Nguồn gốc tên gọi Kon Tum được dịch từ tiếng dân tộc Ba na - dân tộc bản địa trên địa bàn của tỉnh Kon Tum. Theo đó, Kon có nghĩa là làng, Tum có nghĩa là hồ nước, Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ (tên của một làng người dân tộc Ba-na). Trước năm 1800 thì chưa có tên gọi Kon Tum và chưa xuất hiện làng này.
Trong quá trình thực hiện âm mưu xâm chiếm Tây Nguyên, Kon Tum là vùng đất bị thực dân Pháp đặt chân sớm nhất. Năm 1893, thực dân Pháp chính thức thành lập một Tòa hành chính đầu tiên ở tỉnh Kon Tum đặt dưới quyền cai trị của Công sứ tỉnh Áttapư (Ai Lao). Ngày 04-7-1902, thực dân Pháp quyết định cắt phần đất Kon Tum ra khỏi tỉnh Áttapư (Ai Lao), chuyển giao lại cho Việt Nam và đặt dưới quyền cai quản của Công sứ Bình Định. Ngày 25-7-1904, thực dân Pháp ra Nghị định thành lập tỉnh Plei-kou-derr. Ngày 04-7-1905, thực dân Pháp ra Nghị định xác lập ranh giới hành chính tỉnh Plei-kou-derr bao gồm vùng đất là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số Xơ-đăng, Ba-na, Gia-rai từ tỉnh Bình Định, Tỉnh lỵ đặt tại làng Pléekan Derr của dân tộc Gia-rai. Đến ngày 12-6-1907, thực dân Pháp lại ra nghị định bãi bỏ tỉnh Plei-kou-derr và đem phần đất của Kon Tum (gọi là Đại lý Kon Tum) sáp nhập trở lại tỉnh Bình Định, đồng thời thành lập Trung tâm hành chính tại Kon Tum, đặt trực thuộc quyền cai quản của Công sứ Bình Định.
Sau nhiều lần hình thành, chia tách, sáp nhập, đến ngày 09-02-1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định khôi phục lại vùng địa giới tỉnh Plei-kou-derr, đồng thời sáp nhập các Trung tâm hành chính Cheo Reo, Đăk Lăk thành một tỉnh tự trị riêng và được mang tên gọi là tỉnh Kon Tum. Như vậy, với nghị định này, tỉnh Kon Tum được thành lập bao gồm một vùng đất đai rộng lớn; lần đầu tiên Kon Tum trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh với tên gọi là tỉnh Kon Tum, đứng đầu là viên Công sứ Kon Tum.
Ngày 28-3-1917, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định cắt tổng Tân Phong và tổng An Khê thuộc cao nguyên An Khê, tỉnh Bình Định, để sáp nhập vào tỉnh Kon Tum. Đến ngày 14-11-1917, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Đại lý An Khê. Phạm vi đại lý An Khê gồm cả khu vực huyện Tân An của người Kinh và khu vực người Ba-na xung quanh đều đặt dưới quyền Công sứ Kon Tum.
Ngày 02-7-1923, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách Đại lý Đăk Lăk ra khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập lại tỉnh Đăk Lăk. Ngày 24-5-1932, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách Đại lý Pleiku ra khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập tỉnh Pleiku. Theo đó, Tỉnh Kon Tum còn lại diện tích 2/3 (khoảng 18.000km2), phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, phía Tây giáp Lào, phía Nam giáp tỉnh Pleiku (Gia Lai), phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam. Ngày 09-8-1943, Toàn quyền Đông Dương tiếp tục ra Nghị định tách Đại lý An Khê ra khỏi tỉnh Kon Tum để sáp nhập vào tỉnh Pleiku.
Tháng 6-1946, thực dân Pháp đánh chiếm Kon Tum lần thứ 2. Trong âm mưu chia cắt và chiếm đóng lâu dài Kon Tum, từ giai đoạn 1946 đến 1954, trên vùng đất Kon Tum chịu sự tác động quản lý hành chính của hai chủ thể đó là thực dân Pháp và chính quyền cách mạng.
Ngày 27-5-1946, thực dân Pháp thành lập Ủy phủ Liên bang phụ trách các dân tộc sơn cước miền Nam Đông Dương gồm các tỉnh Kon Tum, Đăk Lăk, Đồng Nai Thượng, Lâm Viên, Pleiku. Trụ sở Ủy phủ Liên bang đặt tại Buôn Ma thuột. Ngày 25-7-1950, theo Sắc lệnh của chính quyền bù nhìn Bảo Đại, các tỉnh Kon Tum, Pleiku, Đăk Lăk, Đồng Nai Thượng, Lâm Viên hợp thành một địa phận hành chính gọi là Cao nguyên miền Nam thuộc Hoàng Triều Cương Thổ dưới quyền một ủy viên Đức Quốc Trưởng.
Về phía cách mạng, ngày 15-4-1950, theo yêu cầu phát triển của cách mạng chiến trường Bắc Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định sáp nhập hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai thành một đơn vị kháng chiến hành chính lấy tên là liên tỉnh Gia Lai-Kon Tum (gọi tắt là tỉnh Gia - Kon). Tháng 10-1951, Liên khu ủy 5 quyết định chia khu vực tỉnh Kon Tum cũ và 4 huyện miền Tây tỉnh Quảng Ngãi gồm Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà thành một đơn vị lấy tên là Mặt trận Miền Tây (Mặt trận 30). Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, tháng 8-1954 tỉnh Gia-Kon được chia tách lại thành hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Mặt trận Miền Tây cũng được giải thể. Tỉnh Kon Tum trở thành một đơn vị hành chính độc lập.
Tháng 7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, theo tinh thần nội dung Hiệp định, tỉnh Kon Tum tạm thời giao cho chính quyền miền Nam quản lý để chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Thời kỳ đầu thực dân Pháp tiếp quản. Đến năm 1955, Mỹ gạt Pháp, dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tiếp tục thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam.
Ngày 24-10-1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ra Sắc lệnh số 147a/NV, sáp nhập Cao Nguyên miền Nam cũ với Trung Việt cũ thành Trung phần, gồm có 2 miền: Cao Nguyên Trung Phần và Trung nguyên Trung Phần. Theo đó, tỉnh Kon Tum thuộc Cao Nguyên Trung Phần.
Ngày 11-7-1958, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ra Nghị định số 369/NV, ấn định lại ranh giới giữa hai tỉnh Kon Tum và Pleiku: cắt một phần đất về phía Nam đường ranh giới của tỉnh Kon Tum sáp nhập vào địa bàn tỉnh Pleiku. Theo đó, quận Kon Tum đã giao lại cho quận Lệ Trung (tỉnh Pleiku). Ngày 09-9-1959, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ra Sắc lệnh số 234-NV, thành lập một quận mới gọi là quận Chương Nghĩa, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Quận Chương Nghĩa bao gồm phần đất của quận Kon Plông, thuộc tỉnh Kon Tum. Ngày 11-9-1959, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ra Sắc lệnh số 236-NV, cắt một phần đất thuộc tỉnh Kon Tum sáp nhập vào quận Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Phần đất được cắt từ tỉnh Kon Tum chia làm hai xã: xã Hà Dung và xã Hà Liên đặt trong phạm vị kiểm soát của cơ sở Hành chính Cư Nhơn, trực thuộc quận Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 19-12-1964, Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà ra Sắc lệnh số 362-NV, sáp nhập quận Chương Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vào tỉnh Kon Tum.
Về phía chính quyền cách mạng, do yêu cầu chỉ đạo phong trào cách mạng vùng căn cứ, tháng 11-1970, Khu uỷ V quyết định thành lập Khu Yên Thế gồm phần lớn đất hai huyện 30 và 40 của tỉnh Kon Tum, đặt trực thuộc hệ chỉ đạo chung của Khu A (Khu ủy 5). Tháng 4-1972, với chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, ta giải phóng vùng đất đai rộng lớn ở khu vực phía Bắc tỉnh. Để phù hợp với tình hình mới, tháng 7-1972, Khu uỷ V quyết định chuyển Khu Yên Thế trở lại Kon Tum và đặt trực thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh Kon Tum.
Sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 29-10-1975, Uỷ ban Nhân dân cách mạng Khu Trung Trung bộ ra Quyết định sáp nhập hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Tỉnh lỵ đặt tại Thị xã Pleiku.
Sau 15 năm sáp nhập, tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã đạt được những thành quả nhất định về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng. Tuy nhiên, diện tích của tỉnh quá rộng, lại có đường biên giới chung với hai nước Lào và Campuchia dài và rất phức tạp, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn... Do đó, ngày 12-8-1991, Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 9 ra Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, tỉnh Gia Lai-Kon Tum được chia thành 2 tỉnh lấy tên là tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai.
Tỉnh Kon Tum sau khi thành lập lại có 5 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Thị xã Kon Tum và 4 huyện Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy và Kon Plông. Tỉnh lỵ đóng tại thị xã Kon Tum. Từ đó đến nay, địa giới và tên gọi của các đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Kon Tum có nhiều thay đổi do quá trình chia tách, sáp nhập, thành lập và điều chỉnh. Tuy nhiên, tên gọi và địa giới của tỉnh Kon Tum vẫn không thay đổi. Hiện nay, tỉnh Kon Tum có diện tích 9.690,46 km2; phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Tây giáp các tỉnh Attapư, Sê Kông (nước CHDCND Lào) và tỉnh Ra-ta-na-ki-ri (Vương quốc Campuchia).
Bài, ảnh: Ngô Đức Hải