1. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Chiều 15-9 tại TP.Kon Tum, Ban Chỉ đạo diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức diễn tập vận hành cơ chế (ban hành lệnh) phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Sê San. Đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo diễn tập PCTT & TKCN tỉnh chủ trì buổi diễn tập.
Buổi diễn tập vận hành cơ chế (ban hành lệnh) có 2 tình huống giả định được đặt ra; và các ngành chức năng và các địa phương đã triển khai nhiệm vụ của mình theo phân công.
Phát biểu chỉ đạo sau buổi diễn tập, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Tuy đánh giá cao sự phối hợp của các sở, ngành; các huyện, thành phố và các Công ty thủy điện trong diễn tập; yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo diễn tập PCTT&TKCN tổ chức diễn tập PCTT&TKCN theo quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Sê San phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện nghiêm chế độ thường trực để kịp thời báo cáo, xử lý có hiệu quả các tình huống; các địa phương cần chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ ngập sâu, xây dựng phương án để di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; tăng cường kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn đối với hồ thủy điện, thủy lợi, điều tiết xả lũ cho phù hợp...
* Chiều 15-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga chủ trì buổi làm việc với các ngành liên quan bàn giải quyết chế độ đối với Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4.302 TNXP, trong đó có 1.845 người tham gia vào Hội TNXP (chiếm 42,88%). Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã giải quyết chế độ, chính sách cho 2.250 TNXP với tổng kinh phí thực hiện chi trả là 6.204.400.000 đồng.
Trong số TNXP đã được giải quyết chế độ, đã có 674 trường hợp đã từ trần nhưng mới chỉ có 24 trường hợp được giải quyết mai táng phí theo quy định. Đến tháng 7/2017, toàn tỉnh còn tồn đọng 313 hồ sơ TNXP chưa được giải quyết chế độ.
Tại buổi làm việc, các ngành liên quan đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết chế độ đối với cựu TNXP trên địa bàn tỉnh thời gian qua; đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm đẩy nhanh việc rà soát, lập hồ sơ giải quyết các chế độ đối với cựu TNXP cấp trong thời gian tới theo quy định.
Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, lập hồ sơ giải quyết các chế độ đối với cựu TNXP; tập trung phân loại, thẩm định, thực hiện nhanh, đúng quy trình và giải quyết dứt điểm số lượng hồ sơ còn tồn, hoàn thành trước ngày 31/12/2017; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi khai man, trục lợi chính sách trong việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ cho cựu TNXP. Yêu cầu UBND huyện, thành phố tập trung chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng, ban có liên quan tập trung rà soát đối tượng TNXP hiện đang sinh sống trên địa bàn, hướng dẫn các cá nhân đủ điều kiện lập, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ theo quy định, trước ngày 30/11/2017 phải xử lý dứt điểm các hồ sơ tồn đọng tại địa phương. Cùng với đó, đề nghị Tỉnh đoàn, Hội Cựu TNXH tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các cấp, các ngành trong thẩm định xét, duyệt hồ sơ; thông tin kịp thời khi TNXP từ trần để giải quyết chế độ mai táng phí theo quy định....
* Sáng 16-9, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) long trọng tổ chức buổi gặp mặt truyền thống Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sư đoàn 10 (20/9/1972 - 20/9/2017).
Đến dự buổi gặp mặt truyền thống, về phía tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; A Pớt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Lãnh đạo tỉnh Kon Tum qua các thời kỳ cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương liên quan của tỉnh. Về phía Quân đoàn 3, có đồng chí Thiếu tướng Lê Quang Xuân - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn.
Tại diễn văn ôn lại truyền thống của Sư đoàn, đã nêu: Sau chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh năm 1972, được sự chuẩn y của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, ngày 20/9/1972, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định thành lập Sư đoàn bộ binh 10 tại tỉnh Kon Tum; sự ra đời của Sư đoàn đã đánh dấu bước trường thành mới của khối chủ lực Tây Nguyên, đáp ứng yêu cầu cấp bách của chiến trường trong giai đoạn mới và thể hiện sâu sắc quy luật phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng. Trãi qua 45 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, chặng đường đã qua của Sư đoàn đầy hy sinh gian khổ nhưng cũng chói lọi chiến công, Sư đoàn liên tiếp lập nhiều chiến công lớn, tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, giải phóng một số vùng đồng bằng miền Trung, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và cùng với quân, dân cả nước hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đất nước thống nhất, Sư đoàn tiếp tục trở lại Tây Nguyên làm nhiệm vụ phát động quần chúng, truy quét Phun-rô; tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia; tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc... dù ở đâu, thực hiện nhiệm vụ nào, Sư đoàn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã vinh dự 2 lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tại buổi gặp mặt, các đồng chí nguyên là lãnh đạo, chỉ huy của Sư đoàn và lãnh đạo Quân đoàn 3 đã ôn lại những kỷ niệm, chiến công đã làm nên lịch sử vẻ vang của Sư đoàn.
