Thực chất, từ xa xưa, truyền thống văn hóa các dân tộc Kon Tum là chặng đường tồn tại, đấu tranh bền bỉ của cộng đồng vì tình yêu quê hương. Bắt đầu từ tình yêu quê hương, đất rừng, sông suối người Kon Tum đã nỗ lực tiến hành các hoạt động chế tác công cụ, tìm kiếm thức ăn, sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tích lũy được nhiều kinh nghiệm để thích nghi với môi trường. Từ đó, có thêm những điều kiện thuận lợi cho việc khám phá và khai thác tài nguyên thiên nhiên, làm nên những thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội phù hợp với sắc thái riêng độc đáo trong văn hóa Việt. Cũng tự nhiên như môi trường sống, bà con quản lý xã hội bằng những con đường bình dị từ những quy chuẩn nhân văn của cộng đồng, có sức mạnh vững bền vì nó xuất phát từ tình yêu quê hương vô bờ bến. Khi quê hương bị xâm lăng, bằng tình yêu ấy, họ quyết giữ làng, giữ quê, giữ nước không cam chịu đầu hàng trước bất cứ thế lực nào, từ những cuộc xâm lấn của lân bang, đến những cuộc chiến xâm lược quy mô của thực dân Pháp. Mới đầu chỉ là những cuộc tự phát đuổi đánh phái bộ Odendhal (1894), những cuộc nổi dậy không cho người Pháp đến khảo sát, thăm dò để khai thác đất, rừng của nhân dân các dân tộc Xê Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai…(năm 1900), rồi những trận tập kích vào các đồn Pháp ở Đăk Psi, Đăk Tô ..(năm 1901- 1902). Đến cuộc khởi nghĩa quy mô liên kết các dân tộc liên tục từ 1909 đến 1921-1925 đứng lên chống Pháp. Mục tiêu của những cuộc chiến đấu này là đánh đuổi ngoại bang, giữ đất giữ làng. Và, người khởi xướng phong trào chống giặc thuộc dân tộc nào (Xê Đăng hay Giẻ Triêng..), cũng được đồng bào các dân tộc đi theo hưởng ứng đông đảo. Trước khi có Đảng (1930), những cuộc đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm tự phát trong đồng bào cuối cùng đều thất bại, nhưng qua đó đã khẳng định một chân lý rằng: Mảnh đất Kon Tum, dòng sông Đăk Bla hiền hòa và dãy Ngọc Linh hùng vĩ là của nhân dân các dân tộc Kon Tum, đó là điều hiển nhiên, không gì lay chuyển nổi, nó ăn sâu vào trong máu thịt mỗi người dân Kon Tum, và khi bị xâm lăng, áp bức; tình yêu quê hương của đồng bào sẽ được thổi bùng thành ngọn lửa đấu tranh tràn đầy nhiệt huyết. Trong quá trình ấy, đi cùng bước chân đồng bào đấu tranh giữ đất giữ làng, những nét tốt đẹp trong truyền thống văn hoá, những ứng xử danh dự với con suối, cánh rừng, ngọn núi, gốc cây, những vật thiêng được bà con nâng niu, trân trọng như những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất để tìm sự che chở, mách bảo, nâng đỡ họ trên đường đấu tranh, gìn giữ quê hương. Và, các tên gọi “nước thần”, “ nước thiêng” xuất hiện trong vùng với ý nghĩa tinh thần đó. Đây chính là nét tâm linh của văn hoá yêu nước trong đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, nó không phải là nét thần bí do ảnh hưởng từ phong trào Nước Xu, như một số ấn phẩm xuất bản hiện nay đã nhận định một cách ngược dòng. Không ít người trong tác phẩm nghiên cứu đã nhầm lẫn về thời gian, mà hoà tan các khái niệm tâm linh trong văn hoá tinh thần của đồng bào ở một số vùng với nét thần bí của phong trào Nước Xu, khi thể hiện và bình luận về tinh thần đấu tranh chống Pháp của đồng bào Kon Tum những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt là từ 1925-1930. Trong khi, phong trào Nước Xu, hơn một thập niên sau đó mới ra đời. Phong trào “Nước Xu” do Săm Brăm phát động khởi đầu ở vùng miền núi tỉnh Phú Yên vào năm 1935, sau đó nhanh chóng lan ra các khắp các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trở thành làn sóng đấu tranh chống Pháp mạnh mẽ của đồng bào câc dân tộc thiểu số lúc bấy giờ. Sự ảnh hưởng thực sự của phong trào này đến Kon Tum chỉ trong khuôn khổ từ những năm 1936-1939. Khắp cả một vùng rộng lớn từ Tây bắc Đăk Glei đến Đông nam Kon Plông, dọc theo dải Trường Sơn hiểm trở nhân dân các dân tộc Xê Đăng, Ba Na,... đứng lên rào làng, đặt bẫy, cắm chông, tổ chức đánh vào các toán lính Pháp. Đăk Lao, Long Ri (xã Pung Pang, Đăk Glei) là những làng đầu tiên đứng lên dùng vũ khí tự tạo chiến đấu mở đầu cho phong trào chống Pháp. Tiếp đến là làng La Luar (xã Đăk Na, Đăk Glei - nay thuộc Tu Mơ Rông) dưới sự chỉ huy của ông Đăng cùng nổi dậy bố phòng lập phòng tuyến phòng thủ gần đồn Đăk Glei, đặt vị trí quan sát, tổ chức tuần tra, chiến đấu bảo vệ làng. Ở Kon Plông, dưới sự lãnh đạo của ông Thần Mẫn (có tài liệu viết là ông Duôm) nhân dân bày mưu tổ chức cướp đồn giặc, mặc dù bị bại lộ, một số người bị bắt, nhưng phong trào đấu tranh vẫn tiếp tục diễn ra. Một hiện thực đáng lưu ý nữa là: Nằm trong môi trường văn hoá tinh thần, tựa lưng vào nền huyền bí của núi rừng Kon Tum, mà chất thần bí của Nước Xu tràn chảy và ảnh hưởng mạnh mẽ đến các miền lân cận. Tại tỉnh Quảng Nam, đầu năm 1938, ở huyện Phước Sơn, đồng bào Ca Dong các xã vùng cao cũng cử người băng rừng sang Kon Tum, để mua “nước phép” và học thần chú về truyền lại cho dân làng nhằm trừ dịch bệnh và tránh được đạn Tây, tăng sức mạnh cho đồng bào để đấu tranh chống giặc giữ làng. Tại tỉnh Gia Lai, phong trào “Nước Xu đỏ” phát triển thành những cuộc đấu tranh sôi nổi của người Ba Na ở An Khê. Có thể nói, sự ảnh hưởng của văn hoá núi rừng Kon Tum và nét thần bí của phong trào Nước Xu đều có tác động mạnh mẽ đến hiệu quả cuộc đấu tranh chống Pháp trên địa bàn. Trong dòng chảy tinh thần ấy, nét thần bí của phong trào Nước Xu nằm trong môi trường không gian văn hoá các dân tộc. Và, sự thâm nhập của phong trào Nước Xu, do được nâng đỡ trên nền tảng văn hoá tâm linh của đồng bào các dân tộc Kon Tum mà lớn mạnh hơn, và ảnh hưởng thêm ra các vùng lân cận. Đó là kết quả của sự giao thoa, hoà nhập của nét tâm linh trên nền tảng chung sinh ra nó là văn hoá tinh thần của 2 khách thể này. Đây là hiện thực đã xảy ra trong lịch sử vùng đất Kon Tum, cần được ghi nhận như chính nó đã tồn tại. Vẫn biết, dù bình giải theo hướng nào thì những thành quả của đồng bào Kon Tum trên con đường đấu tranh tồn tại và phát triển, cũng có sự đóng góp to lớn của truyền thống văn hoá yêu nước. Trong cuộc đấu tranh chống Pháp, có thời điểm nó hoà nhập với tinh thần phong trào Nước Xu làm nên chiến thắng. Trong đó, cội nguồn tinh thần với niềm tin tâm linh bền vững, thiêng liêng là những giá trị cần trân trọng. Nhưng, lịch sử vùng đất và con người Kon Tum rất cần có cái nhìn khách quan cho bản thân lịch sử. Trên đây là một vài chấm phá về bối cảnh ảnh hưởng của phong trào Nước Xu trong cái nôi văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc Kon Tum từ lịch sử, như một gợi ý về trách nhiệm khoa học cho việc nghiên cứu, thể hiện các ấn phẩm viết về lịch sử vùng đất, con người Kon Tum. Để thể hiện nó với đầy đủ trách nhiệm tư tưởng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, rất cần có những nghiên cứu tiếp theo một cách nghiêm túc, không dừng lại ở việc kế thừa thụ động các ấn phẩm khi chưa qua lăng kính xử lý tư liệu trong từng bối cảnh để đảm bảo tính khoa học. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá trên địa bàn. |
Hoàng Thị Chúc |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn