại tỉnh ta

Ngày 17&18/06/2004, Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sê Kông (CHDCND Lào) do đồng chí Bun Lơi-Chăn Lăng Khăm,Bí Thư-Tỉnh trưởng làm Trưởng đoàn thăm và làm việc tại tỉnh ta.Đồng chí Y Vêng và đồng chí Hà Ban,Hoàng Văn Lâm tiếp và làm việc với đoàn.

Hai bên thống nhất một số nội dung như sau:Tiếp tục thực hiện Biên bản làm việc giữa Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh KonTum với Đoàn đại biểu cấp cao Sê Kông ký ngày 13-02-2003 tại Sê Kông liên quan đến cửa khẩu phụ ĐakBa-ĐăkBlô; vận động nhân dân 2 bên thực hiện tốt Qui chế Biên giới; đề nghị tỉnh Kon Tum giúp SêKông xây dựng qui hoạch tổng thể kinh tế xã hội,qui hoạch ngành và hỗ trợ cây,con giống.Trong thời gian ở thăm Đoàn được đồng chí Nguyễn Thanh Cao Bí Thư Tỉnh uỷ tiếp,thăm Xí nghiệp Đức Nhân, công trình thuỷ lợi PleiKrông.

Từ ngày 15-5 đến ngày 29-6-2005: Xảy ra dịch nhiễm trùng hô hấp cấp trên địa bàn xã Măng Ri

Dịch làm 496/798 số lượt ngưòi phải đến khám ( chiếm tỷ lệ 63% ) mắc bệnh đương hô hấp cấp,trong đó có 196 trẻ em dưới 5 tuổi ( chiếm tỷ lệ 39,5 % ) và đã có 6 trường hợp tử vong.Dịch tập trung ở 2 làng Long Hy 2 và Chum Tam.

Măng Ri là xã vùng sâu,vùng xa của huyện ĐakTô có 1487 khẩu,gần 100% đồng bào Sê Đăng,có 294 trẻ em ( có 73 trẻ dưới 1 tuổi,131 trẻ dưới 5 tuổi)

Đây là bài học kinh nghiệm mà Sở Y tế cần lưu ý trong công tác chỉ đạo và quản lý ngành từ trung tâm y tế xã cho đến Phòng Khám đa khoa khu vực Tu Mơ Rông và Trung tâm Y tế huyện Đak Tô.

Trước tình hình đó,UBND tỉnh có Công văn số 1037 ngày 04/07/2005 chỉ đạo các ngành,địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch nhiễm trùng hô hấp cấp.

Ngày 09-6-2005:Chính phủ ra Nghị định thành lập huyện Tu Mơ Rông

Ngày 09-6-2005,Chính phủ ra Nghị định số 76/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã thuộc huyện đăk Tô và điều chỉnh địa giới hành chính huyện Đăk Tô để thành lập huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

1. Thành lập xã Đăk Rơ Nga thuộc huyện Đăk Tô trên cơ sở diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Ngok Tụ.

2. Thành lập xã Đăk Trăm tuộc huyện Đăk Tô trên cơ sở diện tích tự nhiêm và nhân khẩu của xã Văn Lem.

3. Thành lập xã Đăk Rơ Ông thuộc huyện Đăk Tô trên cơ sở diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Đăk Tờ Kan

4. Thành lập huyện Tu Mơ Rông trên cơ sở diện tích tự nhiện và nhân khẩu của huyện Đăk Tô.

Sau khi thành lập, huyện Tu Mơ Rông có 11 xã, gồm: Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Măng Ri, Ngok Lây, Tê Xăng, Văn Xuôi, Ngok Yêu, Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông, Đăk Na, Đăk Sao.

Huyện Đăk Tô có 08 xã và 01 thị trấn, gồm: Diên Bình, Tân Cảnh, Kon Đào, Ngok Tụ, Đăk Rơ Nga, Văn Lem, Đăk Trăm, Pô Kô và thị trấn Đăk Tô.

Ngày 13-6-2005: Ban Công tác đặc biệt tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm công tác khảo sát,tìm kiếm,cất bốc hồi hương hài cốt liệt sỹ và chuyên gia VN hy sinh tại Lào (mùa khô 1994-1995 đến mùa khô 2004-2005 ).

