Năm 2016, Kon Tum là tỉnh đầu tiên của khu vực Tây Nguyên ký kết chương trình phối hợp TTBĐ với Quân chủng Hải quân. Từ đó đến nay, hoạt động TTBĐ tại tỉnh Kon Tum đã được triển khai một cách linh hoạt, hiệu quả bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng như: Tổ chức tuyên truyền trực tiếp, trực tuyến cho đội ngũ cán bộ chủ chốt; tuyên truyền kết hợp với tư vấn tuyển sinh, đăng ký vào Học viện Hải quân và trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách; phụng dưỡng suốt đời tất cả các Mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều gia đình chính sách của địa phương... Hàng ngàn lượt cán bộ, công chức và Nhân dân đã được tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phát triển kinh tế biển; nắm bắt thông tin về tình hình Biển Đông... Hàng chục gia đình chính sách khó khăn đã được xây dựng Nhà tình nghĩa kiên cố. Hàng trăm em học sinh nghèo hiếu học được nhận học bổng “Thắp sáng ước mơ”, có thêm nguồn động viên để tiếp tục hành trình, ước mơ học tập. Ở nhiều thôn làng vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Kon Tum, hình ảnh người chiến sĩ Hải quân giúp dân xây nhà, tặng quà cho thiếu nhi, cùng cán bộ xã và người có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền, nói chuyện về biển, đảo đã không còn là điều xa lạ.
Xác định việc “đưa biển lên núi” chính là để bà con nhân dân địa phương hiểu, tin và làm theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển đảo; không nghe, không tin theo sự xúi giục của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động phân biệt miền núi với miền xuôi, miền biển. Đây là nhiệm vụ khó và cần được tiến hành thường xuyên bằng nhiều hình thức phù hợp. Dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành các hướng dẫn kịp thời; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch, đề án thực hiện công tác TTBĐ trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện, đảm bảo, đạt hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch TTBĐ và triển khai tới các toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Bên cạnh đó, trước những diễn biến của tình hình trên Biển Đông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tiến hành thông tin kịp thời đến các địa phương, đơn vị; không để các thế lực thù địch lợi dụng tình hình trên biển để xuyên tạc, kích động, chia rẽ. Song song với đó, việc tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được các địa phương, đơn vị tiến hành rộng khắp tại các huyện, thành phố, thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ở khu vực biên giới, nội dung TTBĐ được những người lính biên phòng, công an địa phương kết hợp trong các hoạt động dân vận, tuyên truyền bảo vệ đường biên, cột mốc và công tác bảo vệ an ninh trật tự.
Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác TTBĐ, các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh đã xây dựng và duy trì chuyên mục “Hướng về biển, đảo quê hương”, “Vì chủ quyền biển đảo”; đẩy mạnh các tuyến thông tin về hoạt động đến thăm Trường Sa, hoạt động bảo vệ chủ quyền của lực lượng Hải quân... Ngoài kênh tuyên truyền qua báo chí, hoạt động TTBĐ thông qua mạng xã hội, các hội, nhóm, diễn đàn cũng được phát huy tối đa. Bằng cách này, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều có trở thở thành một “tuyên truyền viên”. Nội dung tuyên truyền sẽ được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông tin, hướng dẫn thông qua tài liệu định hướng tuyên truyền, tại các hội nghị giao ban báo chí...
Việc tổ chức TTBĐ cho đoàn viên thanh niên, thanh thiếu nhi được tỉnh đặc biệt coi trọng. Ngoài các buổi tuyên truyền trực tiếp cho học sinh, sinh viên theo chương trình phối hợp giữa Tỉnh ủy và Quân chủng Hải quân. Đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân của các cấp học được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng TTBĐ và đã lồng ghép nội dung TTBĐ vào bài giảng để truyền đạt cho học sinh nhằm khơi dậy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương trong thế hệ trẻ.
Chủ quyền quốc gia là không thể từ bỏ và đây cũng là nguyên tắc bất biến trong quá trình dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã, đang và sẽ cùng với Nhân dân cả nước ra sức bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc. Giờ đây, dưới mái nhà Rông không chỉ có tiếng cồng chiêng ngân vang, những bài ca về đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ mà còn có cả những lời kể của các già làng, của đám thanh niên về đại dương mênh mông phía sườn Đông của Tổ quốc. Nơi ấy cũng như ngọn Ngọc Linh, như dải rừng xanh Chư Mom Ray - đều là máu thịt của Tổ quốc, là nơi người Việt Nam nào cũng phải góp sức bảo vệ, giữ gìn.
Bài, ảnh: Đào Thị Hiền