Cùng với khí thế Cách mạng tháng Tám sôi sục trong cả nước, ngày 25/8/ 1945, khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lị Kon Tum đã thắng lợi. Cùng với việc thành lập chính quyền cách mạng, LLVT Tỉnh đã ra đời để bảo vệ chính quyền non trẻ; lúc đầu gọi là Đội Giải phóng quân do đồng chí Võ Văn Dật chỉ huy. Đây chính là đơn vị tiền thân của LLVT tỉnh; qua nhiều lần hội thảo và được cấp trên công nhận ngày 25/8/1945 trở thành ngày truyền thống của LLVT tỉnh Kon Tum.
Tháng 9/1945, Uỷ ban kháng chiến đã tăng cường cho Kon Tum hai đồng chí nguyên là lãnh đạo du kích Ba Tơ để huấn luyện quân sự và LLVT Tỉnh được biên chế thành hai phân đội để tập luyện. Tiếp đến, tháng 10/1945, trường Quân chính Tây Sơn (Hà Nội) cử thêm hai đồng chí Nguyễn Ích và Trần Độ làm cán bộ huấn luyện cho LLVT tỉnh Kon Tum.
Tháng 12/1945, thành lập chi đội Tây Sơn (tương đương cấp trung đoàn), biên chế thành 3 phân đội (mỗi phân đội tương đương một tiểu đoàn); phân đội Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai; phân đội Nguyễn Lữ đứng chân trên địa bàn tỉnh Kon Tum, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Khi thực dân Pháp tổ chức lực lượng đánh chiếm lại Kon Tum, bộ máy chính quyền của tỉnh rút về Ba Tơ lập căn cứ kháng chiến lâu dài. Tháng 7/1946 Xứ uỷ Trung Kỳ và Phân ban vận động quốc dân thiểu số Nam Trung Bộ quyết định thành lập các đội vũ trang công tác. Tại Kon Tum có 2 đội, đội thứ nhất hoạt động ở vùng Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Soáp, xã Đoàn thuộc huyện Đăk Glei; đội thứ hai hoạt động ở vùng Đăk Tô, Kon Plong.
Đầu 1947, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của tình hình cách mạng trên địa bàn tỉnh, khu căn cứ Mường Hoong thuộc huyện Đăk Glei ra đời, hơn 100 làng xây dựng được chính quyền cách mạng. Tại căn cứ, 1 đại đội bộ binh được thành lập với hơn 80 cán bộ chiến sỹ, hầu hết là con em nhân dân các dân tộc ở địa phương, lấy phiên hiệu là Đại đội 202; Đại đội 202 vừa xây dựng tổ chức vừa xây dựng căn cứ cách mạng vững chắc, ngăn chặn và đánh bại nhiều trận càn quét, lấn chiếm của địch.
Trong giai đoạn này cùng với các đơn vị vũ trang tập trung và du kích địa phương, các đội vũ trang công tác cũng lần lượt ra đời và hoạt động ở khu vực giáp ranh giữa các huyện Kon Plông, Đăk Tô và phía Tây hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, dọc quốc lộ 24, phối hợp cùng du kích địa phương bao vây cứ điểm Kon Plông, gây cho địch nhiều tổn thất.
Trước yêu cầu đòi hỏi của cách mạng, tháng 6/1948, Tỉnh đội Kon Tum được thành lập, do đồng chí Vân Sơn làm Tỉnh đội trưởng và thành lập huyện đội ở các huyện Đăk Glei, Kon Plông. Sau khi thành lập, Tỉnh đội Kon Tum liên tục mở các khoá huấn luyện quân sự ngắn ngày cho cán bộ chỉ huy dân quân du kích. Sự ra đời của Ban chỉ huy quân sự tỉnh và các huyện đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT Tỉnh. Từ đây LLVT Tỉnh bước sang một giai đoạn mới, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Ban chỉ huy quân sự tỉnh.
Chín năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), LLVT tỉnh vừa xây dựng vừa chiến đấu và ngày một lớn mạnh, phát triển đều khắp tất cả các huyện. Cùng với bộ đội chủ lực, LLVT tỉnh đã dũng cảm, kiên cường, khắc phục mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã tham gia phối hợp với lực lượng cấp trên và trực tiếp đánh 218 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên địch, thu 1.500 súng các loại, phá huỷ hàng trăm xe và phương tiện chiến tranh của địch.