Đồng chí Trần Anh Linh,PBTTTTU-CT HĐND tỉnh;Y Mửi.PCT UBND tỉnh; đại diện Ban Công tác đặc biệt của Chính phủ,Bộ Quốc phòng,Quân khu 5;3 tỉnh Nam Lào: AtôPơ,SêKông,ChămPaXắc

Trong 10 năm qua, Ban Công tác đặc biệt tỉnh mà trực tiếp là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở LĐ-TBXH và một số ngành hữu quan cùng với sự giúp đỡ củ Đảng bộ, nhân dân các bộ tộc Lào đã phát hiện 1150 khu vực có mộ liệt sỹ, khai quật được 1.044 mộ,trong đó có 665 mộ có hài cốt liệt sỹ,122 mộ có tên và quê quán. Đồng thời BCTĐB đã tổ chức lễ tiễn, lễ đón,l ễ viếng, truy điêụ và an táng hài cốt liệt sỹ chu đáo, trang nghiêm đúng nghi thức.

Ngày 13-6-2005: UBND tỉnh tổ chức lễ thông quan cửa khẩu phụ ĐakBlô ( KonTum-Việt Nam )-ĐakBar (SêKông-Lào).

Tham dự buổi lễ về phía KonTum có đồng chí Hà Ban,CT UBND tỉnh,các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ,HĐND-UBND,các sở ngành trong tỉnh.Về phía SêKông có đồng chí Bua Lơi-Chanh Lăng Khăm,tỉnh trưởng,Vănxat-XayXêNa,Phó lãnh sự-lãnh sự quán Lào tại VN và đoàn đại biểu cấp cao tỉnh SêKông.

Việc mở cửa khẩu phụ tạo điều kiện cho nhân dân 2 bên biên giới qua lại giao lưu kinh tế,văn hoá và phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của 2 tỉnh,tăng cường bảo vệ an ninh biên giới và thắt chặc hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước.

Ngày 20-6-2006: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định công nhận Di tích lịch sử cách mạng chiến thắng Đăk Pét

Ngày 20-6-2006, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2006/QĐ-UBND công nhận Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Pét thuộc xã Đăk pét, huyện Đăk Glei là Di tích lịch sử cách mạng.

Ngày 20-6-2006: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định công nhận Di tích lịch sử cách mạng chiến thắng Măng Bút

Ngày 20-6-2006, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2006/QĐ-UBND công nhận Di tích lịch sử chiến thắng Măng Bút thuộc Xã Măng Bút, Huyện Kon Plông là Di tích lịch sử cách mạng.

Ngày 14-6-2007: BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII ra Nghị quyết số 04-NQ/TU về đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biêt khó khăn

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện NQ01-NQ/TU, ngày 25-5-1998 của Tỉnh ủy khóa XI, kế thừa, phát huy những kết quả đạt được và bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với tyình hình phát triển KT-XH địa bàn, BCH Đảng bộ tỉnh khhóa XIII, tại HN lần thứ sáu đã đề ra NQ04-NQ/TU.

+ Phát huy khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, tinh thần tự lực, tự cường, sang tạo nổ lực vươn lên của cán bộ Đảng viên và nhân dân địa phương nhằm nhanh chóng đưa các thôn, làng đặc biệt khó khăn phát triển vươn lên.

Tập trung đầu tư đồng bộ, quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xác định cấp xã là cấp trực tiếp tổ chức thực hiện; cơ quan đơn vị kết nghĩa xã  có trách nhiệm cung cấp thông tin, vân động hướng dẫn, giúp đõ các huyện,thị xã trực tiếp chỉ đạo, thống nhất điều hành, chủ đọng phối hợp, đôn đốc kiểm tra.

- Phấn đấu đến nnăm 2010 giảm 50% và đến 2015 giảm 100% số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; đến năm 2010 có hơn 70% và đến năm 2015 có 100% số thôn, làng cơ bản đạt tiêu chuẩn thôn, làng no đủ- vững mạnh- an toàn.

- Kiện toàn BCĐ thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy ở các cấp, theo hướng  một đồng chí trong thường trực cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo kiêm nhiệm, bố trí một cán bộ chuyên trách, văn phòng cấp ủy huyện làm cơ quan thường trực BCĐ; ở tỉnh do đồng chí Phó Bí thư TỈnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo, có một số đồng chí phó ban chuyên trách, có bộ phận chuyên trách giúp việc từ 7-9 người.

Ngày 09-6-2008: Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2008/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc các huyện Sa Thầy, Đăk Tô và thị xã Kon Tum

Theo Nghị định này, thành lập xã Đăk Năng, thị xã Kon Tum trên cơ sở điều chỉnh hơn 2.291 ha diện tích tự nhiên và 3.210 nhân khẩu của xã Ya Chim. Điều chỉnh 380 ha diện tích tự nhiên của xã Pô Kô, huyện Đăk Tô và 546 nhân khẩu của xã Sa Bình được điều chỉnh về xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy quản lý. Điều chỉnh 520 ha diện tích tự nhiên, 726 khẩu của xã Pô Kô và 72 ha diện tích tự nhiên, 1.263 nhân khẩu của xã Diên Bình về thị trấn Đăk Tô; Điều chỉnh 1.190 ha diện tích tự nhiên và 654 nhân khẩu của xã Pô Kô về xã Diên Bình, huyện Đăk Tô quản lý. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thị xã Kon Tum có 43.298, 15 ha diện tích tự nhiên và 134.358 nhân khẩu, có 21 đơn vị hành chính trực thuộc. Huyện Đăk Tô có 50.640, 47 ha diện tích tự nhiên và 36.965 nhân khẩu, có 9 đơn vị hành chính trực thuộc. Huyện Sa Thầy có 241.535, 52 ha diện tích tự nhiên và 35.741 nhân khẩu, có 11 đơn vị hành chính trực thuộc.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính:

Thị xã Kon Tum có 43.298, 15 ha diện tích tự nhiên và 134.358 nhân khẩu, có 21 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: Duy Tân, Quang Trung, Ngô Mây, Trường Chinh, Thắng Lợi, Thống Nhất, Quyết Thắng, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi và các xã: Đắk Cấm, Đắk Blà, Chư Hreng, Đắk Rơ Wa, Hoà Bình, Đoàn Kết, Ia Chim, Vinh Quang, Kroong, Ngọk Bay và Đăk Năng.

Ngày 01-6-2009: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định công nhận Di tích lịch sử cách mạng chiến thắng Kon Praih

Ngày 01-6-2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 198/QĐ-CTUBND công nhận Di tích lịch sử Chiến thắng Kon Praih thuộc thôn 9, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy là di tích lịch sử cách mạng.

Ngày 01-6-2009: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định công nhận Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ huyện ủy H16

Ngày 01-6-2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 199/QĐ-CTUBND công nhận Di tích lịch sử căn cứ huyện ủy H16 thuộc xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy là di tích lịch sử cách mạng.

 


[1] Mầm mống của tổ chức này đã có từ năm 1886, khi Thống đốc Pháp ký sắc lệnh ngày 27-1-1886 để phái Pôn Be (Paul Bert) sang làm Tổng trú sứ đầu tiên, ngạch văn quan ở Bắc- Trung kỳ. Đặt Trung- Bắc kỳ trực thuộc Bộ Ngoại giao Pháp chứ không thuộc Bộ chiến tranh nữa.

[2] H550  Mật danh Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 

Trần Thị Sáu (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

CT.16.UBND

về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Lượt xem:27 | lượt tải:6

QĐ.1309.TU

về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội và thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Lượt xem:315 | lượt tải:30

QĐ.1308.TU

Thành lập các Tổ chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2025-2030.

Lượt xem:47 | lượt tải:32

TÀI LIỆU

giao ban báo chí tháng 8-2024

Lượt xem:468 | lượt tải:60

CV.2598.BTGTU

V/v hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024

Lượt xem:256 | lượt tải:129

CV.2594.BTGTU

Mời dự Hội nghị Báo cáo viên (trực tuyến) tháng 8-2024

Lượt xem:990 | lượt tải:53

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Lượt xem:230 | lượt tải:142
 
pxyk2024
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay15,346
  • Tháng hiện tại116,828
  • Tổng lượt truy cập32,779,485
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây