Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih 

Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih

Thứ năm - 05/05/2022 16:31
Mỗi lần về thăm lại di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), thắp nén nhang cho các anh hùng liệt sỹ, tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động tưởng nhớ đến các thế hệ cha, anh đi trước đã chiến đấu, hy sinh xương máu vì nền hòa bình, độc lập của nước nhà như ngày hôm nay.
Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh “Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih”
Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh “Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih”
Trong tôi lại miên man suy nghĩ, Di tích này có từ bao giờ? Những chiến công hiển hách của cha, ông đã diễn ra nơi đây ra sao? Khi mà trên bia đá của Di tích chỉ còn ghi tên các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh và Tổ quốc ghi công các anh! Làn khói hương trầm lan tỏa vào hư không như cùng với những suy nghĩ miên man trong tôi đã thúc đẩy tôi đi tìm hiểu về lịch sử Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih này.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1953-1954), Đồn Kon Braih được địch xây dựng trên một quả đồi cao nằm ở hữu ngạn của dòng sông Đăk Snghé, trên trục lộ đường số 05 đi Kon Plông – Quảng Ngãi, cách thị xã Kon Tum khoảng 30 km. Ở phía Nam có địa hình chia cắt hiểm trở, nhiều con suối nhỏ ngăn cách rất khó tiếp cận, phía Tây bằng phẳng thoai thoải thấp dần thuận lợi cho việc quan sát, chốt giữ. Con đường số 05 và cầu Kon Braih nối hai bờ Tây và Đông sông Đăk Snghé đều nằm dưới sự kiểm soát của địch. Cổng Đồn được mở theo hướng Bắc và nối với đường số 05, khu vực trung tâm là cụm hầm nửa nổi, nửa chìm và hệ thống lô cốt. Lô cốt mẹ được xây dựng khá kiên cố bằng bê tông, cốt thép, có đường hầm liên thông với nhau. Từ cụm hầm trung tâm có các hướng ra các hầm, lô cốt, ụ súng, công sự chiến đấu cá nhân chạy xung quanh Đồn. Tiếp đến là hệ thống hầm chông, bẫy mìn và cột sắt thép gai được cài cắm xung quanh Đồn. Lực lượng của địch chiếm đóng ở trong Đồn thường xuyên gồm một trung đội trấn giữ. Đồn Kon Braih với địa thế như vậy, tỏ ra rất lợi thế về mặt quân sự, thuận lợi cho việc quan sát, kết hợp với Đồn Măng Búk, Măng Đen tạo nên hệ thống pháo đài vững chắc để địch đưa quân đi càn quét, bắn phá các vùng căn cứ của ta và khống chế toàn bộ khu vực đường số 05 và các vùng xung quanh trong thế vừa phòng thủ vừa tấn công rất lợi hại[1].
Đồn Kon Braih được thực dân Pháp xây dựng nhằm thực hiện một trong ba bước trong Chiến dịch mang tên At - Lăng (Atlante) để đánh sâu vào vùng tự do Liên khu 5, hoàn thành mục tiêu đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5 của ta bao gồm các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hoàn thành giai đoạn một của Kế hoạch Na – Va của thực dân Pháp.
Vậy, chủ trương của ta lúc ngày như thế nào? Qua tìm hiểu lịch sử, Kon Tum – Tây nguyên được ta xác định có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng trong chiến dịch Đông – Xuân 1953-1954. Lúc này, Liên khu ủy và Bộ tư lệnh Liên khu 5 đã đề ra phương châm tích cực, mạnh bạo phát triển vào Tây nguyên, trước hết là ở phía Bắc thuộc địa bàn Kon Tum, với mục tiêu nhằm làm thất bại một phần của Kế hoạch Na – Va, chiến dịch At - Lăng (Atlante) của thực dân Pháp.
Tháng 12 năm 1953, triển khai kế hoạch tiến lên Tây nguyên, đồng chí Nguyễn Chánh – tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu làm tư lệnh Chiến dịch. Đông bắc Kon Tum làm hướng chính, các lực lượng của Trung đoàn 108, Trung đoàn 803 (thiếu tiểu đoàn 59), liên đoàn đặc công, các đơn vị pháo cối, phòng không, các đơn vị công binh, trinh sát, thông tin phối hợp với lực lượng địa phương thực hành tiến công theo hai bước:
Bước 1: Trong đêm N tiêu diệt cứ điểm Măng Đen và Măng Buk, phá thế phòng thủ của địch ở phía Đông Bắc của tỉnh Kon Tum, sau đó kéo địch từ Kon Tum ra chi viện để tiêu diệt và tiến đánh cứ điểm Kon Braih, uy hiếp thị xã Kon Tum.
Bước 2: Sau khi tiêu diệt cụm quân địch ở hướng đường số 5, phát triển tiến công tiêu diệt toàn bộ hệ thống cứ điểm địch từ Đăk Tô đến Đăk Glei và hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Kon Tum.
Đúng 23 giờ 23 phút ngày 27 tháng 01 năm 1954 chiến dịch bắt đầu. Trên hướng chính Bắc Kon Tum, Trung đoàn 108 tấn công cứ điểm Măng Đen – Cứ điểm kiên cố nhất và là xương sống cụm cứ điểm của địch ở Bắc Kon Tum, cách thị xã Kon Tum 60 km. Sau 08 giờ chiến đấu ác liệt, ta làm chủ trận địa.
Ở hướng khác, trong đêm 27 tháng 01 năm 1954, Tiểu đoàn 97 của Mặt trận Miền Tây phối hợp với Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 108) tiêu diệt cứ điểm Măng Buk. Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 803) tấn công Đồn Kon Braih. Khi Trung đoàn 108 tấn công Măng Đen thì Tiểu đoàn 59 còn cách Đồn Kon Braih khoảng 05 km. Địch đang ở Đồn Kon Braih được báo động, chúng đưa lực lượng ra trấn giữ.
Để tiêu diệt Đồn Kon Braih, Tiểu đoàn 59 gấp rút tiếp cận mục tiêu, các mũi trinh sát đi đầu phát hiện được địch đang phục kích, các Đại đội 4 và Đại đội 6 phải tìm đường tránh địch để nhanh chóng triển khai đội hình. Với quyết tâm đánh chiếm bằng được Đồn Kon Braih, các mũi đột phá khẩu của Tiểu đoàn 59 anh dũng ôm bộc phá lao lên đánh hàng phá rào, vượt hào chông đánh phá vào lô cốt, trước lưới lửa đạn từ lỗ châu mai bắn ra. Cửa đột phá chính đã mở, nhưng cửa đột phá thứ yếu chưa vào được. Đồng chí Trần Xưng - Trung đội phá khẩu thấy đơn vị còn vướng thép gai, dù lúc này đồng chí đã bị thương nặng cả hai chân nhưng vẫn cố lết tới hàng rào cuối cùng, lăn mình nằm choàng lên hàng rào thép gai, lấy thân mình làm “thang mê” cho đồng đội xung phong lao vào đồn địch diệt lô cốt án ngữ, mở cửa cho đồng đội tiến công đồn.
Đến 06 giờ 30 phút, ngày 28 tháng 01 năm 1954, ta làm chủ trận địa, lá cờ quyết chiến, quyết thắng đã phất cao giữa Đồn Kon Braih. Ta đã bắt sống gần 40 tên địch, trong đó có đại úy chỉ huy Pháp, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, làm chủ trận địa. Lực lượng vũ trang ta thương vong gần một trung đội, trong đó có tấm gương chiến đấu của đồng chí Trần Xưng – là chiến sỹ thi đua toàn quốc được Bác Hồ tuyên dương là “Cặp mắt sáng của Liên khu V” đã anh dũng ngã xuống trong giờ phút đánh mở cửa đầy ác liệt ấy.
Với chiến thắng Đồn Kon Braih, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum và trên trục đường số 05 từ Kon Tum đi Kon Plông xuống Quảng Ngãi, phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự trên hướng này và tạo điều kiện quan trọng cho việc tiến đến giải phóng thị xã Kon Tum.
Chiến thắng Măng Đen, Măng Buk và Kon Braih có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần quyết định vào thắng lợi của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên trong Đông – Xuân 1953 – 1954. Hệ thống phòng thủ của địch ở Kon Plông và toàn bộ vùng Bắc Tây Nguyên sụp đổ hoàn toàn. Cánh cửa tiến vào Bắc Tây Nguyên được mở toang, tạo thời cơ thuận lợi để tiến lên giải phóng huyện Đăk Tô, Đăk Glei và toàn tỉnh Kon Tum.
Tuyến phòng thủ Đông Bắc tiểu khu Kon Tum bị phá vỡ, cửa vào Bắc Tây Nguyên đã mở. Tư lệnh Nguyễn Chánh lệnh cho Trung đoàn trưởng Trung đoàn 108 đưa một bộ phận phát triển nhanh lên phía Tây uy hiếp, tiêu diệt các cứ điểm dọc theo Quốc lộ 14. Đồng thời Trung đoàn 803 áp sát thị xã Plei Ku, phục kích trên đoạn Plei Ku – Kon Tum, tiến công ngay vào thị xã. Trong khi đó chủ lực của bộ đội lại bắt đầu mũi tiến công lên Trung lào và Hạ Lào. Bộ chỉ huy Pháp phải tạm ngừng chiến dịch At – Lăng, đưa binh đoàn cơ động 100, xương sống của địch lên chống đỡ. Bộ phận tiền tiêu của chúng bị đánh ở ven thị xã Kon Tum.
Ngày 07 tháng 02 năm 1954 tại thị xã Kon Tum, đồng chí Tư lệnh Nguyễn Chánh đã điện cho Đại tướng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ở Chỉ huy sở Mường Phăng (Điện Biên phủ) thông báo Kon Tum đã hoàn toàn giải phóng.
Đánh giá kết quả và ý nghĩa của chiến thắng Kon Plông và Kon Tum, trong thư gửi cán bộ Liên khu 5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: “Thắng lợi Kon Tum là thắng lợi to lớn của ta trên chiến trường Miền Nam, nó cũng là một trong những thắng lợi to lớn của ta trong mùa Xuân này trên chiến trường toàn quốc. Nó cũng là một đòn nặng đánh vào âm mưu của địch đối với Miền Nam”[2].
Và để đời đời ghi nhớ những chiến công hiển hách của cha anh trong Chiến thắng Kon Braih lịch sử, nhiều công trình có giá trị về mặt khoa học lịch sử đã ghi chép về trận đánh oanh liệt cũng như di tích lịch sử cách mạng này như: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum – Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia -1996; Lịch sử Đảng bộ huyện Kon Plông, tập 1 – 2001; Lịch sử Trung đoàn 803 – NXB QĐND – 1999; Kon Tum 30 năm chiến đấu - kiên cường – bất khuất; Khu V – 30 năm chiến tranh giải phóng – tập 1 – BTLQK5 -1986; Lịch sử Tiểu đoàn 59 Trung đoàn chủ lực 803 Liên khu V…
Năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Tỉnh Kon Tum sau khi tổ chức nghiên cứu đầy đủ, đã tiến hành lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định công nhận Di tích lịch sử cách mạng. Theo đó, ngày 01 tháng 6 năm 2009 Ủy ban nhân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 198/QĐ-CTUBND Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố đối với Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih (thuộc Thôn 9, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum). Để tiếp tục công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng đã được công nhận, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 1074/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện và phân công trách nhiệm cho các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, trong đó có huyện Kon Rẫy căn cứ triển khai, thực hiện.
Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, thế hệ trẻ như chúng tôi hôm nay chỉ còn biết đến những gì mà cha ông đã phải trải qua trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào qua lời kể của các ông, các chú, hay qua những trang sử sách hào hùng, những thước fim tư liệu lịch sử, di tích lịch sử cách mạng, tư liệu lịch sử được lưu trữ trong các bảo tàng… Và dù thời gian có trôi qua bao lâu đi chăng nữa, thì những chiến công, những hy sinh xương máu của cha ông cho nền độc lập, hòa bình và Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam hôm nay sẽ còn mãi mãi lưu truyền trong lịch sử Việt Nam và nhân loại.

Bài, ảnh: Phạm Viết Thạch
 

[1] Lý lịch di tích cấp tỉnh Chiến thắng Kon Braih. Hồ sơ lưu tại Bảo tàng – Thư viện tỉnh Kon Tum.
[2] Theo Báo Nhân dân Liên khu V, số 88, từ ngày 16 đến ngày 22/02/1954.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

CT.16.UBND

về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Lượt xem:61 | lượt tải:10

QĐ.1309.TU

về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội và thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Lượt xem:347 | lượt tải:31

QĐ.1308.TU

Thành lập các Tổ chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2025-2030.

Lượt xem:51 | lượt tải:33

TÀI LIỆU

giao ban báo chí tháng 8-2024

Lượt xem:498 | lượt tải:65

CV.2598.BTGTU

V/v hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024

Lượt xem:258 | lượt tải:132

CV.2594.BTGTU

Mời dự Hội nghị Báo cáo viên (trực tuyến) tháng 8-2024

Lượt xem:1020 | lượt tải:55

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Lượt xem:231 | lượt tải:144
 
pxyk2024
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập38
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay28,058
  • Tháng hiện tại146,614
  • Tổng lượt truy cập32,809,271
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây