Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản ở Kon Tum (1930) là kết quả của việc chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng, đem ánh sáng của Đảng đến với Kon Tum trong hoàn cảnh hết sức đặc thù. Ngay chính tại Nhà lao Kon Tum - nơi giam cầm các chiến sỹ cộng sản, một Chi bộ Đảng ra đời, để chính hàng ngũ binh lính được giác ngộ từ nhận rõ kẻ thù, yêu nước, thương dân đến trở thành người Cộng sản. Việc làm độc đáo này có ảnh hưởng lớn về tư tưởng, gây tiếng vang rộng rãi trong dư luận quốc tế. Và, tư tưởng Cộng sản từ đó đã lan tỏa, thấm đẫm vào mọi tầng lớp nhân dân Kon Tum, để họ đứng dậy đấu tranh, rồi tự gíác đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhanh gọn, không đổ máu.
Ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc, đội ngũ làm công tác tuyên huấn đã tham mưu Ban cán sự Tỉnh đặt lên hàng đầu việc giáo dục đường lối chính sách, phương châm công tác, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; giáo dục cho cán bộ, đảng viên nêu cao đạo đức, khí tiết Cộng sản. Chính trong những năm tháng khó khăn nhất sau 1954, những cán bộ được phân công ở lại Kon Tum “bám dân giữ lửa”, làm chuyển biến cơ bản về tư tưởng và nhận thức cho đồng bào là phải tự đứng lên làm cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng củng cố được lập trường, quan điểm, tư tưởng ổn định, nêu cao quyết tâm cách mạng, tham gia kháng chiến chống xâm lược, cứu nước.
Kẻ thù tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược với qui mô ngày càng lớn, thủ đoạn càng thâm độc từ Chiến lược Chiến tranh một phía; Chiến tranh cục bộ; Chiến tranh đặc biệt.... đến Việt Nam hóa chiến tranh. Trong quá trình ấy, dẫn dắt, thâm nhập đường lối cách mạng của Đảng vào thực tiễn đấu tranh, đội ngũ làm công tác tư tưởng ở Kon Tum đã tích cực triển khai nhiệm vụ một cách linh hoạt và mở rộng liên tục, phù hợp đặc thù của Tỉnh, đáp ứng yêu cầu cách mạng qua các tên gọi khác nhau như Ban Tuyên huấn Kon Tum; Ban Tuyên văn giáo; Ban Tuyên văn giáo huấn Kon Tum; Ban Tuyên giáo Kon Tum…Theo đó, ngành Tuyên huấn - Tuyên văn giáo Tỉnh ngày càng mang trên vai trọng trách nhiệm vụ công tác nặng nề và mở rộng hơn.
Từ nhận thức "tư tưởng chỉ đạo hành động, tư tưởng đúng thì hành động đúng và cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", đội ngũ làm công tác tuyên văn giáo huấn đã tham mưu Đảng bộ lấy công tác tư tưởng làm khâu chủ yếu, liên tục động viên, nuôi dưỡng và phát huy truyền thống đoàn kết đấu tranh, phát huy tinh thần yêu nước bất khuất của các dân tộc trong tỉnh; làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng tin tưởng lẫn nhau, tự tin ở sức mình, tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ. Sự hoạt động không ngừng không nghỉ của đội ngũ đã góp phần đẩy lùi, đập tan những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của thực dân, đế quốc và các thế lực thù địch; đã vô hiệu hóa nọc độc tư tưởng chia rẽ Kinh-Thượng, giáo-lương, chia rẽ Đảng cộng sản và người cộng sản với nhân dân mà kẻ thù gieo rắc. Công tác Tuyên giáo đã góp phần nâng dân trí đồng bào các dân tộc từ ý thức về làng lên ý thức quốc gia, dân tộc, chủ quyền, lãnh thổ của nước Việt Nam thống nhất. Từ chổ chưa tin đi đến hiểu, tin, thương yêu, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ. Từ chổ trong làng, trong dân tộc chưa có đảng viên đến có đảng viên, có chi bộ Đảng, trực tiếp lãnh đạo nhân dân nổi dậy đánh địch bằng nhiều hình thức phong phú hơn, phối hợp nhiều làng, nhiều dân tộc, đi đến biết tấn công và nổi dậy đồng loạt, giành quyền làm chủ, xây dựng căn cứ…đứng lên làm cách mạng theo đúng đường lối, chiến lược của Đảng.
Sự chuyển đổi nhận thức đó đã làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong hoàn cảnh khó khăn nhất vẫn giữ được sự đoàn kết nhất trí, một lòng tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng. Đội ngũ làm công tác tuyên giáo đã luôn nêu cao tinh thần đấu tranh quyết liệt, đấu trí, đấu lực, góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ Kon Tum có sức chiên đấu và năng lực lãnh đạo kháng chiến lâu dài gian khổ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Kon Tum không có thoái trào, cán bộ, đảng viên đã bám chắc vào dân. Quan hệ giữa Đảng với dân gắn bó thủy chung, tạo ra sức mạnh to lớn trong tấn công và nổi dậy năm 1960 và các cuộc tấn công mang lại nhiều thắng lợi của Kon Tum ghi dấu ấn lịch sử vào những năm 1972, 1975...góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Sau 30-4-1975, đất nước thống nhất, công cuộc xây dựng quê hương trở thành một nhiệm vụ hàng đầu nhưng gặp không ít khó khăn trước những hậu quả nặng nề của chiến tranh. Trước tình hình đó, đội ngũ làm công tác tuyên giáo Kon Tum không ngừng bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ tuyên truyền, giáo dục cán bộ đảng viên và nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp. Nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng và tuyên truyền tập trung vào các mục tiêu giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; động viên nhân dân quyết tâm vượt khó, phát triển kinh tế-xã hội, huy động sức mạnh toàn dân vào thực hiện các chủ trương phát triển kinh té-xã hội theo cơ chế mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tham gia xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về tư tưởng.
Trong thời kỳ đổi mới, trước vận hội thời cơ mới, đan xen nhiều thách thức nguy cơ; đặc biệt là giai đoạn đổi mới toàn diện đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công tác Tuyên giáo luôn xác định nhiệm vụ đẩy mạnh tổng kết lý luận và thực tiễn, góp phần ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng; động viên tinh thần cách mạng trong toàn tỉnh để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khi tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong tỉnh, trong nước, khu vực và thế giới tiếp tục có những biến động khó lường, tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp tạo tâm trạng, tư tưởng và dư luận lo lắng, bức xúc trong các giai tầng xã hội; bên cạnh đó, các thế lực xấu không ngừng thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", kích động, lôi kéo một bộ phận cán bộ, nhân dân cả tin, làm cho họ mất phương hướng, giảm niềm tin vào sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước do Đảng lãnh đạo…lực lượng làm công tác tuyên giáo các cấp đã nỗ lực không ngừng để góp phần chuyển hóa đường lối của Đảng, nghị quyết của cấp ủy địa phương tới nhân dân. Đồng thời, qua hoạt động tuyên truyền đã vạch trần âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ và đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, lệch lạc nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân.
Có thể nói, 87 năm trải qua chặng đường gần trọn thế kỷ, đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo ở Kon Tum hòa mình trong dòng chảy chung của sự nghiệp cách mạng tỉnh nhà, luôn làm tốt vai trò tham mưu để công tác tư tưởng thực hiện phương châm đi trước, đi cùng và gắn kết chặt chẽ với quá trình hoạch định chủ trương, phổ biến thâm nhập chủ trương về quần chúng, huy động sức mạnh toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong mọi thời kỳ. Những kết quả chúng ta phấn đấu đạt được hiện nay, làm phát triển một bước lớn tình hình kinh tế-xã hội trên toàn tỉnh là minh chứng cho sự đồng lòng chung sức của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cho mục tiêu xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng vững mạnh. Đó cũng chính là kết quả của sự thấm sâu nhận thức, trân trọng thành quả lịch sử và khẳng định niềm tin vào sự phát triển của tỉnh nhà trong dòng chảy chung phát triển đất nước.
Trong điều kiện và môi trường công tác hiện nay, cùng với sự vận động, phát triển liên tục trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, kéo theo sự xuất hiện hàng loạt vấn đề mới tồn tại, đan xen, tác động nhiều chiều, vừa có nhân tố tích cực vừa phát sinh nhiều biểu hiện tiêu cực ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ tuyên giáo nhận thức rõ hơn vai trò của mình, nêu cao tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ, năng lực và trách nhiệm công tác, tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên con đường đó, việc trau dồi ý chí, xây dựng, củng cố để ngày càng khẳng định rõ hơn niềm tin trong mọi tầng lớp nhân dân luôn là yêu cầu xuyên suốt!
Hoàng Thị Chúc