Hiệp định Giơnevơ ký kết, miền Bắc được giải phóng, thực hiện các điều khoản của Hiệp định, LLVT Tỉnh cùng với các lực lượng khác lên đường ra Bắc tập kết. Pháp chưa rút hết quân về nước, Mỹ đã nhảy vào hất cẳng Pháp xâm lược miền Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bắt đầu.
Để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang đánh thắng giặc Mỹ và bè lũ tay sai, ngoài lực lượng tại chỗ và lực lượng tập kết ra Bắc trở lại chiến trường, Kon Tum còn đón con em miền Bắc vào và ở đồng bằng lên xây dựng các đơn vị bộ đội địa phương. Ngày 10/9/1959, đoàn cán bộ quân sự tập kết ra Bắc trở lại chiến trường Kon Tum gồm 24 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Bá Trình làm trưởng đoàn, dừng chân ở làng Nước Kua (H29). Sau một thời gian tuyển chọn, huấn luyện, ngày 01/10/1959, một trung đội bộ đội tập trung của tỉnh được thành lập tại làng Nước Chè (H29) quân số 64 đồng chí là con em nhân dân các dân tộc địa phương do đồng chí Huỳnh Văn Mẫn chỉ huy.
Tháng 5/1960 tỉnh thành lập Trường quân chính để đào tạo bồi dưỡng cán bộ trung đội, tiểu đội, xã đội đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng.
Giữa năm 1961, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ và Ban quân sự tỉnh, Tỉnh đội và các Huyện đội được tái lập, đồng chí Nguyễn Trọng Đàm làm Tỉnh đội trưởng, đồng chí Nguyễn Bá Trình làm Chính trị viên.
Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và Quân khu, đến tháng 10/1961 LLVT Tỉnh đã phát triển được 4 Đại đội tập trung gồm 3 đại đội bộ binh: Đại đội 130 hoạt động ở huyện H40 (Đăk Glei); Đại đội 131 và 132 hoạt động ở xã Đăk Ly - H29 (Kon Plông) và Đại đội đặc công C.K.O hoạt động ở xã Rờ Kơi - H67 (Sa Thầy). Ở các huyện đều thành lập được một trung đội bộ đội tập trung, riêng hai huyện H67 và H40 mỗi huyện 2 trung đội.
Giai đoạn 1961 - 1964: LLVT tỉnh tham gia chiến đấu cùng nhân dân góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chính sách dồn dân lập “Ấp chiến lược” của địch tại Kon Tum. Đến cuối năm 1964, LLVT tỉnh đã xây dựng được 8 đại đội bộ đội tập trung.
Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị thất bại, Mỹ - nguỵ đã dồn sức tập trung mọi lực lượng (
gồm Lữ đoàn không vận số 1, Lữ dù 101, Lữ dù 173 Mỹ; Lữ đoàn quân chư hầu Hàn Quốc; sư đoàn 22 và các lực lượng khác của quân nguỵ...), xây dựng nhiều căn cứ quân sự lớn ở Kon Tum, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn thâm độc để thực thi các mục tiêu của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, vì vậy cuộc đọ sức giữa ta và địch ở Kon Tum vô cùng ác liệt.
Để đáp ứng yêu cầu đánh tiêu diệt các lực lượng địch,
ngày 18/5/1965, Tiểu đoàn bộ binh 304 được thành lập gồm 4 đại đội, quân số hơn 300 cán bộ, chiến sỹ. Để tăng cường lực lượng đánh địch ngay trong trung tâm đầu não, sào huyệt và các căn cứ của chúng, tháng 4/1967,
Tiểu đoàn Đặc công 406 của tỉnh được thành lập, gồm 3 đại đội, quân số hơn 180 cán bộ, chiến sỹ.
Cùng với bộ đội chủ lực, LLVT Tỉnh lần lượt đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967 của Mỹ - Nguỵ trên địa bàn Kon Tum. Đặc biệt là LLVT Tỉnh đã phối hợp với Chủ lực Mặt trận Tây Nguyên mở các chiến dịch Sa Thầy I (10/1966), Sa Thầy II (1967), Đăk Tô - Tân Cảnh (11/1967).
Hoà chung với cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968 trên toàn miền Nam, LLVT Tỉnh đồng loạt tấn công vào thị xã Kon Tum, Đăk Tô - Tân Cảnh, đánh chiếm hầu hết các mục tiêu chủ yếu, tạo được thế tiến công áp đảo kẻ thù, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng.
Bước sang năm 1970, Mỹ rút toàn bộ lực lượng về đồng bằng, tăng cường quân nguỵ, lực lượng bảo an, dân vệ, biệt kích, cộng hoà ra chốt chặn ở các nút giao thông, các khu vực trọng yếu thị xã, thị trấn và tiến hành càn quét, lấn chiến vùng tự do. Xuân hè 1970, cùng với chủ lực Tây Nguyên, LLVT Tỉnh liên tục tổ chức đánh giao thông; phối hợp với Trung đoàn 28, 40 bao vây trung tâm huấn luyện đặc biệt ở Đăk Siêng, tiêu diệt 2 tiểu đoàn; phối hợp với Trung đoàn 66 diệt tiểu đoàn biệt động 23, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 22 biệt động và tiểu đoàn biệt kích 1 ở phía bắc Đăk Siêng.
Tuy nhiên, cuối những năm 1970 và cả năm 1971, chúng tiếp tục tăng cường lực lượng thực hiện chương trình "bình định đặc biệt". Phối hợp với lực lượng chủ lực đứng chân trên địa bàn, LLVT Tỉnh tăng cường hoạt động, ngăn chặn và lần lượt đánh bại các cuộc càn quét, bình định của địch. Trong tháng 3/1971, Tiểu đoàn Đặc công 406 và Tiểu đoàn bộ binh 304 liên tục tập kích ấp Tri Lễ, căn cứ Đăk Tô, phục kích địch trên đường Quốc lộ 14 và 18, phá huỷ 73 xe quân sự, 23 khẩu pháo, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên địch.
Bước sang năm 1972, tình hình cách mạng miền Nam có nhiều chuyển biến tích cực, ta chủ động và liên tục tấn công, địch dần dần rơi vào thế bị động, lúng túng. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định mở chiến dịch tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, để phối hợp với chủ lực Quân khu và chủ lực Mặt trận Tây Nguyên đứng chân trên địa bàn mở chiến dịch Xuân - Hè 1972, Tỉnh đội huy động tất cả lực lượng gồm: Tiểu đoàn Đặc công 406, Tiểu đoàn bộ binh 304; 1 đại đội công binh, 1 đại đội cối 81-ĐKZ, 6 đại đội huyện, 1.500 du kích chuẩn bị mọi mặt tham gia chiến dịch.
Đêm ngày 23 rạng 24/4/1972, Sư đoàn 2 - Quân khu 5 phối hợp với Trung đoàn 66, Tiểu đoàn Đặc công 37 - Mặt trận Tây Nguyên và Tiểu đoàn bộ binh 304 tỉnh Kon Tum tấn công tiêu diệt toàn bộ căn cứ Đăk Tô-Tân Cảnh. Mất căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh, lực lượng địch còn lại buộc phải co cụm về thị xã Kon Tum để phòng ngự. Chiến dịch Xuân-Hè 1972, trong đó có chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh đã phá vỡ một mảng lớn hệ thống phòng ngự phía Bắc Tây Nguyên của Mỹ- nguỵ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về việc chấm dứt chiến tranh, rút quân Mỹ về nước, tạo điều kiện thuận lợi để ta đánh cho “nguỵ nhào”, thống nhất đất nước.
Trong hai năm 1973-1974, mặc dầu phải co cụm về cố thủ ở thị xã Kon Tum, nhưng địch vẫn tiếp tục mở nhiều cuộc càn lớn nhằm lấn chiến vùng tự do của ta. LLVT tỉnh đã phối hợp với quân chủ lực B3, chủ lực Quân khu 5 đánh bật hàng chục cuộc càn của địch và lần lượt đánh chiếm một số chốt, đồn bốt, căn cứ của địch như Đăk Pet, Măng Đen, Măng Buk, giải phóng vùng nông thôn của tỉnh.
Đầu năm 1975, Quân uỷ Trung ương quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tấn công chiến lược, trong đó thị xã Buôn Ma Thuột xác định là mục tiêu then chốt để đánh đòn quyết định; Kon Tum là hướng phối hợp hoạt động có nhiệm vụ nghi binh gây chú ý để đánh lừa mục tiêu phán đoán của địch. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Kon Tum, Tỉnh đội đã huy động dân công ở các vùng căn cứ, vùng giải phóng tích cực làm đường hướng vào thị xã để nghi binh. LLVT tỉnh đã phối hợp với bộ đội chủ lực thường xuyên tập kích một số đồn địch ở ven thị xã. Sau khi Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A di chuyển sang hướng Nam Tây Nguyên vào trung tuần tháng 2-1975 thì lực lượng của ta tại Kon Tum chủ yếu là lực lượng của Tỉnh đội và một bộ phận của Sư đoàn 968. Tỉnh uỷ đã giao trọng trách cho Tỉnh đội đảm nhận tiến công các mục tiêu chính giải phóng thị xã khi có thời cơ.
Sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, địch quyết định rút bỏ Tây Nguyên về chốt giữ đồng bằng duyên hải miền Trung. Ngày 15/3/1975 địch ở Kon Tum bắt đầu thực hiện một cuộc rút chạy về Pleiku theo đường 14, ta triển khai ngay việc chặn đánh địch rút chạy. Ngày 16/3 một bộ phận Tiểu đoàn 304 chiếm đường 14 ở phía nam thị xã chặn đánh quân địch rút chạy và tiêu diệt địch ở phía nam khu vực đèo Sao Mai. Trưa ngày 16/3 các lực lượng của tỉnh từ các hướng áp sát vào thị xã, tiếp quản một số vùng phụ cận. Cũng trong ngày 16/3 ta đánh chiếm quận lỵ Đăk Tô lưu vong. Đêm ngày 16/3/1975, tất cả lực lượng vũ trang và chính trị trong tỉnh, cùng với các mũi đột kích của Sư đoàn 968 chiếm lĩnh và làm chủ các khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng của địch, nhanh chóng chiếm toàn bộ thị xã Kon Tum, giải phóng toàn tỉnh Kon Tum.
Đất nước thống nhất, LLVT tỉnh Kon Tum tiếp tục truy quét tàn quân địch, giúp nhân dân trở về làng cũ, cứu đói cho nhân dân. Tháng 11/1975 hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum sát nhập thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum, các đơn vị LLVT tỉnh được điều chỉnh, sát nhập cho phù hợp với tình hình mới. Trong lúc, cùng với nhân dân cả nước đang ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống và tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thì bọn phản động Pôn Pốt - Iêngxary gây chiến tranh biên giới Tây Nam. LLVT Tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã tổ chức lực lượng đánh bại các cuộc tiến công xâm chiếm biên giới trên địa bàn tỉnh, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng.
Tháng 9/1991 tỉnh Kon Tum được tái lập, LLVT tỉnh cũng đã được biên chế điều chỉnh theo yêu cầu của tình hình mới. LLVT Tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, tiếp bước cha anh, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng; tham mưu kịp thời cho cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, triển khai thắng lợi các nhiệm vụ về an ninh quốc phòng, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Đặc biệt từ năm 2015 đến nay LLVT tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương hoàn thoành xuất sắc công tác dân vận giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khắc phục thiên tai: LLVT tỉnh đã giúp 26 hộ thoát nghèo; tổ chức làm công tác dân vận với 38.970 ngày công; tặng 16 con bò giống cho 14 hộ gia đình, trị giá 128 triệu đồng; giúp 26 cháu học sinh nghèo vượt khó, trị giá 180 triệu đồng; khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân 7.400 lượt người, trị giá 475 triệu đồng; tặng quà nhân các ngày lễ, tết 3.288 suất, trị giá 1,644 tỷ đồng; trích từ "Hũ gạo vì người nghèo" tặng cho 98 hộ nghèo, tổng cộng 42.270 kg, trị giá 507 triệu đồng; hỗ trợ phân bón cho các hộ nghèo trị giá 108 triệu đồng; tổ chức Ngày hội "Bánh chưng xanh", tặng 6.630 chiếc bánh chưng cho 3.315 lượt hộ nghèo, trị giá 265 triệu đồng; tham gia 7.500 ngày công xây dựng 155 km đường giao thông nông thôn mới. Phối hợp xây dựng 04 công trình, trị giá 681 triệu đồng
(Sân vận động xã Mo Rai/Sa Thầy, Nhà văn hóa thôn Chư Hem/Ia Đal/Ia H'Drai, đường liên thôn xã Đăk Kan/Ngọc Hồi, khuôn viên nhà Rông thôn Đăk Manh 1/ Đăk Rơ Nga/ Đăk Tô). Qua đó tăng cường và củng cố niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đối với LLVT tỉnh.
Trải qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT tỉnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh; tham gia đánh trên 5.460 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hơn 58.400 tên địch, trong đó có 460 tên Mĩ và chư hầu, 400 tên ác ôn, bắt sống 8.150 tên; phá huỷ 1.890 súng các loại, 40 khẩu pháo cối, 250 máy thông tin, 150 kho vũ khí, 1.900 tấn đạn, 3.6000 lít xăng; phá 92 cầu cống, 1.964 xe quân sự các loại, bắn rơi và phá huỷ hàng trăm máy bay; toàn tỉnh có 2.802 liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp độc lập tự do của Tổ quốc; hơn 2.750 thương binh, bệnh binh; 60 bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 32 tập thể và 20 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVTND; được Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Sao vàng, 01 Huân chương Hồ Chí Minh, 01 Huân chương Quân công hạng nhất (
chung cho 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum).
Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, ngày 20/12/1994, LLVT tỉnh đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND.
Từ những dấu ấn để lại đã đúc kết thành những nét tiêu biểu của LLVT tỉnh qua 77 năm qua đó là:
Luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh đế bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc.
Luôn nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường vượt qua khó khăn gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thường xuyên nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân, dũng cảm. mưu trí, sáng tạo, có tinh thần quyết chiến quyết thắng, biết đánh, biết thăng, càng đánh càng mạnh, càng chiến đấu càng trưởng thành.
Đoàn kết nội bộ chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, gắn bó máu thịt với nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thực hiện quân với dân một ý chí, không ngừng phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Có tinh thần quốc tế trong sáng, có mối quan hệ đoàn kết thuỷ chung với LLVT và nhân dân tỉnh Rattanakiri (Campuchia) và các tỉnh Nam Lào.
Truyền thống hào hùng ấy mãi mãi sẽ là hành trang, là tài sản tinh thần vô giá tiếp thêm sức mạnh cho LLVT tỉnh vượt qua mọi khó khăn, đạp bằng mọi trở ngại, vững vàng tự tin cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững bước trong thế kỷ XXI.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang trong xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong giai đoạn cách mạng mới, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Kon Tum cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, đặc điểm, tình hình địa bàn và nhiệm vụ của đơn vị; xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; cán bộ, chiến sĩ luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tin tưởng tuyệt đối vào đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, đủ sức đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng và an ninh chính trị trên địa bàn, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hai là, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, năng lực làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao sức mạnh tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu. Tăng cường rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; xây dựng các tổ chức vững mạnh, LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Ba là, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và các cuộc vận động, các phong trào khác, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, năng động, sáng tạo, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có năng lực tư duy, năng lực nhận thức và năng lực hành động, khắc phục mọi khó khăn, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Bốn là, tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào lớn của Đảng, Nhà nước, quân đội và địa phương phát động, xây dựng LLVT tỉnh thực sự là môi trường thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ có điều kiện học tập, công tác, cống hiến và phát triển. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường đẩy mạnh tăng gia, sản xuất nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.
Năm là, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong chiến đấu, thực hiện tốt và làm tròn chức năng đội quân công tác, quan hệ máu thịt với nhân dân trong thời bình. Làm tốt công tác đối ngoại quân sự với Bộ CHQS tỉnh Attapư nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Bộ CHQS tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia để lại những ấn tượng, tình cảm cao đẹp về sự đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân ba nước Đông Dương
.
Kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh là dịp để ôn lại và tự hào về những thành tích đã đạt đuợc của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh trong chiến đấu, phát triển và truởng thành. Phát huy giá trị tinh thần, những bài học kinh nghiệm quý trong quá khứ, tiếp tục vận dụng sáng tạo và hiệu quả vào thực tiễn xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện, chú trọng xây dựng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tố quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, LLVT tỉnh Kon Tum mãi xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng, đơn vị anh hùng LLVTND.