Năm 1841, vua Thiệu Trị cử người Thượng làm quan cai trị các dân tộc Tây Nguyên. Đó là một người Ba Na tên là Bok Khiêm (Bok Piơm) làm quan cai trị các dân tộc Tây Nguyên, đồng thời cho phép người kinh quan hệ mua bán với các dân tộc Tây Nguyên. Nửa cuối thế kỷ XIX, đồng thời với quá trình truyền đạo Công giáo vào Kon Tum, thực dân Pháp đã tiến hành công cuộc xâm lược và chiếm đóng Kon Tum. Năm 1893, thực dân Pháp đặt toà đại lý hành chính đầu tiên tại Kon Tum do Công sứ tỉnh Bình Định cai quản. Về sau giao cho cố đạo Van-lo-tông (Vialleton) còn gọi là cha Truyền cai quản. Ngày 04-7-1904, thực dân Pháp thành lập tỉnh Plei Ku Der bao gồm 2 tòa đại lý hành chính: Tòa đại lý hành chính Kon Tum, trước đó thuộc tỉnh Bình Định và Tòa đại lý hành chính Cheo Reo, trước đó thuộc tỉnh Phú Yên. Ngày 25-4-1907, thực dân Pháp chính thức bãi bỏ tỉnh Plei Ku Der. Toàn bộ đất đai của tỉnh Plei Ku Der gồm hai tòa đại lý hành chính Kon Tum và Cheo Reo được sáp nhập trở lại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên trước đó.
Ngày 09-02-1913, thực dân Pháp chính thức thành lập tỉnh Kon Tum bao gồm đại lý hành chính Kon Tum, đại lý hành chính Cheo Reo và đại lý hành chính Buôn Ma Thuột. Đến năm 1917, Pháp lại thành lập Tòa hành chính An Khê gồm huyện Tân An và khu vực người dân tộc thiểu số đặt dưới quyền cai trị của Công sứ tỉnh Kon Tum. Ngày 02-7-1923, đại lý hành chính Buôn Ma Thuột được tách ra khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập lại tỉnh Đắk Lắk. Ngày 03-12-1929, thành lập thị xã Kon Tum. Ngày 25-5-1932, tách đại lý Plei Ku ra khỏi tỉnh Kon Tum, thành lập tỉnh Plei Ku (tỉnh Gia Lai hiện nay). Đến ngày 09-8-1943, đại lý hành chính An Khê được tách khỏi tỉnh Kon Tum, sáp nhập về tỉnh Plei Ku. Địa giới hành chính tỉnh Kon Tum kể từ năm 1943 gần tương ứng với địa giới hành chính của tỉnh Kon Tum hiện nay.
Ngày 25-8-1945, Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, dưới ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh đã nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Từ tháng 8-1945 đến tháng 6-1946, chính quyền cách mạng được xây dựng và củng cố khắp toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 4 đơn vị hành chính gồm 3 hạt (huyện) là Đăk Tô, Đăk Glei, Kon Plông và thị xã Kon Tum.
Ngày 26-6-1946, thực dân Pháp tái chiếm trở lại tỉnh Kon Tum. Trong giai đoạn 1946-1954, đơn vị hành chính của tỉnh được phân chia cụ thể như sau:
Về phía địch: Bộ máy cai trị vẫn không thay đổi so với trước. Các đơn vị hành chính vẫn giữ nguyên. Toàn bộ quyền hành chính và quân sự đều do các sĩ quan các cấp người Pháp nắm giữ. Từ năm 1946 đến 1950, tỉnh Kon Tum có lúc trực thuộc Liên bang phụ trách các dân tộc sơn cước miền Nam Đông Dương; có lúc thuộc phạm vi xứ Tây Kỳ tự trị. Từ năm 1951 đến 1954 có lúc là Biệt khu trực thuộc Quân khu Tây Nguyên, có lúc là phần đất của Cao nguyên miền Nam thuộc Hoàng triều cương thổ.
Về phía cách mạng: Từ năm 1946 đến trước tháng 01-1947, tỉnh Kon Tum thuộc Xứ ủy Trung Kỳ. Tháng 01-1947, thành lập Phân khu 15, tỉnh Kon Tum thuộc Phân khu 15. Tháng 9-1947, Khu 15 gồm các tỉnh Tây Nguyên được thành lập, tỉnh Kon Tum thuộc Khu 15. Tháng 10-1948, Trung ương hợp nhất khu 5, 6 và khu 15 thành Liên khu V, tỉnh Kon Tum thuộc Liên khu V. Ngày 15-4-1950, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 07/NĐ-TTg hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum thành một tỉnh, lấy tên là tỉnh Gia – Kon. Tỉnh Gia - Kon chia địa bàn quản lý trong tỉnh thành 7 khu. Phạm vi tỉnh Kon Tum cũ có 3 khu: Khu 1 (huyện Đăk Glei), Khu 2 (huyện Đăk Tô), Khu 3 (huyện Kon Plông). Tháng 10-1951, Liên khu ủy V quyết định gộp phần lớn địa bàn của tỉnh Kon Tum cũ và 4 huyện miền Tây tỉnh Quảng Ngãi (gồm Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà) thành một đơn vị lấy tên là Mặt trận Miền Tây (Mặt trận 30); tỉnh Gia- Kon lúc này còn lại chủ yếu các đơn vị hành chính của tỉnh Gia Lai (cũ) và một phần tỉnh Kon Tum (cũ). Đầu năm 1954, sau thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Gia – Kon chia tách thành hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai; Mặt trận Miền Tây cũng giải thể, các địa khu của tỉnh Kon Tum và 4 huyện miền núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi được tách ra nhập về tỉnh cũ.
Trong giai đoạn 1954-1975, đơn vị hành chính của tỉnh được phân chia như sau:
Về phía địch: Ngụy quyền phân chia đơn vị hành chính thành các quận, sau khi bộ máy một số quận bị cách mạng tấn công, chúng giảm xuống thành phái viên hành chính. Toàn tỉnh được chia thành 4 quận (Kon Tum, Kon Plông, Đăk Tô, Đăk Sút). Năm 1958, Ngụy phân chia quận Đăk Tô thành hai quận: quận Đăk Tô và quận Tu Mơ Rông. Năm 1959, thành lập quận Chương Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm phần lớn diện tích đất đai của quận Kon Plông thuộc tỉnh Kon Tum. Năm 1964, quận Chương Nghĩa được sáp nhập trở lại tỉnh Kon Tum. Sau năm 1965, quận Đăk Sút bị ta tấn công, bộ máy quận lỵ phải dời về đóng tại xã Đăk Chu thuộc quận Đăk Tô. Quận Tu Mơ Rông bị ta tấn công, nên địch giảm quận thành cơ sở phái viên hành chính. Năm 1972, ta giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, địch phải dời quận lỵ Đăk Tô về đóng lưu vong tại đèo Sao Mai (phía đông nam thị xã Kon Tum). Tháng 3 năm 1975, quân và dân ta đã nổi dậy tấn công và giải phóng toàn tỉnh, xóa bỏ hoàn toàn bộ máy ngụy quyền.
Về phía cách mạng: Sau khi được chia tách, toàn tỉnh được chia thành 6 khu (Từ khu 1 đến khu 7) để phân công chỉ đạo, quản lý. Riêng Khu 5 được thành lập từ tháng 02-1954 (sau giải phóng thị xã), đến tháng 7-1954 thì giải thể nhập vào Khu 6.
Đầu năm 1957, Ban Cán sự Đảng tỉnh có sự điều chỉnh lại một số khu như sau: Cắt một phần phía nam Khu 3 ghép với Khu 6 thành lập Khu 8; Cắt một phần phía đông Khu 1 lập thành Khu 9. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh (tháng 3/1960) đến khi giải phóng tỉnh, Tỉnh ủy quyết định giải thể các khu, thành lập các huyện và gọi tên huyện theo mật danh, gồm: H16 (nay là huyện Kon Rẫy và một phần huyện Đăk Hà); H29 (nay là huyện Kon Plông); H80 (nay là các huyện: Đăk Tô, Tu Mơ Rông và một phần huyện Ngọc Hồi); H30 (nay là khu vực phía đông của huyện Đăk Glei); H40 (nay thuộc phía tây của huyện Đăk Glei); H67 (nay là là địa bàn huyện Sa Thầy, Ia H'Drai và một phần huyện Ngọc Hồi). Đến năm 1965, thành lập thêm H5, tương ứng với địa bàn thành phố Kon Tum ngày nay.
Sau giải phóng năm 1975, từ cuối năm 1975 đến đầu năm 1976, các huyện (H) trước đây được sáp nhập thành lập huyện mới, gồm: Huyện Đăk Tô bao gồm H80 và phần lớn H67; Huyện Kon Plông gồm H16, H29 và một phần H1 Gia Lai; Huyện Đăk Glei bao gồm H30 và H40; Thị xã Kon Tum bao gồm: H5 và một phần H67. Cùng với đó, tỉnh Kon Tum và Gia Lai hợp nhất thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum (tháng 10-1975). Đến năm 1978, trên địa bàn tỉnh Kon Tum (cũ) thành lập huyện Sa Thầy trên cơ sở chia tách huyện Đăk Tô thành huyện Đăk Tô và huyện Sa Thầy.
Đến ngày 12-8-1991, tỉnh Kon Tum được thành lập lại theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9. Khi thành lập lại, tỉnh Kon Tum có 5 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Kon Tum và các huyện: Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Kon Plông. Tỉnh lỵ đóng tại thị xã Kon Tum.
Năm 1991, huyện Ngọc Hồi được thành lập trên cơ sở tách các xã: Đăk Xú, Pờ Y, Sa Loong của huyện Sa Thầy, xã Đăk Ang của huyện Đăk Tô và xã Dục Nông (nay là xã Đăk Dục và Đăk Nông) của huyện Đăk Glei. Năm 1994, huyện Đăk Hà được thành lập gồm phần đất 2 xã Đăk Pxi và Đăk Hring (tách từ huyện Đăk Tô), phần đất 4 xã Đăk La, Hà Mòn, Đăk Ui, Ngọc Réo (tách từ thị xã Kon Tum). Năm 2002, Kon Plông chia tách thành 2 huyện: Kon Plông và Kon Rẫy. Năm 2009, thành phố Kon Tum được thành lập. Năm 2015, huyện Ia H'Drai được thành lập trên cơ sở điều chỉnh diện tích và nhân khẩu của huyện Sa Thầy.
Qua quá trình chia tách, sáp nhập, hiện nay tỉnh Kon Tum có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố và 9 huyện), gồm: thành phố Kon Tum, các huyện Sa Thầy, Ia H'Drai, Kon Rẫy, Kon Plông, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Glei; có 102 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 85 xã, 7 thị trấn, 10 phường). Tỉnh lỵ đóng tại thành phố Kon Tum.
Bài, ảnh: Trần Thị Sáu