* Tối 16-9, Bộ CHQS tỉnh tổ chức Lễ phát động thi đua đột kích, với chủ đề: “20 ngày đêm đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thực binh thiết quân luật trong Diễn tập KVPT tỉnh năm 2017″
Tại buổi lễ, đại diện các đơn vị ký kết giao ước thi đua và hứa quyết tâm phát huy truyền thống của LLVT tỉnh Kon Tum anh hùng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo vượt mọi khó khăn, đóng góp sức lực, trí tuệ, tài năng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thực binh thiết quân luật trong Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2017.
* Ngày 18-9, Đoàn kiểm tra số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc" đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo tỉnh về tình hình triển khai Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc" trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả quan trọng, như: qua các buổi tuyên truyền, phát động phong trào, Nhân dân đã cung cấp cho lực lượng chức năng hơn 2.000 nguồn tin có giá trị liên quan đến ANTT; xây dựng được 1.700 tổ ANND, 206 tổ Hòa giải, 123 mô hình quần chúng tham gia ANTT cơ sở, đã có nhiều mô hình hay, hoạt động hiệu quả và đang được nghiên cứu nhân rộng; lực lượng Công an xã và bảo vệ dân phố đang ngày càng hoàn thiện, tăng cường; lực lượng vũ trang và các đoàn thể chính trị xã hội đã tăng cường phối hợp trong việc vận động Nhân dân tham gia phong bảo vệ ANTQ, phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, góp phần tham gia giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trong nhân dân...
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao kết quả thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Bí thư của tỉnh qua các cách làm thiết thực, cụ thể, thực sự mang lại hiệu quả. Đồng chí cũng đề nghị, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong công tác xây dựng phong trào; đánh giá, lựa chọn và nhân rộng các mô hình quần chúng bảo vệ ANTQ có hiệu quả; xác định, lựa chọn địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội cần phải chuyển hóa; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm đảm bảo ANTT, tích cực tham gia phong trào; kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh, phòng chống tội phạm… Đồng chí ghi nhận các kiến nghị của địa phương và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết...
* Sáng 19-9, Đoàn công tác của TAND tỉnh Attapư (Lào) do đồng chí Khăm Sinh-Cay Sỏn Xể Na - Phó Chánh án TAND tỉnh Attapư dẫn đầu đã sang thăm và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động toà án với TAND tỉnh Kon Tum.
Chuyến thăm là dịp để TAND hai cấp tỉnh Kon Tum và Attapư trao đổi kinh nghiệm trong công tác xét xử, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội và người dân. Đồng thời, hai bên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn xét xử, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống và xét xử tội phạm xuyên quốc gia. Qua đó, giúp cho mối quan hệ giữa Tòa án hai tỉnh từng bước phát triển, nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết và mối quan hệ hữu nghị.
Hai bên đều mong muốn trong những năm tiếp theo hai đơn vị tăng cường hơn nữa mối quan hệ giao lưu và trao đổi nghiệp vụ công tác xét xử, ngày càng thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác phát triển...
* Ngày 20-9 tại xã biên giới Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi), Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Lễ ra mắt mô hình điểm “Phụ nữ chung tay cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường”.
Mô hình điểm tại xã Đăk Dục được xây dựng nhằm thu hút đông đảo phụ nữ tham gia hoạt động Hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ trong tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường; đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của Hội phụ nữ cơ sở khu vực biên giới, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, củng cố thế trận lòng dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đây là địa bàn được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chọn làm điểm ở khu vực Tây Nguyên trong việc thực hiện chương trình phối hợp “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo” giai đoạn 2017-2022, do Bộ Tư lệnh và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký kết. Nếu thành công, sẽ triển khai nhân rộng mô hình tại tất cả các xã biên giới của tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
* Sáng 20-9, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum tổ chức trao tặng xe lăn cho người khuyết tật và xe đạp cho học sinh là trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật vươn lên trong học tập. Đây là đợt trao tặng thứ II trong năm 2017.
Dịp này, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh trao 23 xe lăn, trị giá mỗi chiếc 2 triệu đồng cho người khuyết tật tại 04 huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Đăk Hà, Kon Plông. 50 xe đạp, mỗi chiếc trị giá 1,5 triệu đồng được trao cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật của 5 huyện Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông, Sa Thầy, mỗi huyện 10 chiếc. Tổng gía trị xe đạp và xe lăn trao tặng hơn 120 triệu đồng, trích từ nguồn quỹ của Hội và sự đóng góp của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
* Sáng 22-9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Tuy đã có buổi làm việc với UBND huyện Đăk Glei về một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuy đánh giá cao những kết quả huyện đã đạt được trong 09 tháng đầu năm. Đồng thời yêu cầu trong thời gian tới huyện cần tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn làm tốt nhiệm vụ quản lý người và phương tiện ra vào khu vực biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xử lý các hoạt động khai thác vàng trái phép; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, góp phần làm tốt hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
* Chiều 22-9 tại Trường Chính trị tỉnh Kon Tum, Cụm thi đua số 7 các trường chính trị khu vực Tây Nguyên tổ chức Hội nghị Ký kết giao ước thi đua năm học 2017 – 2018.
Tại Hội nghị, các thành viên Cụm thi đua số 7 các trường chính trị khu vực Tây Nguyên đã thảo luận, thông qua quy chế tổ chức, hoạt động và kế hoạch hoạt động của Cụm thi đua trong năm học 2017 – 2018. Đồng thời, thông qua Giao ước thi đua năm học 2017 – 2018 và ký kết giao ước thi đua với chủ đề “Đột phá – Sáng tạo – Chất lượng – Hiệu quả”.
* Sáng 23-9, Hội Hữu nghị Việt – Lào tỉnh Kon Tum tổ chức giao lưu thể thao bóng đá, bóng chuyền giữa lưu học sinh Lào và sinh viên Việt Nam đang học tập trên địa bàn tỉnh nhân Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 2017.
Gần 100 vận động viên là lưu học sinh Lào và sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh tham gia giải giao lưu. Trong đó, 04 đội thi đấu bóng chuyền; gồm 02 đội nam, nữ lưu học sinh Lào và 02 đội nam, nữ sinh viên Việt Nam. Tranh tài bóng đá có 04 đội gồm đội Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, đội Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật tỉnh và 02 đội lưu học sinh Lào đang học tập trên địa bàn tỉnh. Các đội thi đấu theo hình thức đấu loại trực tiếp.
2. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Ngày 15/9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 2513/UBND-THyêu cầu các cơ quan, địa phương đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế xã hội; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính...
Theo đó, Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, như: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức thực hiện những công việc đã được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai từ đầu năm 2017 đến nay nhằm tạo chuyển biến rõ nét và tích cực hơn nữa; Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch của ngành, đơn vị được giao thực hiện trong năm 2017, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đề ra các giải pháp đồng bộ, hiệu quả và tăng cường triển khai thực hiện trong những tháng cuối năm, phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2017; Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, chủ động triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó khi có tình huống cấp bách xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường thanh tra công vụ để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và công tác cán bộ theo quy định, xử lý nghiêm những vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị thuộc phạm vi quản lý để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ Nhân dân; Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng nêu trên.
* Ngày 15/9/2017, UBND tỉnh có Công văn số 2511/UBND-KGVX chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nước sạch và vệ sinh trường học.
Theo đó, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức quản lý, sử dụng các công trình cấp nước sạch, hệ thống nhà vệ sinh chưa tốt; chỉ đạo sửa chữa kịp thời các công trình hư hỏng. Đối với các cơ sở giáo dục chưa có công trình nhà vệ sinh, chưa có công trình cấp nước sạch hoặc hư hỏng không còn khả năng khắc phục cần nhanh chóng sắp xếp các nguồn kinh phí, huy động các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng mới.
Sở Giáo dục và Đạo tạo rà soát, cân đối các nguồn kinh phí, huy động các nguồn lực để khắc phục ngay tình trạng trường học không có nước sạch và nhà vệ sinh không đảm bảo tại các đơn vị trực thuộc.
UBND các huyện, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo thực trạng cơ sở vật chất của từng trường, điểm trường hiện nay đã xuống cấp hoặc thiếu chưa được đầu tư đầu năm học 2017 - 2018 (phòng học, tường rào, cổng, sân, nguồn nước, nhà vệ sinh,...). Từ đó, đề ra các giải pháp khắc phục sớm nhất; ưu tiên giải quyết trước nhà vệ sinh, nguồn nước sạch;...
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị gửi báo cáo về UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 25/9/2017. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/9/2017.
* Ngày 19/9/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 46/2017/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn.
Theo đó, mục tiêu của Đề án đề ra là thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, trọng tâm là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với phát triển du lịch sinh thái, phấn đấu đến năm 2020 duy trì và nâng độ che phủ rừng đạt 63,75%. Sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững. Phấn đấu toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao và cho thuê đối với tổ chức, hộ gia đình cá nhân và cộng đồng dân cư hướng đến cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và làm giàu từ rừng.
Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đã đề ra 6 nhóm giải pháp: Tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư phát triển rừng; sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng; huy động tối đa các nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững và triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2017.
Nguyễn Phi Em (tổng hợp)