Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu là các đồng chí lão thành cách mạng; các chuyên gia đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo tỉnh ủy các tỉnh khu vực miền trung - tây nguyên; thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố của tỉnh Đăk Lăk. Đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đăk Lăk và PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đồng chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, đồng chí Lê Thị Kim Đơn thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum phát biểu tham luận với chủ đề “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Báo cáo tham luận khẳng định và làm rõ sự kiện cách đây 50 năm, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Liên khu ủy V và hội nghị giữa Đảng ủy Mặt trận B3 và các tỉnh ủy Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk về tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Sau quá trình chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, đêm 29 rạng sáng ngày 30-01-1968 (tức rạng sáng ngày mồng một Tết Mậu Thân), quân và dân Kon Tum đã cùng với quân và dân toàn miền Nam đồng loạt nổ súng tấn công vào các trung tâm đầu não của địch. Tại Đăk Tô-Tân Cảnh, một bộ phận bộ đội chủ lực cùng lực lượng vũ trang địa phương đã đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn thị trấn Tân Cảnh, tiêu diệt đồn cảnh sát, đánh phá khu dồn Đăk Prông, cơ quan tổng xã của địch; pháo kích uy hiếp quận lỵ Đăk Tô và các bốt gác lẻ xung quanh, làm tê liệt hoàn toàn khả năng phản kích của địch. Tại hướng trọng điểm thị xã Kon Tum, lực lượng ta đã nhanh chóng triển khai đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch đã định. Tiểu đoàn Đặc công 406 của Tỉnh đội đánh vào Tòa hành chính, Ty cảnh sát và Tiểu khu Kon Tum; Tiểu đoàn bộ binh 304 tấn công sân bay; bộ đội thị xã và trinh sát Tỉnh đội đánh vào cư xá sỹ quan địch. Sau 30 phút chiến đấu quyết liệt, ngoại trừ Biệt khu 24 của địch và cầu Đăk Bla, các lực lượng của tỉnh đã đánh chiếm và làm chủ hai phần ba thị xã Kon Tum, trong đó có các khu vực quan trọng như: Tòa hành chính, Ty Cảnh sát ngụy, Tiểu khu Kon Tum và Sân bay Kon Tum, tiêu diệt 1.800 tên địch, phá hủy 250 xe quân sự, 26 máy bay và nhiều kho tàng đạn dược. Sau gần một tuần làm chủ tình hình, ngày 06-02-1968, tất cả các lực lượng tham gia cuộc tổng tiến công rút khỏi thị xã Kon Tum về vùng căn cứ để củng cố lại lực lượng và chuẩn bị cho đợt tấn công mới. Mặc dù không giành được thắng lợi quyết định, song cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở tỉnh Kon Tum đã giành được thắng lợi quan trọng: lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân tỉnh Kon Tum mở một cuộc tổng tiến công qui mô lớn, đánh vào trung tâm đầu não của địch trên địa bàn tỉnh.
Các tham luận khác tại Hội thảo cũng đã tập trung làm rõ thêm chủ trương của Bộ Chính trị trong việc mở cuộc tổng tiến công trên toàn miền Nam; diễn biến, kết quả cụ thể của cuộc tổng tiến công tại các địa phương và khẳng định: thắng lợi to lớn của cuộc tổng tiến công là thắng lợi có ý nghĩa bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trần Thị Sáu