Tin tức tổng hợp tuần 1 (tháng 05-2018) 

Tin tức tổng hợp tuần 1 (tháng 05-2018)

Thứ hai - 07/05/2018 06:48
Nhân viên Bưu điện tỉnh tổ chức chụp ảnh, thu thập bổ sung thông tin về các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh để đăng tải lên cổng thông tin điện tử. (nguồn ảnh: baokontum.com.vn)
Nhân viên Bưu điện tỉnh tổ chức chụp ảnh, thu thập bổ sung thông tin về các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh để đăng tải lên cổng thông tin điện tử. (nguồn ảnh: baokontum.com.vn)
1. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Chiều 02-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga chủ trì họp rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo tổ chức Đại hội TDTT các cấp và Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI năm 2018.
Phát biểu kết luận buổi họp, đồng chí Trần Thị Nga yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nội dung báo cáo rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo tổ chức Đại hội TDTT các cấp và Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI năm 2018; phối hợp với Sở Tài chính tính toán, rà soát lại nguồn kinh phí tổ chức Đại hội; thống nhất đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cờ thi đua cho tỉnh Kon Tum sau thành công của Đại hội TDTT cấp tỉnh lần thứ VI năm 2018; tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho kỳ Đại hội; đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen tập thể, đơn vị tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp cơ sở và Đại hội TDTT cấp tỉnh năm 2018.
Đại hội TDTT các cấp được hoàn thành đầu tháng 12/2017. 100% xã, phường, thị trấn  và 10/10 huyện, thành phố tổ chức Đại hội TDTT cùng cấp. Tổng kinh phí đầu tư tổ chức Đại hội TDTT các cấp gần 5,7 tỷ đồng. Trong đó, cấp huyện hơn 2,5 tỷ đồng, cấp xã gần 3,2 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa khoảng 600 triệu đồng. Sau Đại hội TDTT các cấp, 42 công trình thể thao được sửa chữa, đầu tư làm mới với kinh phí hơn 200 triệu đồng. Đại hội TDTT cấp tỉnh lần thứ VI năm 2018  được khai mạc ngày 9/4 và bế mạc chiều 15/4/2018; thi đấu 15 môn thể thao, thu hút gần 1.200 vận động viên đến từ 17 đoàn vận động viên của 10 huyện, thành phố và 7 đơn vị sở, ngành, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang trong tỉnh tham dự, tăng 100 vận động viên so với Đại hội TDTT cấp tỉnh lần thứ V năm 2014.
* Sáng 02-5, Phó chủ tịch UBND TP.Kon Tum Nguyễn Thanh Mân tiến hành kiểm tra thực tế thực trạng người dân đổ rác thải xây dựng, xà bần bừa bãi tại một số điểm trên địa bàn phường Quang Trung, Trường Chinh, Lê Lợi làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quang đô thị.
Theo đó, đã kiểm tra thực địa tại các điểm như khu vực cầu Tân Phú phường Lê Lợi; đường Âu Cơ, Nguyễn Văn Cừ tại phường Quang Trung; đường Trường Chinh đoạn gần Sân vận động tỉnh Kon Tum thuộc phường Trường Chinh.
Trên cơ sở kiểm tra thực địa, thành phố chỉ đạo UBND các phường tăng cường nâng cao quản lý Nhà nước đối với tình trạng đổ rac thải xây dựng bừa bãi, không đúng nơi quy định; cử cán bộ nắm bắt địa bàn, phát hiện và lập biên bản kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, tổ chức phối hợp các lực lượng phối hợp cùng với nhân dân trên địa bàn ra quân dọn dẹp vệ sinh, xử lý dứt điểm xà bần đã tồn tại.
Hiện nay, thành phố Kon Tum đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh trật tự, văn minh đô thị. Do đó, ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền, mỗi người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, chung tay xây dựng thành phố ngày càng sạch, đẹp hơn.
* Ngày 02-5, UBND huyện Đăk Hà tổ chức họp phiên thường kỳ tháng 4 năm 2018. Đồng chí Đoàn Ngọc Thắng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì.
Theo đánh giá, trong tháng 4 năm 2018 tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt trên 195 tỷ đồng; diện tích gieo trồng đạt trên 18.000 ha. Trong đó, diện tích cây hàng năm 1.957 hecta, cây lâu năm 16.287 hecta; Tổng đàn gia súc gần 23.000 con, gia cầm 157.000 con; diện tích nuôi trồng thủy 137 ha, cho sản lượng ước đạt 204 tấn. Về VH -XH, đã chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Triển khai  nhiệm vụ tháng 5, huyện tập trung chỉ đạo các ngành, xã thị trấn hướng dẫn nhân dân thu hoạch cây trồng vụ đông xuân; tăng cường quản lý các cụm công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ; Chỉ đạo các trường chuẩn bị tốt công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng năm học và chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Lĩnh vưc nội chính, đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, an ninh tôn giáo và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng.
* Ngày 03-5, Học viện Chính trị khu vực III phối hợp với Tỉnh ủy tổ chức Lễ bế giảng lớp Cao cấp Lý luận chính trị khóa 12, hệ không tập trung (khóa học 2016 – 2018) tại tỉnh Kon Tum.
Trong thời gian 18 tháng, 90 học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện, thành phố trong toàn tỉnh được nghiên cứu, học tập theo chương trình đổi mới, thống nhất trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; gồm các khối kiến thức cơ bản: Lý luận về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về đường lối, chủ trương của Đảng ta; những vấn đề cơ bản của khoa học hành chính cùng các chuyên đề bắt buộc và tự chọn...
Bằng việc đổi mới phương pháp dạy và học, biến quá trình học tập thành quá trình tự học, tự nghiên cứu; học viên được các giáo viên gợi mở, định hướng nhiều vấn đề trong tư duy lý luận và thực tiễn. Qua đó, giúp học viên nâng cao kiến thức các mặt, nắm vững nguyên lý và phương pháp khoa học nhằm vận dụng sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, xử lý các tình huống công việc, đồng thời rèn luyện phẩm chất đạo đức, phong cách công tác…
Kết thúc khóa học, 100% học viên được cấp Bằng tốt nghiệp Cao cấp Lý luận chính trị; trong đó có 1 học viên đạt loại xuất sắc, 69 học viên đạt loại giỏi và 20 học viên đạt loại khá.
* Sáng 03-5, tại Hội trường Công ty Cao su Kon Tum, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức khai mạc Hội nghị tập huấn công tác phong trào của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh năm 2018. Đồng chí Lưu Duy Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và phát biểu khai mạc.
Tham dự Hội nghị có trên 100 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ chuyên trách phụ trách công tác Phong trào của Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố; Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn; Trưởng ban công tác Mặt trận của các khu dân cư của 8 xã đăng ký về đích xây dựng nông thôn mới năm 2018...
Trong 02 ngày (từ ngày 03 - 04/5/2018), các đại biểu được truyền đạt và thảo luận về các chuyên đề, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; triển khai thực hiện Quy chế Quỹ “Vì người nghèo”, công tác cứu trợ và các chương trình an sinh xã hội; đánh giá kết quả và khen thưởng thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thành lập và hoạt động của Cụm thi đua khối huyện, xã và cụm dân cư; nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp xã; triển khai Đề án đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế...
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, đồng chí Lưu Duy Khanh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị các học viên tập trung nghiên cứu, tiếp thu, nắm bắt những vấn đề cơ bản của các nội dung trong các chuyên đề tập huấn. Mong muốn các học viên sẽ vận dụng tốt giữa lý luận và thực tiễn, sáng tạo trong công việc, thực hiện tốt vai trò, vị trí, chức năng của Mặt trận ở cấp mình; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào quần chúng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần đ­ưa công tác Mặt trận lên tầm cao mới trong giai đoạn hiện nay.
* Chiều 03-5, tại Hội trường Trung tâm hành chính huyện, Huyện ủy Ngọc Hồi phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức Lễ bế giảng lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính khóa 55 hệ tại chức, năm học 2017-2018 mở tại huyện.
Sau 6 tháng thực học, 70 học viên tham gia lớp học đã hoàn thành toàn bộ chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 7 phần học, 1056 tiết thực học bao gồm các nội dung: Lý luận Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những vấn đề cơ bản về Đảng cộng sản, Lịch sử Đảng cộng sản Việt nam; hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa, quản lý hành chính nhà nước; đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội; một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở;  kỹ năng nghiệp vụ công tác Đảng, công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở; tình hình, nhiệm vụ địa phương…
Kết thúc khóa học, 70 học viên đã hoàn thành nội dung chương trình khóa học và được nhận bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị-   hành chính, trong đó có 16 học viên xếp loại Khá, chiếm 22,9%; 54 học viên xếp loại Trung bình, chiếm 77,1% và 8 học viên được nhận Giấy khen của Hiệu trưởng nhà trường vì có thành tích cao trong học tập và rèn luyện.
* Ngày 03-5, UBND huyện Sa Thầy tổ chức họp phiên thường kỳ tháng 4 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KTXH, đảm bảo QPAN, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của UBND huyện trong tháng 4 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ tháng 5 năm 2018. Đồng chí Nguyễn Hữu Thạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì phiên họp. 
Trong tháng 4, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu, kế hoạch đề ra. Vận động nhân dân chăm sóc 670 ha lúa Đông xuân, hơn 16.600 héc ta cây lâu năm. Chủ động các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.  Đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, tại bộ phận một cửa tiếp nhận 619 hồ sơ, đã giải quyết 493 hồ sơ, còn lại đang tiếp tục giải quyết, đảm bảo đúng thời gian quy định. Chỉ đạo tăng cường biện pháp duy trì sỹ số học sinh, tỷ lệ chuyên cần trung bình đạt khoảng 95%. Hoàn thành tham gia Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VI, kết quả đã giành được 9 huy chương các loại.
Kết luận tại phiên họp đồng chí Nguyễn Hữu Thạnh - PCT UBND huyện yêu cầu các địa phương vận động nhân dân  tập trung thu hoạch diện tích lúa Đông Xuân, chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất vụ mùa. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ của nhà nước. Tăng cường các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, xâm canh, khai thác vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật…
* Sáng 03-5, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo đánh giá mô hình giống lúa Đài thơm 8 tại xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum.
Trước khi tham dự Hội thảo, các đại biểu đã tham quan mô hình trồng lúa Đài thơm 8 của gia đình ông Lê Tự Đích ở thôn 7, xã Đoàn Kết. Lúa Đài thơm 8 là giống lúa thuần chất lượng, tiềm năng năng suất cao do Công ty Cổ phần Giống miền Nam chọn tạo. Giống lúa Đài thơm 8 thích hợp trồng cả 2 vụ, vụ mùa và vụ đông xuân; đã được trồng tại địa bàn tỉnh Kon Tum từ năm 2016. Giống lúa thích hợp với loại  đất chân vàn, vàn cao; thời gian sinh trưởng từ 100 đến 130 ngày tùy vào khu vực sản xuất; năng suất trung bình từ 70-75 tạ/1ha; hạt gạo dài khoảng 6,7 mm, dẻo, thơm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tại Hội thảo, đại diện Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương đã hướng dẫn bà con nông dân qui trình kỹ thuật gieo trồng giống lúa Đài thơm 8 và cách lựa chọn, sử dụng phân bón cũng như cách phòng trừ sâu bệnh để đạt năng suất cao.
* Ngày 05-5, tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, Bưu điện tỉnh Kon Tum tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa và ra quân thực hiện đề án xây dựng cổng thông tin điện tử tra cứu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Đến dự có lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động thương bình và Xã hội và đông đảo cán bộ, công nhân viên Bưu điện tỉnh.
Hiện nay, cả nước vẫn còn khoảng trên 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, còn đang nằm rải rác ở các tỉnh phía nam và ở nước bạn Lào, Campuchia…Ngoài ra, cả nước có trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin, chưa xác định được tên tuổi, quê quán. Riêng tại tỉnh Kon Tum, hàng nghìn liệt sĩ vẫn chưa xác định được thông tin…
Vì vậy, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Cổng thông tin điện tử tra cứu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ và giao cho Bộ Thông tin và Truyền Thông (mà cụ thể là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) phối hợp Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội triển khai.
Thực hiện chủ trương đó, tại tỉnh ta, Bưu điện Kon Tum tổ chức ra quân thực hiện đề án ngay tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh - nơi an nghỉ của 2.079 anh hùng liệt sĩ, dâng hương, dâng hoa, bày tỏ lòng thành kính của thế hệ trẻ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương hiến dâng cả tuổi thanh xuân và xương máu của đời mình cho nền độc lập, tự do cho dân tộc, mang lại hạnh phúc muôn đời cho đất mẹ Việt Nam…
Sau lễ ra quân, nhân viên Bưu điện tỉnh đã tổ chức đi chụp ảnh tất cả các ngôi mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và sau đó sẽ cử nhân viên đi tất cả các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh chụp ảnh, thu thập bổ sung thông tin về các liệt sĩ để đăng tải lên cổng thông tin điện tử.
Đây là nghĩa cử tri ân đối với những người đã hy sinh thân mình vì đất nước, tạo điều kiện cho nhân dân và thân nhân tiếp cận thông tin nhanh nhất, giúp cho thân nhân các liệt sĩ bớt khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân, góp phần làm vơi đi nỗi đau chiến tranh…
2. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Ngày 26/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 214/QĐ-UBND về việc thanh tra công tác tổ chức, cán bộ năm 2018.
Theo đó, sẽ tổ chức thanh tra việc thực hiện các quy định về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý tại 10 đơn vị, gồm Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà, Ủy ban nhân dân huyện Sa Thầy, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý các Khu kinh tế tỉnh và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2016 đến thời điểm thanh tra. Thời gian thanh tra dự kiến bắt đầu trong tháng 5/2018.
Đồng thời, thành lập Đoàn thanh tra gồm 06 thành viên do ông A Cường - Giám đốc Sở Nội vụ làm Trưởng đoàn. Đoàn thanh tra được sử dụng con dấu của Sở Nội vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra và kiến nghị hình thức xử lý đối với các sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
* Ngày 27/4/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1044/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 22-01-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước (BMNN) trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo về tăng cường công tác bảo vệ BMNN trên địa bàn tỉnh, như: Nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động lợi dụng sơ hở để lấy cắp, chiếm đoạt BMNN của các thế lực thù địch cho tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân; gắn trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ BMNN, xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của cơ quan, đơn vị, địa phương.Tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn BMNN và thực hiện tốt công tác bảo vệ BMNN. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý... làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động thu thập, lấy cắp, chiếm đoạt BMNN của các thế lực thù địch, tội phạm và phần tử xấu; chủ động đề ra các biện pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để kẻ địch, phần tử xấu lợi dụng chống phá.
Nội chính của Kế hoạch tập trung các công tác: Tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo vệ BMNN trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; lựa chọn cán bộ có đủ tiêu chuẩn làm việc tại các bộ phận trọng yếu, cơ mật; rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ BMNN. Tổ chức tập huấn về công tác bảo vệ BMNN cho lãnh đạo, cán bộ, viên chức, công chức, đảng viên của các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan, đơn vị trọng điểm, có nhiều BMNN.
Triển khai rà soát, xây dựng Danh mục BMNN, Khu vực cấm - Địa điểm cấm để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện quy chế bảo vệ BMNN; quy chế sử dụng thiết bị lưu trữ, thiết bị thông tin liên lạc quy chế công tác văn thư, lưu trữ... cho phù hợp tình hình mới. Tăng cường bảo vệ BMNN trong ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng Internet; nghiên cứu giải pháp để quản lý tốt và bảo mật trang thông tin, cổng thông tin điện tử; chủ động triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống mạng thông tin; kịp thời cảnh báo, trao đổi nguy cơ lộ, lọt BMNN, lỗ hổng bảo mật.
Tổ chức tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ hoặc đột xuất) về an ninh an toàn các máy tính, thiết bị, hệ thống thông tin và về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN của các cơ quan, đơn vị. Tổ chức công tác phòng ngừa nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các vụ việc lộ, lọt, mất BMNN để triển khai ngay những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra; đồng thời phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương nắm tình hình, điều tra, truy xét, truy tìm, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật để giáo dục, răn đe.
Đầu tư, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để kiểm soát thông tin, phòng chống lộ, lọt, mất BMNN (nhất là tại các bộ phận trọng yếu, cơ mật); đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả các trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tế công tác bảo vệ BMNN.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm cứ quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về công tác bảo vệ BMNN; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các nội dung đã đề ra tại Kế hoạch; chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức tiến hành công tác kiểm tra (định kỳ hoặc đột xuất) về an ninh an toàn các máy tính, thiết bị, hệ thống mạng thông tin.
Căn cứ vào quy mô, tính chất hoạt động thực tế của đơn vị, xem xét quyết định thành lập Tổ bảo mật, bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công tác bảo vệ BMNN tại cơ quan, đơn vị; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xem xét thành lập Ban chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN ở địa phương.
* Ngày 27/4/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1050/UBND-NNTN chỉ đạo triển triển khai thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 của Chính phủ về việc phát triển ngành nghề nông thôn.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về làng nghề, ngành nghề nông thôn tại địa phương theo quy định.
Quản lý việc công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống; hướng dẫn cụ thể về tiêu chí bản sắc văn hóa dân tộc đối với các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống để xem xét, công nhận; rà soát, lập danh sách làng nghề được công nhận gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp, theo dõi; thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề; đầu tư, nâng cấp các hạng mục công trình xử lý chất thải cho làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn. Phổ biến, tuyên truyền chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện các chương trình, đề án, dự án hoặc các hoạt động có liên quan đến phát triển ngành nghề nông thôn tiếp cận các nguồn lực, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện quản lý nhà nước đối với làng nghề, ngành nghề nông thôn. Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn địa phương theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát các văn bản quy định của địa phương phù hợp với quy định tại Nghị định này; xây dựng, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, quy định mức chi và bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương hàng năm để hỗ trợ đầu tư phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn.
Phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, quy hoạch phát triển, bảo vệ môi trường làng nghề, ngành nghề nông thôn và định hướng bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; định kỳ 5 năm một lần, rà soát, thống kê, phân loại, lập quy hoạch (hoặc kế hoạch quản lý) phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí phát triển ngành nghề nông thôn gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp vào phương án phân bổ ngân sách, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định liên quan.
Định kỳ hoặc đột xuất, tổng hợp báo cáo kết quả về phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng, tổng hợp dự toán kinh phí phát triển ngành nghề nông thôn vào dự toán ngân sách hàng năm của địa phương, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. Ngoài nguồn kinh phí bố trí trực tiếp thực hiện chính sách này, các địa phương có trách nhiệm bố trí, cân đối thêm từ các nguồn kinh phí các chương trình, dự án khác và nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất kết quả về phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
* Ngày 27/4/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1049/UBND - NNTN về việc thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2018.
Theo đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở địa phương... Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2018 theo quy định hiện hành; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các tiểu dự án và dự án gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp, báo cáo kế hoạch các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2018 về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Lồng nghép các nguồn vốn khác đang triển khai các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn theo quy định.
* Ngày 27/4/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1048/UBND –NNTN về tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh Dại năm 2018. Theo đó, yêu cầu:
Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện số 2704/CĐ-BNN-TY ngày 10 tháng 4 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôntiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh dại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2017 và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 753/UBND-KGVX ngày 30 tháng 3 năm 2018 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan phát động tháng cao điểm phòng chống bệnh Dại, bắt đầu từ ngày 25 tháng 4 năm 2018 đến hết tháng 5 năm 2018 với các nội dung trọng tâm là quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó trên địa bàn tỉnh; Tổ chức đợt cao điểm tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó nuôi (kể cả mèo), bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thường xuyên tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin Dại để duy trì tỷ lệ miễn dịch quần thể, ngăn ngừa bệnh Dại phát sinh và lây lan trên đàn chó nuôi.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp phòng, chống bệnh Dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý. Vận động hướng dẫn người bị chó cắn, mèo cào… đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng kịp thời.
Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình, thực hiện xích, nhốt, rọ mõm chó nuôi theo đúng quy định để ngăn ngừa, giảm thiểu các trường hợp chó cắn người, giảm thiểu nguy cơ chó nhà bị chó Dại tấn công. Tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư và số chó nuôi trong từng hộ gia đình để quản lý, đồng thời hỗ trợ công tác tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó nuôi. Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm vắc xin Dại theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ; xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp phòng, chống bệnh Dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại. Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng và “cộng đồng chung tay phòng chống bệnh Dại”; tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý. Vận động hướng dẫn người bị chó cắn, mèo cào… đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng kịp thời.
* Ngày 02/5/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 440/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá khởi điểm của 25 điểm mỏ để đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2018 (đợt 1).
Theo đó, giá khởi điểm đối với điểm mỏ chưa thăm dò, phê duyệt trữ lượng được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) theo quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 19/11/2016 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 54/2014/BTNMT-BTC ngày 09/9/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính. Mức giá khởi điểm trên chưa bao gồm chi phí khảo sát thăm dò, đánh giá trữ lượng; chi phí lập hồ sơ khai thác mỏ sau khi trúng đấu giá; các loại thuế, phí, lệ phí và các chi phí khác có liên quan.
Về dự toán Đề án thăm dò khoáng sản hoặc tổng vốn đầu tư Dự án đầu tư khai thác khoáng sản: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan căn cứ suất đầu tư thực tế khi thăm dò loại khoáng sản đấu giá ở khu vực chưa có kết quả thăm dò hoặc suất đầu tư thực tế khi khai thác loại khoáng sản đấu giá ở khu vực đã có kết quả thăm dò trong điều kiện tương tự để tính toán, quyết định và công bố, làm cơ sở đánh giá về tiêu chí vốn chủ sở hữu của tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản khi xét chọn hồ sơ tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
UBND tỉnh giao Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum  phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường xác định tiền đặt trước, bước giá cho phiên đấu giá và tổ chức đấu giá theo quy định hiện hành.
 
Nguyễn Phi Em (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

TÀI LIỆU

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 78 năm Ngày hy sinh của Đồng chí Phan Văn Khoẻ, nguyên Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ

Lượt xem:278 | lượt tải:48

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng

Lượt xem:1010 | lượt tải:176

KH.130.TU

về tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) của Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ IV-năm 2024

Lượt xem:27 | lượt tải:11

QĐ.1084.TU

thành lập Ban Tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) của Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ IV – năm 2024.

Lượt xem:23 | lượt tải:9

CV.2260.BTGTU

V/v hưởng ứng, tuyên truyền Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024

Lượt xem:167 | lượt tải:51

TÀI LIỆU

giao ban báo chí tháng 02-2024

Lượt xem:164 | lượt tải:40

TÀI LIỆU

gửi kèm Công văn số 2246.BTGTU về phổ biến CT, NQ tháng 02-2024

Lượt xem:253 | lượt tải:125


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập66
  • Thành viên online1
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay5,044
  • Tháng hiện tại334,133
  • Tổng lượt truy cập29,868,310
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây